Chương 1
Nhu
cầu đối thoại và thông cảm
Nhu cầu đối thoại trên thế giới
Thế giới chúng ta ngày càng trở nên nhỏ lại vì việc
giao thông, liên lạc ngày càng tân tiến, hiện đại và dễ dàng. Mọi khoảng cách
đều bị thâu ngắn lại. Các dân tộc ngày càng đi lại, giao thiệp với nhau nhiều
hơn, việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ngày càng sâu rộng hơn. Do đó, các
dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo ngày càng xích lại gần nhau, càng có nhu
cầu liên lạc, trao đổi, đối thoại, tìm hiểu nhau, để ngày càng thông cảm, yêu
thương và cộng tác với nhau thân thiện hơn.
Đàng khác, con người ngày càng ý thức được sự đa dạng
của vạn vật, coi sự khác biệt nhau trong mọi lãnh vực là định luật tất yếu:
trong vạn vật, không vật nào hoàn toàn giống vật nào. Vì người nào, vật nào
không phải là một với mình, tất nhiên phải khác với mình! Do đó, càng ngày nhân
loại càng dễ chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt giữa nhau - giữa mình
và người khác - cả trong
lãnh vực tư tưởng, ý thức hệ, tôn giáo, văn hóa… Não trạng tự tôn – cho rằng
chỉ có mình là đúng, vì thế luôn mong muốn hay đòi hỏi mọi người phải theo mình
– ngày càng giảm dần theo đà trưởng thành về mặt tư tưởng của con người.
Do ý thức tôn trọng sự khác biệt tất yếu đó, con
người để cho nhau được tự do hơn, tự do khác biệt nhau, tự do suy tư khác với
nhau. Con người ngày càng ý thức rằng bắt người khác phải suy tư giống mình là
phi lý, là phản tự nhiên. Đồng thời con người cũng cảm thấy khẩn thiết hơn nhu
cầu tìm hiểu lẫn nhau, tìm hiểu sự hợp tình hợp lý của nhau để có thể thông cảm
lẫn nhau, yêu thương nhau và sống hòa bình với nhau. Vì thế, nhu cầu đối thoại
giữa người với người, giữa tập thể với tập thể càng ngày càng gia tăng.
Các tôn giáo
cần phải làm gương cho thế giới về đối thoại
Sự khác biệt về mặt tôn giáo giữa các dân tộc cũng
được coi là tất yếu như bao nhiêu mặt khác của sinh hoạt con người. Thật
khó tưởng tượng được các dân tộc khác nhau, với những nền văn hóa rất khác nhau
mà lại cùng phát sinh ra một thứ tôn giáo y như nhau. Cũng tương tự như thật
khó tin chuyện hai người do hai cha mẹ khác nhau, thuộc hai dân tộc khác nhau,
nền văn hóa cũng khác nhau, thủy thổ khác nhau, mà lại sinh ra giống y như
nhau.
Nhưng cho dù khác nhau tới đâu, các tôn giáo vẫn có
điểm chung này: bất kỳ tôn giáo nào trên thế giới cũng cổ võ sự đoàn kết yêu
thương nhau. Nhưng muốn đoàn kết yêu thương nhau, thì điều kiện tiên quyết
là phải hiểu và thông cảm lẫn nhau. Nhưng làm sao có thể hiểu và thông
cảm nhau, nếu không có những nỗ lực tìm hiểu nhau, xích lại gần nhau, trao đổi
với nhau. Làm sao có thể thông cảm lẫn nhau khi mình không thèm giao tiếp, tìm
hiểu người khác, không biết người khác nghĩ thế nào mà cứ tiên thiên tự xưng
mình là đúng nhất, cho rằng ai cũng phải nghĩ như mình mới đúng, và ra công tìm
cách, thậm chí dùng áp lực ép người khác phải nghĩ như mình.
Nếu mọi dân tộc, mọi nền văn hóa hiện nay đang xích
lại gần nhau, đang tìm hiểu, đối thoại với nhau để trở thành bạn của nhau, thì
lẽ nào các tôn giáo - vốn
dạy tín hữu của mình làm chuyện ấy - lại không thèm làm như vậy? Lẽ ra, các tôn giáo phải
làm việc đó trước tất cả mọi thế lực, mọi tổ chức khác mới đúng với chức năng
hướng dẫn tinh thần của mình. Nghĩa là các tôn giáo phải làm gương cho mọi cộng
đoàn, mọi xã hội, mọi thể chế, mọi quốc gia về những gì mình đã dạy cho cả thế
giới làm, là đoàn kết yêu thương nhau, đối thoại, cộng tác với nhau. Nếu không,
các tôn giáo sẽ đi vào vết xe đã đổ của các kinh sư Do Thái: họ đã bị Đức Giêsu
phê bình: «Những gì họ nói thì anh em hãy làm hãy giữ, nhưng đừng làm theo
những gì họ làm, vì họ nói mà không làm» (Mt 23,3).
Có phải các tôn giáo chỉ dạy người ta đoàn kết yêu
thương nhau, nhưng chính các tôn giáo lại không chịu đối xử như vậy với nhau?
Kitô giáo
phải làm gương về tìm hiểu và đối thoại nhiều hơn cả
Nếu các tôn giáo nên làm gương cho các cộng đoàn xã
hội khác về việc đối thoại, tìm hiểu, để đoàn kết yêu thương nhau, thì chắc
chắn Kitô giáo cần phải làm gương cho các tôn giáo khác về điểm ấy hơn
cả, vì Kitô giáo là tôn giáo tự hào nhất về yêu thương, coi yêu thương là
đặc trưng của mình. Thật vậy, Đức Kitô đã dạy: «Người ta cứ dấu này mà
nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga
13,35). Tình yêu đó không chỉ dành cho những người gần gũi với mình, mà còn
trải rộng ra cho tất cả mọi người, không trừ ai, thậm chí cả kẻ thù của mình,
cả những người bách hại mình nữa (x. Mt 5,44). Vì thế, các Kitô hữu rất tự hào
về đạo của mình là đạo bác ái. Do đó, Kitô giáo nên dẫn đầu các tôn giáo trên
thế giới về nỗ lực tạo đoàn kết, yêu thương, đối thoại và hợp tác giữa các tôn
giáo với nhau.
Tuy nhiên,
các tôn giáo đã đi sau thế giới
Nhưng thử hỏi: các tôn giáo, nhất là Kitô giáo, có
phải là những cộng đoàn đi bước trước và là gương mẫu cho thế giới về tinh thần
đối thoại hợp tác với nhau không? – Rất tiếc không phải như vậy, vì những thế
lực phi tôn giáo đã đi bước trước và đã làm gương cho các tôn giáo về mặt này.
Chẳng hạn, trước khi các tôn giáo biết hợp tác với nhau để xây dựng hòa bình và
bảo vệ các quyền của con người, thì một số quốc gia đã làm điều đó, lập ra tổ
chức Liên Hiệp Quốc hiện nay (thành lập năm 1945).
Và trong số các tôn giáo, Kitô giáo không phải là tôn
giáo khởi xướng việc đối thoại tôn giáo cũng như việc kêu gọi hợp tác giữa các
tôn giáo. Thật vậy, Đại Hội Các Tôn giáo trên thế giới lần đầu tiên tổ chức tại
Chicago (Mỹ) ngày 11.9. l893 lại không phải là sáng kiến của Kitô giáo hay do
Kitô giáo tổ chức. Đúng ra, Kitô giáo phải đi bước trước về những việc như thế
thì mới phù hợp với những niềm tự hào của mình.
Các tôn giáo
chưa làm gương cho thế giới về yêu thương nhau
Đó là những sự kiện lịch sử đáng cho các tôn giáo - nhất là
Kitô giáo - suy nghĩ
về vai trò lãnh đạo tinh thần của mình đối với thế giới. Có lẽ các tôn giáo chưa
làm gương cho thế giới về những điều mình dạy, nhất là trong cách xử sự yêu
thương và hợp tác giữa các tôn giáo với nhau: các tôn giáo vẫn còn ngăn cách,
không hiểu và thông cảm nhau, vẫn còn tìm cách hạ giá nhau, nghi kỵ nhau, tranh
giành ảnh hưởng lẫn nhau. Thật mỉa mai thay khi có những điều tốt các tôn giáo
thực hiện không nổi mà lại cứ muốn dạy cho người khác làm, muốn đóng vai trò
hướng dẫn, làm thầy dạy cho những thế lực phi tôn giáo! (x. Mt 23,24). Trên thế
giới cũng như trong nhiều quốc gia, chiến tranh tôn giáo thỉnh thoảng vẫn xảy
ra, có khi vì những lý do chẳng đáng vào đâu, trong đó Kitô giáo không phải là
vô can! Và trong chiến tranh tôn giáo, chẳng mấy tôn giáo áp dụng cho nhau
những điều tốt đẹp mà mình vẫn giảng dạy trong giáo lý của mình. Chiến tranh
tôn giáo nhiều khi cũng tàn khốc, dã man và bỉ ổi không kém gì những thứ chiến
tranh khác!
Nhiều tín đồ trong các tôn giáo tuy chưa hiểu được
giáo lý của các tôn giáo khác, hay hiểu một cách sai lạc mà đã tự hào cho mình
là đúng nhất, tốt nhất, thậm chí cho rằng chỉ có mình là chân lý, kỳ dư đều là
lầm lạc. Tự hào như thế có khác gì một anh chàng ngạo mạn chưa hề biết những
người trong xóm có bao nhiêu tiền của, chỉ vì thấy mình có rất nhiều tiền, đã
lên tiếng tự hào rằng mình là người giàu có nhất xóm! Hãy tự hỏi: Nếu người ta
ai cũng có thái độ tự hào như thế đối với nhau thì thế giới này sẽ ra sao? Nếu
trong thế giới, ai cũng có thái độ tự hào tự mãn như thế thì thế giới này sẽ
thật khốn khổ, tình thương và sự cảm thông khó mà nẩy sinh và phát triển được,
xã hội con người sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho hận thù, nghi kỵ.
Các tôn giáo
cần đối thoại để hiểu nhau và yêu thương nhau hơn
Ngày nay, sự giao lưu văn hóa khiến các dân tộc hiểu
nhau hơn, dễ cộng tác với nhau hơn. Cũng vậy, sự giao lưu tôn giáo, hay việc
đối thoại, trao đổi giữa các tôn giáo, sẽ làm cho các tín đồ trong các tôn giáo
thông cảm với nhau, thương yêu, đoàn kết và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Hai
tôn giáo cũng như hai người, thường rất khác biệt nhau, vì thế, nếu không đối
thoại với nhau, không tìm hiểu lẫn nhau, không cho nhau biết về mình, không
cùng nhau trao đổi tư tưởng tâm tình, thì làm sao có thể quen biết, thông cảm
và yêu thương nhau được?
Thế nhưng việc đối thoại tôn giáo vẫn còn xảy ra một
cách rất hạn hẹp. Thỉnh thoảng mới có những đại hội tôn giáo quốc tế chỉ tạo
điều kiện cho những vị đại diện cao cấp của các tôn giáo gặp gỡ, hội thảo, trao
đổi. Những cuộc gặp gỡ đối thoại tôn giáo đó ít khi được tổ chức ở những cấp
nhỏ hơn như quốc gia, miền, tỉnh… Do đó, việc đối thoại tôn giáo hiện nay mới
chỉ là những bước khởi đầu, chưa đi đến đâu cả. Các tôn giáo thường chỉ biết về
nhau một cách lý thuyết, đơn sơ, phiến diện, nhiều khi còn giải thích về nhau
một cách sai lạc nữa. Nói chung, các tôn giáo còn rất nhiều thành kiến không
tốt về nhau.
Các tôn giáo
thường hiểu nhau một cách sai lạc
Trong nhiều quốc gia, các tôn giáo vẫn còn xa lạ với
nhau, nghi kỵ lẫn nhau, hiểu xấu về nhau. Chẳng hạn, nghĩ đến Hồi giáo, người
ta thường nghĩ ngay và chỉ nghĩ đến một tôn giáo thích bạo động, có vị giáo chủ
nhiều vợ (đối với nhiều tôn giáo, đây là một gương xấu)… mà không hề biết đến
những gì tích cực và siêu việt của tôn giáo này. Hay nghĩ đến đạo Cao Đài, các
tín hữu những tôn giáo khác thường nghĩ đó là một tôn giáo «hổ lốn», thờ
đủ mọi vị giáo chủ, chẳng ra đâu vào với đâu cả, mà không hề biết đến giáo lý
thâm sâu và nhiệm mầu của tôn giáo này.
Tương tự như vậy, khi về Tây Ninh tìm hiểu đạo Cao
Đài, tôi có gặp và trao đổi với nhiều đạo hữu Cao Đài bình dân mới nhận thấy
rằng: hễ nghe nói về Thiên Chúa giáo, nhiều đạo hữu Cao Đài nghĩ ngay đến một
tôn giáo cho phép ăn thịt chó - một con vật nổi tiếng trung thành, biết thương yêu, lại
hiền lành và thông minh - một điều
mà não trạng tôn giáo của họ không thể chấp nhận được ([1]).
Thật là một cách hiểu hết sức méo mó và phiến diện về Thiên Chúa giáo, cho dù
cũng có lý do của nó, vì Thiên Chúa giáo không cấm ăn thịt các con vật.
Chẳng có sự hiểu lầm nào mà không có lý của nó, thậm
chí rất có lý nữa. Nhưng vượt qua được sự có lý của mình để đi đến chân lý, đi
đến hiểu nhau, cảm thông nhau, yêu thương nhau là cả một sự «phá chấp»,
đòi hỏi phải có nhiều trí tuệ hơn là lý trí ([2]).
Người khác tôn giáo với ta mà hiểu hay thông cảm được với tôn giáo của ta thì
họ cũng phải «phá chấp», cũng phải vượt lên khỏi những lý lẽ của họ mới
có thể hiểu ta được. Những lý lẽ ấy ta tưởng chúng là phổ quát, chung cho mọi
người, nhưng thực ra chúng đã bị điều kiện hóa mỗi người mỗi khác, do nhiều yếu
tố đặc thù làm nên mỗi con người, như lề lối suy nghĩ, sự giáo dục của môi
trường xã hội, văn hóa, của tôn giáo, v.v… Cũng vậy, muốn hiểu họ, ta cũng phải
«phá chấp» như thế, nghĩa là phải «lột xác» về mặt
nhận thức luận. Phải đi vào trong tôn giáo, sống tôn giáo của họ mới có thể
hiểu họ được.
Chân tính của một tôn giáo đôi khi được những người
thuộc các tôn giáo khác xác định bằng những ý niệm kỳ cục như thế đấy! Không
phải chỉ những người bình dân mới hiểu sai lạc về các tôn giáo khác, mà ngay cả
những người trong giới lãnh đạo các tôn giáo nữa. Thật vậy, có được mấy
nhà lãnh đạo tôn giáo này hiểu thấu triệt được một tôn giáo khác?
Chẳng hạn, nói tới Phật giáo, nhiều nhà lãnh đạo Kitô
giáo hiểu đó là một tôn giáo có một cứu cánh rất tiêu cực, một tôn giáo quan
niệm thế gian này là nguồn gốc phát sinh bất hạnh và đau khổ ([3]).
Đang khi chính Đức Phật dạy rằng mọi đau khổ
đều phát sinh từ tâm con người, từ cái nghiệp xấu mà con người tạo ra, có
chỗ nào Phật nói rằng chúng phát sinh từ thế gian đâu? Nếu con người có tâm
thanh tịnh và giũ sạch được mọi nghiệp chướng, thì lúc đó, dưới con mắt của họ,
chính thế gian này lại là Quốc Độ Phật đầy trang nghiêm, tốt đẹp, hạnh
phúc ([4]).
Nghĩa là, Phật giáo chủ trương: chỉ cần thay đổi cách nhìn về
mọi vật thì ta thấy mọi vật đều thay đổi, và Đức Phật đến là để giúp con người
thay đổi cách nhìn ấy bằng sự giác ngộ hay kiến tính (thấy được
bản thể chân thật của mình, đây là mục đích chính của Phật giáo). Nhờ
vậy, họ nhìn thế giới bằng một cái nhìn mới, một cái nhìn không bị vướng mắc,
không làm tù hãm tâm hồn họ, khiến họ cảm nghiệm được sự giải thoát, và tâm hồn
họ đầy an vui: một cứu cánh như thế chẳng tích cực sao?
Thật vậy, cùng sống trong một cảnh ngộ như nhau,
nhưng người giải thoát cảm thấy đó là Quốc Độ Phật, tâm hồn lúc nào cũng thanh
thản, nhẹ nhàng, hạnh phúc, còn người chưa giải thoát thấy mọi sự chỉ là đau
khổ phiền não, tâm hồn lúc nào cũng nặng nề chán nản. Những người này dù có
sống ở thiên đàng đi nữa cũng không tránh được đau khổ phiền não:
«Người vui thì cảnh cũng vui,
«Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ».
Nhiều tôn giáo chỉ nhấn mạnh tới một thiên đàng mang
tính khách quan, mà ít nhấn mạnh tới thứ thiên đàng chủ quan. Niết bàn của Phật
giáo trước tiên phải là một thứ thiên đường chủ quan, hệ tại chính mình
hơn là ngoại cảnh. Không có thứ thiên đàng chủ quan này thì chẳng có một
thiên đàng khách quan nào là thiên đàng thực sự cả. Không thể có một thiên
đàng đầy yêu thương cho những tâm hồn còn lãnh đạm, còn làm ngơ được trước
những đau khổ của chúng sinh đồng loại. Có thứ thiên đàng chủ quan này, dù có ở
địa ngục thì địa ngục cũng trở thành thiên đàng. Cứu cánh như thế không những
tích cực, mà còn mang nhiều tính chủ động nữa.
Phải có lòng
chân thành và đầu óc khách quan khi tìm hiểu một tôn giáo
Lập trường đối thoại của Giáo Hội hiện nay rất phù
hợp với tình hình hiện tại của thế giới, điều đó đã quá rõ ràng. Và Giáo Hội
toàn cầu đã bắt đầu cuộc đối thoại với các tôn giáo, với các lập trường tư
tưởng khác với mình, kể từ sau Công Đồng Vatican II. Nhưng việc tìm hiểu và đối
thoại với các tôn giáo mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, chưa được hưởng ứng sâu xa
và thúc đẩy mạnh mẽ trong lòng Giáo Hội. Mặc dù trong Giáo Hội, vẫn có những nỗ
lực tìm hiểu các tôn giáo khác, nhưng vì chưa có những cuộc đối thoại đi vào
chiều sâu, nên những nỗ lực đó vẫn còn nhiều thiếu sót. Những hiểu biết của
Giáo Hội, nói chung, về các tôn giáo khác còn khá nông cạn và nhiều khi sai
lạc. Chúng ta hiểu về các tôn giáo khác nhiều khi không hơn gì những
người vô thần hiểu tôn giáo của chúng ta. Cuốn «Bước vào Hy Vọng»
của Đức Gioan Phaolô II - phần đề
cập đến Phật giáo - một phần
nào nói lên điều đó.
Vả lại, não trạng của chúng ta khi tìm hiểu và đối
thoại với các tôn giáo khác chưa được đúng đắn đủ: chúng ta muốn tìm
hiểu các tôn giáo khác không phải vì muốn tìm thấy chân lý trong tôn
giáo của họ cho bằng muốn tìm thấy những sai lầm trong đó để đả kích họ, để
chứng minh rằng tôn giáo của mình siêu việt hơn, đúng hơn họ. Với một thái
độ như thế, làm sao chúng ta có thể thấy được chân lý nơi họ? và khi nói về họ,
làm sao chúng ta nói đúng được? Muốn thực sự hiểu được một tôn giáo khác, chúng
ta cần phải có một thái độ nội tâm thích hợp, cũng như một người trong tôn giáo
khác muốn thực sự hiểu được Kitô giáo, cũng phải có thái độ nội tâm như vậy.
Điều đó được minh họa bằng một câu chuyện thiền sau đây:
Một giáo sư nọ đến xin một thiền sư giải thích về
thiền. Trước khi nói chuyện, thiền sư lấy bình trà ra rót vào các tách trà.
Nhưng ông cứ rót tiếp tục vào cái tách đã đầy tràn rồi. Giáo sư nọ bèn lên
tiếng thắc mắc. Thiền sư trả lời: «Đấy! ông thấy rõ ràng là một khi tách đã
đầy thì không thể rót trà thêm vào được nữa. Đầu óc ông cũng đã đầy ắp những
thành kiến, những kiến thức khác rồi, làm sao nó có thể tiếp nhận Thiền
vào đó được nữa?».
Thật vậy, làm sao ta có thể hiểu được một tôn giáo
khi ta nghĩ tôn giáo ấy chỉ là một thứ tà đạo, một lý thuyết nhảm nhí, bất lợi
cho niềm tin sẵn có của ta? Khoa học đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải có đầu óc
thật khách quan mới có thể tránh được những sai lầm khi nhận xét và suy luận.
Chỉ một chút chủ quan, thành kiến, đủ để phát sinh nhiều sai lầm. Cũng vậy, với
một đầu óc đầy thành kiến về các tôn giáo khác, hay với một mục đích «bệnh
hoạn», làm sao ta có đủ khách quan để hiểu được những chân lý thâm
sâu trong các tôn giáo ấy? Những chân lý mà chính họ cũng phải có tâm thật
thanh tịnh và phải thiền quán nhiều năm mới hiểu và chứng nghiệm được?
Muốn hiểu
chính xác một tôn giáo, phải sống tinh thần tôn giáo ấy
Muốn thực sự hiểu một tôn giáo nào, không những phải
tìm hiểu tôn giáo ấy về mặt lý thuyết, mà còn phải thực sự sống tinh thần tôn
giáo ấy để cảm nghiệm được sự sống tâm linh và siêu nhiên trong tôn giáo ấy
nữa. Chân lý trong các tôn giáo không phải là những kiến thức chỉ cần học hỏi
hay đọc sách là biết được, mà là một thực tại cần phải chứng nghiệm mới hiểu
được. Một người vô thần hay một Phật tử không thể thực sự hiểu được Kitô giáo
nếu chỉ nghiên cứu Thánh Kinh, đọc những bộ chú giải Thánh Kinh, hay đọc hết
những bộ sách thần học của Kitô giáo, mà không hề tin, sống tinh thần Kitô giáo
và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Họ cũng giống như một nhà khoa học ở bên trời Tây,
đọc rất nhiều tài liệu về một giống chuối tiêu đặc biệt ở Á châu, ông có thể
diễn thuyết một cách rất uyên bác về giống chuối này, nhưng rất tiếc, ông chưa
bao giờ có hân hạnh thực sự ăn và thưởng thức loại chuối đó. Ông chưa có một
chút kinh nghiệm nào về giống chuối này cả. Cái biết của ông về nó hoàn toàn
chỉ là lý thuyết, và rất nhiều điều ông suy luận thêm ra từ lý thuyết thuần lý
đó đã sai với thực tế.
Cũng vậy, chúng ta không thể đứng bên ngoài các tôn
giáo mà tự hào rằng mình hiểu họ, để có thể phán đoán hay phê bình về họ một
cách chính xác được. Nếu chỉ dựa trên những hiểu biết thiếu chính xác của mình
về một tôn giáo để rồi phê bình giá trị của tôn giáo ấy thì thật là bất công và
chỉ gây nên chia rẽ, hận thù.
Tìm hiểu cách
nhìn của người khác để bổ túc cách nhìn của mình về chân lý
Không hiểu được tôn giáo khác mà đã vội đánh giá và
phê bình, nhất là lại phê bình hạ thấp tôn giáo ấy xuống, thì chỉ gây chia
rẽ và ác cảm giữa hai tôn giáo với nhau, có hại cho sự đoàn kết yêu thương
trong nhân loại. Đó không phải là thái độ khôn ngoan của một người quân tử.
Đương nhiên ta không nên tìm hiểu hay đối thoại với các tôn giáo khác chỉ để
phê bình, để so sánh xem tôn giáo nào hay hơn, hoặc để có thể tự đề cao tôn
giáo mình một cách có cơ sở hơn. Đối thoại như thế chẳng ích lợi gì nếu không
muốn nói là có hại cho sự đoàn kết chung.
Đối thoại tốt nhất là nhằm vào việc hiểu nhau, thấy
được những cái hay cái đẹp của nhau, hầu bổ túc cho những gì còn thiếu sót của
tôn giáo mình, hầu có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa - hay Thực
Tại Tuyệt Đối - theo
những cách thức khác với cách của tôn giáo mình. Đừng vội tự hào rằng cách hiểu
hay cách thức chúng ta cảm nghiệm Thực Tại Tuyệt Đối - mà người
Kitô hữu gọi là Thiên Chúa - là hay là
đúng hơn cách của người khác. Thực ra, mỗi cách đều có cái hay riêng của nó.
Cách này tốt mặt này nhưng lại dở mặt kia, và ngược lại. Vì thế, cách này bổ
túc cho cách kia. Càng thấy được Thực Tại Tuyệt Đối ấy theo nhiều cách khác
nhau, ta càng quan niệm về Thực Tại ấy rõ ràng, đúng đắn và toàn diện hơn.
Mọi tôn giáo
đều lấy Chân Lý Tối Thượng, vốn vô cùng phong phú, làm đối tượng
Tôn giáo nào cũng nhắm đến chân thiện mỹ, thực hiện
chân thiện mỹ trong đời sống của mình. Đối tượng và mục đích của tôn giáo là
chân lý, và không phải chỉ là chân lý, mà là Chân Lý Tối Thượng. Các
vị giáo chủ sáng lập các tôn giáo lớn, không một vị nào lại không tự nhận mình
chứng ngộ được Chân Lý Tối Thượng ấy. Mỗi vị chứng ngộ một cách khác nhau, thậm
chí rất khác nhau, và do đó giáo huấn của các ngài cũng khác nhau.
Điều đó không có gì là lạ cả, vì chân lý là cả một kho tàng vô cùng phong phú,
không vị nào trong một thời gian có hạn định lại có thể cảm nghiệm được hết sự
phong phú vô cùng của chân lý, và truyền lại được cho hậu thế tất cả sự phong
phú đó được.
Tương tự như khi nhiều người cùng vào trong một kho
tàng vô cùng phong phú, thì với hai tay và những xe mình có, chỉ chở được
tối đa những vật báu trong đó ra theo khả năng của mình mà thôi. Và vì kho
tàng đó không phải chỉ có một thứ báu vật, mà báu vật trong đó hết sức đa dạng,
nên những vật quí chở ra được thường mỗi người mỗi khác. Như thế, có thể vì sự
khác nhau giữa các báu vật đó mà kết luận rằng những của quí đó ắt phải xuất
phát từ những kho tàng khác nhau chăng? Nếu của báu lấy từ trong đó ra mà người
nào cũng giống người nào, thì có thể nói kho tàng đó là phong phú vô cùng
được chăng? Nếu kho tàng đó phong phú vô tận, thì chắc chắn rằng: không những
những gì đã lấy ra rất đa dạng, mà còn lại trong kho tàng đó rất nhiều thứ
của lạ mà trong số những người kia chưa hề có ai lấy ra được. Nếu
không như thế thì làm sao có thể nói kho tàng đó là phong phú vô tận
được?
Về vấn đề này, Đức Giêsu có nói: «Thầy còn
nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu
nổi» (Ga 16,12). Điều đó có nghĩa là Đức Giêsu còn có rất
nhiều điều phải nói nhưng chưa nói ra được về Thiên Chúa cũng như về vũ trụ
vạn vật, và lý do khiến Ngài không nói được là vì trình độ tiếp thu chân lý của
các môn đệ Ngài - cũng như
của nhân loại thời đó - còn thấp,
chưa thể lãnh hội được những chân lý cao sâu hơn về Thiên Chúa và vũ trụ: «bây
giờ anh em không có sức chịu nổi». Nói ra mà người nghe không tiếp thu được
thì chẳng những vô ích mà còn có thể gây hiểu lầm.
Cũng như một thầy giáo có bằng cấp tiến sĩ, nhưng lại
phải dạy học cho các học sinh bậc tiểu học. Những điều thầy dạy trong lớp chỉ
là một phần rất nhỏ những điều thầy biết, nhưng thầy không thể nói cho
học sinh biết nhiều hơn được. Phải chờ cho trình độ học sinh lên cao hơn mới có
thể nói tiếp những điều cao sâu hơn. Như vậy, những mặc khải trong Thánh Kinh
không hẳn đã là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa, mà có thể còn vô
số những điều khác cao sâu hơn nữa về Thiên Chúa.
Nói rằng những gì được mặc khải trong Kinh Thánh là
toàn bộ chân lý về Thiên Chúa, thì quả là coi Thiên Chúa quá giới hạn và tầm
thường, không siêu việt hơn cuốn Kinh Thánh họ đọc. Chẳng lẽ những gì có
thể nói về Ngài lại có thể gói trọn trong một cuốn Kinh Thánh mấy trăm trang.
Cũng y như một học sinh tiểu học cho rằng chương trình toán mà vị giáo sư tiến
sĩ dạy cho mình là toàn bộ nền toán học của thế giới vậy. Nghĩ như thế thì thật
là ngờ nghệch đáng thương!
Chân lý có
thể nắm được trọn vẹn là thứ chân lý nghèo nàn
Chỉ những ai thơ ngây cho rằng chân lý rất giới hạn
và nhỏ bé đến nỗi có thể «cầm nó trong tay» mới dám tự hào rằng
mình hay tôn giáo mình đã nắm được trọn vẹn chân lý. Chân lý mà nắm được như
thế ắt phải là «thứ chân lý hạn định và nghèo nàn», không
thể là thứ chân lý siêu việt, vô cùng được. Nếu cảm nghiệm được rằng chân lý
đích thực thì vô cùng phong phú, không thể chứa đựng hết trong giáo lý của một
tôn giáo, và mỗi tôn giáo chỉ có thể nắm được một mảnh nào đó của chân lý, thì người
thực sự yêu chân lý, thay vì tự mãn với những giới hạn mình cảm nghiệm được
về chân lý, sẽ ra công tìm hiểu những «mảnh chân lý» nơi người
khác, nơi các tôn giáo khác, để sự hiểu biết và cảm nghiệm của mình
về chân lý được đầy đủ hơn. Và đó chính là lý do đúng đắn nhất của việc đối
thoại tôn giáo. Cứ theo lẽ thường mà xét, một thái độ khiêm nhường như thế
mới là thái độ đúng đắn.
Nguyễn Chính Kết
([1]) Khác với não trạng Âu-Mỹ, ở Việt Nam, người ta coi chó mèo cũng là những con vật có thể ăn thịt được không khác gì heo, bò, dê, gà, vịt… Mà Kitô giáo không hề cấm ăn thịt, nên người Kitô hữu Việt Nam không có một mặc cảm tội lỗi nào khi ăn thịt chó, mèo cả.
([2]) Trí tuệ và lý trí một cách nào đấy được coi như cùng một bản chất, vì đều là khả năng quan niệm và suy tư, nhưng khác nhau nhau ở mức độ cao thấp của khả năng. Trí tuệ được coi là cao hơn lý trí, vì trí tuệ thấy được cao hơn, xa hơn, nhanh hơn, sâu hơn, đặc biệt trong lãnh vực tâm linh, siêu hình.
([3]) Xem ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Bước vào Hy Vọng, chương 14: «Phật giáo và Kitô giáo có thể hoán chuyển cho nhau được không? », đoạn 4.
([4]) Xem Kinh Duy-Ma-Cật, Phẩm l: Phật Quốc.
«Xá
Lợi Phất có ý nghĩ: Nếu tâm của Bồ Tát tịnh, ắt Phật độ tịnh. Nhưng Đức Thế Tôn
của chúng ta khi còn làm Bồ Tát, vì tâm ý chẳng tịnh, nên cõi Phật độ này mới
chẳng tịnh như vầy.
Phật
bèn nói: Mặt trời mặt trăng há chẳng có sao, mà tại sao kẻ đui chẳng thấy hai
vầng ấy?
Xá Lợi Phất trả lời: Đó là lỗi ở kẻ đui
chứ không phải lỗi ở mặt trời mặt trăng.
Phật
nói: Cũng vậy, do tội của chúng sinh nên họ chẳng thấy Quốc Độ của Như Lai là
nghiêm tịnh, chứ chẳng phải lỗi ở Như Lai. Cõi đất của ta là tịnh, nhưng ngươi
chẳng thấy như vậy là tại ngươi.
Phạm
Vương Kế Loa nói với Xá Lợi Phất: Vì lòng của ông có cao có thấp, chẳng y theo
huệ Phật, nên ông mới thấy cõi này là bất tịnh. Nếu Bồ Tát giữ lẽ bình đẳng đối
với tất cả chúng sinh, lòng dạ sâu vững thanh tịnh, y theo Trí Huệ Phật, ắt
thấy cõi Phật này là thanh tịnh.
Phật nói thêm: Phật Quốc Độ của ta luôn luôn thanh tịnh. Nhưng vì muốn độ những kẻ thấp yếu ở đây, cho nên ta thị hiện ra cõi bất tịnh này với mọi thứ nhơ xấu. Tỷ như Chư Thiên, cũng ăn cơm đựng trong chén bát quí báu, nhưng tùy theo phước đức của họ mà hình sắc của cơm có khác. Cũng vậy, nếu lòng người ta tịnh, thì họ liền thấy những công đức trang nghiêm của cõi này».
No comments:
Post a Comment