Monday, May 22, 2017

DTTGII-Chuong4-So-roi-vao-chu-nghia-hoa-dong



ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần II 

Chương 4

Sợ rơi vào chủ nghĩa hòa đồng tôn giáo



Cần giữ lấy sắc thái riêng cùng với những độc đáo của tôn giáo mình

Một lo ngại của nhiều người tín hữu khi đối thoại là sợ bị rơi vào chủ nghĩa hòa đồng tôn giáo dễ dãi (synchronisme facile). Nhưng nếu quan niệm thực tại là đa diện, người đối thoại không còn phải sợ điều đó, vì mỗi tôn giáo đều có một vị thế riêng biệt để nhìn về Thực Tại Tối Hậu là Thiên Chúa. Đứng ở những vị thế khác nhau, đương nhiên người ta phải có những cách nhìn khác nhau. Nếu ở những vị thế khác nhau cùng nhìn về một vật mà người ta lại có cái nhìn giống nhau thì đó mới là chuyện lạ. Còn nếu có những cái nhìn khác nhau - thậm chí mâu thuẫn nhau - thì đó là chuyện thường.


Thế giới cần có nhiều loại hoa

Vì thế, với quan niệm thực tại đa diện, mỗi tôn giáo cần phải giữ lấy sắc thái riêng của mình, để cho cái nhìn của thế giới về Thiên Chúa thêm phong phú, không bị nghèo nàn vì chỉ có một cách nhìn duy nhất. Cũng như không ai muốn cho trên trần gian này chỉ còn có một loài hoa, cho dù loài hoa đó được mọi người công nhận là đẹp nhất, thơm nhất, khả ái nhất. Có nhiều loài hoa vẫn hơn, càng có nhiều thì vẻ đẹp trên đời càng phong phú, miễn là người ta bỏ được tính ích kỷ «chỉ muốn cho loài hoa mình thích hay mình đang trồng tồn tại mà thôi».

Hiện nay trên thế giới vẫn có những nỗ lực không mệt mỏi để duy trì những loài thú, những loại cây đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đó là điều hợp lý. Thế mà về phương diện tôn giáo, nhiều người lại muốn cho thế giới này chỉ còn tồn tại duy nhất tôn giáo của mình thôi, chỉ còn duy nhất một cách nhìn về Thiên Chúa là cách nhìn của mình mà thôi. Ý muốn đó cứ theo tự nhiên mà xét thì quả là «bệnh hoạn»! Một thứ độc tài tư tưởng!


Chân Lý duy nhất
cần được nhập thể theo đủ mọi cách thức khác nhau

Điều hợp lý mà người ta nên mong muốn là với những hệ tư tưởng khác nhau, với những điều kiện văn hóa khác nhau, với những quan niệm, khuynh hướng, sở thích khác nhau, thì Chân Lý duy nhất sẽ được «nhập thể» theo nhiều cách thức khác nhau để có thể phù hợp với mọi người và từng người. Lẽ nào Chân Lý lại chỉ có thể «nhập thể» theo một cách thức đặc thù nào đó vốn chỉ phù hợp với một số người nào đó trên thế giới?

Một tiệm ăn nhỏ ở phường, ở xã mà cũng phải có nhiều món ăn khác nhau phù hợp với nhiều khẩu vị khác nhau của người trong phường hay xã đó. Một tiệm ăn lớn cấp quốc tế đương nhiên càng phải nhiều món ăn hơn để phù hợp với khẩu vị của mọi quốc gia, mọi dân tộc. Lẽ nào về vấn đề chân lý, «tiệm ăn» của Thiên Chúa - đương nhiên phải là cấp thế giới - lại chỉ có một «món ăn» duy nhất thích hợp cho một vài «khẩu vị» cá biệt nào đó, của một vài nền văn hóa đặc thù nào đó! Nếu thế thì kể cũng ngược đời!



«Quân tử hòa, nhi bất đồng»

Vậy, với quan niệm thực tại đa diện, không thể có chuyện hòa đồng tôn giáo một cách dễ dãi được (synchronisme facile). Với quan niệm thực tại đa diện người ta có thể dễ dàng «hòa» (hòa thuận, chấp nhận nhau, yêu thương cộng tác với nhau) nhưng không thể «đồng» (quan niệm giống nhau, cách nhìn giống nhau). Mà cái «hòa» mới là cái quí, chứ «đồng» mà không «hòa» thì «đồng» đó ích gì? Khổng Tử nói: «Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa» (= Người quân tử hòa thuận với nhau mặc dù không giống nhau, kẻ tiểu nhân tuy giống nhau nhưng không hòa thuận với nhau được).

Khi quan niệm thực tại đa diện, người ta dễ chấp nhận cho người khác được quan niệm khác với mình, sống khác với mình, nên họ dễ chấp nhận nhau, dễ sống hòa bình với nhau. Đó là «hòa nhi bất đồng», là đức tính của người quân tử. Rất nhiều người quan niệm khác hẳn nhau (kẻ hữu thần người vô thần, kẻ duy tâm người duy vật… ) nhưng họ tôn trọng quan điểm của nhau, cho rằng ai cũng có lý của mình, ai cũng phần đúng, và cho rằng họ có thể bổ túc lẫn nhau. Vì thế, họ có thể cùng hợp tác với nhau xây dựng lợi ích chung, sống yêu thương hòa thuận với nhau, nhưng người nào giữ quan điểm của người nấy. Trong xã hội, thỉnh thoảng ta vẫn gặp thấy có những tập thể gồm những người như vậy. Họ đáng là mẫu gương cho nhiều người.

Còn khi quan niệm thực tại đơn diện, người ta sẽ cho rằng chỉ có một cách nhìn là đúng. Đương nhiên lúc đó ai cũng cho mình là đúng (có ai tự cho rằng mình sai đâu?) Vì thế, kết luận phải đi tới là: người nào khác với mình ắt phải sai. Do đó, họ không thể chấp nhận lập trường của nhau, và đương nhiên phải đi đến bất hòa. Vì thế, cho dù họ có «đồng» với nhau trong nhiều điều căn bản, thì họ vẫn phải khác nhau trong những tiểu tiết (làm sao giống nhau hoàn toàn được? ) thế là họ không chấp nhận nhau, thậm chí chống báng nhau kịch liệt. Đó là «đồng nhi bất hòa»; theo Khổng Tử, đó là tính khí của kẻ tiểu nhân.

Trên thế giới hiện nay, vẫn có nhiều giáo phái tuy cùng một tôn giáo, cùng một niềm tin, nhưng chỉ khác nhau một số tiểu tiết trong niềm tin đó mà họ coi nhau như xa lạ, thậm chí coi nhau là tà giáo, là ngoại đạo, nên họ kết án lẫn nhau, nói xấu lẫn nhau. Đó là kết quả tai hại của nhận thức luận đơn diện vẫn tồn tại suốt 20 thế kỷ nay.


Nguyễn Chính Kết






No comments:

Post a Comment