Monday, May 22, 2017

DTTGIII-Chuong1- Đặt vấn đề



ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần III

Hai khuynh hướng suy tư khác nhau
trước những thắc mắc căn bản nhất 
của con người 


Chương 1

Đặt vấn đề



Một trong những cản trở rất căn bản mang tính khách quan trong việc đối thoại tôn giáo chính là sự khác biệt trong lề lối suy tư giữa hai nền văn hóa Đông và Tây. Kitô giáo tuy xuất phát từ Đông phương – đất nước Do Thái, quê hương của Đức Giêsu, thuộc Tiểu Á hay Trung Đông – nhưng giáo lý và thần học Kitô giáo lại được định thức trong bối cảnh văn hóa Tây phương. Nghĩa là sứ điệp của Đức Giêsu được hình thành trong nền văn hóa Đông phương nhưng lại được suy tư và giải thích trong bối cảnh văn hóa Tây phương. Và đa số Kitô hữu – dù Đông phương hay Tây phương – đều được học giáo lý ấy từ hồi nhỏ, nên cung cách suy tư về sứ điệp Đức Giêsu chịu ảnh hưởng rất nhiều lề lối suy tư rất «tây» của các thần học gia Tây phương. Còn các tôn giáo lớn khác đều được khai sinh, phát triển và định hình hoàn toàn trong bối cảnh văn hóa Đông phương.

Vì thế, trong khi các tín đồ tôn giáo Đông phương rất dễ hiểu tôn giáo của nhau, thì họ cảm thấy Kitô giáo khó hiểu hơn. Và ngược lại, các Kitô hữu cũng cảm thấy các tôn giáo khác trở nên khó hiểu và khó chấp nhận được. Đi sâu vào vấn đề, ta sẽ khám phá ra nguyên nhân của sự khó hiểu và khó chấp nhận đó là do hai đường lối hay cung cách suy tư khác nhau giữa Đông phương và Tây phương.

Nhiều nhà thần học Á châu chủ trương hội nhập văn hóa cho rằng Giáo Hội Công giáo hiện nay tại Á châu mới chỉ là «Giáo Hội Công giáo Rôma tại Á châu», chứ chưa phải là một «Giáo Hội Công giáo Á châu», vì cung cách suy tư, diễn tả, biểu lộ tâm tình hay tư tưởng, còn mang đậm sắc thái văn hóa Âu châu hơn là Á châu. Một phần nào vì thiếu hội nhập văn hóa, nên Kitô giáo tại Á châu vẫn bị coi là một tôn giáo ngoại lai, một tôn giáo từ Âu châu, mặc dù người sáng lập ra tôn giáo này cũng Á châu như bất cứ vị giáo chủ nào khác. Vì thế, việc so sánh giữa hai nền tảng triết lý – mà người ta phải dựa trên đó để suy tư, diễn tả, để triển khai mạc khải của tôn giáo – sẽ giúp người Kitô hữu Á châu hiểu rõ hơn nền tảng triết lý của người Á châu, hầu suy tư và diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách phù hợp với nền văn hóa Á châu của mình.

Đây là một vấn đề căn bản cần được minh giải. Tôi chỉ xin nêu ra vấn đề và trình bày theo sự hạn hẹp và thiếu sót của mình. Để độc giả hiểu rõ vấn đề, tôi xin được trình bày một cách thẳng thắn không tránh né những gì tôi biết, tôi nghĩ, những gì lương tri tôi cảm nhận.

Rất có thể những điều tôi hiểu về đường lối suy tư của người Đông phương có nhiều điều ngược hẳn lại những gì mà người Kitô hữu thường suy nghĩ và tin tưởng hàng mấy chục thế kỷ nay. Nếu trong suy nghĩ của tôi có điều gì sai hay thiếu sót, rất mong các học giả cao minh hơn cứu xét và trình bày cách đầy đủ và chính xác hơn.


Hai khuynh hướng triết lý

Hiện nay, trong số các Kitô hữu Đông phương, một số người có cơ may được học cả hai thứ triết lý của Đông và Tây phương. Giữa hai thứ triết lý ấy, có người cảm thấy triết Đông phù hợp với tâm trí và cách suy tư của mình hơn, khiến càng đi sâu vào môn triết này, họ càng cảm thấy bị hấp dẫn, và hiểu nó sâu sắc hơn, và càng có khuynh hướng thích triết Đông hơn. Họ thấy triết Đông giúp họ giải quyết được nhiều thắc mắc của cuộc sống, hiểu được nhiều điều mà nhiều người theo triết Tây cho là mầu nhiệm, đồng thời giúp họ sống bình an, thanh thản hơn. Có người lại thích ngược lại. Họ cho rằng triết Đông mờ mờ ảo ảo, không rõ ràng, khó hiểu, lắm mâu thuẫn, thậm chí không hiểu nổi. Còn triết Tây thì tư tưởng minh bạch, dễ hiểu, đâu ra đó.

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng người ta không hiểu được triết Đông là vì triết Đông không theo cùng những nguyên lý nền tảng như triết Tây. Một khi đã chấp nhận ngay từ đầu những nguyên lý nền tảng của triết Tây, thì khi đi vào triết Đông, người ta như đi vào một cõi mơ hồ huyền ảo, chẳng đâu vào với đâu, thậm chí thấy phi lý, khó chấp nhận. Ngược lại, những ai đã chấp nhận những nguyên lý nền tảng của triết Đông, thì lại thấy chính sự rõ ràng, tách bạch của triết Tây lại là cái gì không phù hợp với bản chất của sự vật, của hữu thể vốn không thể xác định và phân loại rõ ràng được.

Sự khác biệt căn bản đó khiến cho hai luồng tư tưởng đó khó có thể gặp nhau. Những người được học hay nghiên cứu và đào sâu cả hai thứ triết lý ấy dễ có được một cái nhìn tổng quát về hai phương cách suy tư ấy.


Những thắc mắc căn bản nhất

Một trong những nhu cầu rất lớn của con người là giải đáp được những bí ẩn của cuộc đời. Phải nói rằng cuộc đời thật là bí ẩn, khiến con người cứ phải thắc mắc không ngừng. Có những bí ẩn mà con người có thể tự giải đáp được bằng khoa học, triết học, tâm lý học… nhưng cũng có những bí ẩn vượt khỏi khả năng tìm hiểu và tự giải đáp của con người. Những bí ẩn đó là những thắc mắc căn bản và thâm sâu về sự hiện hữu của vũ trụ, và của chính mình… Chẳng hạn như:
• Tại sao vũ trụ lại hiện hữu thay vì không hiện hữu? Nó tự hữu hay có ai tạo dựng nên nó?
 Tại sao tôi hiện hữu? Tại sao tôi sống?
• Tại sao tôi sẽ phải chết? Chết rồi đi đâu?
• Tại sao tôi lại đau khổ? Tại sao có sự ác?
• Tại sao tôi có những hành động xấu mặc dù tôi không muốn?


Chúng ta hãy xét những vấn đề trên, và xem nhân loại đã suy nghĩ về những vấn đề ấy thế nào?


Nguyễn Chính Kết
_____________________


Đọc tiếp:




No comments:

Post a Comment