Monday, September 9, 2024

ĐTTG-I C-2-Đối tượng chung của mọi tôn giáo là Thực Tại Tuyệt Đối

 

Chương 2

 

Đối tượng chung của mọi tôn giáo là Thực Tại Tuyệt Đối

 

Thực Tại Tuyệt Đối chỉ có một,
nhưng được gọi tên và quan niệm cách khác nhau

Chân Lý Tối Thượng mà tôn giáo nào cũng nhắm tới, ta tạm gọi là «Thực Tại Tuyệt Đối». Sở dĩ phải «tạm gọi» như thế là vì trong kho tàng ngôn ngữ - vốn mang tính nhị nguyên - của con người, không có từ ngữ nào có thể diễn tả được cái mà ta tạm gọi là «Thực Tại Tuyệt Đối» ấy. Gọi «Thực Tại» ấy là một thực tại, thì e rằng ta mới chỉ nói lên khía cạnh «thực» của thực tại ấy. Nói «Thực Tại» ấy là «Tuyệt Đối» thì cũng chỉ nói được khía cạnh «tuyệt đối» của thực tại ấy thôi. «Thực Tại» ấy không phải là thực, là tuyệt đối theo cách hiểu hạn hẹp của ta, hay theo những ý niệm do từ ngữ «thực» «tuyệt đối» ấy gợi lên. Ta tạm gọi là «Thực Tại Tuyệt Đối» vì đối với hầu hết các tôn giáo, danh từ ấy tương đối có thể chấp nhận được.

«Thực Tại Tuyệt Đối» ấy chỉ có một, nhưng mỗi tôn giáo lại gọi bằng những tên khác nhau: Kitô giáo gọi là Thiên Chúa, Đức Chúa Trời; Phật giáo gọi là Chân Như Phật tính, Tâm; Ấn Độ giáo gọi là Đại Ngã (Brahman); Đạo giáo (của Lão Tử) gọi là Đạo; Cao Đài giáo gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Cao Đài; người bình dân gọi là Thượng Đế hay Ông Trời… Tất cả những tên đó, không có tên nào hoàn toàn xứng hợp với Thực Tại ấy cả. Mỗi tên chỉ diễn tả một khía cạnh đặc thù nào đó của Thực Tại ấy thôi.

Mỗi tôn giáo lại quan niệm thực tại ấy theo những cách thức rất khác nhau, tùy theo nền văn hóa và triết lý nền tảng mà họ dùng để quan niệm thực tại. Thực Tại ấy, tôn giáo này quan niệm là hữu ngã, tôn giáo khác lại quan niệm là vô ngã. Tôn giáo này quan niệm Thực Tại ấy tạo dựng nên muôn loài vạn vật và khác biệt với muôn loài vạn vật, tôn giáo kia quan niệm Thực Tại ấy bản thể hay nền tảng bất biến của vũ trụ vạn vật, là một với vũ trụ vạn vật, nghĩa là biến hiện thành vũ trụ vạn vật chứ không phải tạo dựng nên vũ trụ vạn vật… Tất cả mọi cách quan niệm về Thực Tại ấy, không một cách nào quan niệm một cách toàn diện Thực Tại hết sức phong phú và đa diện ấy được. Quan niệm nào cũng chỉ là một cái nhìn phiến diện về Thực Tại ấy thôi. Và những quan niệm phiến diện ấy thường bổ túc cho nhau hơn là bài trừ lẫn nhau.

Những tên khác nhau, và những quan niệm khác nhau đi liền với mỗi tên đó, đều quy về chỉ một Thực Tại duy nhất, vì tôn giáo nào cũng quan niệm Thực Tại đó là duy nhất, tuyệt đối, bất biến, vô cùng, siêu việt, siêu nghiệm, không thể nghĩ bàn, là nền tảng duy nhất cho mọi thực tại tương đối, biến đổi và hữu hạn. Đó là những thuộc tính căn bản nhất của mà mọi tôn giáo đều có thể tạm thống nhất với nhau về Thực Tại ấy. Như vậy, chân tính của Thực Tại ấy vẫn có thể tạm xác định được bất chấp người ta quan niệm khác nhau về Thực Tại ấy.

Ngôn ngữ con người bị hạn chế, không có khả năng diễn tả về Thực Tại Tối Hậu

Sở dĩ tôi phải dùng chữ «tạm», vì chúng ta đang dùng ngôn từ của con người để diễn tả về một Thực Tại vốn vượt khỏi mọi ngôn ngữ, mọi ý niệm của con người. Tất cả mọi từ ngữ và ý niệm của con người đều mang tính đơn diện, tĩnh, nhị nguyên ([1]). Trong khi đó, mọi thực tại đều đa diện, luôn biến động hay biến đổi, và mang tính nhất nguyên.

Xin dùng một minh họa cho dễ hiểu:

Thực tại trong vũ trụ thì có nhiều chiều kích, mầu sắc và luôn luôn biến động. Nhưng để diễn tả thực tại, ngôn ngữ con người giống như một máy chụp ra hình trắng đen. Khi chụp một vật, một cảnh, thì hình chụp ra đúng là hình của vật ấy, cảnh ấy, và nhờ đó người ta có thể tạm hình dung ra vật ấy, cảnh ấy, vì nó ghi lại rất trung thực và khách quan nhưng chỉ trong khả năng của nó những gì mà vật ấy hay cảnh ấy hiện ra. Nhưng thử hỏi vật ấy, cảnh ấy có hoàn toàn giống y hệt như hình của nó không, thì ta phải nói là không vì nhiều lý do sau:

– Vật hay cảnh ấy có nhiều màu sắc khác nhau chứ không chỉ có một màu trắng hoặc đen như trong hình chụp. Đó là chưa nói tới những màu sắc mà ngay cả mắt con người cũng không nhìn thấy, như màu hồng ngoại và những màu phát ra tần số cao hơn màu đỏ, hoặc màu cực tím và những màu phát ra tần số thấp hơn màu tím. Những màu này tuy con người không thấy được, nhưng có những con vật thấy được, hoặc nhiều loại máy chụp tối tân có thể chụp được, như loại Kirlian camera có thể chụp được năng lượng hay hào quang tỏa ra chung quanh mỗi người.

– Vật hay cảnh ấy có cả một bề dày và bề sâu của nó. Người bình thường nào cũng có thể hình dung ra 3 chiều của nó (ngang, dọc, sâu), chưa nói tới những chiều khác nữa mà người có trình độ cao có thể nghĩ tới. Còn hình chụp chỉ là một tờ giấy mỏng tanh với hai chiều (ngang, dọc) mà thôi. Chỉ dùng hai chiều ngang, dọc để diễn tả chiều sâu thì quả thật là rất giới hạn.

– Vật hay cảnh có thể nhìn ở nhiều góc độ khác nhau để được thấy theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn một cách đơn giản, nếu vật ấy là một vòng tròn, thì khi nhìn đối diện ta thấy nó tròn; khi nhìn xéo ở nhiều mức khác nhau ta thấy những hình ellip có các biên độ khác nhau; khi nhìn ngang ta thấy nó thành một đoạn thẳng. Còn hình chụp thì chỉ diễn tả được một cách nhìn về vòng tròn ở một vị thế duy nhất nào đó mà thôi.

– Vật hay cảnh còn đang thay đổi theo thời gian và di chuyển trong không gian. Còn hình chụp thì cố định, bất biến, vì thế, khi vừa chụp xong thì vật hay cảnh ấy không còn như trong ảnh nữa, mà đã trở nên khác đi rồi. Ảnh chụp tôi lúc 8 tuổi không còn giống với tôi trong hiện tại – hơn 50 tuổi – mặc dù vẫn là ảnh của tôi.

– Vật hay cảnh còn phát ra âm thanh, mùi, vị, nhiệt độ mà hình chụp không thể ghi nhận được. Hình chụp cũng không thể ghi lại đúng độ lớn của vật hay cảnh, trừ tỷ lệ về độ lớn giữa những gì nó ghi nhận được.

Ngôn ngữ hay ý niệm cũng tương tự như hình chụp, nó diễn tả thực tại một cách hết sức thiếu sót. Không thể nói bất kỳ một ý niệm nào về một thực tại hoàn toàn tương ứng với thực tại ấy được, nhất là khi nói đến những ý niệm về Thực Tại Tối Hậu, là thực tại hoàn toàn vượt khỏi mọi kinh nghiệm của con người. Thật là ngây ngô khi ta cho một ý niệm cố định nào đó về Thực Tại Tối Hậu lại có thể bao trùm hết Thực Tại ấy, cũng như cho một hình chụp của một vật hay cảnh nào đó bao trùm được hết vật hay cảnh ấy. Nếu chủ trương rằng một ảnh chụp không thể bao trùm hết được vật hay cảnh mà nó ghi nhận, ta mới dễ chấp nhận những ảnh chụp khác với nó cũng có thể là ảnh chụp của chính vật hay cảnh ấy. Cũng vậy, khi cho rằng ý niệm của ta không thể bao trùm hết Thực Tại Tối Hậu, thì ta mới dành chỗ đứng cho những ý niệm khác về Thực Tại Tối Hậu của các tôn giáo khác được.

Những đặc tính chung được gán cho Thực Tại Tối Hậu chỉ là «gượng dùng» hay «tạm dùng»

Những đặc tính chung mà ta vừa nghĩ và gán cho Thực Tại Tối Hậu chỉ có tính tạm dùng hay gượng dùng mà thôi, vì không có những từ ngữ hay ý niệm nào khác nhau hơn. Thật vậy, khi nói về Đạo – từ ngữ mà Lão Tử gượng dùng để chỉ Thực Tại Tối Hậu – Lão Tử viết: «Ta không biết tên, gọi đó là Đạo, gượng cho là Lớn» (Đạo Đức Kinh, ch. 25, b). «Gượng cho là Lớn» có nghĩa là nói là «Lớn» thì cũng không chính xác. Vì như Ấn Độ giáo diễn tả về Brahman (Đại Ngã): «Nó lớn đến nỗi cả vũ trụ bao la cũng không chứa nổi nó, nhưng nó cũng nhỏ đến nỗi có thể được chứa trọn vẹn trong một hạt bụi nhỏ nhất của trần gian». Khi nói về Chân Như hay Phật tính, thì Phật cho rằng Nó «bất nhất bất dị» (nghĩa là không là một mà cũng không khác với vũ trụ vạn vật), «bất thường bất đoạn» (không liên tục mà cũng không gián đoạn)… Những ý niệm mâu thuẫn nhau này chỉ trở nên dễ hiểu được khi thực tại được quan niệm là đa diện, biến động và nhất nguyên mà thôi ([2]).

Những người đòi hỏi sự chính xác của ngôn ngữ thì không thể chấp nhận những đặc tính nêu trên là căn bản và chung cho mọi quan niệm về Thực Tại Tối Hậu trong các tôn giáo. Chẳng hạn trong các tôn giáo Á châu, có những tín đồ không chấp nhận áp dụng từ «tuyệt đối» cho Thực Tại Tối Hậu. Họ cho rằng tuyệt đối và tương đối là hai hạn từ nương nhau mà có: ý niệm «tuyệt đối» phát sinh là do so sánh với những gì tương đối, nên cả hai đều là tương đối. Do đó Thực Tại Tối Hậu phải là cái gì vượt lên trên cả tuyệt đối lẫn tương đối. Và cũng tương tự như thế đối với các hạn từ khác như «vô cùng», «bất biến», v.v… Vì thế, trong ngôn ngữ con người, không có một từ nào thích hợp cho Thực Tại Tối Hậu cả.

Thật ra, tất cả những từ gượng dùng trên đều là những ý niệm phát xuất từ kinh nghiệm của con người, tạm gán cho Thực Tại Tối Hậu để có thể tạm nói về thực tại ấy. Nếu không như thế thì không thể nói gì được về thực tại ấy. Vì Thực Tại Tối Hậu thì chẳng những siêu việt mà còn siêu nghiệm, hoàn toàn không tương ứng với bất kỳ kinh nghiệm nào của con người. Minh họa về ánh sáng và màu sắc đối với những người mù bẩm sinh sau đây giúp ta dễ hiểu vấn đề hơn.

một bộ lạc sống tại một thung lũng cô lập nọ, trong đó, tất cả mọi người trong bộ lạc đều bị bệnh mù di truyền bẩm sinh. Do đó họ mù từ thế hệ này sang thế hệ kia, và không biết mù từ đời nào. Họ không giao thiệp với bộ lạc nào khác, và không bộ lạc nào khác giao thiệp với họ. Họ không bao giờ được nghe nói tới ánh sáng và màu sắc, nên không hề có một ý niệm nào về ánh sáng và màu sắc cả. Cho tới một ngày kia, có một người sáng mắt tình cờ tới thung lũng đó. Anh ta muốn nói về ánh sáng và màu sắc cho họ, nhưng tất cả những ý niệm nào của anh liên quan đến ánh sáng và màu sắc, dùng để mô tả thực tại ấy, thì họ đều không sao hiểu nổi. Còn tất cả những gì họ có thể quan niệm nổi thì đều không phù hợp để tạo nên một ý niệm đúng đắn về ánh sáng và màu sắc.

Khi nói về mầu xanh chẳng hạn, vì họ không hiểu được, nên họ hỏi ngược lại anh: mầu ấy có giống như cảm giác nhẵn hay nhám, gồ ghề hay phẳng, lạnh hay nóng… mà họ đã từng kinh nghiệm được không? Mầu ấy có giống như tiếng chim hót hay như tiếng suối chảy không? Nó có giống như vị ngọt hay đắng, hay mặn, hay chua? v. v… Anh sẽ phải trả lời không cho tất cả mọi câu hỏi của họ. Vì mầu xanh hoàn toàn là một cái gì siêu nghiệm đối với người chỉ có bốn giác quan không phải là thị giác. Không có một cách diễn tả nào tương ứng với bốn giác quan ấy lại có thể phù hợp với mầu xanh. Ánh sáng và mầu sắc hoàn toàn nằm ngoài những ý niệm của những người mù bẩm sinh kia thế nào, thì Thực Tại Tối Hậu cũng hoàn toàn nằm ngoài những ý niệm của con người như vậy.

Nếu phải dùng những ý niệm nghèo nàn của họ để diễn tả về ánh sáng và màu sắc, anh cảm thấy hầu như hoàn toàn bất lực. Tuy nhiên, vì phải thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của họ về ánh sáng và màu sắc, anh cũng phải tạm cho họ một ý niệm hết sức thô thiển và sơ sài về ánh sáng và màu sắc dựa vào những kinh nghiệm thiếu thốn mà họ đang có. Chẳng hạn ánh sáng tựa như những tia nước nhỏ bắn ra từ một nguồn nước. Còn màu sắc tương tự như điều con người cảm nhận được khi những tia nước đó đụng chạm đến một vật nào đó. Khi tạm diễn tả một cách nghèo nàn như vậy, anh phải lưu ý họ rằng ánh sáng một phần rất nhỏ tương tự như vậy chứ không phải như vậy. Ý niệm nghèo nàn anh cố tạo ra cho họ ấy về ánh sáng và màu sắc so với ý niệm thực tế của anh thì chỉ đúng bằng 1/100 hay 1/1000. Sự chênh lệch quá lớn ấy không phải do anh không muốn cho họ biết, mà vì khả năng ngôn ngữ và những ý niệm có sẵn của họ không thể tương ứng được với thực tại ấy.

Thực Tại Tuyệt Đối là cứu cánh chung, và là trọng tâm của mọi tôn giáo

Dù quan niệm về Thực Tại ấy có khác nhau, nhưng không tôn giáo nào lại không lấy Thực Tại Tuyệt Đối duy nhất ấy làm cứu cánh và làm trọng tâm cho mọi sinh hoạt của mình. Kitô giáo lấy Thiên Chúa làm đối tượng tôn thờ và cứu cánh cho hiện hữu mình. Phật giáo lấy việc thực nghiệm được Chân Như Phật tính nơi chính bản thân cũng như nơi ngoại vật làm đối tượng giác ngộ hay kiến tính và coi đó là nguồn giải thoát. Ấn Độ giáo coi việc thực hiện hiệp nhất với Brahman (Đại Ngã) làm mục đích của đời sống tâm linh và là cứu cánh của con người. V.v…

Nhờ đối thoại và trao đổi với các tôn giáo khác, ta sẽ hiểu về Thực Tại Tuyệt Đối duy nhất vốn đa diện ấy một cách đầy đủ hơn, nhiều mặt hơn, dưới nhiều góc độ hơn, và có thể có nhiều kinh nghiệm phong phú về Thực Tại ấy hơn. Tương tự như các nhà chuyên môn, nhà nào cũng chỉ thấy được một vài khía cạnh của vấn đề thôi, nhưng nhờ trao đổi và đối thoại với những nhà chuyên môn khác, họ mới hiểu vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện hơn. Như chúng ta vẫn có dịp kinh nghiệm, quan điểm của các nhà chuyên môn trong các lãnh vực khác nhau thường rất khác biệt nhau, thậm chí mâu thuẫn có vẻ như không thể dung hòa nhau được. Thật khó mà tin tưởng được rằng các nhà xã hội học, tâm lý học, y học, thống kê học, nông học, triết gia, thần học gia… thuộc đủ mọi ngành lại có thể quan niệm giống nhau về một vấn đề nào đó ngay từ đầu, trước khi ngồi lại với nhau để trao đổi và bổ túc nhau để cùng thống nhất quan điểm.

Nếu chỉ biết «qua loa» quan điểm của nhau, chắc chắn họ không thể đồng ý với nhau được, vì có những quan niệm của người khác ngược hẳn lại quan niệm của mình. Nhưng khi trao đổi với nhau một cách chân thành với mục đích tìm hiểu nhau, họ mới thấy được sự hợp lý của nhau, mới nhận ra rằng có rất nhiều cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề dù rất nhỏ và giới hạn ấy, và tất cả những cách nhìn đó đều đúng, nhưng mỗi cách chỉ đúng trong một vài khía cạnh nào đó của vấn đề mà thôi.

Một vấn đề nhỏ hẹp và giới hạn mà người ta còn có nhiều cách nhìn khác nhau như thế, và cách nào cũng đều phiến diện như thế, lẽ nào một thực tại vô cùng to lớn, vô cùng phong phú và đa diện, vượt khỏi khả năng kinh nghiệm của con người, lại chỉ có duy nhất một cách nhìn, một cách quan niệm là đúng mà thôi? Và lẽ nào quan niệm đó lại bao trùm được hết một thực tại vô cùng to lớn như thế? Một mảnh vải nhỏ có thể che kín được cả đại dương chăng? Muốn che kín được đại dương, phải có hàng tỷ tỷ mảnh vải như thế!

Như vậy, muốn hiểu biết về Thực Tại Tuyệt Đối vô cùng phong phú kia, nếu chỉ biết có quan điểm của tôn giáo mình và tự mãn về quan điểm ấy thì có hợp lý không? Cần phải tìm hiểu những quan điểm khác nữa, không phải chỉ quan điểm của các tôn giáo mà thôi, mà phải tìm hiểu cả những quan điểm phi tôn giáo nữa. Kết quả của việc đối thoại chân thành ấy là các tín hữu trong bất kỳ tôn giáo nào cũng cảm thấy quan niệm của mình về Chân Lý cần được bổ túc bởi các tôn giáo khác. Sự cần lẫn nhau ấy sẽ nẩy sinh lòng yêu thương nhau, sự đoàn kết và hợp tác với nhau để xây dựng những thiện ích chung. Một viễn cảnh tốt đẹp như thế chẳng phải là ý muốn của Thiên Chúa, Đấng muốn cho mọi người hiệp nhất với nhau sao?

Không phải mọi tôn giáo đều tôn thờ ngẫu tượng

Trước Công Đồng Vatican II, Kitô giáo không chấp nhận các tôn giáo khác vì cho rằng các tôn giáo ấy tôn thờ ngẫu tượng, nghĩa là thờ một vị thần minh nào đó khác với Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối và duy nhất. Thời ấy, trong sách giáo lý và trong một số kinh nguyện Công Giáo ở nước ta, có thành ngữ «thờ Bụt, thần, ma, quỉ» để áp dụng cho hầu hết các tôn giáo không phải là Kitô giáo. Trong thành ngữ đó, «Bụt» - phiên âm cổ trong tiếng Việt của từ «Buddha», tức Đức Phật - đã bị người Kitô hữu xếp cùng một «catêgôri» với các tà thần và ma quỉ.

Quan niệm như thế chứng tỏ thời đó chúng ta không hề biết chính xác về các tôn giáo lớn của thế giới, và đã tiên thiên đồng hóa mọi tôn giáo với một số tôn giáo nhỏ ở vùng Palestine mà Kinh Thánh Cựu Ước kết án là tôn thờ ngẫu tượng. Coi tất cả các tôn giáo – dù lớn hay nhỏ – hễ khác với mình thì đều là «cá mè một lứa» với những tôn giáo thấp kém mà mình đã biết, thì đó không phải là việc làm minh triết. Việc tìm hiểu các tôn giáo lớn tại Á châu cho thấy: đối tượng của các tôn giáo ấy không phải là những ngẫu tượng mà Do Thái giáo và Kitô giáo ghê tởm, nhưng xét cho cùng, đối tượng ấy cũng chính là đối tượng của Kitô giáo, nhưng được nhìn ở góc độ khác, được diễn tả cách khác, và được gọi bằng một tên khác.

Chẳng hạn trong Phật giáo, đối tượng tối hậu không phải là Đức Phật, lại càng không phải là tượng Phật, mà là Chân Như Phật Tính, là Bản Lai Diện Mục, tức Thực Tại tuyệt đối và duy nhất vẫn có trong bất kỳ vật nào, bất biến, vô thủy vô chung, làm nền tảng hiện hữu cho tất cả mọi vật đã, đang và sẽ có trong vũ trụ… Đức Phật chỉ là người giác ngộ được thực tại tuyệt đối ấy – tức Chân Như Phật Tính – nơi mình và trong vũ trụ mà thôi. Người Phật tử chân chính không bao giờ lại thờ phượng Đức Phật cả. Việc tụng niệm và cầu khẩn Phật ADiĐà trong Tịnh Độ Tông chỉ là một trong những cách giáo hóa của Phật giáo Đại thừa dành cho đại chúng, vốn còn ở trình độ thấp, chưa hiểu được giáo lý vi diệu thâm sâu của Phật. Giáo pháp này là tạm thời nhằm nâng cấp trình độ người Phật tử lên mức cao hơn ([3]).

Hay trong Khổng giáo, Đức Khổng chỉ là «Vạn Thế Sư Biểu» (Thầy dạy của mọi thế hệ), không bao giờ được quan niệm là một vị thần minh được tôn thờ như Kitô giáo thờ Thiên Chúa hay Đức Kitô cả. Mà đối tượng phải tôn trọng, phải tuân theo là «Mệnh Trời», «Thiên», «Trời Đất»… hoàn toàn không có ý nghĩa vật chất, mà là một nguyên lý siêu hình, tối hậu, nền tảng của vũ trụ…

Những tên và quan niệm khác nhau ấy chỉ qui về một đối tượng duy nhất

Chúng ta nhận ra tất cả những đối tượng tối hậu có vẻ khác nhau ấy chỉ là một đối tượng duy nhất, nhờ những đặc tính căn bản chung mà mọi tôn giáo đều gán cho đối tượng tối hậu của mình. Những đặc tính căn bản ấy là: duy nhất, tuyệt đối, bất biến, vô cùng, siêu việt, siêu nghiệm, không thể nghĩ bàn, là nền tảng duy nhất cho mọi thực tại tương đối, biến đổi và hữu hạn.

Những đặc tính đó chỉ duy nhất có một thực tại có thể có mà thôi. Đó là Hữu Thể mà Kitô giáo gọi là Thiên Chúa, nhưng trong các tôn giáo khác, Hữu Thể đó lại mang những tên khác, và được quan niệm cách khác. Sự khác biệt đó là tất yếu, dĩ nhiên. Nếu không có sự khác biệt ấy thì đó mới chính điều là khó hiểu.

Chính vì sự khác biệt trong tên và trong quan niệm về Hữu Thể ấy nơi các tôn giáo, mà người ta không nhận ra những tên và những quan niệm khác nhau ấy đều chỉ về một Thực Tại duy nhất. Cũng như một người dùng nhiều tên khác nhau, mang những thể dạng hay làm những nghề nghiệp khác nhau ở những thời điểm và địa điểm khác nhau. Những ai chỉ biết người ấy qua một tên, một bộ mặt và một nghề nghiệp của người ấy, thì khi họp nhau lại để nói về người ấy, họ sẽ rất khó lòng nhận ra tất cả những tên cũng như những ý niệm gắn liền với tên ấy đều chỉ quy về một người duy nhất. Chỉ có những ai đã gặp người ấy trong nhiều trường hợp hay hoàn cảnh khác nhau, mới biết những tên, những bộ mặt và nghề nghiệp khác nhau ấy đều chỉ là một người duy nhất.

Cũng tương tự như trường hợp sau: có người mà tôi gọi bằng cha và bị tôi coi là nghiêm khắc, có người mà mẹ tôi gọi là chồng và được bà coi là người rất hào hiệp phong nhã, có người mà chú tôi gọi là anh và được ông coi là rất tốt bụng. Ba người ấy có thể là ba người khác nhau vì có ba tên gọi khác nhau, và ba đặc tính đi đôi với ba tên ấy cũng khác nhau. Nhưng nếu tôi chỉ có một người cha, mẹ tôi chỉ có một người chồng, và chú tôi chỉ có một người anh, thì ắt hẳn ba người ấy chỉ là một, cho dù tên gọi và quan niệm về người ấy nơi mẹ tôi, chú tôi và tôi có khác nhau. Cũng vậy, không thể vì tên gọi và quan niệm về Thực Tại Tối Hậu của mỗi tôn giáo mỗi khác, mà Thực Tại ấy không thể là một được!

Một minh họa khác: Sau thế chiến thứ hai, các tội phạm chiến tranh - những nhân vật cao cấp trong Đức Quốc Xã, đồng phạm với Hitler - bị truy nã gắt gao để đưa ra xử tại toà án quốc tế. Có một tội phạm đã nhiều lần đổi tên, đổi lý lịch, đổi diện mạo bằng những phương pháp phẫu thuật tân kỳ, đổi cả giọng nói, đương nhiên cũng thay đổi nghề nghiệp, chỗ ở, thậm chí phải qua nước khác để sống. Hắn phải bỏ vợ con, gia đình, cha mẹ, bạn bè, vì đó là những đầu mối khiến hắn có thể bị phát hiện, và hắn phải lập nên những gia đình mới, tương quan với những bạn bè mới. Mọi sự đều thay đổi nhiều đợt để không ai nhận ra hắn là một tên tội phạm bị truy nã gắt gao. Tuy nhiên, vẫn có những thứ không sao thay đổi được như vân tay, chiều cao, loại máu, một số thói quen… Chính nhờ những yếu tố không thay đổi này, mà các thám tử quốc tế đã nhận ra: những tên khác nhau, những bộ mặt khác nhau, những lý lịch khác nhau kia chỉ là một người duy nhất. Và tên tội phạm ấy đã bị khám phá và đền tội.

Những người thông thường, bình dân, khi thấy tên khác, bộ mặt khác, lý lịch khác, chỗ ở khác, nghề nghiệp khác… ắt phải nghĩ đó là người khác, không còn nghi ngờ gì. Nhưng các thám tử không được nghĩ như thế! Nếu ngay từ đầu họ đã nghĩ như người bình thường thì không bao giờ họ có thể phát hiện ra những trường hợp thay đổi kỹ lưỡng như vậy. Vấn đề ở đây là: căn cứ vào đâu để có thể xác nhận chắc chắn rằng những khác biệt ấy chỉ qui về một người duy nhất.

Hữu Thể Tối Thượng thì vô cùng phong phú và đa diện, đồng thời không thể quan niệm và diễn tả được. Chân tính của Hữu Thể ấy thường được xác định cách khác nhau trong mỗi tôn giáo, tùy theo rất nhiều điều kiện hạn hẹp, cá biệt về văn hóa, xã hội, sinh thái, triết lý… của từng tôn giáo. Theo lý luận thông thường, những quan niệm và những cách diễn tả khác nhau ấy phải tương ứng với những đối tượng khác nhau. Do đó, nếu không có đầu óc cởi mở, rộng rãi để nhìn ra những đặc tính chung, căn bản và không thay đổi trong các cách xác định chân tính của Hữu Thể Tối Thượng ấy, mà cứ cố chấp vào những chi tiết khác biệt, thì làm sao nhận ra được tất cả những cách xác định khác nhau kia đều chỉ quy về một đối tượng duy nhất?

Nguyễn Chính Kết



([1])    Những từ «đơn diện, tĩnh, nhị nguyên» sẽ được giải thích rõ hơn trong phần III, trang [???] 150-164.

([2])    Xem phần III, trang [???] 137-196.

([3])    Nhiều tín đồ Phật giáo quan niệm Tịnh Độ Tông như là một sự thoái hóa về mặt trí tuệ, mà Phật giáo bất đắc dĩ phải chấp nhận để phù hợp với trình độ của đại chúng, theo như chủ trương «tùy duyên hóa độ» của mình. Nhưng linh mục Henri de Lubac, trong cuốn Amida (Paris, Seuil,1955), thì lại cho rằng Tịnh Độ Tông là một bước tiến hóa của Phật giáo để trở nên giống Kitô giáo hơn trong việc cầu tha lực – một Đấng, hay một sức mạnh thần linh ngoài mình – để được giải thoát. Theo linh mục, đó là một bước chuyển biến phải có – mang tính «quá độ» – để Phật giáo tiến lên quan niệm về một Thiên Chúa có ngôi vị và cứu độ như Kitô giáo.

ĐTTG-I C-1 -Nhu cầu đối thoại và thông cảm

Chương 1

Nhu cầu đối thoại và thông cảm

Nhu cầu đối thoại trên thế giới

Thế giới chúng ta ngày càng trở nên nhỏ lại vì việc giao thông, liên lạc ngày càng tân tiến, hiện đại và dễ dàng. Mọi khoảng cách đều bị thâu ngắn lại. Các dân tộc ngày càng đi lại, giao thiệp với nhau nhiều hơn, việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ngày càng sâu rộng hơn. Do đó, các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo ngày càng xích lại gần nhau, càng có nhu cầu liên lạc, trao đổi, đối thoại, tìm hiểu nhau, để ngày càng thông cảm, yêu thương và cộng tác với nhau thân thiện hơn.

Đàng khác, con người ngày càng ý thức được sự đa dạng của vạn vật, coi sự khác biệt nhau trong mọi lãnh vực là định luật tất yếu: trong vạn vật, không vật nào hoàn toàn giống vật nào. Vì người nào, vật nào không phải là một với mình, tất nhiên phải khác với mình! Do đó, càng ngày nhân loại càng dễ chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt giữa nhau - giữa mình và người khác - cả trong lãnh vực tư tưởng, ý thức hệ, tôn giáo, văn hóa… Não trạng tự tôn – cho rằng chỉ có mình là đúng, vì thế luôn mong muốn hay đòi hỏi mọi người phải theo mình – ngày càng giảm dần theo đà trưởng thành về mặt tư tưởng của con người.

Do ý thức tôn trọng sự khác biệt tất yếu đó, con người để cho nhau được tự do hơn, tự do khác biệt nhau, tự do suy tư khác với nhau. Con người ngày càng ý thức rằng bắt người khác phải suy tư giống mình là phi lý, là phản tự nhiên. Đồng thời con người cũng cảm thấy khẩn thiết hơn nhu cầu tìm hiểu lẫn nhau, tìm hiểu sự hợp tình hợp lý của nhau để có thể thông cảm lẫn nhau, yêu thương nhau và sống hòa bình với nhau. Vì thế, nhu cầu đối thoại giữa người với người, giữa tập thể với tập thể càng ngày càng gia tăng.

Các tôn giáo cần phải làm gương cho thế giới về đối thoại

Sự khác biệt về mặt tôn giáo giữa các dân tộc cũng được coi là tất yếu như bao nhiêu mặt khác của sinh hoạt con người. Thật khó tưởng tượng được các dân tộc khác nhau, với những nền văn hóa rất khác nhau mà lại cùng phát sinh ra một thứ tôn giáo y như nhau. Cũng tương tự như thật khó tin chuyện hai người do hai cha mẹ khác nhau, thuộc hai dân tộc khác nhau, nền văn hóa cũng khác nhau, thủy thổ khác nhau, mà lại sinh ra giống y như nhau.

Nhưng cho dù khác nhau tới đâu, các tôn giáo vẫn có điểm chung này: bất kỳ tôn giáo nào trên thế giới cũng cổ võ sự đoàn kết yêu thương nhau. Nhưng muốn đoàn kết yêu thương nhau, thì điều kiện tiên quyết là phải hiểu và thông cảm lẫn nhau. Nhưng làm sao có thể hiểu và thông cảm nhau, nếu không có những nỗ lực tìm hiểu nhau, xích lại gần nhau, trao đổi với nhau. Làm sao có thể thông cảm lẫn nhau khi mình không thèm giao tiếp, tìm hiểu người khác, không biết người khác nghĩ thế nào mà cứ tiên thiên tự xưng mình là đúng nhất, cho rằng ai cũng phải nghĩ như mình mới đúng, và ra công tìm cách, thậm chí dùng áp lực ép người khác phải nghĩ như mình.

Nếu mọi dân tộc, mọi nền văn hóa hiện nay đang xích lại gần nhau, đang tìm hiểu, đối thoại với nhau để trở thành bạn của nhau, thì lẽ nào các tôn giáo - vốn dạy tín hữu của mình làm chuyện ấy - lại không thèm làm như vậy? Lẽ ra, các tôn giáo phải làm việc đó trước tất cả mọi thế lực, mọi tổ chức khác mới đúng với chức năng hướng dẫn tinh thần của mình. Nghĩa là các tôn giáo phải làm gương cho mọi cộng đoàn, mọi xã hội, mọi thể chế, mọi quốc gia về những gì mình đã dạy cho cả thế giới làm, là đoàn kết yêu thương nhau, đối thoại, cộng tác với nhau. Nếu không, các tôn giáo sẽ đi vào vết xe đã đổ của các kinh sư Do Thái: họ đã bị Đức Giêsu phê bình: «Những gì họ nói thì anh em hãy làm hãy giữ, nhưng đừng làm theo những gì họ làm, vì họ nói mà không làm» (Mt 23,3).

Có phải các tôn giáo chỉ dạy người ta đoàn kết yêu thương nhau, nhưng chính các tôn giáo lại không chịu đối xử như vậy với nhau?

Kitô giáo phải làm gương về tìm hiểu và đối thoại nhiều hơn cả

Nếu các tôn giáo nên làm gương cho các cộng đoàn xã hội khác về việc đối thoại, tìm hiểu, để đoàn kết yêu thương nhau, thì chắc chắn Kitô giáo cần phải làm gương cho các tôn giáo khác về điểm ấy hơn cả, vì Kitô giáo là tôn giáo tự hào nhất về yêu thương, coi yêu thương là đặc trưng của mình. Thật vậy, Đức Kitô đã dạy: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35). Tình yêu đó không chỉ dành cho những người gần gũi với mình, mà còn trải rộng ra cho tất cả mọi người, không trừ ai, thậm chí cả kẻ thù của mình, cả những người bách hại mình nữa (x. Mt 5,44). Vì thế, các Kitô hữu rất tự hào về đạo của mình là đạo bác ái. Do đó, Kitô giáo nên dẫn đầu các tôn giáo trên thế giới về nỗ lực tạo đoàn kết, yêu thương, đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo với nhau.

Tuy nhiên, các tôn giáo đã đi sau thế giới

Nhưng thử hỏi: các tôn giáo, nhất là Kitô giáo, có phải là những cộng đoàn đi bước trước và là gương mẫu cho thế giới về tinh thần đối thoại hợp tác với nhau không? – Rất tiếc không phải như vậy, vì những thế lực phi tôn giáo đã đi bước trước và đã làm gương cho các tôn giáo về mặt này. Chẳng hạn, trước khi các tôn giáo biết hợp tác với nhau để xây dựng hòa bình và bảo vệ các quyền của con người, thì một số quốc gia đã làm điều đó, lập ra tổ chức Liên Hiệp Quốc hiện nay (thành lập năm 1945).

Và trong số các tôn giáo, Kitô giáo không phải là tôn giáo khởi xướng việc đối thoại tôn giáo cũng như việc kêu gọi hợp tác giữa các tôn giáo. Thật vậy, Đại Hội Các Tôn giáo trên thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Chicago (Mỹ) ngày 11.9. l893 lại không phải là sáng kiến của Kitô giáo hay do Kitô giáo tổ chức. Đúng ra, Kitô giáo phải đi bước trước về những việc như thế thì mới phù hợp với những niềm tự hào của mình.

Các tôn giáo chưa làm gương cho thế giới về yêu thương nhau

Đó là những sự kiện lịch sử đáng cho các tôn giáo - nhất là Kitô giáo - suy nghĩ về vai trò lãnh đạo tinh thần của mình đối với thế giới. Có lẽ các tôn giáo chưa làm gương cho thế giới về những điều mình dạy, nhất là trong cách xử sự yêu thương và hợp tác giữa các tôn giáo với nhau: các tôn giáo vẫn còn ngăn cách, không hiểu và thông cảm nhau, vẫn còn tìm cách hạ giá nhau, nghi kỵ nhau, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Thật mỉa mai thay khi có những điều tốt các tôn giáo thực hiện không nổi mà lại cứ muốn dạy cho người khác làm, muốn đóng vai trò hướng dẫn, làm thầy dạy cho những thế lực phi tôn giáo! (x. Mt 23,24). Trên thế giới cũng như trong nhiều quốc gia, chiến tranh tôn giáo thỉnh thoảng vẫn xảy ra, có khi vì những lý do chẳng đáng vào đâu, trong đó Kitô giáo không phải là vô can! Và trong chiến tranh tôn giáo, chẳng mấy tôn giáo áp dụng cho nhau những điều tốt đẹp mà mình vẫn giảng dạy trong giáo lý của mình. Chiến tranh tôn giáo nhiều khi cũng tàn khốc, dã man và bỉ ổi không kém gì những thứ chiến tranh khác!

Nhiều tín đồ trong các tôn giáo tuy chưa hiểu được giáo lý của các tôn giáo khác, hay hiểu một cách sai lạc mà đã tự hào cho mình là đúng nhất, tốt nhất, thậm chí cho rằng chỉ có mình là chân lý, kỳ dư đều là lầm lạc. Tự hào như thế có khác gì một anh chàng ngạo mạn chưa hề biết những người trong xóm có bao nhiêu tiền của, chỉ vì thấy mình có rất nhiều tiền, đã lên tiếng tự hào rằng mình là người giàu có nhất xóm! Hãy tự hỏi: Nếu người ta ai cũng có thái độ tự hào như thế đối với nhau thì thế giới này sẽ ra sao? Nếu trong thế giới, ai cũng có thái độ tự hào tự mãn như thế thì thế giới này sẽ thật khốn khổ, tình thương và sự cảm thông khó mà nẩy sinh và phát triển được, xã hội con người sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho hận thù, nghi kỵ.

Các tôn giáo cần đối thoại để hiểu nhau và yêu thương nhau hơn

Ngày nay, sự giao lưu văn hóa khiến các dân tộc hiểu nhau hơn, dễ cộng tác với nhau hơn. Cũng vậy, sự giao lưu tôn giáo, hay việc đối thoại, trao đổi giữa các tôn giáo, sẽ làm cho các tín đồ trong các tôn giáo thông cảm với nhau, thương yêu, đoàn kết và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Hai tôn giáo cũng như hai người, thường rất khác biệt nhau, vì thế, nếu không đối thoại với nhau, không tìm hiểu lẫn nhau, không cho nhau biết về mình, không cùng nhau trao đổi tư tưởng tâm tình, thì làm sao có thể quen biết, thông cảm và yêu thương nhau được?

Thế nhưng việc đối thoại tôn giáo vẫn còn xảy ra một cách rất hạn hẹp. Thỉnh thoảng mới có những đại hội tôn giáo quốc tế chỉ tạo điều kiện cho những vị đại diện cao cấp của các tôn giáo gặp gỡ, hội thảo, trao đổi. Những cuộc gặp gỡ đối thoại tôn giáo đó ít khi được tổ chức ở những cấp nhỏ hơn như quốc gia, miền, tỉnh… Do đó, việc đối thoại tôn giáo hiện nay mới chỉ là những bước khởi đầu, chưa đi đến đâu cả. Các tôn giáo thường chỉ biết về nhau một cách lý thuyết, đơn sơ, phiến diện, nhiều khi còn giải thích về nhau một cách sai lạc nữa. Nói chung, các tôn giáo còn rất nhiều thành kiến không tốt về nhau.

Các tôn giáo thường hiểu nhau một cách sai lạc

Trong nhiều quốc gia, các tôn giáo vẫn còn xa lạ với nhau, nghi kỵ lẫn nhau, hiểu xấu về nhau. Chẳng hạn, nghĩ đến Hồi giáo, người ta thường nghĩ ngay và chỉ nghĩ đến một tôn giáo thích bạo động, có vị giáo chủ nhiều vợ (đối với nhiều tôn giáo, đây là một gương xấu)… mà không hề biết đến những gì tích cực và siêu việt của tôn giáo này. Hay nghĩ đến đạo Cao Đài, các tín hữu những tôn giáo khác thường nghĩ đó là một tôn giáo «hổ lốn», thờ đủ mọi vị giáo chủ, chẳng ra đâu vào với đâu cả, mà không hề biết đến giáo lý thâm sâu và nhiệm mầu của tôn giáo này.

Tương tự như vậy, khi về Tây Ninh tìm hiểu đạo Cao Đài, tôi có gặp và trao đổi với nhiều đạo hữu Cao Đài bình dân mới nhận thấy rằng: hễ nghe nói về Thiên Chúa giáo, nhiều đạo hữu Cao Đài nghĩ ngay đến một tôn giáo cho phép ăn thịt chó - một con vật nổi tiếng trung thành, biết thương yêu, lại hiền lành và thông minh - một điều mà não trạng tôn giáo của họ không thể chấp nhận được ([1]). Thật là một cách hiểu hết sức méo mó và phiến diện về Thiên Chúa giáo, cho dù cũng có lý do của nó, vì Thiên Chúa giáo không cấm ăn thịt các con vật.

Chẳng có sự hiểu lầm nào mà không có lý của nó, thậm chí rất có lý nữa. Nhưng vượt qua được sự có lý của mình để đi đến chân lý, đi đến hiểu nhau, cảm thông nhau, yêu thương nhau là cả một sự «phá chấp», đòi hỏi phải có nhiều trí tuệ hơn là lý trí ([2]). Người khác tôn giáo với ta mà hiểu hay thông cảm được với tôn giáo của ta thì họ cũng phải «phá chấp», cũng phải vượt lên khỏi những lý lẽ của họ mới có thể hiểu ta được. Những lý lẽ ấy ta tưởng chúng là phổ quát, chung cho mọi người, nhưng thực ra chúng đã bị điều kiện hóa mỗi người mỗi khác, do nhiều yếu tố đặc thù làm nên mỗi con người, như lề lối suy nghĩ, sự giáo dục của môi trường xã hội, văn hóa, của tôn giáo, v.v… Cũng vậy, muốn hiểu họ, ta cũng phải «phá chấp» như thế, nghĩa là phải «lột xác» về mặt nhận thức luận. Phải đi vào trong tôn giáo, sống tôn giáo của họ mới có thể hiểu họ được.

Chân tính của một tôn giáo đôi khi được những người thuộc các tôn giáo khác xác định bằng những ý niệm kỳ cục như thế đấy! Không phải chỉ những người bình dân mới hiểu sai lạc về các tôn giáo khác, mà ngay cả những người trong giới lãnh đạo các tôn giáo nữa. Thật vậy, có được mấy nhà lãnh đạo tôn giáo này hiểu thấu triệt được một tôn giáo khác?

Chẳng hạn, nói tới Phật giáo, nhiều nhà lãnh đạo Kitô giáo hiểu đó là một tôn giáo có một cứu cánh rất tiêu cực, một tôn giáo quan niệm thế gian này là nguồn gốc phát sinh bất hạnh và đau khổ ([3]). Đang khi chính Đức Phật dạy rằng mọi đau khổ đều phát sinh từ tâm con người, từ cái nghiệp xấu mà con người tạo ra, có chỗ nào Phật nói rằng chúng phát sinh từ thế gian đâu? Nếu con người có tâm thanh tịnh và giũ sạch được mọi nghiệp chướng, thì lúc đó, dưới con mắt của họ, chính thế gian này lại là Quốc Độ Phật đầy trang nghiêm, tốt đẹp, hạnh phúc ([4]). Nghĩa là, Phật giáo chủ trương: chỉ cần thay đổi cách nhìn về mọi vật thì ta thấy mọi vật đều thay đổi, và Đức Phật đến là để giúp con người thay đổi cách nhìn ấy bằng sự giác ngộ hay kiến tính (thấy được bản thể chân thật của mình, đây là mục đích chính của Phật giáo). Nhờ vậy, họ nhìn thế giới bằng một cái nhìn mới, một cái nhìn không bị vướng mắc, không làm tù hãm tâm hồn họ, khiến họ cảm nghiệm được sự giải thoát, và tâm hồn họ đầy an vui: một cứu cánh như thế chẳng tích cực sao?

Thật vậy, cùng sống trong một cảnh ngộ như nhau, nhưng người giải thoát cảm thấy đó là Quốc Độ Phật, tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, nhẹ nhàng, hạnh phúc, còn người chưa giải thoát thấy mọi sự chỉ là đau khổ phiền não, tâm hồn lúc nào cũng nặng nề chán nản. Những người này dù có sống ở thiên đàng đi nữa cũng không tránh được đau khổ phiền não:

«Người vui thì cảnh cũng vui,
«Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ».

Nhiều tôn giáo chỉ nhấn mạnh tới một thiên đàng mang tính khách quan, mà ít nhấn mạnh tới thứ thiên đàng chủ quan. Niết bàn của Phật giáo trước tiên phải là một thứ thiên đường chủ quan, hệ tại chính mình hơn là ngoại cảnh. Không có thứ thiên đàng chủ quan này thì chẳng có một thiên đàng khách quan nào là thiên đàng thực sự cả. Không thể có một thiên đàng đầy yêu thương cho những tâm hồn còn lãnh đạm, còn làm ngơ được trước những đau khổ của chúng sinh đồng loại. Có thứ thiên đàng chủ quan này, dù có ở địa ngục thì địa ngục cũng trở thành thiên đàng. Cứu cánh như thế không những tích cực, mà còn mang nhiều tính chủ động nữa.

Phải có lòng chân thành và đầu óc khách quan khi tìm hiểu một tôn giáo

Lập trường đối thoại của Giáo Hội hiện nay rất phù hợp với tình hình hiện tại của thế giới, điều đó đã quá rõ ràng. Và Giáo Hội toàn cầu đã bắt đầu cuộc đối thoại với các tôn giáo, với các lập trường tư tưởng khác với mình, kể từ sau Công Đồng Vatican II. Nhưng việc tìm hiểu và đối thoại với các tôn giáo mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, chưa được hưởng ứng sâu xa và thúc đẩy mạnh mẽ trong lòng Giáo Hội. Mặc dù trong Giáo Hội, vẫn có những nỗ lực tìm hiểu các tôn giáo khác, nhưng vì chưa có những cuộc đối thoại đi vào chiều sâu, nên những nỗ lực đó vẫn còn nhiều thiếu sót. Những hiểu biết của Giáo Hội, nói chung, về các tôn giáo khác còn khá nông cạn và nhiều khi sai lạc. Chúng ta hiểu về các tôn giáo khác nhiều khi không hơn gì những người vô thần hiểu tôn giáo của chúng ta. Cuốn «Bước vào Hy Vọng» của Đức Gioan Phaolô II - phần đề cập đến Phật giáo - một phần nào nói lên điều đó.

Vả lại, não trạng của chúng ta khi tìm hiểu và đối thoại với các tôn giáo khác chưa được đúng đắn đủ: chúng ta muốn tìm hiểu các tôn giáo khác không phải vì muốn tìm thấy chân lý trong tôn giáo của họ cho bằng muốn tìm thấy những sai lầm trong đó để đả kích họ, để chứng minh rằng tôn giáo của mình siêu việt hơn, đúng hơn họ. Với một thái độ như thế, làm sao chúng ta có thể thấy được chân lý nơi họ? và khi nói về họ, làm sao chúng ta nói đúng được? Muốn thực sự hiểu được một tôn giáo khác, chúng ta cần phải có một thái độ nội tâm thích hợp, cũng như một người trong tôn giáo khác muốn thực sự hiểu được Kitô giáo, cũng phải có thái độ nội tâm như vậy. Điều đó được minh họa bằng một câu chuyện thiền sau đây:

Một giáo sư nọ đến xin một thiền sư giải thích về thiền. Trước khi nói chuyện, thiền sư lấy bình trà ra rót vào các tách trà. Nhưng ông cứ rót tiếp tục vào cái tách đã đầy tràn rồi. Giáo sư nọ bèn lên tiếng thắc mắc. Thiền sư trả lời: «Đấy! ông thấy rõ ràng là một khi tách đã đầy thì không thể rót trà thêm vào được nữa. Đầu óc ông cũng đã đầy ắp những thành kiến, những kiến thức khác rồi, làm sao nó có thể tiếp nhận Thiền vào đó được nữa?».

Thật vậy, làm sao ta có thể hiểu được một tôn giáo khi ta nghĩ tôn giáo ấy chỉ là một thứ tà đạo, một lý thuyết nhảm nhí, bất lợi cho niềm tin sẵn có của ta? Khoa học đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải có đầu óc thật khách quan mới có thể tránh được những sai lầm khi nhận xét và suy luận. Chỉ một chút chủ quan, thành kiến, đủ để phát sinh nhiều sai lầm. Cũng vậy, với một đầu óc đầy thành kiến về các tôn giáo khác, hay với một mục đích «bệnh hoạn», làm sao ta có đủ khách quan để hiểu được những chân lý thâm sâu trong các tôn giáo ấy? Những chân lý mà chính họ cũng phải có tâm thật thanh tịnh và phải thiền quán nhiều năm mới hiểu và chứng nghiệm được?

Muốn hiểu chính xác một tôn giáo, phải sống tinh thần tôn giáo ấy

Muốn thực sự hiểu một tôn giáo nào, không những phải tìm hiểu tôn giáo ấy về mặt lý thuyết, mà còn phải thực sự sống tinh thần tôn giáo ấy để cảm nghiệm được sự sống tâm linh và siêu nhiên trong tôn giáo ấy nữa. Chân lý trong các tôn giáo không phải là những kiến thức chỉ cần học hỏi hay đọc sách là biết được, mà là một thực tại cần phải chứng nghiệm mới hiểu được. Một người vô thần hay một Phật tử không thể thực sự hiểu được Kitô giáo nếu chỉ nghiên cứu Thánh Kinh, đọc những bộ chú giải Thánh Kinh, hay đọc hết những bộ sách thần học của Kitô giáo, mà không hề tin, sống tinh thần Kitô giáo và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Họ cũng giống như một nhà khoa học ở bên trời Tây, đọc rất nhiều tài liệu về một giống chuối tiêu đặc biệt ở Á châu, ông có thể diễn thuyết một cách rất uyên bác về giống chuối này, nhưng rất tiếc, ông chưa bao giờ có hân hạnh thực sự ăn và thưởng thức loại chuối đó. Ông chưa có một chút kinh nghiệm nào về giống chuối này cả. Cái biết của ông về nó hoàn toàn chỉ là lý thuyết, và rất nhiều điều ông suy luận thêm ra từ lý thuyết thuần lý đó đã sai với thực tế.

Cũng vậy, chúng ta không thể đứng bên ngoài các tôn giáo mà tự hào rằng mình hiểu họ, để có thể phán đoán hay phê bình về họ một cách chính xác được. Nếu chỉ dựa trên những hiểu biết thiếu chính xác của mình về một tôn giáo để rồi phê bình giá trị của tôn giáo ấy thì thật là bất công và chỉ gây nên chia rẽ, hận thù.

Tìm hiểu cách nhìn của người khác để bổ túc cách nhìn của mình về chân lý

Không hiểu được tôn giáo khác mà đã vội đánh giá và phê bình, nhất là lại phê bình hạ thấp tôn giáo ấy xuống, thì chỉ gây chia rẽ và ác cảm giữa hai tôn giáo với nhau, có hại cho sự đoàn kết yêu thương trong nhân loại. Đó không phải là thái độ khôn ngoan của một người quân tử. Đương nhiên ta không nên tìm hiểu hay đối thoại với các tôn giáo khác chỉ để phê bình, để so sánh xem tôn giáo nào hay hơn, hoặc để có thể tự đề cao tôn giáo mình một cách có cơ sở hơn. Đối thoại như thế chẳng ích lợi gì nếu không muốn nói là có hại cho sự đoàn kết chung.

Đối thoại tốt nhất là nhằm vào việc hiểu nhau, thấy được những cái hay cái đẹp của nhau, hầu bổ túc cho những gì còn thiếu sót của tôn giáo mình, hầu có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa - hay Thực Tại Tuyệt Đối - theo những cách thức khác với cách của tôn giáo mình. Đừng vội tự hào rằng cách hiểu hay cách thức chúng ta cảm nghiệm Thực Tại Tuyệt Đối - mà người Kitô hữu gọi là Thiên Chúa - là hay là đúng hơn cách của người khác. Thực ra, mỗi cách đều có cái hay riêng của nó. Cách này tốt mặt này nhưng lại dở mặt kia, và ngược lại. Vì thế, cách này bổ túc cho cách kia. Càng thấy được Thực Tại Tuyệt Đối ấy theo nhiều cách khác nhau, ta càng quan niệm về Thực Tại ấy rõ ràng, đúng đắn và toàn diện hơn.

Mọi tôn giáo đều lấy Chân Lý Tối Thượng, vốn vô cùng phong phú, làm đối tượng

Tôn giáo nào cũng nhắm đến chân thiện mỹ, thực hiện chân thiện mỹ trong đời sống của mình. Đối tượng và mục đích của tôn giáo là chân lý, và không phải chỉ là chân lý, mà là Chân Lý Tối Thượng. Các vị giáo chủ sáng lập các tôn giáo lớn, không một vị nào lại không tự nhận mình chứng ngộ được Chân Lý Tối Thượng ấy. Mỗi vị chứng ngộ một cách khác nhau, thậm chí rất khác nhau, và do đó giáo huấn của các ngài cũng khác nhau. Điều đó không có gì là lạ cả, vì chân lý là cả một kho tàng vô cùng phong phú, không vị nào trong một thời gian có hạn định lại có thể cảm nghiệm được hết sự phong phú vô cùng của chân lý, và truyền lại được cho hậu thế tất cả sự phong phú đó được.

Tương tự như khi nhiều người cùng vào trong một kho tàng vô cùng phong phú, thì với hai tay và những xe mình có, chỉ chở được tối đa những vật báu trong đó ra theo khả năng của mình mà thôi. Và vì kho tàng đó không phải chỉ có một thứ báu vật, mà báu vật trong đó hết sức đa dạng, nên những vật quí chở ra được thường mỗi người mỗi khác. Như thế, có thể vì sự khác nhau giữa các báu vật đó mà kết luận rằng những của quí đó ắt phải xuất phát từ những kho tàng khác nhau chăng? Nếu của báu lấy từ trong đó ra mà người nào cũng giống người nào, thì có thể nói kho tàng đó là phong phú vô cùng được chăng? Nếu kho tàng đó phong phú vô tận, thì chắc chắn rằng: không những những gì đã lấy ra rất đa dạng, mà còn lại trong kho tàng đó rất nhiều thứ của lạ mà trong số những người kia chưa hề có ai lấy ra được. Nếu không như thế thì làm sao có thể nói kho tàng đó là phong phú vô tận được?

Về vấn đề này, Đức Giêsu có nói: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi» (Ga 16,12). Điều đó có nghĩa là Đức Giêsu còn có rất nhiều điều phải nói nhưng chưa nói ra được về Thiên Chúa cũng như về vũ trụ vạn vật, và lý do khiến Ngài không nói được là vì trình độ tiếp thu chân lý của các môn đệ Ngài - cũng như của nhân loại thời đó - còn thấp, chưa thể lãnh hội được những chân lý cao sâu hơn về Thiên Chúa và vũ trụ: «bây giờ anh em không có sức chịu nổi». Nói ra mà người nghe không tiếp thu được thì chẳng những vô ích mà còn có thể gây hiểu lầm.

Cũng như một thầy giáo có bằng cấp tiến sĩ, nhưng lại phải dạy học cho các học sinh bậc tiểu học. Những điều thầy dạy trong lớp chỉ là một phần rất nhỏ những điều thầy biết, nhưng thầy không thể nói cho học sinh biết nhiều hơn được. Phải chờ cho trình độ học sinh lên cao hơn mới có thể nói tiếp những điều cao sâu hơn. Như vậy, những mặc khải trong Thánh Kinh không hẳn đã là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa, mà có thể còn vô số những điều khác cao sâu hơn nữa về Thiên Chúa.

Nói rằng những gì được mặc khải trong Kinh Thánh là toàn bộ chân lý về Thiên Chúa, thì quả là coi Thiên Chúa quá giới hạn và tầm thường, không siêu việt hơn cuốn Kinh Thánh họ đọc. Chẳng lẽ những gì có thể nói về Ngài lại có thể gói trọn trong một cuốn Kinh Thánh mấy trăm trang. Cũng y như một học sinh tiểu học cho rằng chương trình toán mà vị giáo sư tiến sĩ dạy cho mình là toàn bộ nền toán học của thế giới vậy. Nghĩ như thế thì thật là ngờ nghệch đáng thương!

Chân lý có thể nắm được trọn vẹn là thứ chân lý nghèo nàn

Chỉ những ai thơ ngây cho rằng chân lý rất giới hạn và nhỏ bé đến nỗi có thể «cầm nó trong tay» mới dám tự hào rằng mình hay tôn giáo mình đã nắm được trọn vẹn chân lý. Chân lý mà nắm được như thế ắt phải là «thứ chân lý hạn định và nghèo nàn», không thể là thứ chân lý siêu việt, vô cùng được. Nếu cảm nghiệm được rằng chân lý đích thực thì vô cùng phong phú, không thể chứa đựng hết trong giáo lý của một tôn giáo, và mỗi tôn giáo chỉ có thể nắm được một mảnh nào đó của chân lý, thì người thực sự yêu chân lý, thay vì tự mãn với những giới hạn mình cảm nghiệm được về chân lý, sẽ ra công tìm hiểu những «mảnh chân lý» nơi người khác, nơi các tôn giáo khác, để sự hiểu biết và cảm nghiệm của mình về chân lý được đầy đủ hơn. Và đó chính là lý do đúng đắn nhất của việc đối thoại tôn giáo. Cứ theo lẽ thường mà xét, một thái độ khiêm nhường như thế mới là thái độ đúng đắn.

Nguyễn Chính Kết



([1])    Khác với não trạng Âu-Mỹ, ở Việt Nam, người ta coi chó mèo cũng là những con vật có thể ăn thịt được không khác gì heo, bò, dê, gà, vịt… Mà Kitô giáo không hề cấm ăn thịt, nên người Kitô hữu Việt Nam không có một mặc cảm tội lỗi nào khi ăn thịt chó, mèo cả.

([2])    Trí tuệ và lý trí một cách nào đấy được coi như cùng một bản chất, vì đều là khả năng quan niệm và suy tư, nhưng khác nhau nhau ở mức độ cao thấp của khả năng. Trí tuệ được coi là cao hơn lý trí, vì trí tuệ thấy được cao hơn, xa hơn, nhanh hơn, sâu hơn, đặc biệt trong lãnh vực tâm linh, siêu hình.

([3])    Xem ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Bước vào Hy Vọng, chương 14: «Phật giáo và Kitô giáo có thể hoán chuyển cho nhau được không? », đoạn 4.

([4])    Xem Kinh Duy-Ma-Cật, Phẩm l: Phật Quốc.

            «Xá Lợi Phất có ý nghĩ: Nếu tâm của Bồ Tát tịnh, ắt Phật độ tịnh. Nhưng Đức Thế Tôn của chúng ta khi còn làm Bồ Tát, vì tâm ý chẳng tịnh, nên cõi Phật độ này mới chẳng tịnh như vầy.

            Phật bèn nói: Mặt trời mặt trăng há chẳng có sao, mà tại sao kẻ đui chẳng thấy hai vầng ấy?

            Xá Lợi Phất trả lời: Đó là lỗi ở kẻ đui chứ không phải lỗi ở mặt trời mặt trăng.

            Phật nói: Cũng vậy, do tội của chúng sinh nên họ chẳng thấy Quốc Độ của Như Lai là nghiêm tịnh, chứ chẳng phải lỗi ở Như Lai. Cõi đất của ta là tịnh, nhưng ngươi chẳng thấy như vậy là tại ngươi.

            Phạm Vương Kế Loa nói với Xá Lợi Phất: Vì lòng của ông có cao có thấp, chẳng y theo huệ Phật, nên ông mới thấy cõi này là bất tịnh. Nếu Bồ Tát giữ lẽ bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, lòng dạ sâu vững thanh tịnh, y theo Trí Huệ Phật, ắt thấy cõi Phật này là thanh tịnh.

            Phật nói thêm: Phật Quốc Độ của ta luôn luôn thanh tịnh. Nhưng vì muốn độ những kẻ thấp yếu ở đây, cho nên ta thị hiện ra cõi bất tịnh này với mọi thứ nhơ xấu. Tỷ như Chư Thiên, cũng ăn cơm đựng trong chén bát quí báu, nhưng tùy theo phước đức của họ mà hình sắc của cơm có khác. Cũng vậy, nếu lòng người ta tịnh, thì họ liền thấy những công đức trang nghiêm của cõi này»

ĐTTG-Lời nói đầu

Lời nói đầu

Tập sách này được viết ra với mục đích xây dựng tình đoàn kết, yêu thương và hợp tác giữa các tôn giáo trong nhân loại, và cũng đề nghị với các tôn giáo những thái độ thích hợp với mục đích xây dựng trên. Với mục đích như thế, làm sao tránh được những sai sót gây đụng chạm ít nhiều đến cá nhân các tôn giáo.

Đây chỉ là những suy tư cá nhân, mà người viết muốn đóng góp để xây dựng Giáo Hội và nhân loại. Ngoài ra, cũng có những phần trình bày tư tưởng, quan điểm chung trong các triết lý, các tôn giáo Á châu, hoặc của một vài nhà thần học Á châu. Phần này nhằm mục đích thêm thông tin, tài liệu tham khảo hoặc nhằm rộng đường tư tưởng cho người đọc. Vì thế, khi trình bày bất kỳ lập trường nào, người viết cũng cố gắng khách quan đưa ra những lý chứng bênh vực lập trường đó để giúp độc giả thấy được tính hợp lý của mỗi lập trường. Khi tìm lý chứng để bênh vực một lập trường nào, điều đó không nhất thiết là người viết chủ trương theo lập trường đó.

Dẫu sao, người viết vẫn luôn luôn đặt mình dưới quyền giáo huấn của Giáo Hội, và sẵn sàng đón nhận những ý kiến xây dựng của mọi người. Tuy nhiên, khi viết về những vấn đề tế nhị còn đang gây nhiều tranh luận trong Giáo Hội, người viết không thể tránh được những sai sót do khả năng nghiên cứu còn rất hạn chế của mình. Vả lại, nếu sợ sai sót thì tốt nhất là im lặng đừng phát biểu gì cả, vì im lặng thì không bao giờ sợ nói sai. Nhưng nếu im lặng thì chẳng xây dựng được gì. Còn nếu muốn xây dựng thì không thể không nói ra ý kiến của mình, nhưng hễ nói hay phát biểu ra, thì không thể tránh được sai sót.

Trong chiều hướng đó, người viết chủ trương trình bày trung thực những tư tưởng mà lương tri của mình cho là phải lẽ hay hợp lý. Nhưng chắc chắn có những tư tưởng mà độc giả sẽ nhận ra chưa phù hợp với lập trường hiện hành của Giáo Hội. Tuy nhiên không vì thế mà người viết ngại không trình bày ra. Trong quá khứ, có rất nhiều tư tưởng khi được đưa ra trước công luận thì chưa phù hợp với lập trường hiện hành của Giáo Hội lúc đó, thậm chí còn bị Giáo Hội kết án hoặc cấm phổ biến. Chẳng hạn trường hợp của một số nhà thần học như Karl Rahner, Yves Congar, v.v… Nhưng những tư tưởng đó về sau lại được Giáo Hội chấp nhận. Chẳng hạn, nhiều tư tưởng không được công đồng Vatican I chấp nhận, thậm chí kết án, nhưng về sau lại trở thành lập trường chính thức của công đồng Vatican II. Nếu có công đồng Vatican III, chắc chắn sẽ có những tư tưởng không được chấp nhận bởi công đồng Vatican II nhưng lại được chấp nhận bởi công đồng Vatican III.

Nếu ai cũng chỉ trình bày vấn đề trong khuôn khổ lập trường hiện hành của Giáo Hội chứ không dám trình bày theo lương tri của mình, thì chắc chắn công đồng Vatican II cũng chỉ lập lại lập trường của công đồng Vatican I, và công đồng Vatican III cũng sẽ chỉ là công đồng Vatican II được soạn lại, chứ không thể có gì mới mẻ và tiến bộ hơn.

Nói thế không có nghĩa là người viết tự cho rằng mình đi trước Giáo Hội, mà chỉ cho rằng mình có bổn phận phải nói lên lập trường mà lương tri của mình cho là đúng hay hợp lý mà thôi, mặc dù có thể là chủ quan. Người viết luôn đón nhận những phê bình dù thuận hay nghịch của mọi người, nhất là luôn sẵn sàng vâng phục những phán quyết cuối cùng của Huấn Quyền trong Giáo Hội.

Rất mong độc giả tin tưởng vào thiện chí xây dựng của người viết, mà bỏ qua những gì sai sót. Cũng xin các bậc cao minh chỉ dẫn và góp ý sửa sai.

Xin chân thành tri ân cảm tạ.

Nguyễn Chính Kết

Thursday, May 11, 2023

Messenger

 

 Messenger

https://m.facebook.com/5Minute.Crafts.Men.Russian/?paipv=0&eav=AfYDlC7EEj7IgHURJ_uFF3LLwwXoRjV4YJRwL9gIUN_1LsmWn0RPsV1H4uyzFL47O5k

Бери и Делай: Men Russian

https://youtube.com/shorts/_ItOFyOTb8M

Amazing Invention |Check (Pro Maker 101)for more videos

https://youtube.com/shorts/SzS8ZfrQsOI
Thử Thách Rót Nước Lấy 500k Nhưng Sao Nó Lạ Lắm 😆 GĐ Kem Chíp

https://embedhnvh.blogspot.com/2023/04/general-2.html
GENERAL 2

https://youtube.com/@nguoivietusa99

NGƯỜI VIỆT USA - YouTube

https://youtube.com/shorts/kO0FTuaWCF4?feature=share
How to stop hotel break-ins!

https://youtube.com/@sachnoi
Sách nói - Đọc truyện [Chiến Hữu Audio] - YouTube

https://youtube.com/@kenhCoVan
Kênh Cô Vân - YouTube

https://youtube.com/@nguyendiemCCT-ASM2YE
Nguyễn Diệm - YouTube

https://youtube.com/@daokhong
ĐẠO KHÔNG - YouTube

https://youtube.com/@PhuongPhapTriLieu
Phật Duyên - YouTube

https://youtube.com/@khoikechuyen
KHÔI KỂ CHUYỆN - YouTube

https://youtube.com/@inventus
Inventus - YouTube

https://youtube.com/@ngamnhantam
NGẪM NHÂN TÂM - YouTube

https://youtube.com/@TuDuyThanhat

Tư Duy Thành Đạt - YouTube

https://youtube.com/@TheJimmyTV
The JIMMY TV 📺 - YouTube

https://youtube.com/@TiengAnhSieuDeMrinh123
Tiếng Anh Siêu Dễ Mr Định - YouTube

https://youtube.com/@loivangphatday903
Lời Vàng Phật Dạy - YouTube

https://youtube.com/@eastwood4real
Dưới cội Bồ Đề - YouTube

https://youtube.com/@HaiThuGian
Hài Thư Giãn - YouTube

https://youtube.com/@trietlytinhhoa
Triết Lý Tinh Hoa - YouTube

https://youtube.com/@To89Useful
Tips & Tricks - YouTube

https://youtube.com/@quaysachnoi3773
Quầy Sách Nói 3773 - YouTube

https://youtube.com/watch?v=GEICT_6BhWE&feature=share
Don't Throw Your Old Sim Card

https://youtube.com/@sachnoi
Sách nói - Đọc truyện [Chiến Hữu Audio] - YouTube

https://youtube.com/@vantoicalisthenics-style4607
Văn Tới Calisthenics-Style - YouTube

https://youtube.com/@MEOVATTV22
MẸO VẶT TV - YouTube

https://youtube.com/@agustinthomas6807
Agustin Thomas - YouTube

https://youtube.com/@ThuvienvideoSo
ThuvienvideoSo - YouTube

https://youtube.com/@giatricuocsong7128
Gía Trị Cuộc Sống - YouTube

https://youtube.com/@ReviewLichSu
Review Lịch Sử - YouTube

Apr 30, 2023, 7:07 AM

https://youtube.com/@SaigonPlace
Saigon Place - YouTube

https://youtube.com/@user-jl9ip4wk5t
ИЗОБРЕТАТЕЛЬ - YouTube

https://youtube.com/@TCTKHAMPHA
TCT - KHÁM PHÁ - YouTube

https://youtube.com/@trituenhansinh
Tranh Đá Quý Tân Phú Khánh - YouTube

https://youtube.com/@freeenergy9552
Free Energy - YouTube

https://youtube.com/@Lowkeeguy
Lowkee Guy - YouTube

https://youtube.com/@thesamurice
SAMURICE - YouTube

https://youtube.com/@vtcnow
VTC NOW - YouTube

https://youtube.com/@BLVAnhQuanDiscovery
BLV Anh Quân Discovery - YouTube

https://youtube.com/@HUEREVIEW
HUE REVIEW - YouTube

https://youtube.com/@chandunglichsu
CHÂN DUNG LỊCH SỬ - YouTube

https://youtube.com/shorts/6X6PpT9xQmA
Anh shipper bị coi thường và cái kết ( p1 )

https://youtube.com/@tieuthuyethay99
Tiểu Thuyết Hay - YouTube

https://youtube.com/@NGUYENKIENDUC
Tiếng Thời Gian - YouTube

https://youtube.com/@nhacthanhcahaingoai
Thánh Ca Hải Ngoại - YouTube

https://youtube.com/@Quangcaonguyenbinh
Mẹo Hay Tổng Hợp 2 - YouTube

https://youtube.com/@Ytcrop
Yt Crop - DIY Crafts - YouTube

https://youtube.com/@huongdancuocsong
HƯỚNG DẪN CUỘC SỐNG - YouTube

https://youtube.com/@tvtechchannel
TV Tech - YouTube

https://youtube.com/@tipsandhacks
Tips and Hacks - YouTube

https://youtube.com/@taca
TACA CHANNEL NEW - YouTube

https://www.facebook.com/huong.an.phuong.nam
Huong NguyenThi

https://embedhnvh.blogspot.com/2022/05/we-are-1.html
We are 1 media

https://youtube.com/@magic_food
Magic Food - YouTube

Https://www.facebook.com/ketchinhnguyen
Kết Nguyễn

https://youtube.com/@theodaugiayso
May 2, 2023, 3:14 PM

https://youtube.com/@phamhungsings
Hung Pham Sings - YouTube

https://youtube.com/@nguocdonglichsu
NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ - YouTube

https://youtube.com/@TiengHatNghiepDu
Tiếng Hát Nghiệp Dư - YouTube

https://phvan2021.blogspot.com/2023/05/gs-nbl.html
Gs NBL

https://www.facebook.com/dysnhatnguyen3041975/videos/17913558836620
Đys Nhất Nguyên was live with Nhất Nguyên.

http://rsh900.am/images/VDHN/VDHN_May%2003%2023.mp3
May 3, 2023, 2:22 PM

https://youtube.com/@tieuthuyetvn
Tiểu Thuyết Xưa & Nay - YouTube

https://youtube.com/@sachnoi
Sách nói - Đọc truyện [Chiến Hữu Audio] - YouTube

https://youtube.com/@moingaytienbo1phantram
MỖI NGÀY TIẾN BỘ 1% - YouTube

https://youtube.com/@iemhenconggiaocatholicrend1615
Catholic Rendezvous - Điểm Hẹn Công Giáo - YouTube

https://youtube.com/@tonggiaophansaigon
Tổng Giáo phận Sài Gòn - YouTube

https://tienggoicongdan.com/2013/10/24/houston-hop-mat-phong-trao-lien-ket-dan-chu/
Houston Họp Mặt Phong Trào Liên Kết Dân Chủ

https://youtube.com/@xdiy99
XDIY - YouTube

https://youtube.com/@tipsandhacks
Tips and Hacks - YouTube

https://youtube.com/@PenguinDIY
Penguin DIY - YouTube

https://youtube.com/@yeuthuongphugiay8360
YÊU THƯƠNG PHỦ GIẦY - YouTube

https://youtube.com/@khoikechuyen
KHÔI KỂ CHUYỆN - YouTube

https://youtube.com/@GoVietnam2017
Go Vietnam - YouTube

https://gopnhatchuyenhay.blogspot.com/2023/05/thay-dau-roi.html
Thầy ơi… Thầy đâu rồi?

https://youtube.com/@AudioBookschonloc
AudioBooks chọn lọc - YouTube

https://youtube.com/@kenhCoVan
Kênh Cô Vân - YouTube

https://youtube.com/@RADIOTRUYENVIET
RADIO TRUYỆN VIỆT - YouTube

https://youtube.com/@AudioBooksChannel
AudioBooks - Soothing Music Channel - YouTube

https://youtube.com/@kenhnhanqua
Nhân Quả - YouTube

https://youtube.com/@MinhNiem
Minh Niệm - YouTube

https://youtube.com/@Tadaydreamer
Ta DayDreamer - YouTube

https://youtube.com/@caumaochannel88
Quý Mão Channel - YouTube

https://youtube.com/@VOVLiveDocTruyen
VOV Live - Đọc Truyện - YouTube

https://youtube.com/@saigonxua7441
Hồi Ký Miền Nam VN - YouTube

https://youtube.com/watch?v=wizPsO7abNM&feature=share
Hồi Ký Miền Nam VN | Cuộc Vượt Ngục Thần Tiên | Tập 3

https://m.youtube.com/@paristradamofficial/videos
PARIS TRÀ ĐÀM OFFICIAL - ĐÌNH ĐẠI - YouTube

https://123tamlinh.blogspot.com/2023/04/thanh-kinh-cong-giao.html
Thánh Kinh Công giáo

https://a.co/d/5SJwoIK
Statue Supplier 13 Inches Our Lady of Aparecida Sculpture Blessed Virgin Mary Our Lady of The Conception Aparecida 10369

http://giaoxuvinhson.info/PhucAmMp3Sub3/PlayPhucAmMp3/28#
https://www.wordproject.org/bibles/audio/19_vietnamese/b01.htm
https://drive.google.com/drive/mobile/folders/1r_ZCo2JVltMcoUjN5nny9eAdrAbwW8b3
Mon 1:20 AM

https://youtube.com/@trietlytinhhoa
Triết Lý Tinh Hoa - YouTube

https://embedhnvh.blogspot.com/2023/05/audio-thanh-kinh-cong-giao.html
Audio Thánh Kinh Công giáo

https://youtube.com/@flowsofjoy4513
Flows of Joy - YouTube

https://youtube.com/@HuongXaRadio
Hương Xa Radio - YouTube

https://youtube.com/@nguoivietusa99
NGƯỜI VIỆT USA - YouTube

https://youtube.com/@JeffreyThai
Jeffrey Thai (Tổng Hợp) - YouTube

https://youtube.com/@dongnhactinhca
Dòng Nhạc Tình Ca - YouTube

https://youtube.com/@NgoiNoKienThuc
Ngòi Nổ Kiến Thức - YouTube

https://youtube.com/@top10az
TOP10AZ - YouTube

https://youtube.com/@Dantocta
Dân tộc ta - YouTube

https://youtube.com/@tvnews9303
TV News - YouTube

https://123tamlinh.blogspot.com/2023/02/kinh-thanh-bdm.html
Kinh thánh TL (bản dịch mới)

https://embedhnvh.blogspot.com/2023/05/ms-pham-dinh-nhan.html
Mục sư Phạm Đình Nhẫn

https://m.youtube.com/@WaysDIYCraft/videos?view=0&sort=dd&shelf_id=0
Ways DIY & Craft - YouTube

https://fb.watch/kr9jHzAVsk/
VOA Tiếng Việt

https://phvan2021.blogspot.com/2023/05/pg-vutuong-trieugiang.html
Pg-VuTuong-TrieuGiang

http://www.wiki.thuvientinlanh.org/index.php?title=S%C3%A1ng_Th%E1%BA%BF_K%C3%BD
Sáng Thế Ký – Thư Viện Tin Lành

https://www.thuvientinlanh.org/dockinhthanh/
Đọc Kinh Thánh | Thư Viện Tin Lành

https://www.youtube.com/@AnhSangGiacNgo/videos
Ánh Sáng Giác Ngộ 2020 - YouTube

https://123tamlinh.blogspot.com/2023/05/multiple-versions.html
Thánh Kinh Tin Lành (nhiều phiên bản)

https://youtube.com/@DuocsiThuHa
Dược sĩ Thu Hà - YouTube

https://youtube.com/@qnchannel
QN CHANNEL - YouTube

https://youtube.com/@tamlydanong
Tâm Lý Đàn Ông - YouTube

https://youtube.com/@NhatNamDuong
Nhất Nam Dương - YouTube

https://youtube.com/@NgocFamilyChannel
Ngoc Family Channel - YouTube

https://hoainam2023.blogspot.com/2023/04/ngoc-family.html
Ngoc Family

https://www.youtube.com/@luyennaoanchay/videos
Luyện não ăn chay

https://youtube.com/@danhcathaithanh Thái Thanh tình ca