Saturday, January 20, 2018

HNVH2-Chuong-1


Thích ứng và Hội Nhập Văn Hóa
trong việc Phúc Âm hóa



Chương 1




Công Cuộc Phúc Âm Hóa Tại Châu Á
Trong Hai Thiên Niên Kỷ Qua






Chúng ta đã bắt đầu chính thức bước vào thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo, và cũng bước vào một thế kỷ mới, thế kỷ 21. Nhìn lại thế giới ngày nay, ta thử tự hỏi:

– suốt hai thiên niên kỷ qua, tinh thần của Chúa Kitô đã thấm nhập vào thế giới này tới mức độ nào? việc sống tinh thần ấy trong tương lai có thể nói là đáng lạc quan hay bi quan? thế giới đang trở nên yêu thương nhau hơn, hay đang thù hận nhau nhiều hơn?

– chính người mang danh là Kitô hữu đã sống tinh thần của Chúa Kitô như thế nào? họ có sống tinh thần ấy hơn những người không mang danh Kitô hữu không? tinh thần Chúa Kitô được thể hiện chỉ ở hình thức bên ngoài, ở ngoài môi miệng, hay đã thấm vào đời sống hằng ngày, vào máu mủ da thịt của họ?

Đức Kitô đã đến với thế giới hai thiên niên kỷ nay, những muốn cứu độ thế giới thoát khỏi đau khổ, biến thế giới thành Nước Trời, trong đó mọi người sống với nhau bằng tình thương, nhờ đó mọi người, mọi dân tộc đều được hạnh phúc. Ngài đã về trời và trối lại sự nghiệp vĩ đại ấy cho những kẻ theo Ngài, để họ tiếp tục công cuộc cứu độ thế giới, biến thế giới thành một thế giới tốt đẹp hạnh phúc.

Đứng trước một thiên niên kỷ mới, ta cần phải tự hỏi công việc mà Ngài giao phó cho chúng ta đã tiến hành tới đâu rồi? Nếu đã tiến hành tốt đẹp, thì ta hãy cố gắng tiếp tục theo đường hướng ấy. Nếu chưa tốt đẹp, thì ta phải tự xét lại xem tại sao, vì lý do nào. Nếu vì gặp một số khó khăn nào đó, thì ta phải cùng tìm cách giải quyết những khó khăn ấy. Một Kitô hữu ý thức trách nhiệm Kitô hữu của mình không thể để mặc lời trăn trối của Đức Giêsu tiến hành tới đâu cũng được. Ước gì tất cả mọi Kitô hữu đều trăn trở, thao thức trước nhiệm vụ làm chứng cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu Kitô trước thế giới, và nhất là làm cho tinh thần của Đức Giêsu Kitô càng ngày càng được thực hiện nhiều hơn trên thế giới.

Trước thềm thiên niên kỷ mới, chúng ta hãy ôn lại nhiệm vụ phúc âm hóa của chúng ta, và thử phân tích một số thuận lợi và khó khăn trong việc phúc âm hóa tại Việt Nam cũng như tại Á châu trong những thiên niên kỷ qua.




Sứ Mạng Phúc Âm Hóa


1. Lệnh truyền của Chúa Kitô

Trước khi từ biệt các môn đệ để về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại cho các ông lời di chúc: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em» (Mt 28,19-20). Đó không phải chỉ là lời mời gọi, mà là một lệnh truyền cho tất cả những ai theo Chúa. Vì thế, việc loan báo Tin Mừng hay phúc âm hóa môi trường mình sống là bổn phận của mọi người Kitô hữu.

Sứ mạng của Chúa Kitô đối với thế gian là chuộc lại hạnh phúc vĩnh cửu của toàn thể nhân loại đã bị chính nguyên tổ của nhân loại làm mất, đồng thời biến thế gian thành Nước Trời, trong đó tình thương, sự hiệp nhất và hạnh phúc luôn luôn ngự trị. Nhưng việc cứu chuộc này chỉ có thể thành tựu được với sự hợp tác của cả hai phía: Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa đã làm xong phần của Ngài, phần còn lại là phần của con người.



2. Sự cộng tác của con người

a) Thiên Chúa không làm một mình

Thật vậy, trong việc cứu độ con người, Thiên Chúa không thể làm một mình, vì khi phạm tội, con người đã dùng tự do của mình, thì để được cứu chuộc, con người cũng phải biểu lộ sự tự do chấp nhận của mình bằng sự cộng tác tích cực. Bàn về vấn đề này, Thánh Âu Tinh viết: «Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần tới ta. Nhưng Thiên Chúa không thể cứu chuộc được ta nếu không có ta cộng tác». Cứu chuộc loài người là sáng kiến của Thiên Chúa, và Ngài đã làm xong phần của Ngài là sai chính Con duy nhất của Ngài đến giữa loài người, chịu chết đau khổ và nhục nhã trên thập giá để mặc khải về Thiên Chúa, để nói lên tình thương của Ngài đối với họ, chỉ cho họ con đường phải đi và cứu họ khỏi tội lỗi và đau khổ.


b) Con người cần hưởng ứng và cộng tác

Nhưng tất cả những việc Ngài làm ấy sẽ không ích lợi gì cho con người nếu con người không hưởng ứng hay góp phần vào công việc vĩ đại ấy. Phải có sự đóng góp tự do, tự nguyện của con người, công việc cứu chuộc ấy mới hoàn tất. Cũng tương tự như trong việc nuôi sống và giáo dục con cái, cha mẹ đã làm ăn vất vả, tạo mọi điều kiện thuận lợi để con cái ăn và học, nhưng tất cả những cố gắng của cha mẹ dù to lớn đến đâu cũng sẽ trở thành vô ích, nếu đứa con không chịu ăn, không muốn học. Cha mẹ không thể cứ ép con mình ăn và học mà được. Phần đóng góp của đứa con vào công việc nuôi sống và giáo dục nó có thể rất nhỏ nhoi so với nỗ lực to lớn của cha mẹ, nhưng phải nói rằng sự đóng góp nhỏ nhoi đó là tối cần thiết, đến nỗi không có sự đóng góp đó, công việc nuôi dạy ấy không thể thành công được.


c) Thiên Chúa đành bó tay nếu con người không hưởng ứng và cộng tác

Thiên Chúa đã làm xong phần của Ngài, phần còn lại là phần của con người: con người phải tin vào Thiên Chúa, vào Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và sống xứng đáng, phù hợp với niềm tin ấy. Như vậy, tuy Thiên Chúa toàn năng, nhưng trong việc cứu chuộc con người, Thiên Chúa cũng đành phải bó tay bất lực, nếu con người không hưởng ứng, hay không có sự cộng tác với Ngài.

Hình ảnh Chúa Giêsu tại Nazarét minh họa điều đó: «Ngài không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin» (Mt 13,58)[*]. Điều đó cho ta thấy: người ta không tin thì Ngài cũng đành bó tay không thực hiện quyền năng của Ngài để cứu giúp họ được. Tương tự như thế, để được cứu độ, con người phải tin, và hơn nữa, phải sống niềm tin ấy. Nhưng, thánh Phaolô nói: «làm sao họ tin được Đấng mà họ không hề được nghe nói tới? và làm sao nghe được nếu không có ai rao giảng? nhưng làm sao có người rao giảng được nếu không có ai sai họ đi?» (Rm 10,14). Như vậy, việc có người rao giảng hay loan báo Tin Mừng là điều tối cần thiết để nhân loại tin và được cứu độ.
[*1] Để Chúa Giêsu có thể làm phép lạ, thì điều kiện rất quan trọng là người ta phải tin. Không tin là một trở ngại lớn về phía ta khiến Thiên Chúa cũng đành bất lực.
Vì thế, sau khi làm xong nhiệm vụ cứu chuộc về phần mình, và trước khi từ giã thế gian, Chúa Kitô đã giao sứ mạng còn lại cho các môn đệ và những người tin theo Ngài là làm cho muôn dân hưởng ứng ơn cứu độ, nghĩa là tin vào Ngài và trở thành môn đệ Ngài hầu được hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là phần con người phải thực hiện để tự cứu độ mình và cứu độ tha nhân. Vì thế, do đức ái thúc đẩy, nhiều Kitô hữu đã dấn thân vào công cuộc phúc âm hóa để mở mang Nước Thiên Chúa, để nhiều người trong nhân loại được cứu rỗi hơn. Việc phúc âm hóa không phải chỉ là nhiệm vụ của các linh mục tu sĩ, mà là của mọi người Kitô hữu. Và Giáo Hội đã làm công việc phúc âm hóa đó suốt hai mươi thế kỷ qua.


3. Đó cũng là công việc của Thánh Thần

Phúc âm hóa là phần cộng tác của người Kitô hữu vào công việc cứu độ, nhưng người Kitô hữu không làm một mình, mà có Thánh Thần luôn luôn soi sáng, hướng dẫn, linh hứng, miễn là con người sẵn sàng mềm dẻo tuân theo sự hướng dẫn đó. Con người đóng góp vào công việc này như một dụng cụ của Thánh Thần. Vì thế, bất cứ một hoạt động phúc âm hóa nào, muốn có kết quả, con người cần làm theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, chứ không phải chỉ làm theo ý riêng, hay theo sự sáng suốt khôn ngoan thuần túy nhân bản của mình.


a) Tinh thần phải có của người loan báo Tin Mừng

Do đó, để nhận được sự hướng dẫn khôn ngoan của Thánh Thần, ngoài tinh thần khiêm nhường, tinh thần luôn luôn vâng phục thánh ý Chúa, không cậy sức riêng, phó thác vào Chúa, cần có đời sống cầu nguyện, sự kết hợp thường xuyên với Chúa, và tinh thần sẵn sàng đổi mới theo sự hướng dẫn của Ngài.

Sự đổi mới của Thánh Thần có thể đi ngược lại với những quan niệm hay tập tục hiện hành như ta thấy trong thời Chúa Giêsu và các Tông Đồ: các Ngài luôn luôn bị phản đối bởi những người đương thời, vì quá dựa vào truyền thống tôn giáo cũ, nên không thể hiểu được đường lối mới của Thánh Thần, vì thế họ đã giết, ném đá hoặc bách hại các Ngài, cho các Ngài là phá đạo, gây rối loạn...


b) Quan niệm mới về truyền giáo

Ngày xưa, truyền giáo được hiểu là kitô hóa, nghĩa là làm sao rửa tội hay đem vào Kitô giáo được càng nhiều người càng tốt. Quan niệm như thế chỉ nhắm tới số lượng hơn chất lượng, và tạo nên những cộng đoàn Kitô giáo trong đó có nhiều Kitô hữu «hữu danh vô thực», chỉ mang danh là Kitô hữu nhưng không thật sự sống tinh thần của Chúa Kitô. Ngày nay, truyền giáo chủ yếu được hiểu là phúc âm hóa, nghĩa là không chỉ nhắm đến việc rửa tội cho nhiều người, mà quan trọng hơn là làm cho tinh thần yêu thương và tự hủy của Chúa Kitô thấm nhập vào tâm hồn mọi người, trong đời sống xã hội, chính trị, kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Thật vậy, theo quan niệm mới của Công Đồng Vatican II, những người ngoài Kitô giáo vẫn có thể được ơn cứu độ khi sống theo truyền thống tôn giáo của họ. Điều đó khiến chúng ta phải hiểu truyền giáo theo một chiều hướng mới hợp lý hơn: việc đưa mọi người vào Kitô giáo hay vào Giáo Hội là điều hết sức quí hóa và cần thiết, nhưng để họ được cứu rỗi, điều cần thiết hơn là họ phải thật sự sống tinh thần của Chúa Kitô, một phần nào được tìm thấy ngay trong truyền thống tôn giáo của họ, và phần khác do việc phúc âm hóa của chúng ta đem lại cho họ.




Việc Phúc Âm Hóa Của Giáo Hội

Thiện chí và nỗ lực của Giáo Hội

Suốt 20 thế kỷ qua, Giáo Hội đã luôn luôn nỗ lực bằng đủ mọi cách, thực hiện lệnh truyền của Chúa Kitô, làm cho mọi dân tộc trên thế giới biết Thiên Chúa, biết sự cứu chuộc của Đức Kitô, để họ tin và trở thành môn đệ Chúa Kitô. Công việc phúc âm hóa đó không phải lúc nào cũng tiến hành tốt đẹp, vì có những lúc thuận lợi, mà cũng có những lúc hết sức khó khăn. Tuy là công việc tốt đẹp, nhưng việc phúc âm hóa cũng có những lúc không được các dân tộc đón nhận, vì nhiều khi bị hiểu lầm một cách trầm trọng, bị coi là có hại cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc, vì thế bị nghiêm cấm. Sự hiểu lầm này đôi khi do những hoàn cảnh khách quan gây ra, nhưng cũng có khi do những người lãnh đạo công cuộc phúc âm hóa đã hành động thiếu khôn khéo, thiếu mềm dẻo, chấp cứng vào nguyên tắc. Nhưng cho dù như thế, Giáo Hội vẫn trung thành với sứ mạng của mình, luôn luôn kiên trì vượt qua mọi khó khăn trở ngại để hoàn thành sứ mạng Chúa giao phó

Chúng ta phải nhìn nhận rằng công cuộc phúc âm hóa trong quá khứ có rất nhiều ưu điểm, nhiều khôn ngoan sáng suốt, nhưng cũng có một số khuyết điểm, nhiều điều chưa được gọi là khôn ngoan. Có can đảm nhìn nhận những khiếm khuyết đó và cố gắng khắc phục, sửa chữa, thì công cuộc phúc âm hóa trong tương lai mới tránh được những lầm lỗi đã từng vấp phải trong quá khứ. Cũng như cần phải thấy được những ưu điểm trong việc phúc âm hóa ấy để phát huy trong tương lai.


1. Sự thành bại của công cuộc phúc âm hóa

a) Thành công tại châu Âu, nhưng không thành công tại châu Á

Trong hai thiên niên kỷ qua, công việc phúc âm hóa đó, rất thành công tại châu Âu, nhưng không thành công bao nhiêu tại châu Á. Tại châu Âu, giữa thế kỷ 20, Kitô giáo chiếm tới 70% dân số, riêng công giáo 36%. Còn tại châu Á, Kitô giáo chỉ được 3,2%, riêng công giáo được 2,4% [*]. Đâu phải tại châu Á thiếu nỗ lực phúc âm hóa. Thật ra, Kitô giáo đã được truyền sang Á châu rất sớm. Ngay từ thế kỷ IV, đã có những thừa sai sang Ấn Độ truyền đạo và đã lập được những cộng đoàn Kitô hữu tại đó. Còn tại Trung Hoa, Kitô giáo đã được truyền giảng từ thế kỷ VI thời Đường Thái Tôn (năm 578), và được nhà vua ra sắc lệnh cho tự do truyền đạo.
[*2] Theo thống kê, hiện nay, dân số thế giới khoảng 5 tỉ, trong đó Công giáo 900 triệu chiếm 18% (Kitô giáo nói chung 1,5 tỉ tức 30%).
Tại Á Châu, Công giáo chiếm 2,4% (Kitô giáo nói chung 3,2%). Sau đây là thống kê tại một vài nước Á Châu (xếp theo số người Công giáo giảm dần):
 

b) Tại châu Á, Kitô giáo chỉ là thiểu số

Nhưng cho tới nay, chúng ta đã bắt đầu bước vào thế kỷ 21, thử hỏi thành quả của 16 thế kỷ phúc âm hóa tại châu Á ra sao? Cho tới nay, Kitô giáo vẫn bị coi là một tôn giáo của ngoại quốc, của châu Âu, cho dù Đức Kitô chính là người Á châu. Ngoài Philippines là nước có 84% công giáo, tại những nước khác, các cộng đoàn Kitô giáo chỉ là những nhóm thiểu số, hiện diện như nhưng ốc đảo có nguồn gốc văn hóa ngoại lai. Các Kitô hữu dường như chưa hòa nhập được vào khung cảnh văn hóa Á châu. Theo linh mục Aloysius Pieris, một nhà thần học Á châu, thì châu Á vẫn luôn luôn là một lục địa phi Kitô giáo.


c) Kitô giáo bị lợi dụng

Tệ hơn nữa, dưới con mắt nhiều người Á châu, Kitô giáo đã bị thực dân thế kỷ XIX-XX lợi dụng như một công cụ để đặt ách thống trị lên những dân tộc ở Á châu [*]. Nhiều người đã cố tình - có thể với ít nhiều ác ý - đồng hóa việc Kitô hóa với việc thực dân hóa, với những chứng cứ không phải là hoàn toàn phi lý. Sự lợi dụng đó rất dễ xảy ra, vì nếu không tỉnh thức cảnh giác, «con cái sự sáng» rất dễ bị «con cái thế gian» lợi dụng vào những mục tiêu của họ, vì «con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng» (Lc 16,8). Tuy nhiên, chúng ta không thể coi mình là hoàn toàn vô tội khi để cho mình bị lợi dụng, cho dẫu một cách rất vô tình. Tự khiêm nhận lỗi như vậy dễ được thông cảm hơn là tuyên bố mình hoàn toàn vô tội. Vả lại, có tôn giáo nào không bị lợi dụng ít nhiều tương tự như thế? [*]
[*3] Tương tự như tại Phi châu: trong giáo trình «Progress to the proficiency» của LEO JONES, (Cambridge University Press, London 1986, trang 9-10) có bài «The white man in Africa» (trích trong sách The Story of Africa của Basil Davidson) nói về tiến trình của người da trắng đến với người da đen như sau: «Trước tiên người da trắng đem đến [cho chúng tôi] cuốn Kinh Thánh. Rồi họ đem súng tới, kế đến là xiềng xích, rồi họ xây nhà tù, tạo ra các khoản thuế […] Họ có Kinh Thánh còn chúng tôi có đất đai. Một thời gian sau, chúng tôi thấy rằng sự việc đã thay đổi ngược lại. Bây giờ họ có đất đai còn chúng tôi có Kinh Thánh […] Tôi biết cái mưu đồ của họ. Đến trước hết là những người buôn bán và các nhà phúc âm hóa. Rồi tới các sứ giả. Sau đó, họ đem súng tới […] Bắt đầu tiến trình đó có thể là các thừa sai, nhưng trước hết là để điều tra một cách khoa học […]».
[*4] Trong dân gian người ta vẫn thường nói «dùng đạo tạo đời» để chỉ những người lợi dụng tôn giáo hầu thực hiện những mục đích trần tục của họ (tìm danh vọng, tiền của…).



Việc Phúc Âm Hóa Tại Châu Á


Việc phúc âm hóa ở Á châu không thành công bằng ở Âu Châu. Đó là một sự thật rất hiển nhiên. Tại sao? Có nhiều lý do:


1. Á châu đã có nhiều tôn giáo lớn

a) Những tôn giáo «siêu vũ trụ» tại châu Á

Tại châu Á đã có sẵn những tôn giáo có tầm cỡ ngang với Kitô giáo, những tôn giáo mà nhà thần học Aloysius Pieris gọi là «siêu vũ trụ» (métacosmique) cũng như Kitô giáo. Đó là những tôn giáo lớn, có những hệ thống triết lý và giáo lý cao siêu, có khả năng đáp ứng những nhu cầu tri thức, tâm linh sâu thẳm nhất của con người, cũng như có những nền luân lý siêu việt với những đường lối tu tập hữu hiệu giúp người ta đạt tới những cảnh giới an lạc của tâm linh. Những tôn giáo này đã có mặt và phát triển mạnh tại châu Á trước khi Kitô giáo đến.

Thông thường, khi người ta đã thật sự nếm được những an ủi thâm sâu và thỏa mãn với những tri thức đạt được từ một tôn giáo đến với họ trước, lúc đó họ sẽ cho tôn giáo của họ là siêu việt nhất, và khó chấp nhận hơn những tôn giáo đến sau. Vả lại, khi đã thấm nhiễm tôn giáo nào rồi, tư tưởng người ta sẽ bị đóng khung theo những ý niệm của tôn giáo ấy. Những ý niệm của tôn giáo khác sẽ trở thành xa lạ và rất khó chấp nhận.

Khi thấm nhiễm một tôn giáo nào là người ta bước vào một hệ thống tư tưởng khép kín khiến người ta hiểu tương đối dễ dàng những ý tưởng hoặc những quan niệm đã tiếp thu được từ tôn giáo ấy, nhưng lại thấy thật khó hiểu những ý tưởng hoặc quan niệm của những tôn giáo khác. Đang khi những người trong tôn giáo khác ấy lại rất dễ hiểu và chấp nhận những ý tưởng hoặc quan niệm của tôn giáo mình. Thật vậy, rất nhiều ý tưởng và sự kiện trong Kitô giáo được người Kitô hữu hiểu và chấp nhận dễ dàng, thì người Phật tử lại không thể hiểu và chấp nhận được. Và ngược lại cũng vậy. Do đó, những người Á châu đã có căn bản vững chắc về Phật giáo, Lão giáo hay Ấn giáo... sẽ khó theo Kitô giáo hơn một người chưa có lập trường tôn giáo rõ rệt.


b) Tại châu Âu, chỉ có Kitô giáo là tôn giáo «siêu vũ trụ»

Kitô giáo là tôn giáo duy nhất có tầm cỡ «siêu vũ trụ» xuất hiện tại châu Âu. Trước khi Kitô giáo đến với Âu Châu, tại đó chưa từng có một tôn giáo nào có tầm cỡ siêu việt, có khả năng đáp ứng sâu xa những nhu cầu tâm linh, đồng thời giải đáp được những thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời hay về nguồn gốc vũ trụ. Những tôn giáo có sẵn tại đó chỉ là những tôn giáo «vũ trụ» (cosmique), không đáng là «đối thủ» của Kitô giáo. Vì thế, Kitô giáo rất dễ dàng được dân Âu Châu đón nhận thay thế cho những tôn giáo «yếu kém» hơn của họ. Họ dễ đón nhận Kitô giáo hơn người Á châu rất nhiều. Điều này thật là dễ hiểu tương tự như một định luật của tự nhiên.


2. Tại châu Á, Kitô giáo không được các chính quyền tích cực ủng hộ

a) Tại châu Âu, Kitô giáo được thế quyền ủng hộ

Việc phúc âm hóa của đạo Kitô tại Âu Châu trong ba thế kỷ đầu gặp rất nhiều khó khăn vì bị chính quyền cấm đoán và bách hại. Nhưng từ thế kỷ IV trở về sau, việc phúc âm hóa gặp rất nhiều thuận lợi, vì vua Constantinus I, Hoàng Đế Rôma, trở lại Kitô giáo, ông không những cho Kitô giáo được tự do rao giảng mà còn ủng hộ tối đa việc truyền bá Kitô giáo nữa. Ông đã biến Kitô giáo thành tôn giáo chính thức của Đế Quốc, một đế quốc trải khắp châu Âu, lan sang cả châu Á và châu Phi. Từ đó, quyền hạn của các giáo hoàng càng ngày càng rộng lớn, vua chúa các nước ở châu Âu đều phải thần phục, thậm chí tại nhiều nước, một nhà vua mới lên ngôi có được giáo hoàng tấn phong thì mới được thần dân công nhận là vua và mới được họ thần phục.

Ở đâu cũng thế, nhà vua theo đạo nào thì đạo đó dễ được trọng vọng và lôi cuốn được nhiều người theo. Khi vua của một nướùc theo Kitô giáo thì ông dễ sủng ái và tín nhiệm những ai cùng theo Kitô giáo với ông, nên thần dân trong nước sẽ thấy theo Kitô giáo có lợi cho mình hơn. Tâm lý đó thật dễ hiểu. Trong bối cảnh đó, có thể khởi đầu người ta theo Kitô giáo chỉ vì mục đích chính trị, ngoại giao hay kinh tế, nhưng khi đã vào Kitô giáo, họ bắt đầu được giáo dục, thánh hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, và dần dần trở thành những Kitô hữu chính danh, đạo gốc. Âu Châu đã được Kitô hóa trong những hoàn cảnh thuận lợi như thế: suốt mười mấy thế kỷ nay, kể từ thế kỷ IV trở về sau, Âu Châu là một lục địa Kitô giáo, được chính quyền các nước công nhận và ủng hộ [*]. Không một nơi nào trên thế giới Kitô giáo có được một lợi thế chính trị lớn như vậy.
[*5] Đương nhiên không thể tránh được có những hoàn cảnh Kitô giáo bị bách hại. Nhưng nói chung là việc phúc âm hóa rất thuận lợi.

b) Tại châu Á, Kitô giáo bị nghi ngờ và cấm đoán


Còn tại châu Á, công cuộc phúc âm hóa chưa bao giờ được thuận lợi như thế. Trong chế độ quân chủ, chưa có một vị vua nào ở Á châu theo Kitô giáo hoặc tích cực ủng hộ công cuộc phúc âm hóa của Kitô giáo cả. May phúc lắm thì Kitô giáo được tự do truyền đạo một thời gian nào đó thôi [*]. Nhiều khi Kitô giáo bị cấm vì chính quyền nghi ngờ rằng sự phát triển của Kitô giáo sẽ gây bất lợi cho đất nước hoặc cho nhà cầm quyền. Lý do rất dễ hiểu là họ thấy dân chúng một khi đã theo Kitô giáo thì dường như bị «mê hoặc» đến nỗi sẵn sàng tuân theo lời những vị lãnh đạo tôn giáo hơn cả những vị lãnh đạo quốc gia, mà khổ một nỗi, những vị lãnh đạo tôn giáo lại là những người ngoại quốc, thuộc những quốc gia đáng nghi ngờ hoặc đang là kẻ thù của dân tộc, đang muốn đặt ách thống trị lên đầu lên cổ dân tộc mình.
[*6] Đó là nói chung trong các triều đại vua từ thế kỷ 19 về trước. Tuy nhiên, mới đây, trong thời Á Châu bị thực dân Tây Phương cai trị, thì Kitô giáo được ưu đãi và được tích cực ủng hộ, vì nó là tôn giáo của Tây Phương (như đã nói trước đây, vua theo tôn giáo nào thì tôn giáo ấy được ưu đãi). Nhờ đó, trong thời này, Kitô giáo phát triển mạnh hơn bao giờ hết.
Chẳng hạn tại Việt Nam, dưới triều các vua nhà Nguyễn, các nước Âu Châu tới buôn bán tại nước ta và các giáo sĩ Kitô giáo thuộc các nước ấy cũng theo vào để loan báo Tin Mừng. Đang khi thế lực ngoại quốc mạnh hơn mình và không biết lòng dạ họ ra sao, thì các vị vua Việt Nam lại thấy những người Kitô giáo trong nước sẵn sàng vâng nghe những người ngoại quốc truyền bá đạo hơn cả chính quyền, cả luật vua, đến nỗi sẵn sàng chịu đau khổ và chết, làm sao chính quyền không khỏi lo ngại và nghi ngờ? [*] Điều làm các nhà vua sợ nhất, đó là người Kitô hữu có thể ủng hộ những thế lực chống lại nhà vua để cướp ngai vàng. Một lý do khác là Kitô giáo trước đây có nhiều điểm không phù hợp với văn hóa hay phong tục trong nước, chẳng hạn như việc cấm thờ kính tổ tiên (một điều cấm mà người Á Đông cho là hết sức phi lý, thậm chí không thể chấp nhận được) [*], việc thờ một người trần truồng chịu đóng đinh (một hình ảnh rất chướng mắt đối với các nhà nho nhất là khi nhìn thấy lần đầu tiên), v.v...
[*7] Cuối tháng 6-1645, Chúa Nguyễn phúc Lan cải án tử hình cho Cha Rhodes thành án trục xuất, đã ra lệnh cho viên Thái Sư: «Hãy đưa ông ta về Hội An, để ông ta đi đâu tùy ý, miễn là ra ngay khỏi vương quốc của Ta, vì Ta chẳng hiểu tại sao ông ta có tài mê hoặc các thần dân của Ta, đến nỗi tất cả đều mù quáng theo ông ta và làm như ý ông muốn» (A. DE RHODES, Relation des progrès de la Foi au Royaume de la Cochinchine, Paris 1652, trang 126).
[*8] Kể từ năm 1939 tại Trung Hoa. và từ năm 1965 tại Việt Nam, luật cấm này không còn được áp dụng nữa.

c) Trong nước, đã có Nho giáo và Phật giáo

Vả lại, trong nước đâu phải là không có những tôn giáo đúng đắn để dân chúng theo: Nho giáo, Phật giáo đều là đạo thánh hiền cả! Đối với các vị vua triều Nguyễn, chỉ có đạo Nho là hay hơn cả, đạo này đã giáo hóa dân Việt biết bao thế kỷ qua, nhất là luân lý của đạo Nho luôn luôn đề cao việc trung thành với vua [*]. Đang khi đó, người Kitô hữu coi vua và luật vua không phải là trên hết, mà thua luật Chúa, tức luật do các giáo sĩ ngoại quốc dạy. Vì thế, các vua triều Nguyễn cấm đạo không phải là hoàn toàn phi lý. Đặt mình vào địa vị của họ, với não trạng của họ, chắc chắn ta cũng không hành xử khác hơn họ. Sự khôn ngoan thường tình là phải hành động như thế. Và phải khôn ngoan thật phi thường mới có thể hành xử tốt hơn.
[*9] Trong Tam Cương Ngũ Thường của đạo làm trai, có Tam Cương, là Quân, Sư, Phụ (trung thành với vua, tôn kính thầy dạy, và hiếu thảo với cha mẹ), trong đó trung quân là đầu. Ca dao Việt Nam có câu:
Trai thời trung, hiếu làm đầu,

«Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình».


d) Thế lợi hại của thực dân trong việc phúc âm hóa

Vả lại, phía Giáo Hội, các thừa sai cũng chưa ý thức được cái thế lợi hại của mình bên cạnh những thế lực thực dân để hành xử một cách khôn khéo và tế nhị hơn trong những bối cảnh lịch sử khó khăn như thế. Các ngài không thể nào ngờ được thiện chí và sự hăng say của mình đối với đạo Chúa lại có thể bị những thế lực trần gian lạm dụng để phục vụ cho những ý đồ đen tối và ám muội của họ, luôn điều hoàn toàn ngược lại với thiện ý của các ngài. Phải nói rằng thời ấy, các thừa sai chưa có một kinh nghiệm nào về việc này cả. Chúng ta cũng nên hiểu cho các ngài.

Chúng ta nên nghĩ rằng trong công cuộc phúc âm hóa tại các nước Á châu, các thừa sai chắc chắn không thiếu sự thánh thiện, ý ngay lành, lòng hăng say, sự khôn ngoan cá nhân. Có thiếu chăng thì chỉ là thiếu cái nhìn sáng suốt, khôn ngoan và kinh nghiệm về mặt chính trị, thiếu sự mềm dẻo và thích ứng về văn hóa.


e) Việc phúc âm hóa sẽ thuận lợi nếu được các chính quyền ủng hộ

Việc phúc âm hóa ở Âu Châu nếu không được nhà cầm quyền trong các quốc gia ủng hộ hay tạo điều kiện thuận lợi, có thể sẽ không thành công rực rỡ như đã từng xảy ra trong lịch sử. Nếu cứ bị chính quyền gây khó khăn, việc phúc âm hóa vẫn có thể phát triển nhưng không thể thành công lớn. Ý thức được điều đó, khi phúc âm hóa tại châu Á, linh mục Matteo Ricci đã chủ trương phúc âm hóa trước tiên cho giới lãnh đạo và trí thức trong xã hội. Nếu họ chưa theo đạo thì ít ra họ cũng có một cái nhìn thiện cảm về Kitô giáo, đồng thời không cảm thấy Kitô giáo bất lợi cho đất nước của họ. Nếu họ theo đạo thì họ sẽ có nhiều ảnh hưởng thuận lợi cho việc phúc âm hóa. Nhưng chủ trương của cha Ricci đã không được các cấp lãnh đạo trong Giáo Hội ủng hộ, thậm chí các vị còn kết án cha và phá đổ công trình của cha nữa. Phải tới Đức Giáo Hoàng Piô XII, cách phúc âm hóa của cha Ricci mới được công nhận là đúng đắn và khôn ngoan, thì lúc đó đã quá muộn, vì những lầm lỡ gây ra không còn sửa chữa lại được nữa.

Tại châu Á, Kitô giáo chỉ được các chính quyền ủng hộ tích cực trong thời kỳ thực dân vừa qua, bởi các chính quyền thực dân hoặc thân thực dân mà thôi. Mà thời kỳ này chỉ kéo dài khoảng một thế kỷ, và gây ra về sau có nhiều hiểu lầm bất lợi. Ngoài thời kỳ ngắn ngủi ấy, Kitô giáo mà được tự do truyền đạo thì kể là may phúc lắm rồi. Đó là một lý do khá quan trọng khiến cho kết quả việc phúc âm hóa ở Á châu thua xa ở Âu Châu.


3. Việc phúc âm hóa tại châu Á thiếu thích ứng và hội nhập văn hóa

Một lý do nữa khiến cho việc phúc âm hóa ở Âu Châu thành công hơn ở Á châu rất nhiều là việc thích ứng và hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào Âu Châu rất hoàn chỉnh, tuyệt hảo, nhất là từ thời các Tông Đồ đến thời các giáo phụ, khiến cho việc phúc âm hóa tại đây có một nền tảng vững chắc, khác hẳn với tại châu Á.


a) Đường lối thiếu mềm dẻo của Giáo Hội

Tại châu Á, việc thích ứng và hội nhập văn hóa không được đặt nặng lắm, có thể nói là thua xa việc thích ứng và hội nhập văn hóa tại châu Âu. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã đi theo một đường lối cứng rắn, không thích nghi đủ với các dân tộc bản xứ. Những thừa sai chủ trương thích ứng và hội nhập văn hóa một cách tích cực thường bị hiểu lầm hoặc bị kết án.

Việc thích ứng và hội nhập văn hóa đã được Giáo Hội đặt nặng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai. Sứ điệp Kitô giáo từ nguyên thủy mang bộ áo văn hóa Do Thái. Nhưng khi truyền vào Âu Châu, sứ điệp ấy đã được cởi bỏ bộ áo văn hóa Do Thái để hoàn toàn mặc lấy bộ áo văn hóa Tây Phương, khiến người Tây Phương rất dễ chấp nhận. Các nghi thức phụng vụ đều được cử hành theo cung cách Rôma, từ lễ phục đến ngôn ngữ, từ cách xông hương đến cách bái lạy, v.v... rất quen thuộc với người Âu Châu. Nhưng khi được các thừa sai Tây Phương truyền vào Á châu, việc thích ứng và hội nhập văn hóa bị coi nhẹ, Kitô giáo vẫn giữ nguyên bộ áo văn hóa Tây Phương, không phù hợp với nền văn hóa Đông Phương.


b) Áp đặt nhiều hơn hội nhập

Có thể nói: về mặt văn hóa, Kitô giáo được đưa vào Á châu bằng con đường «áp đặt» nhiều hơn là «hội nhập». Như thế, kết quả có thể nhanh chóng nhưng không lâu bền, không có hậu. Thật vậy, trong quá khứ, nhất là trong thời thực dân, Giáo Hội đã dùng lợi thế mình có được - chẳng hạn về mặt tôn giáo [*], về chính trị [*], về kinh tế [*], về ảnh hưởng đối với dân Á châu [*], để áp đặt vào Á châu một Kitô giáo mang nặng hình thức văn hóa Tây Phương, rất lạ lẫm đối với người Á châu.
[*10] Vì Kitô giáo vốn là một tôn giáo lớn, vững mạnh và đầy thế lực ở Âu Châu, cả mặt thế quyền lẫn thần quyền, khác hẳn với Kitô giáo thời sơ khai phải nỗ lực thích ứng và hội nhập văn hóa mới có thể tồn tại được
[*11] Vì Kitô giáo được chính quyền các nước Âu Châu và chính quyền thực dân tại các nước Á Châu ủng hộ.
[*12] Lúc ấy, Kitô giáo có rất nhiều khả năng về tài chính.
[*13] Vì thời ấy, Kitô giáo đã tạo được nhiều cộng đoàn Kitô hữu sẵn sàng sống chết với đức tin của mình.
Vì thế, việc phúc âm hóa tại châu Á đã không đem lại kết quả rực rỡ như ở Âu Châu, nếu không muốn nói là không có kết quả bao nhiêu. Số Kitô hữu tại châu Á chỉ là 3,2% so với ở Âu Châu là 70% [*].
[*14] Đó là tỷ lệ vào thời điểm giữa thế kỷ 20. Còn hiện tại, tỷ lệ Kitô giáo tại Âu Châu đã giảm đi rất nhiều. Số người thực sự sống đạo tại các nước Pháp, Ý… là những nước trước đây hầu như toàn tòng công giáo, hiện nay chỉ còn khoảng 5%
Trong ba lý do khiến việc phúc âm hóa tại châu Á không thành công bằng ở Âu Châu như đã kể trên, lý do thứ nhất (tại châu Á đã có sẵn nhiều tôn giáo tầm cỡ ngang với Kitô giáo) ta không thể khắc phục được, lý do thứ hai (Kitô giáo không được các chính quyền ủng hộ) rất khó khắc phục, chỉ có lý do thứ ba liên quan đến việc thích ứng và hội nhập văn hóa là có thể khắc phục tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nếu lý do thứ ba khắc phục được, thì lý do thứ hai liên quan đến sự ủng hộ của nhà cầm quyền cũng trở nên dễ khắc phục hơn. Nhưng việc thích ứng và hội nhập văn hóa phải được cấp lãnh đạo Giáo Hội quan tâm và ủng hộ tích cực thì mới có kết quả mỹ mãn. Nếu đó chỉ là những cố gắng cá nhân, riêng lẻ, thì kết quả sẽ chẳng đáng kể.

● ● ●

Vậy, để việc phúc âm hóa tại châu Á, cụ thể là tại Việt Nam, thành công hơn, thiết tưởng các giáo hội địa phương tại châu Á cần quan tâm nhiều hơn tới việc thích ứng sứ điệp Kitô giáo với nền văn hóa của dân tộc mình, nghĩa là phải hội nhập văn hóa. Việc hội nhập văn hóa không chỉ được hiểu theo chiều ngang mà còn phải được hiểu theo chiều dọc nữa. Hội nhập văn hóa theo chiều ngang là phải rao truyền sứ điệp Kitô giáo theo cung cách văn hóa của người Á châu, chứ không phải với cung cách văn hóa Âu châu như đã làm từ trước đến nay. Hội nhập văn hóa theo chiều dọc là sự thích ứng về mặt văn hóa của thế hệ trước (thế hệ phúc âm hóa) đối với thế hệ sau (thế hệ được phúc âm hóa). Điều này rất quan trọng vì càng ngày sự khác biệt về mặt văn hóa giữa hai thế hệ liên tiếp nhau càng lớn. Người truyền đạt sứ điệp (thế hệ cha anh) phải diễn tả hay truyền đạt sứ điệp một cách phù hợp với não trạng và văn hóa của người được truyền đạt (thế hệ con em).

Nguyễn Chính Kết



Mời đọc tiếp:


No comments:

Post a Comment