Monday, May 22, 2017

ĐTTG-I C-5 Tính ưu việt của Kitô Giáo




ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO




Chương 5

Tính ưu việt của Kitô Giáo


Sứ mạng của Đức Kitô không phải là…

Mọi tôn giáo đều có tính ưu việt và độc đáo riêng của mình. Vậy, tính ưu việt và độc đáo của Kitô giáo nằm ở đâu? Chắc chắn khi Đức Kitô đến, Ngài dạy người ta ăn ngay ở lành, đề nghị một đời sống luân lý, đạo đức thật tốt, nhưng mục đích chủ yếu của Ngài không phải là công việc ấy. Tôn giáo nào cũng đều dạy người ta như thế cả. Chúng ta phải khách quan nhìn nhận rằng:

– Không cần Đức Kitô đến, người ta cũng vẫn biết trên phải thờ Trời (tức Thiên Chúa), dưới phải trung với vua, hiếu thảo với cha mẹ. Đức Khổng ở Á châu dạy điều đó có lẽ kỹ càng và chi tiết hơn Đức Kitô rất nhiều.

– Không cần Đức Kitô đến, người ta cũng biết phải sống yêu thương tha nhân, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho người khác, hay sống tinh thần «tự hủy» (kénose). Giáo lý về «từ, bi, hỷ, xả» hay về thuyết «vô ngã» của Đức Phật có thể dạy thâm sâu và kỹ lưỡng hơn những lời dạy rất vắn vỏi của Đức Kitô.

– Không cần Đức Kitô đến, người ta cũng có thể biết cần phải có những lối sống đầy trí tuệ và khôn ngoan, vừa lợi mình vừa lợi người, vừa lợi hiện tại mà cũng lợi lâu dài sau này. Ân giáo và Phật giáo có những bộ kinh rất dày và cao sâu dạy con người tới nơi tới chốn những chuyện đó, kỹ hơn Đức Kitô dạy môn đệ rất nhiều.

– Không cần Đức Kitô đến, người ta vẫn có thể tiến bộ về khoa học, về tâm lý học, xã hội học… Về vấn đề này, Newton, Einstein, Freud, Jung, Durkheim… có công đối với nhân loại hơn Đức Kitô rất nhiều.

Do đó, sứ mạng của Đức Kitô đối với nhân loại chủ yếu không phải là để rao giảng về luân lý, đạo đức, hay đưa ra một triết lý sống, một lý thuyết khoa học, tâm lý học, xã hội học, có nhiều giá trị hơn các vị giáo chủ khác. Sứ mạng của Đức Kitô nằm ở chỗ khác. Người Kitô hữu không nên vì yêu mến Đức Kitô mà gán cho Ngài quá nhiều sứ mạng hay công việc.


Đừng gán cho Đức Kitô quá nhiều sứ mạng không thích hợp

Khuynh hướng của thần học truyền thống là tuyệt trác quyết và tuyệt đối hóa tất cả những phẩm tính của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Áp dụng cách thức ấy để nói về Thiên Chúa thì có thể rất đúng, vì Thiên Chúa là tuyệt đối. Nhưng vì Đức Kitô là Thiên Chúa nhập thể, một Thiên Chúa đã tự biến mình thành tương đối, hữu hạn… để chia sẻ thân phận với con người, nên việc tuyệt đối hóa Đức Kitô có thể không phù hợp lắm. Chính Thiên Chúa đã tương đối hóa và hữu hạn hóa Đức Kitô khi sai Ngài đến thế gian nhập thể làm người. Còn chúng ta lại muốn làm ngược lại chiều hướng của Thiên Chúa sao?

Đức Kitô là Ngôi Lời nhập thể, thì rõ ràng Đức Kitô, một đằng chính là Ngôi Lời, nhưng đằng khác vẫn có một cái gì khác với Ngôi Lời. Ngôi Lời thì tuyệt đối và vô hạn, còn Đức Kitô thì mặc lấy sự tương đối và hữu hạn của con người. Do đó, chúng ta tham lam dùm cho Ngài, gán cho sứ mạng của Ngài đủ mọi công việc, cả những việc không quan trọng, những việc đã có người khác làm rồi, không hẳn đã là điều hay, trái lại có thể có hại cho Ngài hơn có lợi. Ngài đâu phải là một nhà lãnh đạo vụng về ôm vào mình tất cả những việc có thể giao cho người khác làm được! Người lãnh đạo khôn khéo biết chia sẻ công việc cho người khác để mình có thể rảnh tay làm những việc quan trọng hơn mà người khác không làm được. Chúng ta nên nhớ là Ngài đã mặc lấy thân phận hữu hạn của con người, Ngài không nên làm những chuyện «bao đồng» phí năng lực!


Cách trình bày của Đức Kitô về Thiên Chúa 
mang tính hội nhập văn hóa
là một trong những cách trình bày về Thiên Chúa

Vì Thiên Chúa là một hữu thể siêu việt và siêu nghiệm, nên không thể dùng những ý niệm hữu hạn của con người để diễn tả Ngài một cách trọn vẹn được: «Đạo khả đạo, phi Thường Đạo» (Lão Tử). Nếu có diễn tả, thì chỉ là vì nhu cầu của con người mà gượng diễn tả ra thôi. Nghĩa là Ngài phải dựa vào những yếu tố văn hóa đặc thù của con người, những ý niệm có sẵn của con người vốn khác biệt nhau giữa các dân tộc để diễn tả. Ở đây, chúng ta cần phân biệt giữa Chân Lý (viết hoa, tức siêu việt) và cách diễn tả Chân Lý. Chân Lý chỉ có một, nhưng cách diễn tả Chân Lý thì có thể rất nhiều, tùy theo điều kiện văn hóa của từng dân tộc mà biến đổi cho phù hợp.

Vì thế, quan niệm mà Đức Kitô trình bày về Thiên Chúa có thể chỉ là một trong nhiều cách trình bày về Thiên Chúa. Khi trình bày về Thiên Chúa siêu nghiệm vốn không thể diễn tả được, Đức Kitô đã dùng ngôn ngữ hết sức giới hạn của con người - cụ thể là tiếng Do Thái - để trình bày. Do đó, Ngài phải vận dụng mọi yếu tố và mọi điều kiện văn hóa xã hội có sẵn của người Do Thái thời đó để trình bày về Thiên Chúa sao cho phù hợp với khả năng lãnh hội của họ. Nếu Ngài sinh ra tại Ấn Độ hay tại Trung Hoa với những điều kiện văn hóa xã hội khác hẳn, làm sao Ngài có thể trình bày về Thiên Chúa với những yếu tố văn hóa xã hội Do Thái y hệt như đã trình bày với người Do Thái được?


Đức Kitô không đến, thế giới vẫn tồn tại theo cách tự nhiên của nó

Đức Kitô không đến, hay không có Kitô giáo, thì không hẳn thế giới này sẽ phải xấu xa hơn là khi có Kitô giáo như hiện nay. Cứ so sánh xã hội thời Lý, Trần, Đinh, Lê ngày xưa tại Việt Nam, thời Nghiêu Thuấn ngày xưa tại Trung Hoa… là thời Á châu chưa hề biết Đức Kitô, và chưa nhận một ảnh hưởng nào của Kitô giáo, với xã hội Âu Châu thời Trung Cổ - chịu ảnh hưởng Kitô giáo rất mạnh - ta thấy chưa hẳn xã hội nào đã hạnh phúc, đã trật tự, đã đạo đức hơn xã hội nào. Yêu mến Đức Kitô và tôn giáo do Ngài lập ra là bổn phận của người Kitô hữu. Tuy nhiên, chúng ta đừng vì quá yêu mến Đức Kitô hay Kitô giáo mà đánh mất tính khách quan khi nhận định về thế giới. Càng thiên kiến, càng đánh mất tính khách quan, thì lời nói của ta trong cuộc đối thoại càng bị giảm giá trị và bị phía bên kia coi thường.

Nếu vậy, Đức Kitô đến với nhân loại để làm gì? ích lợi gì cho nhân loại? Và vai trò của Kitô giáo trên thế giới này là gì? Với đầu óc khách quan, ta phải nhận định rằng Kitô giáo có nhiều mặt mạnh hơn các tôn giáo khác, nhưng cũng có những mặt còn kém các tôn giáo khác. Và chính Đức Kitô cũng có thể kém các vị giáo chủ khác một số mặt: Về học hành, làm sao Ngài bằng Đức Phật vốn là Thái Tử của một quốc gia? Chính các kinh sư Do Thái đã từng chê Ngài là kẻ ít học: «Ông này không học hành gì mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế?» (Ga 7,15) (Đương nhiên không học mà biết mới là hay!) Thông thạo về các thứ triết lý đương thời, hay phải đối đáp bài bác những triết lý đó, ta không thấy Tin Mừng đề cập đến như các kinh Phật. Kinh điển để lại của Đức Kitô đâu nhiều bằng một số giáo chủ khác… Không nhất thiết Thiên Chúa muốn Đức Kitô nhập thể cứ phải hơn các vị giáo chủ khác ở những điểm phụ thuộc ấy.


Con người vươn lên Thiên Chúa, Thiên Chúa xuống với con người

Cụ Nguyễn Khắc Dương - thầy dạy Triết lý của tôi và là người hay chia sẻ tư tưởng với tôi cũng như với nhiều bạn trẻ khác - nhận định rằng: Các tôn giáo khác đều là những ngọn núi vươn lên trời cao, tượng trưng cho những nỗ lực của con người vươn tới Thiên Chúa. Còn Kitô giáo là một thung lũng ăn sâu xuống mặt đất, tượng trưng cho sự việc Thiên Chúa hạ mình xuống với con người». 

Tôi rất đắc ý với tư tưởng này. Nếu so sánh cao thấp, thì thung lũng làm sao cao bằng núi được? Nhưng nếu so về mức di chuyển thì núi vươn lên trời đâu được bao nhiêu so với trời đi xuống tới đất. Trong các tôn giáo khác, nỗ lực đi tìm chân lý, vươn lên Tuyệt Đối - mà chúng ta, người Kitô hữu gọi là Thiên Chúa - rất to lớn. Để sống phù hợp với nỗ lực đó, rất nhiều tín đồ các tôn giáo đã sống cuộc đời hết sức gương mẫu, tốt đẹp. Và cũng có những người cảm nghiệm được mình đạt đạo, đạt được Chân Lý, thấu hiểu được cơ huyền nhiệm của vũ trụ. Rõ ràng là trong các tôn giáo, con người nỗ lực rất nhiều và cũng rất chân thành để vươn lên đến Thực Tại Tối Hậu (tức Thiên Chúa). Và theo niềm tin Kitô giáo, thì chính Thiên Chúa đã đi xuống với con người. Con người vươn lên Thiên Chúa, và Thiên Chúa xuống với con người, đó chẳng phải là một hình ảnh đẹp sao?

Kinh Dịch đã tượng trưng sự giao hòa giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương bằng quẻ «Địa-Thiên Thái»: Đất ở trên, Trời ở dưới (xem minh họa phía dưới). Trời và Đất đổi ngôi cho nhau, nên mới có sự gặp gỡ, giao hòa, trao đổi, yêu thương, khiến mọi sự đều trở nên «Thái» nghĩa là tốt đẹp, hanh thông. Thật đúng với ý tưởng của một nhà thần học nào đó: «Thiên Chúa xuống làm con người để con người lên làm Thiên Chúa». Còn nếu Trời ở trên, Đất ở dưới, thì thành quẻ «Thiên-Địa Bỉ», nghĩa là Trời Đất mãi mãi xa cách nhau vạn dặm, không bao giờ gặp gỡ nhau. Trời cứ mãi mãi ở trên, và Đất cứ mãi mãi ở dưới, như thế chẳng bao giờ có sự gặp gỡ, giao hòa, yêu thương, mà chỉ có sự chia lìa ngăn cách. Vì thế, mọi sự đều trở nên «Bỉ» nghĩa là bế tắc, không hanh thông, xấu, dở.


Các tôn giáo là những nỗ lực vươn lên Thiên Chúa

Chắc chắn, theo ý định của Thiên Chúa, trong nhân loại, phải có những nỗ lực vươn lên Thiên Chúa với tư cách là Tuyệt Đối, Chân Lý, Thực Tại Tối Hậu. Các tôn giáo tượng trưng cho những nỗ lực đó. Các vị giáo chủ là những người đã nỗ lực triệt để, phi thường, sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt tới chân lý, và sau một thời gian tu hành, các ngài chứng tỏ được mình đã đắc đạo, đã thành công. Các ngài đã để lại cho đời những tấm gương sáng ngời, và hơn thế nữa, những tôn giáo với đạo lý thâm sâu đã thỏa mãn tâm linh biết bao con người. Suốt mấy chục thế kỷ, các tôn giáo đã giáo hóa nhân loại bằng những phương thế tuyệt vời, đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh của nhân loại, đã sản sinh ra biết bao thánh nhân, bồ tát, những con người tương đối hoàn hảo, xứng đáng là người. Các tôn giáo đã đóng góp những thành quả hết sức tốt đẹp và lớn lao vào các nền văn hóa của nhân loại. Không có các tôn giáo, chắc chắn nhân loại không thể tốt đẹp được như ta thấy ngày nay.

Những nỗ lực vươn lên đó chắc chắn làm cho Thiên Chúa rất vui lòng, và Ngài đã chúc phúc cho các tôn giáo, cho các tôn giáo đó tồn tại và phát triển tới ngày nay để giữ cho nhân loại được tốt đẹp, trật tự, sống yêu thương nhau, đồng thời để con người vẫn tiếp tục nỗ lực vươn lên Ngài. Các tôn giáo đó chính là «ánh sáng cho thế gian» (Mt 5,14), là «muối ướp nhân loại» (Mt 5,13).


Kitô giáo là sự hạ xuống của Thiên Chúa, 
đáp lại sự vươn lên của con người

Nhưng, nếu chỉ có những nỗ lực đơn phương của con người, thì thế quân bình giữa Thiên Chúa và con người không có. Vì thế, Thiên Chúa đã đáp lại sự vươn lên của con người bằng sự hạ xuống của Ngài. Một đằng vươn lên, một đằng hạ xuống, có như vậy mới chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương con người, và con người không phải chỉ thụ động hoàn toàn trước tình thương ấy. Ngạn ngữ Pháp có câu: «Aide-toi, Dieu t’aidera» (hãy tự giúp mình đã, Trời sẽ giúp bạn sau).
Các tôn giáo lớn tại Á châu đã ra đời trước, tượng trưng cho việc con người tự mình đi tìm chân lý, tự mình vươn tới Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã đáp lại bằng cách làm cho những nỗ lực đó thành tựu: Ngài đã xuống để gặp gỡ con người, khiến cho nỗ lực vươn lên Thiên Chúa của con người đi đến thành công. Thánh Phaolô cũng nói: «Tôi trồng, Apôlô tưới, và Thiên Chúa làm cho lớn lên» (1Cr 3,6). Qua đó, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Làm sao có thể thành tựu được sự gặp gỡ đó nếu không có tác động của cả hai bên. Giống như để ngọn lửa có thể cháy được, đòi hỏi vừa phải có lửa vừa phải có chất đốt. Ngọn lửa sẽ không thể cháy được nếu không có chất đốt, và chất đốt không thể cháy được nếu không có lửa. Cháy là sự giao ngộ, hòa hợp giữa lửa và chất đốt.


Để gặp gỡ nhau, phải có sự hợp tác đôi bên

Cũng vậy, nếu không có những nỗ lực của con người, Thiên Chúa làm sao gặp gỡ con người được? Nếu con người không muốn gặp Ngài, thì Ngài có xuống ngay trong nhà họ, thậm chí ngự vào lòng họ, thì họ cũng đâu thèm tiếp đón, và Ngài cũng đâu gặp gỡ họ được (x. Ga 1,10-11). Tại sao? Vì «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng». Đức Kitô đã đến ngay trong lòng Do Thái giáo, nhưng phản ứng của Do Thái giáo là không những không đón nhận, mà còn tìm giết Ngài. Còn các đạo sĩ ở tận đâu đâu, chắc chắn không phải là Do Thái giáo, thì lại gặp được Ngài. Còn về phía Thiên Chúa, nếu Ngài không hạ mình đến với con người thì làm sao con người gặp gỡ Ngài được?


Thiên Chúa và con người đều có những nỗ lực để đi đến với nhau. Như thế chẳng tốt đẹp hơn và phù hợp với thực tế hơn là chỉ có một mình Thiên Chúa đến với con người, hay việc đến với con người hoàn toàn là do sáng kiến của Thiên Chúa, còn con người thì hoàn toàn thụ động, không có công lao gì hết - như một số giáo phái Kitô giáo đã từng quan niệm - sao? Do đó, Kitô giáo và các tôn giáo khác hợp với nhau thành một bức tranh tuyệt vời, nói lên sự giao hòa giữa Thiên Chúa và con người. Việc làm của con người hay của Thiên Chúa đều có vai trò riêng của mình, đều độc đáo và tối cần thiết để tạo nên sự giao hòa ấy. Trong lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ, các tôn giáo khác cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Theo thiển ý tôi, các Kitô hữu không nên gạt bỏ vai trò đó ra khỏi quan niệm về lịch sử cứu độ của mình.


Đức Kitô xuống thế để chia sẻ thân phận hèn kém của con người

Không cần phải so sánh Đức Kitô với các vị giáo chủ khác làm gì, đó là chuyện hoàn toàn vô bổ và chỉ gây chia rẽ. Các vị giáo chủ khác có thể rất tuyệt vời về mặt nhân bản, và có tuyệt vời hơn cả Đức Kitô thì cũng chẳng làm cho Đức Kitô bị hạ giá chút nào. Chắc gì Thiên Chúa chủ trương rằng Đức Kitô phải hơn tất cả các vị giáo chủ kia về đủ mọi mặt? Ngài không tham lam như nhiều người đòi hỏi Ngài phải như vậy. Sự suy tính của Ngài đâu nhất thiết cứ phải trùng hợp với kiểu suy tính nhỏ nhen, so bì, thích tranh cao lánh thấp của con người. Ngài đã chủ trương xuống thấp để hòa mình với con người, thì Ngài đâu còn ham leo cao làm gì? Ngài chủ trương hạ mình tới mức độ nào thì tùy sự khôn ngoan của Ngài, không nhất thiết Ngài chỉ được phép hạ mình xuống tới mức độ nào đó, miễn là cao hơn những vị kia một chút như nhiều người đòi hỏi đâu! Nếu thế thì quẻ «Thái» (Địa trên, Thiên dưới) làm sao thành hình trọn vẹn được?

Yếu tính của Đức Kitô là «Thiên Chúa xuống làm người», nghĩa là Thiên Chúa vốn vô hạn đã trở thành hữu hạn, bất tử thành khả tử, vô hình thành hữu hình, mạnh mẽ thành yếu đuối, vô ngôn thành hữu ngôn, cao sang thành thấp hèn… để có thể hòa nhập vào trong xã hội con người, để nâng con người lên cao hơn. Biết bao nhiêu giới hạn gắn liền với thân phận người của Ngài. Ngài muốn Ngài phải bị giới hạn như vậy (nào là sống dưới ách lề luật, nào là chịu cảnh nghèo khổ, chịu những áp bức bất công mà không làm gì được, chịu cám dỗ, sợ hãi, đau đớn, rất nhiều điều phải học mới biết…), đó là ý của Ngài.

Nếu ta can ngăn Ngài làm việc đó, biết đâu Ngài lại chẳng mắng ta như đã mắng Phêrô xưa: «Satan! lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người» (Mt 16,23). Theo truyền thuyết của Kitô giáo, vì không chấp nhận được Thiên Chúa cao sang vô hạn mà lại hạ mình xuống làm người, kém cả hàng thiên thần, nên tổng lãnh thiên thần Luxiphe đã phản đối và chống lại Thiên Chúa, và đã trở thành Satan hay ma quỉ! Chắc hẳn nhiều Kitô hữu cũng khó lòng chấp nhận Thiên Chúa nhập thể mà lại kém cả người phàm về một vài phương diện nào đó!

Theo chiều hướng suy tư trên, nếu Thiên-Chúa-làm-người mà kém người này người nọ về phương diện này phương diện kia, thì không có gì là nghịch lý cả! Nếu mặt nào Ngài cũng đều hơn tất cả mọi người, và không thua ai mặt nào, thì còn gì ý nghĩa của một Thiên-Chúa-làm-người nữa? Như thế, Ngài là thiên thần chứ đâu còn là người! Nhưng thực sự «Ngài đã chia sẻ thân phận yếu hèn của con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi» (Dt 4,15). Cho dù Ngài có kém một số người mặt này mặt kia, nhưng bản chất của Ngài vẫn là Thiên Chúa làm người. Dù có kém cỏi ít nhiều về các phương diện của khả năng con người, bản chất của Ngài không những không hề bị suy giảm hay mất mát gì, mà còn tăng ý nghĩa lên gấp bội, đồng thời chứng tỏ tình yêu của Ngài rõ rệt hơn. Con của một ông vua đâu nhất thiết cứ phải hơn tất cả mọi thần dân về đủ mọi phương diện. Một hoàng tử dù không đẹp trai bằng một vài người, dù có kém thông minh, kém đạo đức, kém khôn ngoan hay có kém gì đi nữa hơn một số người trong nước, thì cũng vẫn là hoàng tử, có quyền kế vị vua cha. Còn thần dân có hơn hoàng tử về mặt gì thì cũng chỉ là thần dân, đâu có làm vua được!


Sự ưu việt của Kitô Giáo hệ tại thiên tính của Chúa Kitô

Sự ưu việt và độc đáo của Kitô giáo không nhất thiết và không chủ yếu nằm ở giáo thuyết, luân lý, triết lý, hay ở phẩm cách nhân bản của Đấng Sáng Lập, mà nằm ở Thiên Tính và Thiên chức cao cả của Đức Kitô, và ở sự đáp trả của Thiên Chúa trước những nỗ lực vươn lên Ngài của con người. Người Kitô hữu phải tin và sẵn sàng làm chứng bằng cả đời sống và cái chết rằng Đức Giêsu-Kitô là Thiên Chúa nhập thể làm người, Ngài là Con Thiên Chúa, và Ngài đến thế gian là để Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, để nâng cao giá trị của con người và của những nỗ lực nơi con người trước Thiên Chúa, để giúp cho những nỗ lực đó đạt được mục đích của chúng. Đó là sự cứu rỗi và đó là điểm cốt yếu, quan trọng nhất đối với cả nhân loại, và làm nên sự ưu việt của Kitô giáo.


Đức Kitô đến để biến những giá trị tự nhiên của con người 
thành những giá trị siêu nhiên vĩnh cửu

Không có Ngài đến, thế gian vẫn có thể tồn tại và phát triển khá tốt đẹp với những giá trị nhân bản của nó, hành vi con người vẫn có giá trị nhân bản nội tại của nó. Con người vẫn có thể tự giải thoát mình khỏi những ràng buộc hay những đau khổ do chính nội tâm con người tạo ra bằng những phương pháp tâm linh nhân bản - trong đó, phương pháp của Phật giáo và Ân giáo phải nói là tuyệt đỉnh. Con người vẫn có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng trí tuệ mình qua công trình của Ngài. Nhưng giá trị nhân bản đó, những nỗ lực đáng khen đó rồi cũng qua đi như bao điều chóng qua khác, vì bản chất của chúng là như vậy. Đức Kitô đến để liên kết con người với Thiên Chúa, để nâng con người lên một cấp độ hữu thể cao hơn, là con cái, bạn hữu và là người nhà của Thiên Chúa. Nhờ đó, con người có khả năng cao hơn mức độ tự nhiên thuộc bản chất mình. Những giá trị cùng với những nỗ lực nhân bản mang thêm chiều kích mới có tính vĩnh cửu. Sự giải thoát của con người trở thành hiện thực hơn và cũng mang tính vĩnh cửu.

Đức Kitô đến với con người một phần nào tương tự như một hoàng tử đến với một thôn nữ đơn sơ. Hoàng tử hạ mình xuống và cô thôn nữ được nâng lên. Tình yêu của hoàng tử đối với thôn nữ đã liên kết cô với đức vua, với hoàng hậu, và với cả hoàng cung. Sự liên kết đó đã biến cô thành một người mới ở cấp độ cao hơn. Cũng vẫn cô thôn nữ đó, nhưng còn thêm chiều kích mới: vị hôn thê của hoàng tử, và cô có tiềm năng sẽ trở thành hoàng hậu tương lai. Việc làm của cô cũng vẫn như trước, nhưng mang một giá trị mới cao hơn gấp bội. Trước khi được hoàng tử chiếu cố, cô vẫn có giá trị riêng của cô, và chính vì có những giá trị đó mà cô được hoàng tử yêu thương. Nếu không liên kết với hoàng tử, giá trị riêng của cô chỉ đạt tới mức độ đó thôi. Nhưng liên kết với hoàng tử, giá trị của cô thay đổi hẳn, được nâng cao lên gấp bội.

Đức Kitô đến không phải để hạ những giá trị nhân bản của con người xuống như thể chúng vô giá trị và thay thế vào đó những giá trị siêu nhiên. Ngài đến để nâng những giá trị nhân bản ấy lên, để biến những giá trị nhân bản ấy thành những giá trị siêu nhiên. Cũng vậy, đối với những giá trị nhân bản của các tôn giáo khác, Ngài đến không phải để phá đổ, để hạ giá xuống, hay để thay thế, mà để nâng cao lên. Nếu Ngài còn sống, chắc chắn Ngài sẽ rất trân trọng những giá trị ấy, vì chúng là những giá trị đích thực. Ngài hạ mình xuống là để nâng những giá trị ấy lên: «Thầy đến không phải là để bãi bỏ, mà là để kiện toàn» (Mt 5,17).


Các vị giáo chủ là những bậc thầy của nhân loại

Đối với các vị giáo chủ các tôn giáo, chắc chắn Đức Kitô không đến để hạ bệ các ngài xuống mà chỉ có thể nâng các ngài lên. Các ngài là biểu trưng cho những nỗ lực cao cả của con người vươn lên Thiên Chúa. Các ngài xứng đáng được ân thưởng hơn ai hết. Đức Kitô là vị thẩm phán chí công, Ngài đến để phán xét nhân loại, Ngài sẽ đối xử thế nào với những bậc đại ân nhân của nhân loại như thế?

Các tôn giáo do các vị giáo chủ sáng lập đã có công giáo hóa nhân loại, làm cho nhân loại sống yêu thương nhau, sống theo đạo đức, sống phù hợp với Thiên Ý, với Mệnh Trời suốt mấy chục thế kỷ nay. Các tôn giáo ấy đã sản sinh ra biết bao vị mà người đời tôn là thánh nhân vì cuộc đời xứng đáng của họ. Các thánh nhân đó nhờ sống theo giáo huấn của các giáo chủ mà thành nhân, thành người hoàn hảo, thành những người giác ngộ, thành «muối ướp cho đời».

Công lao của các giáo chủ to tát như thế nào? Người Kitô hữu cần phải nhận ra điều đó với tâm tình biết ơn, nhất là các Kitô hữu Á châu đã trực tiếp hay gián tiếp thụ hưởng những giáo huấn tốt đẹp của các ngài qua nền văn hóa và tinh thần của dân tộc mình. Người Kitô hữu Á châu đã nhận được biết bao ảnh hưởng tốt đẹp của Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo! Các vị giáo chủ với những giáo huấn cao siêu, minh triết, luôn luôn xứng đáng là những bậc Thầy của nhân loại, trong đó có cả các Kitô hữu.


Thiên Chúa hay Đức Kitô là Cha chung của nhân loại

Tôn vinh các vị giáo chủ hay đề cao giáo lý của các tôn giáo khác không hề làm sứt mẻ vinh quang của Đức Kitô hay làm giảm giá trị của Kitô giáo. Mỗi vị đều có vị trí riêng của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với thế giới.

Theo niềm tin Kitô giáo, Đức Kitô chính là Thiên Chúa đến với con người, khiến con người lại trở thành con cái Thiên Chúa như thời nguyên thủy. Như vậy, đối với Kitô hữu, Thiên Chúa, hay Đức Kitô đại diện của Ngài, là Cha, là Đấng sinh thành ra mình, đồng thời phục hồi chức vị làm con Thiên Chúa cho mình, cũng là Đấng cứu mình. Tuy nhiên, người Kitô hữu vẫn có thể coi các vị giáo chủ khác là Thầy của mình. Giáo huấn của các ngài vẫn có thể soi sáng cho cuộc đời mình, làm cho mình sống cuộc đời này một cách đầy trí huệ, giúp mình giác ngộ được bản thể mình, giác ngộ được Chân Lý Tuyệt Đối vô sinh bất diệt nơi bản thân mình, gương của các ngài vẫn có thể là động lực rất mạnh thúc đẩy mình trên con đường tiến tới Chân, Thiện, Mỹ.

Giữa Cha và Thầy không có gì tranh chấp hay loại trừ nhau. Bình thường, người cha luôn luôn dạy con kính trọng và nghe lời thầy, và sẽ rất vui mừng khi con thực hiện điều ấy. Còn người thầy luôn luôn dạy trò yêu thương, tôn kính và thảo hiếu với cha mẹ mình, và cũng cảm thấy việc giáo dục của mình thành công khi trò mình làm điều ấy. Không hề có chuyện vì yêu thương tôn kính người này mà mất lòng người kia. Chỉ có sự mất lòng khi ta lẫn lộn hai người đó với nhau: coi thầy như cha, hay coi cha như thầy. Cha và thầy đều có vai trò riêng, và ai cũng cần cả hai vai trò đó cho cuộc đời mình.

Phân biệt như thế chỉ để minh giải cho dễ hiểu mà thôi, chứ thực sự Đức Kitô vừa là Cha, vừa là Thầy của nhân loại. Nhưng chủ yếu Ngài là Cha hơn là Thầy. Và chức vụ Thầy này không nhất thiết loại trừ những vị Thầy khác. Tuy nhiên, giữa Thầy và Cha, Thầy bình thường không yêu thương trò bằng cha yêu thương con. Chính vì thế mà chỉ có Đức Kitô mới chết cho con người, chết để cứu con người, để nâng con người lên: «Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống cho người thân của mình» (Ga 15,13), «Ngài đã yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1b). Chỉ có Đức Kitô mới yêu thương tôi đến cùng. Chỉ có Đức Kitô mới chết cho tôi. Ngài chết để tôi được sống. Và đó chính là sự ưu việt của Đức Kitô nơi bản thân tôi. Tôi luôn luôn yêu quí các Thầy tôi, các ngài cũng yêu thương tôi, nhưng chỉ có Cha tôi, Đức Kitô, mới chết cho tôi.


Cần làm nổi bật sứ điệp Tin Mừng khi đối thoại

Tin Mừng là cốt tủy của Kitô giáo, trong đó có sứ điệp quan trọng của Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ tình yêu vô hạn của Ngài cho con người, qua cuộc đời chia sẻ thân phận con người và cái chết đau thương của Ngài. Ngài chết để con người được sống, và sống dồi dào. Trong cuộc đối thoại, người Kitô hữu nên làm nổi bật cái cốt tủy ấy lên, hơn là chú trọng làm nổi bật lập trường thần học của mình về Thiên Chúa. Chính cái cốt tủy này nói lên tính siêu việt và độc đáo của Kitô giáo.

Dẫu sao, mọi lập trường thần học cũng chỉ là những cách khác nhau giải thích Tin Mừng và sứ điệp Tin Mừng dựa trên những triết lý cá biệt nào đó được dùng làm nền tảng để giải thích, chứ không phải là chính Tin Mừng. Chẳng hạn, thần học truyền thống là sản phẩm của sự phối hợp giữa Tin Mừng và triết lý Hy Lạp Tây phương, mà sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội nhận ra thần học cũng như triết lý ấy không thể thích hợp với tất cả mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hóa trên thế giới. Hiện tại, ngay trong nội bộ Kitô giáo, các giáo phái không thể cùng nhất trí với một lập trường thần học nào, huống gì những người ngoài Kitô giáo.

Các lập trường thần học không có tính phổ quát, nhưng Tin Mừng thì phổ quát, là sứ điệp cho toàn thế giới, được mọi giáo phái Kitô giáo nhất trí chấp nhận là mặc khải của Thiên Chúa, và được tín đồ các tôn giáo khác coi là một tác phẩm có giá trị. Tin Mừng đó vốn là những dữ kiện có giá trị lịch sử, mà những người ngoài Kitô giáo vẫn có thể chấp nhận được. Và Đức Kitô trước khi về trời đã yêu cầu các môn đệ loan báo chính Tin Mừng đó, chứ không phải rao giảng một lý thuyết thần học nào. Tin Mừng chính là nguyên lý để hợp nhất các Kitô hữu, còn các lập trường thần học thường là nguyên lý phá hỏng sự hiệp nhất đó.

Vì thế, khi đối thoại với các giáo phái Kitô giáo khác, ta nên lấy Tin Mừng làm căn bản đối thoại, và tránh tranh cãi hơn thua về những quan điểm thần học cá biệt của đôi bên. Hãy đặt nặng tinh thần yêu thương và sự hiệp nhất (trong đa dạng) hơn là sự thống nhất quan điểm thần học. Càng muốn thuyết phục nhau để thống nhất quan điểm thần học, càng có nguy cơ chia rẽ trầm trọng hơn. Hãy tôn trọng sự khác biệt và quyền suy tư khác biệt của nhau.

Trong quá trình truyền giáo, chúng ta loan báo và làm chứng cho Tin Mừng đó thì ít, mà rao giảng lập trường thần học cá biệt của mình về Tin Mừng đó thì nhiều. Tin Mừng chỉ có một và đến từ Thiên Chúa, còn lập trường thần học thì có nhiều và do con người dựa vào Tin Mừng mà suy luận ra, nên vô tình các Kitô hữu đã tự xa cách và chia lìa nhau, một cách vô tội vạ và đầy thiện chí. Giáo phái nào cũng cho lập trường thần học của mình là đúng nhất, và giữa các giáo phái Kitô giáo đã từng có những cuộc chiến tranh trên giấy cũng như trên mặt đất, bằng bút cũng như bằng gươm súng để bảo vệ và giành ảnh hưởng cho «thần học của mình».

Đương nhiên không thể loan báo Tin Mừng mà không dùng những yếu tố văn hóa cá biệt nào đó để diễn tả và giải thích sao cho phù hợp với người nghe, cũng như không thể nói lên một ý tưởng mà không dùng đến một ngôn ngữ cá biệt nào. Diễn tả Tin Mừng theo cung cách văn hóa của dân tộc mình, đó là làm thần học, là đưa ra một quan điểm thần học nào đó. Nhưng điều quan trọng là phải phân biệt đâu là Tin Mừng và đâu là cách giải thích hay diễn tả theo sự hiểu biết cá biệt của mình. Trước đây, người ta hay lẫn lộn hai thứ đó với nhau, gây ra biết bao chia rẽ và tranh chấp.


Tin Mừng là một câu chuyện với những dữ kiện có thực,
không phải là lý thuyết triết lý hay thần học

Vậy, khi đối thoại, người Kitô hữu nên chủ yếu loan báo sứ điệp Tin Mừng đó - sứ điệp của Thiên Chúa gửi cho toàn nhân loại - đồng thời mời gọi mọi người đáp trả. Kế đó, người Kitô hữu có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng đó bằng chính đời sống tốt đẹp, đầy yêu thương và hạnh phúc của mình. Các tông đồ và các Kitô hữu đầu tiên đã làm chứng bằng đời sống và bằng cả việc hy sinh mạng sống cho Tin Mừng. Lúc đó, chỉ có những «Tin Tức» kể lại những dữ kiện về Đức Kitô, về hành động và lời của Ngài, về cái chết và sự sống lại của Ngài, về đời sống tốt đẹp của Ngài.

Tin Mừng chính là Tin Tức ấy, chứ không phải là những cách giải thích khác nhau về Tin Tức ấy. Đức tin là tin rằng những Tin Tức đó là có thật dựa trên lời chứng xác thật của các tông đồ và của bao Kitô hữu khác, để rồi đáp lại lời mời gọi đến từ Tin Tức ấy. Chính chứng từ của những Kitô hữu đầu tiên bằng đời sống yêu thương và bằng cả cái chết của họ đã làm cho Kitô giáo lan tràn nhanh chóng, bất chấp sự bách hại của các chính quyền thời đó. Và các Kitô hữu cần tiếp tục đưa ra những chứng từ sống động như thế cho thế giới.


Thế giới cần những chứng từ sống động 
hơn những lý thuyết trừu tượng

Ngày nay, thế giới và những người ở trong các tôn giáo khác đang mong đợi nơi chúng ta những chứng từ sống động hơn là những mớ lý thuyết thần học quy định phải tin thế này, phải làm thế kia… Rất tiếc, chúng ta lại thích làm ngược lại những đòi hỏi ấy. Để làm chứng cho sự siêu việt của tôn giáo mình, thay vì sống đời yêu thương, khiêm nhượng như Chúa đã dạy - vốn mang tính thuyết phục và lôi cuốn rất cao - thì chúng ta lại áp đặt người khác bằng những lý thuyết dài dòng kém khả năng thuyết phục, và bằng sự tự hào đầy kiêu mạn về tôn giáo mình. Ai không đồng ý với những lý thuyết đó thì ta kết án, tẩy chay, gạt họ ra khỏi cộng đoàn, cho dù họ vẫn rất gắn bó với Thiên Chúa, Tin Mừng và Giáo Hội. Cách làm chứng trước đòi hỏi hy sinh và xả thân rất nhiều; cách sau vừa đỡ phải hy sinh, vừa đem lại nhiều quyền hạn, lợi lộc.

Chúng ta vẫn ham tranh luận hơn thua, thích chứng tỏ «tôn giáo của ta» hay «giáo phái của ta» là nhất, có khuynh hướng đề cao «cái tôi», «cái của tôi» và hạ thấp người khác, «cái của người khác» xuống, hơn là làm chứng thật sự cho Tin Mừng và Chân Lý. Đề rồi cuối cùng, sau những cuộc tranh luận ấy, nhiều người có ác cảm với tôn giáo của chúng ta hơn.

Thời đại nào cũng vậy, nhưng nhất là thời đại khoa học ngày nay, người ta đòi những chứng cớ cụ thể chứng tỏ hiệu quả thực sự của lý thuyết. Lý thuyết hay và đúng ắt phải có hiệu quả cao. Do đó, một tôn giáo siêu việt ắt phải có khả năng giáo hóa, thánh hóa cao, cụ thể là phải giúp các tín đồ của mình sống yêu thương thực sự, sống an vui hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Những hiệu quả này nếu có thể chứng tỏ được bằng những sự kiện cụ thể thì có khả thuyết phục, hơn là những hiệu quả không kiểm chứng được, hay những hiệu quả phải nhìn bằng «con mắt đức tin» mới thấy được. Không có lời nói hay giáo lý nào chứng tỏ tôn giáo mình hay hơn, đúng hơn, siêu việt hơn các tôn giáo khác cho bằng những chứng cứ cụ thể cho thấy những người trong tôn giáo ấy sống tốt đẹp hơn, yêu thương nhau hơn, và sống hạnh phúc hơn. Thế giới đang rất cần những tôn giáo thực sự có khả năng biến đổi con người như thế.

Vì thế, khi đối thoại, để chứng tỏ sự siêu việt của tôn giáo mình, thay vì đưa ra những lập luận đầy tính lý thuyết, ta nên đưa ra những chứng cớ cụ thể. Chẳng hạn: thái độ và hành vi của bản thân ta khi đối thoại phải chứng tỏ được tinh thần đầy yêu thương và khiêm nhượng từ bên trong. Hay những chứng từ sống động về tình yêu của đa số các Kitô hữu – đặc biệt những người lãnh đạo tôn giáo mình – trong lịch sử cũng như trong đời sống trước mắt.


Nguyễn Chính Kết







No comments:

Post a Comment