Saturday, January 20, 2018

HNVH4-Chuong-3


Thích ứng và Hội Nhập Văn Hóa
trong việc Phúc Âm hóa




Chương 3



Chủ Trương Của Công Đồng Vatican II






Rao giảng Tin Mừng phù hợp với văn hóa người nghe


Giáo Hội đến với mọi dân tộc

Cần sử dụng các yếu tố văn hóa địa phương

Trước hết, Công Đồng ý thức rằng «Giáo Hội được sai đến với mọi dân tộc, thuộc mọi nơi, và mọi thời» của nhân loại [*1] chứ không chỉ đến với một số dân tộc cá biệt nào. Sứ mạng của Giáo Hội là loan truyền cho muôn dân sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô. Nhưng khi loan truyền sứ điệp đó cho muôn dân, Giáo Hội - cũng như Chúa Kitô - phải «nói theo văn hóa riêng của từng thời đại»,[*2] và của từng dân tộc.
[*1] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 58§3.
[*2] Op. cit., 58§1.
Vì thế, «giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ» [*3]. Sứ điệp cứu độ không thể được rao giảng độc lập với văn hóa, mà mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, nên Giáo Hội cần phải «sử dụng những yếu tố của các nền văn hóa khác nhau để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp Chúa Kitô trong khi rao giảng, để tìm tòi và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn» [*4].
[*3] Op. cit., 58§1.
[*4] Op. cit., 58§2.

Sứ điệp Kitô giáo không bị ràng buộc với bất kỳ nền văn hóa nào

Khi phải sử dụng những yếu tố văn hóa khác nhau ấy để diễn tả sứ điệp, Giáo Hội chủ trương không để mình «bị ràng buộc một cách độc quyền và bất khả phân ly với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hay một tập tục cũ mới nào» [*5]. Do đó, Giáo Hội không thể chấp nhận để cho mình bị lệ thuộc quá đáng vào một nền triết lý hay văn hóa nào trong việc diễn tả và khai triển sứ điệp cứu độ. Vì thế, việc sử dụng triết lý Á châu thay thế triết học Hy Lạp để diễn tả sứ điệp Kitô giáo cho người Á châu, để họ suy tư thần học theo cung cách văn hóa của mình là điều phù hợp với chủ trương của Giáo Hội.
[*5] Op. cit., 58§3.

Đó là luật lệ cho việc phúc âm hóa

Và điều đó không phải là việc muốn làm thì làm, không làm cũng được, mà là việc phải làm như một luật lệ của việc phúc âm hóa. Thật vậy, Công Đồng xác định rõ: «Ngay từ buổi đầu của lịch sử mình, Giáo Hội đã ra sức diễn tả sứ điệp Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy, với mục đích thích nghi Phúc Âm trong mức độ có thể với tầm hiểu biết của mọi người, cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Rao giảng lời mặc khải như vậy phải là luật lệ cho mọi công cuộc phúc âm hóa. Bởi vì có như vậy mới khơi dậy được trong mỗi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp theo lối riêng của mình, đồng thời mới cổ võ được sự trao đổi linh động giữa Giáo Hội và những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc» [*6].
[*6] Op. cit., 44§2.


Nhiều cách diễn tả khác nhau, Không chỉ có duy nhất một cách diễn tả

Như vậy, Giáo Hội không hề chủ trương thống nhất việc diễn tả sứ điệp cứu độ theo một định thức duy nhất, mà để cho mỗi dân tộc hay quốc gia được diễn tả sứ điệp theo cách thức riêng biệt, phù hợp với bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử... của mình. Nghĩa là tuy chỉ có một sứ điệp duy nhất của Đức Kitô, một đức tin duy nhất truyền lại từ các Tông Đồ, nhưng có thể có nhiều cách diễn tả, khai triển khác nhau.

Bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi dân tộc mỗi khác khiến cho mỗi dân tộc có một vị thế khác nhau để nhìn về Thiên Chúa, về ơn cứu độ, về mặc khải Chúa Kitô, về sứ điệp và đức tin Kitô giáo, nên mỗi dân tộc đều có một cái nhìn khác nhau về những thực tại tôn giáo ấy. Vì thế, các định thức thần học về đức tin, về sứ điệp Chúa Kitô nơi các dân tộc có thể rất khác biệt nhau. Nhưng khác biệt không có nghĩa là hễ cái này đúng thì cái kia phải sai. Trái lại, Công Đồng nhìn nhận: «Những định thức thần học khác nhau ấy phải được coi là bổ túc cho nhau hơn là đối lập nhau» [*7].
[*7] Công Đồng Vatican II, HN 17§1.
Như thế, Giáo Hội hiện nay không còn chủ trương khắt khe như thời Trung Cổ, vì đã chấp nhận sự khác biệt trong cách diễn tả đức tin. Giáo Hội không còn kết án những người có cách tuyên xưng đức tin hay cách giải thích mặc khải Chúa Kitô theo một cung cách văn hóa khác với cách tuyên xưng hay cách giải thích truyền thống nữa. Vì cách diễn tả đức tin truyền thống chỉ là một cách đặc thù đặc biệt thích hợp với nền văn hóa Tây Phương, chứ không phải là cách diễn tả chung cho toàn thể Giáo Hội.


Kho tàng đức tin và phương cách diễn đạt

Ngày nay, Giáo Hội không những không kết án cách diễn tả đức tin theo cung cách văn hóa khác với cung cách truyền thống - sau Công Đồng, Giáo Hội chưa kết án bất cứ một định thức đức tin nào - mà còn khuyến khích các nhà thần học đưa ra những định thức mới phù hợp với văn hóa và não trạng của dân tộc mình. Công Đồng nói: «Các nhà thần học được mời gọi luôn tìm kiếm những phương thức thích ứng hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời: vì một đằng là kho tàng đức tin và các chân lý, một đằng là phương thức diễn đạt kho tàng đó, miễn sao giữ vững ý nghĩa và nội dung» [*8].
[*8] Công Đồng Vatican II. Gaudium et Spes, 62§2.
Như vậy, Giáo Hội đã phân biệt rõ ràng giữa kho tàng đức tin gồm các chân lý bất biến với các phương thức diễn đạt có thể rất khác nhau của những chân lý ấy. Nghĩa là phân biệt giữa món hàng và bao bì đựng món hàng ấy, như đã nói ở trên. Món hàng phải giữ nguyên chất lượng, còn bao bì hay mẫu mã thì tùy nghi thay đổi để đáp ứng theo thị hiếu của khách hàng.




Cần suy tư thần học theo cung cách văn hóa của mình

Nhiều nền thần học khác nhau

Để hội nhập văn hóa một cách sâu sát với thực tế hơn, Giáo Hội chủ trương: «Trong những vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa, cần phải thúc đẩy việc suy tư thần học... để nhờ đường lối hành động đó, đời sống Kitô giáo sẽ được thích nghi với tinh thần và đặc tính của từng nền văn hóa, những truyền thống đặc thù và những đặc tính riêng của từng dân tộc» [*9].
[*9] Công Đồng Vatican II, TG 22§2.
Thời trước, Giáo Hội chỉ có một nền thần học duy nhất, thần học này chỉ phù hợp với não trạng và văn hóa Tây Phương; ngày nay Giáo Hội chủ trương phải có nhiều nền thần học khác nhau để đáp ứng những yếu tố văn hóa đặc thù khác nhau của mỗi dân tộc trên thế giới.

Ngày xưa, «quán ăn» của Giáo Hội đa số thực khách chỉ là người Tây Phương, nên quán ăn đó chỉ có những «món ăn» Tây mà người Tây Phương rất khoái khẩu. Nhưng thực khách càng ngày càng đông và không phải chỉ có những người Tây Phương, mà người Đông Phương, Phi châu... đến quán ăn ngày càng nhiều, những món ăn Tây không thích hợp với họ. Để phục vụ khách hữu hiệu hơn, quán ăn đã bắt đầu chủ trương phải có đủ loại món ăn thích hợp với sở thích và khẩu vị của từng loại người. Có như vậy, quán ăn mới càng ngày càng đông, và chủ trương phục vụ toàn thể khách hàng không phân biệt mầu da chủng tộc của quán mới thực hiện được cách tốt đẹp.

Điều quan trọng để phục vụ khách hàng đâu phải là món ăn Tây hay Tàu, mà là món ăn phải ngon, bổ dưỡng, tinh khiết, đồng thời có khả năng thay đổi để thích ứng với vô số thị hiếu khác nhau của khách hàng. Nếu không biết thích ứng với thị hiếu của khách, cứ cố chấp vào một món ăn duy nhất, chắc chắn quán ăn không thể đông khách được.


Cần đổi mới để thích nghi

Cũng vậy, nếu Giáo Hội không muốn thích ứng với với nhu cầu tâm linh của từng dân tộc trong từng thời đại, Giáo Hội sẽ trở thành già cỗi và cằn cỗi vì thiếu sức sống. Vì dấu hiệu của già cỗi là không còn khả năng thích ứng. Theo định luật tự nhiên, cằn cỗi thì sẽ bị đào thải. Vì thế, Giáo Hội không nên để cho mình bị cằn cỗi. Giáo Hội cần thích nghi với thời đại và thế giới, chứ không phải muốn thế giới thích nghi với mình.

Để như thế, Giáo Hội nên sẵn sàng cởi bỏ những quan niệm nào đã lỗi thời của mình trong quá khứ, để mặc lấy những quan niệm mới phù hợp với thời đại hơn. Nhiều quan niệm cũ của Giáo Hội chỉ là những định thức cá biệt của chân lý bất biến, có thể chỉ thích hợp với thế giới Tây Phương thời trước, không phù hợp với thế giới toàn cầu ngày nay. Chính Công Đồng đã nhìn nhận: «Các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa truyền lại, không phải lúc nào cũng phù hợp với tình thế hiện tại» [*10]. Nếu cứ cố chấp với những quan niệm cũ ấy, chắc chắn trong Giáo Hội sẽ «có những xáo trộn trầm trọng trong phương thức và trong cả các tiêu chuẩn hành động» [*11].
[*10] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 7§2.
[*11] Nt.


Giáo Hội sẵn sàng thay đổi Từ quan niệm tĩnh sang quan niệm động

Rõ ràng qua Công Đồng Vatican II, Giáo Hội nói lên lập trường của mình là không bảo thủ những quan niệm cũ không còn «phù hợp với tình thế hiện tại» nữa. Giáo Hội không những sẵn sàng thay đổi quan niệm cũ của mình, mà còn sẵn sàng thay đổi cả một hệ thống triết lý, vũ trụ quan và nhận thức luận cũ, là nền tảng cho những quan niệm cũ kia, bất chấp sự thay đổi đó sẽ phát sinh những vấn đề khó khăn. Triết lý cũ mà Giáo Hội đã dùng làm nền tảng để xây dựng nên tòa nhà thần học truyền thống của mình có nguồn gốc là triết lý Hy Lạp, với vũ trụ quan tĩnh và nhận thức luận đơn diện [*12]. Giáo Hội nhận ra rằng đã đến lúc quan niệm tĩnh về vũ trụ ấy không còn thích hợp với một thế giới đang biến chuyển quá nhanh như hiện nay.
[*12] Vũ trụ quan tĩnh: quan niệm thế giới vũ trụ là một thực tại tĩnh, không biến đổi.
Nhận thức luận đơn diện: quan niệm mọi thực tại đều chỉ có một mặt, nên hễ ai nói một vật là trắng mà đúng, thì ai nói nó không trắng ắt phải sai.
Thật vậy, Công Đồng xác nhận: «Lịch sử đang tiến bước quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp. Vận mạng cộng đoàn nhân loại trở thành một mà thôi, không còn phân tán thành nhiều dòng lịch sử khác nhau nữa. Như vậy, từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn. Do đó phát sinh ra những vấn đề phức tạp hết sức mới mẻ đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới» [*13].
[*13] Op. cit., 5§3.


Những khó khăn mới mẻ phát sinh

Quan niệm động về vũ trụ đã được Giáo Hội đánh giá là tiến hóa hơn hệ thống triết học cũ với quan niệm tĩnh. Giáo Hội đã nhìn thấy trước những khó khăn hết sức mới mẻ sẽ phát sinh ra khi Giáo Hội phải chuyển từ quan niệm tĩnh về vũ trụ sang quan niệm động. Và những khó khăn này chỉ có thể giải quyết được bằng những phân tích và tổng hợp theo lối mới, tức theo quan niệm động.

Không phải chỉ Giáo Hội mới phải thay đổi hệ thống triết học cũ, mà tất cả nhân loại. Và nhân loại không phải sắp thay đổi mà đã thay đổi [*14]. Vì thế, Giáo Hội không còn chấp vào quan niệm cũ, để có thể thay đổi cùng với thế giới, để thích ứng và hội nhập với thế giới mới. Nhờ đó, Giáo Hội đáp ứng được nhu cầu trí tuệ và tâm linh của con người thời đại mới. Vì thế, gột bỏ quan niệm cũ để mặc lấy quan niệm mới là một việc làm thức thời và cấp bách của Giáo Hội, không phải chỉ để hội nhập văn hóa vào Á châu mà thôi, mà để hội nhập vào thế giới hiện đại đang thay đổi hết sức nhanh chóng. Là người nhiệt thành với Giáo Hội và công cuộc phúc âm hóa, chúng ta không thể lãnh đạm với vấn đề này.
[*14] Triết học Tây Phương hiện đại không còn là một vũ trụ quan tĩnh và nhận thức luận đơn diện như xưa. Nó không lấy triết học Hy Lạp cũ làm nền tảng nữa, mà suy tư dựa trên những thực tế mới nhất mà khoa học hiện đại khám phá được. Vì thế, triết học Tây Phương hiện đại là một vũ trụ quan động và đa diện.


Việc phải làm

Nếu Giáo Hội đã chủ trương phải chuyển từ quan niệm tĩnh về vũ trụ sang quan niệm động, thì việc dùng quan niệm động của hệ thống triết lý Đông Phương – vốn là quan niệm động – làm nền tảng cho những suy tư thần học của mình, đối với các thần học gia Á châu, không phải chỉ là một việc được phép làm hay nên làm, mà là một việc phải làm. Ở Trung Hoa hay Việt Nam, có thể lấy Kinh Dịch, ở Ấn Độ hay Tây Tạng, có thể lấy kinh Veda... là những hệ thống triết lý đang ảnh hưởng sâu rộng vào văn hóa, nghệ thuật, cũng như tư tưởng của người dân ở đây.

Để hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào lòng các dân tộc trên thế giới, Công Đồng đã khuyến khích các dân tộc phát huy nền thần học địa phương, để diễn tả và tuyên xưng Đứùc Tin một cách phù hợp với những yếu tố lịch sử, tôn giáo, văn hóa, xã hội của dân tộc mình. Chúng ta hãy tìm hiểu những nỗ lực hội nhập văn hóa và công việc làm thần học địa phương nơi các dân tộc trên thế giới.


Nguyễn Chính Kết



Mời đọc tiếp:


No comments:

Post a Comment