Đối
tượng chung của mọi tôn giáo là Thực Tại Tuyệt Đối
Thực Tại Tuyệt Đối chỉ
có một,
nhưng được gọi tên và quan niệm cách khác nhau
Chân Lý Tối Thượng mà tôn giáo nào cũng nhắm tới, ta
tạm gọi là «Thực Tại Tuyệt Đối». Sở dĩ phải «tạm gọi» như
thế là vì trong kho tàng ngôn ngữ - vốn mang tính nhị nguyên - của con
người, không có từ ngữ nào có thể diễn tả được cái mà ta tạm gọi là «Thực
Tại Tuyệt Đối» ấy. Gọi «Thực Tại» ấy là một thực tại,
thì e rằng ta mới chỉ nói lên khía cạnh «thực» của thực tại ấy.
Nói «Thực Tại» ấy là «Tuyệt Đối» thì cũng chỉ nói
được khía cạnh «tuyệt đối» của thực tại ấy thôi. «Thực Tại»
ấy không phải là thực, là tuyệt đối theo cách hiểu hạn hẹp
của ta, hay theo những ý niệm do từ ngữ «thực» và «tuyệt
đối» ấy gợi lên. Ta tạm gọi là «Thực Tại Tuyệt Đối» vì đối
với hầu hết các tôn giáo, danh từ ấy tương đối có thể chấp nhận được.
«Thực Tại Tuyệt Đối» ấy chỉ có một,
nhưng mỗi tôn giáo lại gọi bằng những tên khác nhau: Kitô giáo gọi là Thiên
Chúa, Đức Chúa Trời; Phật giáo gọi là Chân Như Phật tính, Tâm; Ấn Độ
giáo gọi là Đại Ngã (Brahman); Đạo giáo (của Lão Tử) gọi là Đạo;
Cao Đài giáo gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Cao Đài; người bình dân
gọi là Thượng Đế hay Ông Trời… Tất cả những tên đó, không có tên nào hoàn
toàn xứng hợp với Thực Tại ấy cả. Mỗi tên chỉ diễn tả một khía cạnh đặc thù
nào đó của Thực Tại ấy thôi.
Mỗi tôn giáo lại quan niệm thực tại ấy theo những
cách thức rất khác nhau, tùy theo nền văn hóa và triết lý nền tảng mà họ dùng
để quan niệm thực tại. Thực Tại ấy, tôn giáo này quan niệm là hữu ngã,
tôn giáo khác lại quan niệm là vô ngã. Tôn giáo này quan niệm Thực Tại
ấy tạo dựng nên muôn loài vạn vật và khác biệt với muôn
loài vạn vật, tôn giáo kia quan niệm Thực Tại ấy là bản thể hay nền
tảng bất biến của vũ trụ vạn vật, là một với vũ trụ vạn vật, nghĩa
là biến hiện thành vũ trụ vạn vật chứ không phải tạo dựng nên vũ trụ vạn
vật… Tất cả mọi cách quan niệm về Thực Tại ấy, không một cách nào quan niệm
một cách toàn diện Thực Tại hết sức phong phú và đa diện ấy được. Quan
niệm nào cũng chỉ là một cái nhìn phiến diện về Thực Tại ấy thôi. Và
những quan niệm phiến diện ấy thường bổ túc cho nhau hơn là bài trừ lẫn nhau.
Những tên khác nhau, và những quan niệm khác nhau đi
liền với mỗi tên đó, đều quy về chỉ một Thực Tại duy nhất, vì tôn giáo nào cũng
quan niệm Thực Tại đó là duy nhất, tuyệt đối, bất biến, vô cùng, siêu việt,
siêu nghiệm, không thể nghĩ bàn, là nền tảng duy nhất cho mọi thực tại tương
đối, biến đổi và hữu hạn. Đó là những thuộc tính căn bản nhất của mà mọi
tôn giáo đều có thể tạm thống nhất với nhau về Thực Tại ấy. Như
vậy, chân tính của Thực Tại ấy vẫn có thể tạm xác định được bất
chấp người ta quan niệm khác nhau về Thực Tại ấy.
Ngôn ngữ con người bị hạn chế, không có khả năng diễn tả về Thực Tại
Tối Hậu
Sở dĩ tôi phải dùng chữ «tạm», vì chúng
ta đang dùng ngôn từ của con người để diễn tả về một Thực Tại vốn vượt khỏi mọi
ngôn ngữ, mọi ý niệm của con người. Tất cả mọi từ ngữ và ý niệm của con người
đều mang tính đơn diện, tĩnh, nhị nguyên ([1]).
Trong khi đó, mọi thực tại đều đa diện, luôn biến động hay biến
đổi, và mang tính nhất nguyên.
Xin dùng một minh họa cho dễ hiểu:
Thực tại trong vũ trụ thì có nhiều chiều kích, mầu
sắc và luôn luôn biến động. Nhưng để diễn tả thực tại, ngôn ngữ con người giống
như một máy chụp ra hình trắng đen. Khi chụp một vật, một cảnh, thì hình chụp
ra đúng là hình của vật ấy, cảnh ấy, và nhờ đó người ta có thể tạm hình dung ra
vật ấy, cảnh ấy, vì nó ghi lại rất trung thực và khách quan nhưng chỉ trong khả
năng của nó những gì mà vật ấy hay cảnh ấy hiện ra. Nhưng thử hỏi vật ấy, cảnh
ấy có hoàn toàn giống y hệt như hình của nó không, thì ta phải nói là không
vì nhiều lý do sau:
– Vật hay cảnh ấy có nhiều màu sắc khác nhau chứ
không chỉ có một màu trắng hoặc đen như trong hình chụp. Đó là chưa nói tới
những màu sắc mà ngay cả mắt con người cũng không nhìn thấy, như màu hồng ngoại
và những màu phát ra tần số cao hơn màu đỏ, hoặc màu cực tím và những màu phát
ra tần số thấp hơn màu tím. Những màu này tuy con người không thấy được, nhưng
có những con vật thấy được, hoặc nhiều loại máy chụp tối tân có thể chụp được,
như loại Kirlian camera có thể chụp được năng lượng hay hào quang tỏa ra chung
quanh mỗi người.
– Vật hay cảnh ấy có cả một bề dày và bề sâu của nó.
Người bình thường nào cũng có thể hình dung ra 3 chiều của nó (ngang, dọc,
sâu), chưa nói tới những chiều khác nữa mà người có trình độ cao có thể nghĩ
tới. Còn hình chụp chỉ là một tờ giấy mỏng tanh với hai chiều (ngang, dọc) mà
thôi. Chỉ dùng hai chiều ngang, dọc để diễn tả chiều sâu thì quả thật là rất
giới hạn.
– Vật hay cảnh có thể nhìn ở nhiều góc độ khác nhau
để được thấy theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn một cách đơn giản, nếu vật ấy
là một vòng tròn, thì khi nhìn đối diện ta thấy nó tròn; khi nhìn xéo ở nhiều
mức khác nhau ta thấy những hình ellip có các biên độ khác nhau; khi nhìn ngang
ta thấy nó thành một đoạn thẳng. Còn hình chụp thì chỉ diễn tả được một cách
nhìn về vòng tròn ở một vị thế duy nhất nào đó mà thôi.
– Vật hay cảnh còn đang thay đổi theo thời gian và di
chuyển trong không gian. Còn hình chụp thì cố định, bất biến, vì thế, khi vừa
chụp xong thì vật hay cảnh ấy không còn như trong ảnh nữa, mà đã trở nên khác
đi rồi. Ảnh chụp tôi lúc 8 tuổi không còn giống với tôi trong hiện tại – hơn 50
tuổi – mặc dù vẫn là ảnh của tôi.
– Vật hay cảnh còn phát ra âm thanh, mùi, vị, nhiệt
độ mà hình chụp không thể ghi nhận được. Hình chụp cũng không thể ghi lại đúng
độ lớn của vật hay cảnh, trừ tỷ lệ về độ lớn giữa những gì nó ghi nhận được.
Ngôn ngữ hay ý niệm cũng tương tự như hình chụp, nó
diễn tả thực tại một cách hết sức thiếu sót. Không thể nói bất kỳ một ý niệm
nào về một thực tại hoàn toàn tương ứng với thực tại ấy được, nhất là khi nói
đến những ý niệm về Thực Tại Tối Hậu, là thực tại hoàn toàn vượt khỏi mọi kinh
nghiệm của con người. Thật là ngây ngô khi ta cho một ý niệm cố định nào đó về
Thực Tại Tối Hậu lại có thể bao trùm hết Thực Tại ấy, cũng như cho một hình
chụp của một vật hay cảnh nào đó bao trùm được hết vật hay cảnh ấy. Nếu chủ
trương rằng một ảnh chụp không thể bao trùm hết được vật hay cảnh mà nó ghi
nhận, ta mới dễ chấp nhận những ảnh chụp khác với nó cũng có thể là ảnh chụp
của chính vật hay cảnh ấy. Cũng vậy, khi cho rằng ý niệm của ta không thể bao
trùm hết Thực Tại Tối Hậu, thì ta mới dành chỗ đứng cho những ý niệm khác về
Thực Tại Tối Hậu của các tôn giáo khác được.
Những đặc
tính chung được gán cho Thực Tại Tối Hậu chỉ là «gượng dùng» hay «tạm dùng»
Những đặc tính chung mà ta vừa nghĩ và gán cho Thực
Tại Tối Hậu chỉ có tính tạm dùng hay gượng dùng mà thôi, vì không có những từ
ngữ hay ý niệm nào khác nhau hơn. Thật vậy, khi nói về Đạo – từ ngữ mà
Lão Tử gượng dùng để chỉ Thực Tại Tối Hậu – Lão Tử viết: «Ta không biết tên,
gọi đó là Đạo, gượng cho là Lớn» (Đạo Đức Kinh, ch. 25, b). «Gượng
cho là Lớn» có nghĩa là nói là «Lớn» thì cũng không chính xác. Vì
như Ấn Độ giáo diễn tả về Brahman (Đại Ngã): «Nó lớn đến nỗi cả vũ trụ bao
la cũng không chứa nổi nó, nhưng nó cũng nhỏ đến nỗi có thể được chứa trọn vẹn
trong một hạt bụi nhỏ nhất của trần gian». Khi nói về Chân Như hay Phật
tính, thì Phật cho rằng Nó «bất nhất bất dị» (nghĩa là không là một mà
cũng không khác với vũ trụ vạn vật), «bất thường bất đoạn» (không liên
tục mà cũng không gián đoạn)… Những ý niệm mâu thuẫn nhau này chỉ trở nên dễ
hiểu được khi thực tại được quan niệm là đa diện, biến động và nhất nguyên mà
thôi ([2]).
Những người đòi hỏi sự chính xác của ngôn ngữ thì
không thể chấp nhận những đặc tính nêu trên là căn bản và chung cho mọi quan
niệm về Thực Tại Tối Hậu trong các tôn giáo. Chẳng hạn trong các tôn giáo Á
châu, có những tín đồ không chấp nhận áp dụng từ «tuyệt đối» cho Thực
Tại Tối Hậu. Họ cho rằng tuyệt đối và tương đối là hai hạn từ nương nhau mà có:
ý niệm «tuyệt đối» phát sinh là do so sánh với những gì tương đối, nên
cả hai đều là tương đối. Do đó Thực Tại Tối Hậu phải là cái gì vượt lên trên cả
tuyệt đối lẫn tương đối. Và cũng tương tự như thế đối với các hạn từ khác như «vô
cùng», «bất biến», v.v… Vì thế, trong ngôn ngữ con người, không có
một từ nào thích hợp cho Thực Tại Tối Hậu cả.
Thật ra, tất cả những từ gượng dùng trên đều
là những ý niệm phát xuất từ kinh nghiệm của con người, tạm gán cho Thực Tại
Tối Hậu để có thể tạm nói về thực tại ấy. Nếu không như thế thì không thể nói
gì được về thực tại ấy. Vì Thực Tại Tối Hậu thì chẳng những siêu việt mà còn
siêu nghiệm, hoàn toàn không tương ứng với bất kỳ kinh nghiệm nào của con
người. Minh họa về ánh sáng và màu sắc đối với những người mù bẩm sinh sau đây
giúp ta dễ hiểu vấn đề hơn.
Có một bộ
lạc sống tại một thung lũng cô lập nọ, trong đó, tất cả mọi người trong bộ lạc
đều bị bệnh mù di truyền bẩm sinh. Do đó họ mù từ thế hệ này sang thế hệ kia,
và không biết mù từ đời nào. Họ không giao thiệp với bộ lạc nào khác, và không
bộ lạc nào khác giao thiệp với họ. Họ không bao giờ được nghe nói tới ánh sáng
và màu sắc, nên không hề có một ý niệm nào về ánh sáng và màu sắc cả. Cho tới
một ngày kia, có một người sáng mắt tình cờ tới thung lũng đó. Anh ta muốn nói
về ánh sáng và màu sắc cho họ, nhưng tất cả những ý niệm nào của anh liên quan
đến ánh sáng và màu sắc, dùng để mô tả thực tại ấy, thì họ đều không sao hiểu
nổi. Còn tất cả những gì họ có thể quan niệm nổi thì đều không phù hợp để tạo
nên một ý niệm đúng đắn về ánh sáng và màu sắc.
Khi nói về mầu xanh chẳng hạn, vì họ không hiểu được,
nên họ hỏi ngược lại anh: mầu ấy có giống như cảm giác nhẵn hay nhám, gồ ghề
hay phẳng, lạnh hay nóng… mà họ đã từng kinh nghiệm được không? Mầu ấy có giống
như tiếng chim hót hay như tiếng suối chảy không? Nó có giống như vị ngọt hay
đắng, hay mặn, hay chua? v. v… Anh sẽ phải trả lời không cho tất cả mọi câu hỏi
của họ. Vì mầu xanh hoàn toàn là một cái gì siêu nghiệm đối với người chỉ có
bốn giác quan không phải là thị giác. Không có một cách diễn tả nào tương ứng
với bốn giác quan ấy lại có thể phù hợp với mầu xanh. Ánh sáng và mầu sắc hoàn
toàn nằm ngoài những ý niệm của những người mù bẩm sinh kia thế nào, thì Thực
Tại Tối Hậu cũng hoàn toàn nằm ngoài những ý niệm của con người như vậy.
Nếu phải dùng những ý niệm nghèo nàn của họ để diễn
tả về ánh sáng và màu sắc, anh cảm thấy hầu như hoàn toàn bất lực. Tuy nhiên,
vì phải thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của họ về ánh sáng và màu sắc, anh cũng phải
tạm cho họ một ý niệm hết sức thô thiển và sơ sài về ánh sáng và
màu sắc dựa vào những kinh nghiệm thiếu thốn mà họ đang có. Chẳng hạn ánh sáng
tựa như những tia nước nhỏ bắn ra từ một nguồn nước. Còn màu sắc tương tự như điều
con người cảm nhận được khi những tia nước đó đụng chạm đến một vật nào đó. Khi
tạm diễn tả một cách nghèo nàn như vậy, anh phải lưu ý họ rằng ánh sáng một
phần rất nhỏ tương tự như vậy chứ không phải như vậy. Ý niệm nghèo nàn anh cố
tạo ra cho họ ấy về ánh sáng và màu sắc so với ý niệm thực tế của anh thì chỉ
đúng bằng 1/100 hay 1/1000. Sự chênh lệch quá lớn ấy không phải do anh không
muốn cho họ biết, mà vì khả năng ngôn ngữ và những ý niệm có sẵn của họ không
thể tương ứng được với thực tại ấy.
Thực Tại
Tuyệt Đối là cứu cánh chung, và là trọng tâm của mọi tôn giáo
Dù quan niệm về Thực Tại ấy có khác nhau, nhưng không
tôn giáo nào lại không lấy Thực Tại Tuyệt Đối duy nhất ấy làm cứu cánh và
làm trọng tâm cho mọi sinh hoạt của mình. Kitô giáo lấy Thiên Chúa làm đối
tượng tôn thờ và cứu cánh cho hiện hữu mình. Phật giáo lấy việc thực nghiệm
được Chân Như Phật tính nơi chính bản thân cũng như nơi ngoại vật làm đối tượng
giác ngộ hay kiến tính và coi đó là nguồn giải thoát. Ấn Độ giáo coi việc thực
hiện hiệp nhất với Brahman (Đại Ngã) làm mục đích của đời sống tâm linh và là
cứu cánh của con người. V.v…
Nhờ đối thoại và trao đổi với các tôn giáo khác, ta
sẽ hiểu về Thực Tại Tuyệt Đối duy nhất vốn đa diện ấy một cách đầy đủ hơn,
nhiều mặt hơn, dưới nhiều góc độ hơn, và có thể có nhiều kinh nghiệm phong phú
về Thực Tại ấy hơn. Tương tự như các nhà chuyên môn, nhà nào cũng chỉ thấy được
một vài khía cạnh của vấn đề thôi, nhưng nhờ trao đổi và đối thoại với những
nhà chuyên môn khác, họ mới hiểu vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện hơn. Như
chúng ta vẫn có dịp kinh nghiệm, quan điểm của các nhà chuyên môn trong các
lãnh vực khác nhau thường rất khác biệt nhau, thậm chí mâu thuẫn có vẻ như
không thể dung hòa nhau được. Thật khó mà tin tưởng được rằng các nhà xã hội
học, tâm lý học, y học, thống kê học, nông học, triết gia, thần học gia… thuộc
đủ mọi ngành lại có thể quan niệm giống nhau về một vấn đề nào đó ngay từ đầu,
trước khi ngồi lại với nhau để trao đổi và bổ túc nhau để cùng thống nhất quan
điểm.
Nếu chỉ biết «qua loa» quan điểm của nhau,
chắc chắn họ không thể đồng ý với nhau được, vì có những quan niệm của người
khác ngược hẳn lại quan niệm của mình. Nhưng khi trao đổi với nhau một cách
chân thành với mục đích tìm hiểu nhau, họ mới thấy được sự hợp lý của nhau, mới
nhận ra rằng có rất nhiều cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề dù rất nhỏ và
giới hạn ấy, và tất cả những cách nhìn đó đều đúng, nhưng mỗi cách chỉ đúng
trong một vài khía cạnh nào đó của vấn đề mà thôi.
Một vấn đề nhỏ hẹp và giới hạn mà người ta còn có
nhiều cách nhìn khác nhau như thế, và cách nào cũng đều phiến diện như thế, lẽ
nào một thực tại vô cùng to lớn, vô cùng phong phú và đa diện, vượt khỏi khả
năng kinh nghiệm của con người, lại chỉ có duy nhất một cách nhìn, một cách
quan niệm là đúng mà thôi? Và lẽ nào quan niệm đó lại bao trùm được hết một
thực tại vô cùng to lớn như thế? Một mảnh vải nhỏ có thể che kín được cả đại
dương chăng? Muốn che kín được đại dương, phải có hàng tỷ tỷ mảnh vải như thế!
Như vậy, muốn hiểu biết về Thực Tại Tuyệt Đối vô cùng
phong phú kia, nếu chỉ biết có quan điểm của tôn giáo mình và tự mãn về quan
điểm ấy thì có hợp lý không? Cần phải tìm hiểu những quan điểm khác nữa, không
phải chỉ quan điểm của các tôn giáo mà thôi, mà phải tìm hiểu cả những quan
điểm phi tôn giáo nữa. Kết quả của việc đối thoại chân thành ấy là các tín
hữu trong bất kỳ tôn giáo nào cũng cảm thấy quan niệm của mình về Chân Lý cần
được bổ túc bởi các tôn giáo khác. Sự cần lẫn nhau ấy sẽ nẩy sinh lòng yêu
thương nhau, sự đoàn kết và hợp tác với nhau để xây dựng những thiện ích chung.
Một viễn cảnh tốt đẹp như thế chẳng phải là ý muốn của Thiên Chúa, Đấng muốn
cho mọi người hiệp nhất với nhau sao?
Không phải
mọi tôn giáo đều tôn thờ ngẫu tượng
Trước Công Đồng Vatican II, Kitô giáo không chấp nhận
các tôn giáo khác vì cho rằng các tôn giáo ấy tôn thờ ngẫu tượng, nghĩa
là thờ một vị thần minh nào đó khác với Thiên Chúa, Đấng tuyệt
đối và duy nhất. Thời ấy, trong sách giáo lý và trong một số kinh nguyện Công
Giáo ở nước ta, có thành ngữ «thờ Bụt, thần, ma, quỉ» để áp dụng
cho hầu hết các tôn giáo không phải là Kitô giáo. Trong thành ngữ đó, «Bụt»
- phiên âm
cổ trong tiếng Việt của từ «Buddha», tức Đức Phật - đã bị
người Kitô hữu xếp cùng một «catêgôri» với các tà thần và ma quỉ.
Quan niệm như thế chứng tỏ thời đó chúng ta không hề
biết chính xác về các tôn giáo lớn của thế giới, và đã tiên thiên đồng hóa mọi
tôn giáo với một số tôn giáo nhỏ ở vùng Palestine mà Kinh Thánh Cựu Ước kết án
là tôn thờ ngẫu tượng. Coi tất cả các tôn giáo – dù lớn hay nhỏ – hễ khác với
mình thì đều là «cá mè một lứa» với những tôn giáo thấp kém mà mình đã
biết, thì đó không phải là việc làm minh triết. Việc tìm hiểu các tôn giáo lớn
tại Á châu cho thấy: đối tượng của các tôn giáo ấy không phải là những ngẫu
tượng mà Do Thái giáo và Kitô giáo ghê tởm, nhưng xét cho cùng, đối tượng ấy
cũng chính là đối tượng của Kitô giáo, nhưng được nhìn ở góc độ khác, được
diễn tả cách khác, và được gọi bằng một tên khác.
Chẳng hạn trong Phật giáo, đối tượng tối hậu không
phải là Đức Phật, lại càng không phải là tượng Phật, mà là Chân Như Phật
Tính, là Bản Lai Diện Mục, tức Thực Tại tuyệt đối và duy nhất
vẫn có trong bất kỳ vật nào, bất biến, vô thủy vô chung, làm nền tảng hiện hữu
cho tất cả mọi vật đã, đang và sẽ có trong vũ trụ… Đức Phật chỉ là người giác
ngộ được thực tại tuyệt đối ấy – tức Chân Như Phật Tính – nơi mình và trong vũ
trụ mà thôi. Người Phật tử chân chính không bao giờ lại thờ phượng Đức Phật cả.
Việc tụng niệm và cầu khẩn Phật ADiĐà trong Tịnh Độ Tông chỉ là một trong những
cách giáo hóa của Phật giáo Đại thừa dành cho đại chúng, vốn còn ở trình độ
thấp, chưa hiểu được giáo lý vi diệu thâm sâu của Phật. Giáo pháp này là tạm
thời nhằm nâng cấp trình độ người Phật tử lên mức cao hơn ([3]).
Hay trong Khổng giáo, Đức Khổng chỉ là «Vạn Thế Sư
Biểu» (Thầy dạy của mọi thế hệ), không bao giờ được quan niệm là một vị
thần minh được tôn thờ như Kitô giáo thờ Thiên Chúa hay Đức Kitô cả. Mà đối
tượng phải tôn trọng, phải tuân theo là «Mệnh Trời», «Thiên»,
«Trời Đất»… hoàn toàn không có ý nghĩa vật chất, mà là một nguyên lý
siêu hình, tối hậu, nền tảng của vũ trụ…
Những tên và
quan niệm khác nhau ấy chỉ qui về một đối tượng duy nhất
Chúng ta nhận ra tất cả những đối tượng tối hậu có
vẻ khác nhau ấy chỉ là một đối tượng duy nhất, nhờ những đặc tính
căn bản chung mà mọi tôn giáo đều gán cho đối tượng tối hậu của mình. Những đặc
tính căn bản ấy là: duy nhất, tuyệt đối, bất biến, vô cùng, siêu việt,
siêu nghiệm, không thể nghĩ bàn, là nền tảng duy nhất cho mọi thực tại tương
đối, biến đổi và hữu hạn.
Những đặc tính đó chỉ duy nhất có một thực tại có
thể có mà thôi. Đó là Hữu Thể mà Kitô giáo gọi là Thiên Chúa, nhưng trong
các tôn giáo khác, Hữu Thể đó lại mang những tên khác, và được quan niệm cách
khác. Sự khác biệt đó là tất yếu, dĩ nhiên. Nếu không có sự khác biệt ấy thì đó
mới chính điều là khó hiểu.
Chính vì sự khác biệt trong tên và trong quan niệm về
Hữu Thể ấy nơi các tôn giáo, mà người ta không nhận ra những tên và những quan
niệm khác nhau ấy đều chỉ về một Thực Tại duy nhất. Cũng như một người dùng
nhiều tên khác nhau, mang những thể dạng hay làm những nghề nghiệp khác nhau ở
những thời điểm và địa điểm khác nhau. Những ai chỉ biết người ấy qua một tên,
một bộ mặt và một nghề nghiệp của người ấy, thì khi họp nhau lại để nói về người
ấy, họ sẽ rất khó lòng nhận ra tất cả những tên cũng như những ý niệm gắn liền
với tên ấy đều chỉ quy về một người duy nhất. Chỉ có những ai đã gặp người ấy
trong nhiều trường hợp hay hoàn cảnh khác nhau, mới biết những tên, những bộ
mặt và nghề nghiệp khác nhau ấy đều chỉ là một người duy nhất.
Cũng tương tự như trường hợp sau: có người mà tôi gọi
bằng cha và bị tôi coi là nghiêm khắc, có người mà mẹ tôi gọi là chồng và được
bà coi là người rất hào hiệp phong nhã, có người mà chú tôi gọi là anh và được ông
coi là rất tốt bụng. Ba người ấy có thể là ba người khác nhau vì có ba tên gọi
khác nhau, và ba đặc tính đi đôi với ba tên ấy cũng khác nhau. Nhưng nếu tôi
chỉ có một người cha, mẹ tôi chỉ có một người chồng, và chú tôi chỉ có một
người anh, thì ắt hẳn ba người ấy chỉ là một, cho dù tên gọi và quan niệm về
người ấy nơi mẹ tôi, chú tôi và tôi có khác nhau. Cũng vậy, không thể vì tên
gọi và quan niệm về Thực Tại Tối Hậu của mỗi tôn giáo mỗi khác, mà Thực Tại ấy
không thể là một được!
Một minh họa khác: Sau thế chiến thứ hai, các tội
phạm chiến tranh - những
nhân vật cao cấp trong Đức Quốc Xã, đồng phạm với Hitler - bị truy
nã gắt gao để đưa ra xử tại toà án quốc tế. Có một tội phạm đã nhiều lần
đổi tên, đổi lý lịch, đổi diện mạo bằng những phương pháp phẫu thuật tân kỳ,
đổi cả giọng nói, đương nhiên cũng thay đổi nghề nghiệp, chỗ ở, thậm chí phải
qua nước khác để sống. Hắn phải bỏ vợ con, gia đình, cha mẹ, bạn bè, vì đó là
những đầu mối khiến hắn có thể bị phát hiện, và hắn phải lập nên những gia đình
mới, tương quan với những bạn bè mới. Mọi sự đều thay đổi nhiều đợt để
không ai nhận ra hắn là một tên tội phạm bị truy nã gắt gao. Tuy nhiên, vẫn có
những thứ không sao thay đổi được như vân tay, chiều cao, loại máu, một số thói
quen… Chính nhờ những yếu tố không thay đổi này, mà các thám tử quốc tế đã nhận
ra: những tên khác nhau, những bộ mặt khác nhau, những lý lịch khác nhau kia
chỉ là một người duy nhất. Và tên tội phạm ấy đã bị khám phá và đền tội.
Những người thông thường, bình dân, khi thấy tên
khác, bộ mặt khác, lý lịch khác, chỗ ở khác, nghề nghiệp khác… ắt phải nghĩ đó
là người khác, không còn nghi ngờ gì. Nhưng các thám tử không được nghĩ như
thế! Nếu ngay từ đầu họ đã nghĩ như người bình thường thì không bao giờ họ có
thể phát hiện ra những trường hợp thay đổi kỹ lưỡng như vậy. Vấn đề ở đây là:
căn cứ vào đâu để có thể xác nhận chắc chắn rằng những khác biệt ấy chỉ qui về
một người duy nhất.
Hữu Thể Tối Thượng thì vô cùng phong phú và đa
diện, đồng thời không thể quan niệm và diễn tả được. Chân tính của
Hữu Thể ấy thường được xác định cách khác nhau trong mỗi tôn giáo, tùy theo rất
nhiều điều kiện hạn hẹp, cá biệt về văn hóa, xã hội, sinh thái, triết
lý… của từng tôn giáo. Theo lý luận thông thường, những quan niệm và những cách
diễn tả khác nhau ấy phải tương ứng với những đối tượng khác nhau. Do đó, nếu
không có đầu óc cởi mở, rộng rãi để nhìn ra những đặc tính chung, căn bản và
không thay đổi trong các cách xác định chân tính của Hữu Thể Tối Thượng ấy, mà
cứ cố chấp vào những chi tiết khác biệt, thì làm sao nhận ra được tất cả những
cách xác định khác nhau kia đều chỉ quy về một đối tượng duy nhất?
Nguyễn Chính Kết
([1]) Những từ «đơn diện, tĩnh, nhị nguyên» sẽ được giải thích rõ hơn trong phần III, trang [???] 150-164.
([3]) Nhiều tín đồ Phật giáo quan niệm Tịnh Độ Tông như là một sự thoái hóa về mặt trí tuệ, mà Phật giáo bất đắc dĩ phải chấp nhận để phù hợp với trình độ của đại chúng, theo như chủ trương «tùy duyên hóa độ» của mình. Nhưng linh mục Henri de Lubac, trong cuốn Amida (Paris, Seuil,1955), thì lại cho rằng Tịnh Độ Tông là một bước tiến hóa của Phật giáo để trở nên giống Kitô giáo hơn trong việc cầu tha lực – một Đấng, hay một sức mạnh thần linh ngoài mình – để được giải thoát. Theo linh mục, đó là một bước chuyển biến phải có – mang tính «quá độ» – để Phật giáo tiến lên quan niệm về một Thiên Chúa có ngôi vị và cứu độ như Kitô giáo.