Thích ứng và Hội Nhập Văn Hóa
trong việc Phúc Âm hóa
Kết Luận
Tình trạng sút giảm của Kitô giáo
Cuối thiên niên kỷ thứ hai, số người Công giáo đã không tăng lên mà dường như có chiều hướng giảm đi, số người gia nhập ít hơn số người ra khỏi, nhất là tại châu Âu hay tại những nước có đời sống kinh tế cao, kỹ nghệ phát triển. Số người Kitô hữu dường như chỉ gia tăng trong những quốc gia kém phát triển, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, an ninh, những nơi dân chúng bị áp bức...
Như thế, có phải Kitô giáo chỉ thích hợp và cần thiết với những người còn đau khổ, thiếu thốn về vật chất, an ninh, hay với những xã hội còn bất công, áp bức, những quốc gia còn kém phát triển, để an ủi và xoa dịu những đau khổ của họ? Nhiều người nghĩ như thế, nên họ tiên đoán rằng sang thiên niên kỷ thứ III, Kitô giáo sẽ trở thành tượng đài lịch sử khi mà tình trạng kém phát triển và đau khổ kia không còn nữa. Có phải như thế chăng?
Kitô giáo có thể suy tàn không?
Ta không nên dựa vào câu Kinh Thánh: «Ta sẽ xây Hội Thánh Ta trên Đá này, và quyền lực Tử Thần cũng không thắng nổi» [*1] để rồi cứ an tâm không làm gì cả, chờ Thiên Chúa làm phép lạ cho Giáo Hội tồn tại mãi. Đành rằng đó là lời tiên tri của Đức Giêsu nên lời ấy phải đúng, nhưng nó đúng theo chiều hướng nào?
[*1] Mt 16,18.
Lời hứa của Thiên Chúa đối với Abraham: «Ta sẽ làm cho con cháu ngươi đông như sao trên trời, cát dưới biển» [*2] đã không đúng theo nghĩa đen như ông tưởng, mà đúng theo nghĩa bóng [*3]. Con cháu trong lời hứa đó không phải theo nghĩa xác thịt, vì nếu theo nghĩa đó thì con cháu ông làm sao đông bằng con cháu cụ tổ Lạc Long Quân của chúng ta?
[*2] St 22,17.
[*3] Nhiều câu Kinh Thánh không thể hiểu theo nghĩa đen vì nếu hiểu theo nghĩa đen thì rõ ràng là trái với thực tế. Chẳng hạn câu: «Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật (luật Môsê) cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành» (Mt 5,18), «Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại» (Ga 2,19), v.v…
Giáo Hội tồn tại được là nhờ biết thích ứng
Nhưng dù lời tiên tri của Đức Giêsu đúng theo nghĩa nào, thì nếu Giáo Hội có tồn tại mãi, ắt lý do tự nhiên phải là Giáo Hội biết thích ứng với thế giới. Mà để thích ứng, Giáo Hội phải biết thay đổi. Chấp nhất vào những quan niệm cũ, vào truyền thống hàng mấy ngàn năm của mình, vào những điều mà người xưa cho là không thể sai lầm được... thì sẽ có những trường hợp Giáo Hội không thể thích ứng với nhân loại thời đại mới được. Chính Công Đồng Vatican II đã chủ trương: «Các định chế, luật pháp, những lối suy tư của người xưa truyền lại, không phải lúc nào cũng phù hợp với tình thế hiện tại, do đó (nếu cứ cố chấp theo những điều cũ ấy) sẽ có những xáo trộn trầm trọng trong phương thức và trong cả các tiêu chuẩn hành động» [*4].
[*4] Công Đồng Vatican II, MV 7 §2.
Cần thay đổi những gì không còn phù hợp
Do đó, tất cả những gì không phù hợp với con người thời đại, cho dù linh thánh đến đâu đi nữa, cũng cần phải thay đổi để thích ứng với nhân loại luôn luôn biến đổi. Đối với các Tông Đồ ngày xưa, còn gì linh thánh hơn Luật Môsê, phép Cắt Bì, là những cái phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người? Những điều linh thánh ấy đã được lập nên vì con người, hay con người được dựng nên để làm theo những điều linh thánh ấy? Đối với Thiên Chúa, con người, hình ảnh của Ngài, linh thánh hơn, hay những luật lệ Ngài ra cho con người linh thánh hơn? Trong việc cứu độ con người. thì chính con người là mục đích, hay những luật lệ, tín điều, giáo lý, thần học... là mục đích?
Sự thích ứng trong Giáo Hội sơ khai
Thánh Linh đã khiến các Tông Đồ hiểu điều đó, nên các ngài sẵn sàng bãi bỏ những phương tiện không còn phù hợp - cho dù rất linh thánh - để có thể thích ứng với con người, để có thể mở rộng cửa thiên đàng cho mọi người. Chúng ta thấy trong Cựu Ước, Luật Pháp Môsê linh thánh thế nào, và cũng thấy trong Tân Ước, thánh Phaolô đã hạ giá Luật Pháp ấy xuống như thế nào [*5]. Luật Pháp đó phù hợp với con người của Cựu Ước, nhưng không phù hợp với con người của Tân Ước [*6], do đó phải bãi bỏ.
[*5] Xem Rm 2,17-20.21-27; 3,27; 4,2.4; Gl 6,13; Ep 2,3; Pl 3,9; 3,18; v.v…
[*6] X. Gl 3,11.21t; Rm 3,20; Gl 6,12; Pl 3,18…
Giáo Hội đã thích ứng thế nào?
Lề lối tư tưởng, quan niệm, chủ trương, lẽ sống, nếp sinh hoạt, nhu cầu tâm linh và thể chất, khuynh hướng... của người thời đại ngày nay rất khác với người thời xưa. Nếu Giáo Hội vẫn cứ theo đường lối cũ, phương pháp cũ, nếp cũ, thì Giáo Hội sẽ trở thành lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của con người thời đại mới. Số người bỏ đạo ngày càng tăng buộc Giáo Hội phải suy nghĩ về cách thức mình đã thích ứng với con người thời đại như thế nào, nếu Giáo Hội muốn chu toàn nhiệm vụ mà Chúa Kitô đã ủy thác cho mình.
Thay đổi không phải là chuyện dễ dàng
Nếu trong quá khứ, Giáo Hội thích ứng kịp thời thì Giáo Hội ngày nay chỉ cần thay đổi chút ít là theo kịp thời đại mới. Nếu không thích ứng kịp thời mà bị thế giới bỏ rơi quá xa, thì Giáo Hội sẽ phải thay đổi rất nhiều, và đương nhiên những người có đầu óc bảo thủ không thể chấp nhận được... Tuy nhiên, thay đổi cũng không phải là chuyện dễ mà là chuyện đầy phức tạp. Nếu Giáo Hội thay đổi để phù hợp với thời đại thì Giáo Hội lại trở nên không phù hợp với một số người bảo thủ không muốn thích ứng với thời đại. Do đó, muốn thay đổi, Giáo Hội luôn luôn phải chấp nhận chống đối.
Những nguyên tắc để thay đổi
Trước khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba, để thích ứng với con người thời đại ấy một cách sáng suốt, ta nên khách quan xét xem những gì không thể thay đổi cần phải giữ lại, những gì có thể thay đổi, và những gì cần phải thay đổi, để Giáo Hội có thể tồn tại và phát triển.
Vinh quang Thiên Chúa
và hạnh phúc con người
Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải nắm vững, đó là vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc con người. Đó là chính là mục đích hai mặt mà cả Thiên Chúa lẫn con người đều nhắm đến và quyết tâm thực hiện. Đối với Thiên Chúa thì vinh quang của Ngài chính là hạnh phúc của con người [*7], và đối với con người thì hạnh phúc chính là làm vinh danh Thiên Chúa. Tất cả mọi phương tiện Chúa dùng hay con người dùng đều không thể quan trọng bằng chính mục đích Chúa hay con người nhắm tới. Mục đích thì không thay đổi, nhưng phương tiện thì có thể thay đổi và cần phải thay đổi tùy theo từng thời điểm để có thể đạt được mục đích [*8].
[*7] Quan niệm của thánh Irênê.
[*8] Chẳng hạn, để đi đến một nơi nào đó (mục đích không thay đổi), rất nhiều trường hợp ta không thể chỉ dùng một phương tiện duy nhất. Có lúc phải đi bộ, có lúc đi xe, có lúc đi thuyền, và có lúc phải đi máy bay, tùy theo từng đoạn đường phải đi.
Phải thay đổi
vì chính con người hay thay đổi
Như vậy, việc cứu độ con người là mục đích của Thiên Chúa thì không thay đổi, nhưng phương tiện Ngài dùng để cứu độ thì thay đổi, vì chính con người thay đổi. Con người thay đổi về đủ mọi phương diện, nên không có phương diện nào có thể áp dụng mãi mãi thích hợp cho họ cả. Cũng như bệnh nhân thay đổi căn bệnh của mình theo thời gian, khi nhẹ khi nặng, khi đau cơ quan này lúc đau cơ quan khác, nên không thể cứ dùng một toa thuốc uống hoài từ đầu đến cuối mà hết bệnh. Phải thay đổi thuốc tùy theo từng thời điểm. Hay như một học sinh trình độ ngày một cao, không thể có bài học nào thích hợp để cứ học hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Phải thay đổi bài học mỗi ngày theo trình độ mỗi ngày mỗi thay đổi.
Ngoại trừ Thiên Chúa, mọi sự đều thay đổi
Đương nhiên cũng có những phương tiện ít thay đổi hay không thay đổi ứng với một số những mục đích ít thay đổi hay không thay đổi nơi con người. Nhưng trên lý thuyết, ngoài Thiên Chúa ra, chẳng có gì là bất biến, là không thay đổi. Ta thấy, trong Cựu Ước, nhiều luật lệ chính Thiên Chúa ra cho con người (như luật cắt bì, v.v...) mà người Do Thái coi như linh thánh, không bao giờ có thể thay đổi được, nhưng theo thời gian, luật đó đã phải thay đổi để thích ứng với sự thay đổi của con người. Luật Chúa còn phải thích ứng với con người, huống gì những điều mà con người căn cứ trên Luật Chúa, Lời Chúa để áp dụng cho nhau.
Mọi phương tiện giống như chiếc đò qua sông
Các phương tiện đều giống như chiếc đò để chở người qua sông. Khi đã qua được sông, đò không còn thích hợp nữa, phải dùng phương tiện khác. Kẻ cố chấp không chịu rời đò, hay đòi vác đò đi theo, thì lúc đó đò trở thành vật cản trở cho cuộc hành trình chứ không còn có lợi nữa. Tất cả mọi phương tiện đều có thời của nó, không có phương tiện nào vĩnh cửu cả.
Vì thế, điều quan trọng là nhận ra lúc nào nó đắc thời và lúc nào nó lỗi thời. Khi một phương tiện đắc thời đang hiện hành, người ta thường coi nó như vĩnh cửu, tuyệt đối, để nó trở nên hữu hiệu hơn. Khi nó đã lỗi thời, người ta phải bỏ nó đi và thay bằng phương tiện khác, lúc đó người ta thường phải nêu ra những khuyết điểm, những hạn chế của nó [*9].
[*9] Trong thời Cựu Ước, luật Môsê là luật hiện hành, được coi là tuyệt đối, vĩnh cửu, dường như không bao giờ lỗi thời được. Có quan niệm như thế, người ta mới tuân hành một cách triệt để. Nhưng tới thời Tân Ước, luật Môsê không còn thích hợp nữa, thánh Phaolô đã đưa ra những khiếm khuyết của luật đó để người ta bỏ luật đó mà theo luật mới của Chúa Kitô (xem Rm 2,21-27; 3,20; 8,2; Gl 3,11.21; 3,24; 6,12; 6,13; Ep 2,3; Pl 3,18; v.v…).
Luật hiện nay của chúng ta
có thể bị lỗi thời?
Nếp sống, lối suy nghĩ, quan niệm, nhu cầu, sở thích... của con người thời đại thay đổi rất nhiều so với con người thế kỷ trước, và con người thế kỷ sau sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa so với con người thế kỷ này. Muốn cứu độ họ, chúng ta cũng phải thay đổi cùng với họ. Ngày nay, chúng ta không còn áp dụng luật Môsê như dân Do Thái cách đây 2.000 - 3.000 năm, mặc dù thời đó họ coi bộ luật này như tuyệt đối, linh thánh, không thể thay đổi. Một số điều trong luật đó đã trở nên tức cười đối với não trạng của chúng ta hiện nay.
Nếu luật Môsê đã bị lỗi thời như thế, thì liệu những luật lệ chúng ta đang theo hiện nay có thể không bị lỗi thời chăng? Liệu chúng còn thích hợp với những người thế kỷ sau, thiên niên kỷ sau không? Thái độ cố chấp giữ khư khư những nguyên tắc cũ có chính đáng không? Tại sao ngày xưa phải theo luật Môsê mà ngày nay không phải theo nữa? Khi phải thay đổi từ luật Môsê qua luật mới, có bao nhiêu người chống đối, phản kháng lại? Phản kháng như thế có chính đáng không? Lý do khiến họ phản kháng là gì? Trả lời những câu hỏi đó sẽ giúp ta có thái độ thích hợp hơn đối với luật hiện tại.
Hành động nên vì con người hay vì lề luật?
Xét thái độ của Đức Giêsu, ta thấy Ngài hành động vì con người chứ không vì lề luật hay vì nguyên tắc. Đành rằng lề luật được đặt ra để phục vụ con người, nhưng khi áp dụng luật trong những trường hợp cụ thể, người ta thường có khuynh hướng vị luật hơn là vị con người, bất chấp những trường hợp đặc biệt mà trong đó lề luật đi ngược lại con người. Đức Kitô không chấp nhận thái độ thiếu thích ứng như thế. Luật Môsê không cho phép chữa bệnh ngày Sabát, nhưng trước nhu cầu của bệnh nhân: bị mù mắt [*10], bất toại [*11], teo tay [*12], v.v..., Ngài vẫn chữa bệnh cho họ bất chấp lề luật.
[*10] Ga 9.
[*11] Ga 5,1-18.
[*12] Mt 12,9-14.
Mục đích quan trọng hơn phương tiện
Tại sao? Vì đối với Thiên Chúa, và đúng ra đối với cả chúng ta nữa, con người quan trọng hơn tất cả những phương tiện dùng để cứu độ con người, hạnh phúc con người quan trọng hơn những phương tiện giúp con người hạnh phúc. Khi có xung đột giữa mục đích và phương tiện, thì phải hy sinh phương tiện cho mục đích, chứ không ngược lại. Do đó, chúng ta không nên nhân danh những luật lệ mà chúng ta «phong thần» hay tuyệt đối hóa lên, để hy sinh chính con người hay chính hạnh phúc của con người. Chúng ta dễ bị thôi miên bởi những luật lệ do chính chúng ta «phong thần» lên, khiến chúng ta chỉ nhìn thấy luật lệ và nguyên tắc, mà không thấy những nhu cầu cụ thể của con người.
Đừng quá cứng rắn với những nguyên tắc
Nếu chúng ta quá cứng rắn trong việc áp dụng nguyên tắc, dần dần người ta sẽ cảm thấy đạo mà chúng ta rao giảng trở thành một gánh nặng cho lương tâm, không đáp ứng được những nhu cầu khẩn thiết của cuộc sống. Lúc đó họ sẽ bỏ chúng ta, và chúng ta cũng không thể ảnh hưởng trên họ, không giúp ích hay cứu rỗi họ được, vì họ không thèm nghe chúng ta nữa. Thật vậy, chúng ta chỉ cứu giúp được họ bao lâu họ còn tin và nghe chúng ta.
Nhiều trường hợp chúng ta phải cứng rắn, nhưng cứng rắn tới một mức độ nào đó thì thích hợp và phải lẽ. Còn cứng rắn tới mức độ làm cho người ta lâm vào thế kẹt một cách không cần thiết thì quả là quá đáng. Sự khôn ngoan giúp ta biết khi nào cần phải mềm dẻo, khi nào cần cứng rắn, khi nào phải chấp vào nguyên tắc, khi nào không nên chấp. Đó chính là khả năng thích ứng một cách hợp lý vào từng trường hợp cụ thể. Việc hội nhập văn hóa đòi hỏi sự khôn ngoan hay sự thích ứng như thế.
Đừng hy sinh mục đích cho phương tiện,
cái tùy thuộc cho cái chính yếu
Để cụ thể hóa vấn đề, chúng ta có thể suy nghĩ theo một minh họa.
Một người Cha rất nhân hậu có một đàn con đông đảo, trong đó có những đứa con ngoan, có những đứa hư hỏng, và có những đứa vì xa nhà từ hồi nhỏ nên chưa nhận biết Cha mình. Người Cha nhờ những đứa con ngoan giúp cho những đứa con hư hỏng hoặc chưa nhận biết Cha trở về với cuộc sống tốt đẹp và nhận biết Cha thật của mình. Người con cả được Cha giao quyền điều động anh em trong nhà.
Vì muốn thống nhất anh em thành một khối duy nhất, cùng chủ trương, cùng quan niệm, cùng đường lối hầu dễ dàng thực hiện nhiệm vụ Cha giao phó, nên người anh cả đã bắt tất cả mọi anh em trong nhà phải theo đường hướng mà mình cho là đúng đắn nhất. Biện pháp để thực hiện sự thống nhất ấy thật là cứng rắn: ai không theo sẽ bị trục xuất khỏi gia đình. Kết quả là thay vì thực hiện được sự thống nhất và đoàn kết trong nhà, thì lại xảy ra là: nhiều anh em trong nhà phải lần lượt rời khỏi gia đình, lập thành những phe nhóm độc lập, tuy cùng nhận Cha chung là Cha, nhưng không chịu phục quyền người anh cả. Vì thế, sự chia rẽ trong nhà trở thành tệ hơn lúc chưa có chủ trương thống nhất anh em lại.
Tại sao? Vì người anh cả đã quá đặt nặng phương tiện để thống nhất và đoàn kết gia đình - là chủ trương, đường lối mà mình cho là đúng đắn nhất và đòi buộc anh em phải theo - coi nó quan trọng hơn chính sự thống nhất và đoàn kết trong nhà nữa: thà mất chính sự thống nhất và đoàn kết trong nhà còn hơn là để cho phương tiện dùng để thực hiện sự thống nhất và đoàn kết ấy trở nên vô hiệu. Thế là người anh cả đã lầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, lấy phương tiện làm mục đích, nên đã hy sinh mục đích cho phương tiện.
Đối với những anh em xa gia đình từ hồi còn nhỏ, chưa biết Cha đích thực của mình là ai, thì những người con ngoan có nhiệm vụ giới thiệu, trình bày người Cha chung của mình cho họ. Nhưng theo lệnh người anh cả, ai nhận biết Cha đích thực của mình và muốn trở về, thì phải dứt khoát từ bỏ người cha nuôi đã nuôi mình khôn lớn từ trước đến nay mà mình tưởng lầm là Cha mình. Thậm chí có lúc người anh cả còn chủ trương phải coi người cha nuôi đó như kẻ thù nghịch với Cha mình. Ngoài ra, những người trở về còn phải theo những phong tục, tập quán của những anh em trong nhà nữa. Vì thế, nhiều người vì còn tình nghĩa với cha nuôi của mình, lại chưa xác tín được người Cha đích thực của mình, hoặc chưa thể bỏ phong tục tập quán cũ mà mình vẫn thấy là hợp lý để theo phong tục mới, nên đã từ chối việc nhận người Cha đích thực của mình, không cần biết tới hạnh phúc hay việc thừa hưởng tài sản của Cha.
Lần này, người anh cả lại lầm lẫn giữa cái chính yếu và cái phụ tùy. Để cho những chuyện tùy phụ ấy trở thành lý do chính yếu ngăn cản anh em mình về với Cha thì quả là quá đáng: coi cái phụ tùy còn quan trọng hơn cả cái chính yếu. Một người cha nhân từ luôn mong mỏi con cái quay trở về có đòi buộc những đứa con chưa biết mình vừa mới phần nào nhận ra mình những điều kiện như thế không, hay đó chỉ là đòi hỏi của những đứa con «ngoan»?
Thiết tưởng chúng ta cần suy tư nhiều hơn về thái độ của người cha, người con thứ, và nhất là thái độ của người con trưởng trong dụ ngôn «ba cha con» của Chúa Giêsu [*13]. Người con trưởng tuy ngoan nhưng thiếu hẳn tình thương và lòng bao dung, cả với Cha và với đứa em ruột thịt của mình.
[*13] X. Lc 15,11-32.
Thích ứng và hội nhập văn hóa
cho thời đại mới
Việc hội nhập văn hóa trong quá khứ
Việc hội nhập văn hóa trong công cuộc phúc âm hóa mới ngày nay không còn là việc hội nhập văn hóa vào nơi này hay nơi khác, vào dân tộc này hay dân tộc khác cho bằng vào một thế giới khác.
Trong thiên niên kỷ thứ nhất và nửa thiên niên kỷ thứ hai, Kitô giáo hầu như chỉ được gói gọn trong Âu Châu. Sự khác biệt về mặt văn hóa giữa người phúc âm hóa và người được phúc âm hóa không đáng kể, việc hội nhập văn hóa tương đối dễ dàng thế mà lại được đặt nặng. Vì thế, việc phúc âm hóa thành công dễ dàng. Mãi tới giữa thiên niên kỷ thứ hai, Kitô giáo mới phát triển mạnh sang các châu khác, chẳng hạn như Á châu. Lần này có sự khác biệt rất lớn về mặt văn hóa giữa người phúc âm hóa và người được phúc âm hóa, việc hội nhập văn hóa tương đối khó hơn trường hợp trước rất nhiều thế mà lại bị coi nhẹ. Vì thế, việc phúc âm hóa đã không thành công bao nhiêu.
Hai thiên niên kỷ qua, thế giới thay đổi tương đối chậm, nhưng từ cuối thiên niên kỷ thứ hai trở đi, đặc biệt từ thế kỷ XX, thế giới thay đổi rất nhanh chóng, nhanh một cách lạ thường, khiến cho sự khác biệt về văn hóa, tư tưởng, nếp nghĩ... giữa thế kỷ trước và thế kỷ sau rất rõ ràng. Sự khác biệt về văn hóa giữa nơi này với nơi khác, giữa dân tộc này với dân tộc khác thời nay không còn đáng kể, vì sự giao lưu giữa các dân tộc đã trở nên dễ dàng do những điều kiện về thông tin và giao thông tân tiến. Có thể nói thế giới đang tiến về một nền văn hóa chung.
Hội nhập văn hóa vào thế giới mới
Nhưng thế giới thay đổi quá nhanh chóng và sâu xa khiến cho văn hóa của thế kỷ sau có thể khác xa với thế kỷ này. Vì thế, vấn đề hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào thế giới thế kỷ mới cũng có rất nhiều khó khăn. Cách phúc âm hóa, cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo cho thế kỷ sau cần phải thay đổi ít nhiều so với hiện nay để thích ứng với con người thế kỷ sau.
Nếu chúng ta muốn việc phúc âm hóa thế giới thế kỷ sau thành công, chúng ta nên rút kinh nghiệm từ những thành công cũng như thất bại trong việc hội nhập văn hóa của Kitô giáo cũng như của các tôn giáo khác trong hai thiên niên kỷ vừa qua. Thái độ cứng rắn quá đáng, không chịu thích ứng với tình thế đang diễn ra, sẽ là nguyên nhân cho sự thất bại. Và thái độ mềm dẻo, sẵn sàng thay đổi những gì tùy phụ, những gì là phương tiện để thích ứng với con người, sẽ dẫn việc phúc âm hóa đến thành công.
Trong thiên niên kỷ thứ ba, cần đặt nặng việc thích ứng và hội nhập văn hóa hơn
Trước thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo, một thiên niên kỷ đầy dẫy thay đổi, những thay đổi chưa từng thấy, vừa nhanh, vừa sâu, vừa rộng, người Kitô hữu phúc âm hóa không nên đặt nhẹ vấn đề thích ứng để kịp thời với những thay đổi của thế giới. Việc thích ứng và hội nhập văn hóa sẽ trở nên vấn đề «sống còn» của Kitô giáo cũng như của các tôn giáo khác: hoặc thích ứng hoặc sẽ bị đào thải, chỉ có thể chọn một trong hai. Không sẵn sàng thay đổi thì không thể thích ứng được.
Giáo Hội đang sẵn sàng thay đổi
Nhiều quan niệm từ xưa đến nay được coi là đúng rất có thể trở nên lỗi thời trong tương lai. Trong quá khứ đã xảy ra những trường hợp như thế. Do đó, chúng ta cần phải sẵn sàng thay đổi quan niệm cũ của mình theo sự soi dẫn của Thánh Thần. Không có sự soi dẫn của Thánh Thần thì dù bảo thủ hay thay đổi cũng đều không phải là thích ứng.
Qua các tông huấn hay tông thư mới nhất của Đức Gioan-Phaolô II, ta cũng thấy Giáo Hội đang sẵn sàng thay đổi để thích ứng với thế giới tương lai. Giáo Hội đang muốn thay đổi và cần phải thay đổi. Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người chống lại sự thay đổi, không phải họ thiếu thiện chí hay chủ trương chống lại mọi thay đổi, cho bằng họ chưa nhìn ra sự cần thiết và hợp lý của việc phải thay đổi.
Cần xét lại những điều ta vẫn cho là đúng
Nhận ra những điều chưa đúng hay không thích hợp trong quan niệm đang hiện hành [*14] không phải luôn luôn dễ dàng. Xét trường hợp của Galilée, ta thấy: khi ông chủ trương trái đất quay chung quanh mặt trời chứ không phải ngược lại, thì ai cũng lấy làm lạ và cho ông là phi lý. Thậm chí cả những nhân vật cao cấp trong Giáo Hội cũng không nhận ra và còn kết án ông là phá hoại nữa. Phải nhiều thế hệ sau người ta mới thấy điều «phi lý» ấy mới chính là chân lý, và quan niệm đã hiện hành thời đó [*15] là sai.
[*14] Mà mình cũng như mọi người hiện đang cho là đúng.
[*15] Mà lúc đó ai cũng cho là đúng, là chân lý hiển nhiên.
Đó là bài học cho tất cả mọi người: thấy được cái sai trong những điều mình đang cho là đúng không phải chuyện dễ dàng! Vì thế, đôi khi chúng ta cũng phải biết nghi ngờ cả những điều mình đang cho là đúng, là phải, là hợp lý. Và đó là thái độ đúng đắn mà các triết nhân vẫn có, nhờ đó họ mới tránh được những hành động sai lầm mà «chỉ có một số đầu óc vĩ đại thật sự tự do và tràn đầy Thiên Chúa mới có thể tránh thoát được» [*16]. Do đó, khi muốn chống đối lại một thay đổi nào, nhất là khi sự thay đổi đó lại do một đầu óc vĩ đại khởi xướng, như sự thay đổi mà Đức Gioan-Phaolô II đang chủ trương trong Giáo Hội hiện nay, chúng ta cần phải dè dặt y như người chủ trương thay đổi vậy.
[*16] Tông Thư Tertio Millennio Adveniente của Đức Gioan-Phaolô II, số 35.
Lầm lỗi quá khứ
Trong việc phúc âm hóa và trong sinh hoạt của Giáo Hội hai thiên niên kỷ qua, một số «con cái» trong Giáo Hội đã gây ra những sai lầm đáng tiếc mà thiết tưởng những «con cái» khác nên rút ra những bài học để tránh trong tương lai. Tất cả những sai lầm ấy, chẳng hạn như «tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi Dân Ngài» hay tội «dùng đến những phương pháp bất khoan dung và thậm chí bạo lực trong khi phụng sự chân lý», v.v... đều chỉ xuất phát từ một mối tội duy nhất: quá cứng rắn, thiếu mềm dẻo và bao dung. Thật vậy, những người phạm những điều sai lầm ấy không phải là những người thiếu thiện chí, thiếu hăng hái nhiệt tình, hay thiếu tình yêu thương [*17]. Tiếc thay, những đức tính quí giá ấy mà lại đi đôi với sự cứng rắn, thay vì đi chung với sự mềm dẻo, bao dung và thích ứng, thì chúng sẽ tạo thành một tổ hợp những đức tính phá hoại.
[*17] Những điều này có thể nói là họ có quá nhiều nữa là khác
Vì thế, trong sinh hoạt của Giáo Hội, nhất là trong việc phúc âm hóa và hội nhập văn hóa, nếu chúng ta chỉ biết cứng rắn áp dụng những nguyên tắc mà ta cho là tuyệt đối, cộng thêm với niềm tự tin rằng mình không thể sai lầm, chắc chắn sẽ làm cho công việc của Giáo Hội đi đến thất bại. Việc phúc âm hóa và hội nhập văn hóa, nhất trong tương lai, rất cần có lòng bao dung để có thể mềm dẻo thích ứng với mọi tình huống, mọi con người.
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment