Thích ứng và Hội Nhập Văn Hóa
trong việc Phúc Âm hóa
Chương 7
Chương 7
Hội Nhập Văn Hóa Của Kitô Giáo
Vào Thế Giới Tây Phương
Vào Thế Giới Tây Phương
Việc phúc âm hóa tại Tây Phương
Đối tượng phúc âm hóa ban đầu:
Đế quốc Rôma
Kitô giáo vốn xuất phát từ Á châu, vì nước Do Thái, quê hương của Đức Kitô, thuộc Tiểu Á. Do đó, từ nguyên thủy, Kitô giáo mang sắc thái văn hóa Á châu, rất gần gũi với các tôn giáo Á châu khác. Nhưng vì thời Đức Kitô và các Tông Đồ, Tiểu Á nằm trong bờ cõi bị Đế Quốc Rôma (29 trCN - 395 sCN) cai trị - hầu hết gồm những nước chung quanh Địa Trung Hải, trong đó có 2/3 Âu Châu - nên hoạt động phúc âm hóa của Giáo Hội những thế kỷ đầu chủ yếu nhằm vào Đế Quốc.
Vì khi Chúa Kitô về trời, Ngài nói với các Tông Đồ như một lời di chúc: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ» [*1]. Với kiến thức còn hạn hẹp thời đó, đối với các Tông Đồ, muôn dân có nghĩa là các dân tộc trong Đế Quốc Rôma. Vì thế, muốn cho Hội Thánh Chúa lan rộng nhanh chóng, thì Rôma, thủ đô của Đế Quốc, phải là vị trí chiến lược hàng đầu của công cuộc phúc âm hóa. Do đó, phải tập trung nỗ lực phúc âm hóa vào Rôma. Đó là nói về vị trí, còn nói về chủng tộc, thì dân Do Thái là đối tượng ưu tiên ban đầu [*2]. Thế là từ đầu thế kỷ IV, Rôma trở thành thủ đô của Giáo Hội.
[*1] Mt 28,19.
[*2] Xem Cv 3,26; 13,46.
Phúc âm hóa thành công
Khó khăn ban đầu
Suốt ba thế kỷ đầu, việc phúc âm hóa tại Rôma hết sức khó khăn, vì có những lệnh cấm đạo rất gắt gao do chính Hoàng Đế ban hành. Rất nhiều Kitô hữu phải tử đạo: bị làm mồi cho sư tử, bị thiêu sống, bị tra tấn đủ kiểu... Nhưng Hội Thánh thời đó đầy tràn Thánh Linh và sức sống, các Kitô hữu luôn luôn làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng một đời sống rất lành thánh, bằng tinh thần huynh đệ yêu thương cao độ, bằng việc thờ phượng Chúa chuyên cần sốt sắng, bằng việc dấn thân phục vụ mọi người, và sẵn sàng bằng cả cái chết đau thương nhục nhã nữa. Vì thế, số Kitô hữu tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Phúc âm hóa bằng gương sáng và máu đào
Có thể nói vào thời kỳ khó khăn này, việc phúc âm hóa rất thành công, vì các Kitô hữu đã không phúc âm hóa bằng lý thuyết, mà bằng gương sáng và máu đào. Đó là những lời rao giảng hùng hồn nhất, có khả năng đánh động lòng người nhất và lôi cuốn nhất mà người Kitô hữu có thể có được suốt dòng lịch sử Kitô giáo. Có lẽ không có cách phúc âm hóa nào tốt hơn!
Tin Mừng được rao giảng chỉ là những dữ kiện
Thời đó, chưa có thần học, chưa có lý thuyết, chỉ có một bản tuyên xưng đức tin rất ngắn gọn, gồm 12 điều dễ hiểu mà chủ yếu là những sự kiện về Đức Giêsu Kitô. Những sự kiện đó, được mô tả chi tiết hơn trong các sách Phúc Âm, đã được các Tông Đồ là những người mắt thấy tai nghe, làm chứng là thực sự xảy ra bằng chính máu đào của mình. Qua những sự kiện đó, ai tin Đức Giêsu Nazarét là Con Thiên Chúa, thì chịu phép rửa, gia nhập Hội Thánh, và sống đời Kitô hữu.
Vấn đề chỉ là tin vào một con người qua những sự kiện mà các Kitô hữu dám lấy mạng sống mình ra để bảo đảm. Sứ điệp Kitô giáo nguyên thủy chỉ là những dữ kiện, không có những lời giải thích dài dòng dựa theo một triết lý hay một hệ thống tư tưởng nào.
Sức hấp dẫn của Tin Mừng
Tự sứ điệp đó đã có sức hấp dẫn, nhưng nó càng hấp dẫn lôi cuốn hơn do những chứng từ bằng gương sáng, bằng nét hớn hở vui tươi hiện trên mặt người Kitô hữu chứng tỏ niềm hạnh phúc lớn lao trong lòng họ, chứng tỏ những điều họ sẵn sàng đổ máu ra để làm chứng đúng là Tin Mừng. Điều hết sức hấp dẫn là ai tin vào Tin Mừng đó cũng đều biểu hiện niềm vui tươi hạnh phúc ra ngoài, cả những lúc họ gặp đủ mọi gian truân vì bị bách hại. Có những người trước đây sống ích kỷ, chỉ biết vun quén cho mình, thế mà từ khi gia nhập tôn giáo này, cách họ xử sự với người khác thay đổi hẳn: rất vị tha, đầy yêu thương... Càng bị bách hại, những đặc tính ấy càng nổi bật và càng trở nên hấp dẫn người khác gia nhập đạo.
Lúc đó, sức sống của Hội Thánh rất mãnh liệt, đầy thần khí, khiến mọi Kitô hữu cũng đầy thần khí và sức sống. Đó chính là cách thích ứng tuyệt hảo nhất của Hội Thánh vào trong một tôn giáo vô đạo như Đế Quốc Rôma. Một cách thích ứng mà trí tuệ trần gian khó có thể sáng kiến ra được: Đạo Chúa vẫn phát triển mạnh dù bị bách hại dã man.
Việc hội nhập văn hóa tại Tây Phương
Sứ điệp Kitô giáo nguyên thủy
chỉ gồm những dữ kiện
Sứ điệp Kitô giáo nguyên thủy vốn được diễn tả bằng những sự kiện, được mô tả chi tiết hơn trong các sách Tin Mừng, vốn là những sách kể chuyện, gồm các bài tường thuật, không giải thích dài dòng bằng những ý niệm hay phạm trù triết học nào. Có khó hiểu đối với người đọc thì chỉ là những phong tục tập quán cá biệt của Do Thái, các tổ chức xã hội cá biệt thời Đức Giêsu, hay những loại cây chỉ có ở vùng Trung Đông được nói tới trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu.
Không bị lệ thuộc nền triết lý nào
Trong sứ điệp Kitô giáo, không có những ý niệm triết lý hay phạm trù triết học của một nền văn hóa cá biệt nào. Không cần phải thành thạo triết lý Hy Lạp như các thày kinh viện vẫn có thể hiểu và sống một cách sâu xa sứ điệp ấy. Không cần phải có một ý niệm gì về ngôi vị, về bản thể hay bản tính của một hệ thống triết lý nào người ta vẫn có thể sống mầu nhiệm Cha, Con, Thánh Thần, hay mầu nhiệm Chúa hiện diện thật sự, hoặc mầu nhiệm Đức Kitô là Thiên Chúa làm người... một cách sâu sắc.
Sứ điệp được Âu hóa
Dùng triết lý Hy Lạp để khai triển
Nhưng khi Kitô giáo được truyền bá vào Đế Quốc Rôma thì nhiều người thông thái trong Đế Quốc tin theo. Trong số những người thông thái ấy, nhiều người đã trở thành những vị chủ chăn trong Giáo Hội. Những vị này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra cho Kitô giáo một nền tảng triết lý vững chắc hầu thỏa mãn nhu cầu trí thức của những tín hữu thông thái. Vả lại, sứ điệp Đức Kitô cũng cần phải được diễn tả sao cho phù hợp với những ý niệm sẵn có của dân chúng.
Mà Đế Quốc Rôma thời ấy chịu ảnh hưởng triết lý Hy Lạp, một thứ triết lý nặng về suy tưởng hơn thực tế, phát sinh từ một vũ trụ quan tĩnh (coi vũ trụ như yên tĩnh, không biến dịch), và nhận thức luận đơn diện (quan niệm thực tại chỉ có một mặt). Vì thế, các bậc thông thái trong Giáo Hội (các giáo phụ, tiến sĩ...) đã dùng triết lý đó để giải thích và khai triển sứ điệp Kitô giáo, để diễn tả các chân lý cũng như các mầu nhiệm Kitô giáo. Nhờ vậy, sứ điệp cũng như các mầu nhiệm và chân lý Kitô giáo đã được hiểu theo một cách dễ hiểu nhất đối với các Kitô hữu Tây Phương.
Chẳng hạn, để diễn tả chân lý «Cha, Con, Thánh Thần» được mặc khải trong Kinh Thánh, các giáo phụ đã dùng ý niệm «ngôi vị» của triết lý Hy Lạp [*3] để áp dụng cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa được các Kitô hữu Tây Phương quan niệm là «Ba Ngôi», rất dễ hiểu đối với họ. Cứ thế, triết lý Hy Lạp đã trở thành một dụng cụ «vừa tầm tay» của các giáo phụ Hy-La để đào sâu, khai thác, giải thích, diễn tả sứ điệp Kitô giáo. Thế là sứ điệp đó đã được mặc lấy bộ áo văn hóa Tây Phương để dễ dàng hội nhập vào môi trường văn hóa Âu Châu của Đế Quốc.
[*3] Ở Đông Phương không có ý niệm «ngôi vị», nhưng có ý niệm «bản ngã». «Ngôi vị» trong triết lý Hy Lạp là một thực thể không thể phân chia, từ đó phát sinh ra ý thức. Còn «bản ngã» của triết lý Đông Phương là do ý thức tạo nên, và có thể phân chia (nghĩa là vì có ý thức nên mới có bản ngã).
Triết lý Hy Lạp - sau này trở nên nền tảng của triết học Tây Phương - đã được các giáo phụ và các tiến sĩ trong Giáo Hội, nhất Thánh Tôma Aquinô hoàn chỉnh để làm nền tảng cho tòa nhà thần học truyền thống Kitô giáo. Do đó, thần học truyền thống của Giáo Hội là một nỗ lực suy tư, giải thích, diễn tả về Thiên Chúa cũng như chương trình sáng tạo và cứu độ của Ngài theo cung cách văn hóa Âu Châu, rất thích hợp với lề lối suy tư của người Tây Phương.
Danh từ để chỉ Thiên Chúa
Danh từ nguyên thủy để chỉ về Thiên Chúa trong Thánh Kinh là EL SHADDAI [*4], hay EL’ELYÔN [*5], hay YAHVÉH [*6], hay ÉLOHIM [*7]. Để thích ứng với người Âu Châu, các giáo phụ đã không dùng những từ Do Thái ấy để chỉ về Thiên Chúa, mà sẵn sàng «rửa tội» cho các từ THEOS, DEUS, hay DIEU, v.v... - vốn là từ được dùng để chỉ các thần của người Âu Châu (Zeus, Jupiter, Hercule...). Chúng vốn không có nghĩa là Thiên Chúa như chúng ta hiểu hiện nay, nhưng các giáo phụ đã không chấp nhất chuyện nhỏ nhặt đó để lưu tâm tới điều quan trọng hơn là thích ứng và hội nhập văn hóa. Về sau, khi Kitô giáo được truyền vào Á châu, Giáo Hội đã không đặt nặng vấn đề hội nhập văn hóa như vậy [*8].
[*4] Danh từ mà các tổ phụ dùng để gọi Thiên Chúa. Xem St 17,1; 28,3; 35,11; v.v…
[*5] Trong St 14,18.22, nhất là trong các Thánh Vịnh.
[*6] Danh mà chính Thiên Chúa tự xưng với Môsê: Xem Xh 3,14.
[*7] Danh từ chung để chỉ về Thiên Chúa, rất thường dùng trong Kinh Thánh.
[*8] Khi các thừa sai truyền giáo ở Á Châu, có thời gian Tòa Thánh đã không cho phép người Á Châu dùng những từ trong ngôn ngữ của mình để nói về Thiên Chúa, mà phải dùng những từ phiên âm từ những từ của Tây Phương, vì sợ những từ địa phương ấy có nội dung không đúng (như sẽ nói trong chương 7, trang 121-148)
Thích ứng ngày lễ Giáng Sinh
Về việc Đức Kitô sinh ra, không ai xác định được ngày Ngài sinh ra là ngày nào. Khi cần phải chọn một ngày trong năm để kỷ niệm sinh nhật của Ngài, Giáo Hội đã không ngần ngại chọn ngày 25-12, là ngày người Âu Châu thờ thần Mặt Trời. Sự trùng hợp như vậy giúp cho Kitô giáo dễ hội nhập vào xã hội Âu Châu. Nhờ vậy, người Kitô hữu không trở nên «lập dị» một cách không cần thiết: khi mọi người ăn mừng thần Mặt Trời, thì người Kitô hữu cũng ăn mừng y như họ, nhưng thay vì mừng thần Mặt Trời thì mừng Đức Giêsu Kitô, cũng là Mặt Trời soi chiếu cho Thế Giới. Kitô giáo càng lớn mạnh, ý nghĩa của ngày 25-12 càng thiên về việc mừng Đức Giêsu Kitô và tiến tới chỗ hoàn toàn thay thế cho việc mừng thần Mặt Trời.
Ngày đầu tuần cũng là ngày người Âu Châu kính thần Mặt Trời [*9], thì Giáo Hội đã gọi ngày đó là «Ngày của Chúa» [*10] Cứ như thế, Giáo Hội đã dần dần Kitô giáo hóa các thực tại ngoại đạo của châu Âu một cách khéo léo.
[*9] Điều đó vẫn còn di tích trong một vài ngôn ngữ ở Âu Châu như tiếng Anh, tiếng Đức. Ngày thứ nhất trong tuần, tiếng Đức là SUNTAG, tiếng Anh là SUNDAY (ngày Mặt Trời)…
[*10] Tiếng Latinh là «Dies Dominica», tiếng Pháp đọc trại ra là «Dimanche».
Hội nhập văn hóa trong y phục
Y phục mặc trong phụng vụ cũng mô phỏng y phục của người Rôma, là thứ y phục phát xuất từ nền văn hóa của dân chúng, để phụng vụ trở nên quen thuộc gần gũi với họ. Y phục của hàng giáo sĩ, của các tu sĩ cũng không khác với y phục của dân chúng bao nhiêu.
Bỏ bộ áo văn hóa Do Thái
để mặc lấy bộ áo văn hóa Âu Châu
Có thể nói, tại châu Âu, Kitô giáo đã được Âu hóa từ cách thức tư tưởng đến những hình thức bên ngoài để có thể thích ứng với người Âu Châu. Tất cả những nét văn hóa mang tính Do Thái hay Tiểu Á đều được cởi bỏ để mặc lấy những nét văn hóa Âu Châu. Việc hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào Âu Châu phải nói là rất hoàn hảo, và nhờ đó Âu Châu cũng được Kitô giáo hóa hoàn toàn.
Việc thích ứng và hội nhập văn hóa
tại châu Âu thuận lợi hơn Á châu
Việc thích ứng và hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào Âu Châu thuận lợi và thành công hơn vào Á châu rất nhiều vì nhiều lý do.
Các nhà truyền giáo cùng chịu ảnh hưởng
văn hóa chung với người thụ giáo
Trước hết, các Tông Đồ là những người sống trong Đế Quốc Rôma, nên đã tiếp xúc với nền văn hóa Rôma và đã hiểu rõ nền văn hóa này. Vì thế, khi truyền đạo, các ngài đã thích ứng cách diễn tả, giải thích, trình bày sứ điệp Kitô giáo với văn hóa Rôma một cách dễ dàng ngay từ đầu. Và vì Kitô giáo được truyền vào Đế Quốc rất sớm, nên các thế hệ lãnh đạo Giáo Hội và vị lãnh đạo việc phúc âm hóa ngay sau các Tông Đồ đều là những người chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-La. Do đó, khi trình bày và giải thích sứ điệp Chúa Kitô cho những người cùng chịu ảnh hưởng nền văn hóa đó thì không có gì khó khăn về mặt hội nhập văn hóa cả.
Còn tại châu Á, những người tới truyền giáo là người Âu Châu, rao giảng một sứ điệp đã được Âu hóa rất nhiều thế kỷ, đồng thời nhận sự lãnh đạo từ xa của những người Âu Châu vốn có lề lối suy tư rất xa lạ với người Á châu. Vì thế, việc hội nhập văn hóa tại châu Á khó khăn hơn tại châu Âu gấp bội.
Sứ điệp Kitô giáo đã gắn bó quá chặt chẽ
với văn hóa Tây Phương
Vả lại, sứ điệp Kitô giáo ngay từ đầu đã được khai triển theo cung cách văn hóa Âu Châu, lấy triết lý Hy Lạp làm dụng cụ khai triển, đã tạo nên một nền thần học lộng lẫy, vững chắc mà Giáo Hội, trong hàng chục thế kỷ, coi là duy nhất đúng đắn, không thể có một nền thần học khác tương tự. Ngay cả triết lý La-Hy, được các giáo phụ và tiến sĩ hoàn chỉnh để làm nền tảng cho tòa nhà thần học ấy, cũng được Giáo Hội coi là đúng đắn nhất không thể thay thế được. Do đó, rao giảng sứ điệp Chúa Kitô có vẻ như rao giảng kết quả nền thần học ấy.
Cho tới trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội không hề coi nền thần học ấy là một thần học đặc thù chỉ đặc biệt thích hợp với Âu Châu hoặc với nền văn hóa Âu Châu mà thôi. Chỉ sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội mới chấp nhận, và hơn nữa, khuyến khích các dân tộc cùng chung một nền văn hóa, có một nền thần học riêng thích hợp với văn hóa của mình. Vì nền thần học truyền thống tuy là một thành quả rực rỡ của việc hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào Âu Châu, nhưng nếu đòi hỏi người Á châu cũng phải coi thần học đó là cách hiểu và diễn tả sứ điệp Kitô giáo của mình, thì quả là áp đặt và không phải là hội nhập văn hóa.
Nguyễn Chính Kết
Mời đọc tiếp:
No comments:
Post a Comment