Monday, May 22, 2017

DTTGII-Chuong6-Sự khác biệt về phương cách suy tư giữa Đông và Tây phương



ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần II 

Chương 6

Sự khác biệt về phương cách suy tư
giữa Đông và Tây phương



Hai khuynh hướng suy tư khác nhau trên thế giới

Trong cách suy tư của con người, có hai nhận thức luận chính yếu khác nhau. Chúng chi phối cách suy nghĩ của toàn nhân loại, và chia nhân loại ra thành hai hệ thống triết lý khác nhau. Người trong hệ thống triết lý này khó có thể hiểu được cách suy nghĩ của người suy nghĩ theo hệ thống triết lý kia. Cùng dùng một từ ngữ với nghĩa có vẻ như tương tự nhau, nhưng người trong hệ thống này hiểu thế này, người trong hệ thống kia lại hiểu cách khác. Vì thế, khi hai người thuộc hai hệ thống triết lý ấy đối thoại với nhau, thì chuyện «ông nói gà, bà hiểu vịt» rất dễ xảy ra. Đó chính là khó khăn lớn nhất trong việc đối thoại tôn giáo. Thiết tưởng chúng ta cần hiểu rõ lề lối suy tư của nhau thì may ra việc đối thoại mới trở nên dễ dàng hơn.

Hai nhận thức luận đó dựa trên những nguyên lý căn bản khác nhau. Một đằng xây dựng trên khả năng nhận thức của lý trí, trên thế giới ý niệm; một đằng xây dựng trên nhận thức của giác quan, trên thực tế trước mắt. Thế giới ý niệm là một thế giới tĩnh, hầu như bất biến, trong đó sự vật được quan niệm như có một mặt. Còn thế giới thực tế là một thế giới động, sự vật luôn luôn biến đổi và có nhiều mặt khác nhau.


Tây phương suy tư dựa trên nhận thức của lý trí

Suy tư dựa trên nhận thức của lý trí là cách suy tư của người Hy Lạp xưa. Cách suy tư này đã ảnh hưởng sâu xa trên cách suy nghĩ của người Tây phương. Người Hy Lạp xưa thích suy tư thuần lý, trừu tượng, dựa trên những khái niệm về sự vật hơn là chính sự vật, vì họ có khuynh hướng khái niệm hóa, trừu tượng hóa sự vật rất mạnh. Khả năng trừu tượng hóa đó đánh dấu một bước tiến bộ rất lớn của loài người về mặt trí tuệ. Khi còn sơ khai, con người chỉ biết nắm sự vật một cách cụ thể, cá biệt, từng cái một. Họ chưa biết trừu tượng hóa sự vật để có những ý niệm về chủng loại của sự vật. Cho tới cuối thời đồ đá cũ, người ta còn dùng nhiều tên gọi khác nhau để chỉ những cây, những quả, những chim, những thú vật cụ thể khác nhau. Họ chưa có những từ để chỉ những khái niệm trừu tượng như loài cây, loài quả, loài thú, loài chim.

Biết trừu tượng hóa sự vật là biết gạt bỏ những nét đặc thù của hiện hữu (màu sắc, hình dạng, tính chất riêng...) để chỉ nắm lấy cái chung nhất của hữu thể. Như vậy, trong khi trừu tượng hóa hữu thể hiện sinh, người ta chỉ nắm bắt cái phóng ảnh của sự vật, tức ý niệm về sự vật, chứ không nắm bắt chính sự vật. Đương nhiên cái phóng ảnh đó sẽ trở thành bất động trong đầu óc người suy tư, đang khi chính sự vật thì luôn luôn thay đổi.

Thật vậy, khi gặp lại một người xa cách hàng chục năm, ta mới thấy hình ảnh của người đó trong tâm trí ta không thay đổi gì cả, đang khi chính người đó đã biến đổi nhiều đến nỗi ta phải ngạc nhiên. Chẳng hạn một đứa trẻ ta gặp hồi 8 tuổi, thì 20 năm sau, trước khi gặp lại nó, nếu nghĩ về nó, ta chỉ có trong đầu hình ảnh của nó lúc 8 tuổi, tức 20 năm về trước mà thôi. Nếu không đủ phản tỉnh thì khi gặp lại nó, ta sẽ rất ngạc nhiên vì không ngờ nó cao lớn và chững chạc đến như vậy. Đang khi đứa con của ta cùng tuổi với nó mà ta gặp hàng ngày, lớn và chững chạc như nó thì ta không hề ngạc nhiên chút nào.

Điều đó có nghĩa là thế giới của ý niệm và thế giới của sự vật, mỗi thứ có một qui luật riêng, có cách vận hành riêng. Vì thế, khi khởi đầu suy tư, lúc những ý niệm vừa mới thành hình trong đầu ta, thì suy tư của ta có thể phù hợp với thực tế, với sự vật. Nhưng sau một quá trình suy tư, kết quả của suy tư có thể khác với kết cục của sự vật ít nhiều, cho dẫu người suy tư có thể theo đúng những nguyên tắc của lý trí trong lập luận của mình.

Người Hy Lạp xưa có tâm lý chỉ tin vào lý trí của mình chứ không tin vào giác quan, họ cho rằng giác quan có thể bị đánh lừa. Khốn thay thực tế lại chỉ có thể trực tiếp nắm bắt được bằng giác quan. Do đó, khinh thường giác quan rốt cuộc trở thành khinh thường thực tế. Thế là người Hy Lạp xưa đã coi trọng những suy tư thuần lý hơn là thực tại. Họ coi trọng những nguyên tắc của lý trí (*1) hơn là những qui luật khách quan của vũ trụ (*2). Nếu có sự mâu thuẫn giữa lý trí suy tưởng và thực tế mắt thấy, thì họ vẫn cho lý trí là đúng. Vì thế, nhiều triết gia đã cho triết học Hy Lạp là một thứ duy tâm luận.

Tính thuần lý, ưa suy tư trừu tượng đó từ thời Parmenides của người Hy Lạp đã ảnh hưởng lên cách suy tư, nhận thức và vũ trụ quan của người Tây phương và cả các thần học gia Tây phương nữa.

Đó là cách suy tư của triết lý, khác với cách suy tư của khoa học. Khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm, tuy suy tư với những khái niệm trừu tượng về sự vật, nhưng vẫn luôn luôn lấy thực tế để kiểm chứng lại, để sửa đổi những sai trệch trong suy tư, trước khi có thể suy tư tiếp tục. Suy tư trừu tượng rất có giá trị, nhưng nó không thể đi một mình mà không gặp nguy hiểm, nó luôn luôn phải được kiểm chứng bằng thực tế mới tránh khỏi trệch đường, mới có được kết quả chắc chắn.

Triết lý của Tây phương mang tính thuần lý, trừu tượng. Nhưng bù lại, Tây phương lại mạnh về khoa học và kỹ thuật, mang tính thực nghiệm và vật chất cụ thể. Nhờ đó khoa học và kỹ thuật đã kéo triết lý trở về với thực tế. Và Tây phương đã tiến bộ rất nhiều nhờ khoa học và kỹ thuật. Điều này khiến Tây phương trở nên giàu có, nhiều khả năng kinh tế.


Đông phương suy tư dựa trên nhận thức của giác quan

Suy tư dựa trên nhận thức của giác quan là cách suy tư của người Đông phương. Người Đông phương ưa cụ thể, ít khuynh hướng trừu tượng hơn người Tây phương. Họ không ưa những suy tư thuần lý và trừu tượng cho bằng những kết luận rút ra từ những gì mắt thấy tai nghe. Họ tin tưởng vào giác quan hơn những kết quả của suy luận. Họ cũng biết khái niệm hóa sự vật, nhưng không dừng lại đó. Họ dùng những khái niệm để suy tư, nhưng mọi suy tư đều phải lấy thực tế để kiểm chứng, chứ không để tư tưởng luẩn quẩn mãi trong suy tư.

Những nguyên lý của người Đông phương như nguyên lý âm dương, ngũ hành, nguyên lý đồng nhi dị, nguyên lý phản phục... đều là kết quả của nhiều thời gian quan sát thực tế và suy tư. Những nguyên lý này khác với những nguyên lý của lý trí nơi người Hy Lạp xưa phát xuất từ những suy tư thuần lý, bất chấp thực tế do giác quan nắm bắt được.

Nơi người Đông phương, những nguyên lý áp dụng cho sự vật hữu hình đều phát xuất từ thực tế. Chỉ những nguyên lý nào áp dụng cho những thực tại siêu việt, không thể kiểm chứng bằng thực tại, hay không thể xuất phát từ sự vật hữu hình thì mới là suy tư thuần lý, chẳng hạn như: «Đạo khả đạo, phi Thường Đạo; Danh khả danh, phi Thường Danh» (Lão Tử)... Những nguyên lý như thế thường có tính phủ định hơn là xác định: phủ nhận những tính chất không thể đúng được, nhưng không dám xác định rõ rệt bằng ngôn ngữ vì ngôn ngữ và kinh nghiệm chung của con người quá nghèo nàn và thấp kém không thể dùng để diễn tả những thực tại siêu nghiệm.

Triết lý Tây phương chủ về suy tư thuần lý, nhưng khoa học kỹ thuật Tây phương lại chủ về thực nghiệm. Ngược lại, triết lý Đông phương tuy khởi từ suy tư cụ thể, nhưng Đông phương lại mạnh về tâm linh, tôn giáo, là những gì thuộc về tinh thần. Thật vậy, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều xuất phát từ Đông phương. Tuy mạnh về tâm linh, nhưng Đông phương lại nghèo về vật chất. Vì thế, đặc thù của Đông phương là giàu tính tôn giáo nhưng lại nghèo tính kinh tế.


Để đối thoại thành công,
cần nắm vững hai khuynh hướng suy tư của Đông và Tây phương

Hai khuynh hướng suy tư ấy đã chia thế giới thành hai khối với hai đường lối suy tư khác nhau, hai nhận thức luận khác nhau. Cả hai khuynh hướng ấy đều hình thành hai hệ thống triết lý khác nhau suốt mấy chục thế kỷ qua. Hệ thống triết lý nào cũng đều vững chắc, kiên cố, và tạo nên hai nền văn minh và văn hóa khác nhau.

Các tôn giáo tuy đều phát sinh trong môi trường văn hóa Đông phương. Nhưng riêng Kitô giáo thì được truyền bá sang Tây phương, nên phát triển và xây dựng hệ thống giáo lý và thần học dựa trên nền tảng nhận thức luận Tây phương. Vì thế, các Kitô hữu khi chủ trương tìm hiểu và đối thoại với tín đồ các tôn giáo Đông phương thì luôn luôn gặp trở ngại vì không quen với khuynh hướng suy tư của người Đông phương. Điều đó khiến các Kitô hữu Tây phương khó có thể hiểu được đúng đắn và thấu đáo các tôn giáo Đông phương.

Muốn bước vào tòa nhà của các tôn giáo Đông phương, các Kitô hữu Tây phương cần phải tạm thời để lại bên ngoài tất cả những gì đã hình thành nên nề nếp suy tư của mình từ trước đến nay. Nếu không, họ sẽ thấy mọi sự đều là lạ lẫm nếu không muốn nói là phi lý, không thể hiểu nổi. Các tín đồ tôn giáo Đông phương muốn hiểu được Kitô giáo cũng phải hành xử tương tự và ngược lại. Nhưng đó quả là điều không dễ làm. Vì nề nếp suy tư được hình thành từ nhỏ tới lớn trong nền văn hóa mà mình hấp thụ dường như đã trở thành một cái gì nằm trong bản chất sâu xa của mình rồi.

Để thắng vượt khó khăn ấy trong việc đối thoại tôn giáo, thiết tưởng chúng ta cần nắm vững những khác biệt về hai đường hướng suy tư khác nhau ấy giữa Đông phương và Tây phương. Và vấn đề này sẽ được trình bày trong phần III tiếp theo.


Nguyễn Chính Kết


_____________________


Chú thích:

(*1) Những nguyên lý của lý trí mà người Hy Lạp rất coi trọng gồm 5 nguyên lý: 


1) Nguyên lý đồng nhất (principe d’identité): «A là A»; «Mọi vật đều đồng nhất với chính nó» 
2) Nguyên lý mâu thuẫn (principe de contradiction): «Một mệnh đề không thể vừa đúng lại vừa sai», hay: «Hai mệnh đề mâu thuẫn nhau không thể cùng đúng một lượt», hay: «Một vật không thể vừa là nó vừa không là nó được».
3) Nguyên lý triệt tam (principe de tiers-exclu): «Một là: vật này là A, hai là: vật này không là A, không thể có trường hợp thứ ba».
4) Nguyên lý nhân quả (principe de causalité): «Mọi vật/sự đều là hậu quả của một vật/sự khác, đồng thời là nguyên nhân của một vật/sự khác nữa»
5) Nguyên lý cứu cánh (principe de finalité): «Mọi vật hiện hữu hay xảy ra đều có mục đích của nó».

(*2) Người ta đã nhạo báng lối suy tư trừu tượng quá khích đó như sau: Các triết gia Hy Lạp đã ra lệnh cho vạn vật: «Hỡi thiên nhiên, đây là một số qui luật mà ta đặt ra cho mi, mi phải tuân theo cho nghiêm chỉnh». Thái độ của các nhà khoa học gia khác hẳn. Họ nói: «Chúng tôi đã nghiên cứu và phát hiện những chuyển động của thiên nhiên, và đây là những điều chúng tôi đã khám phá được. Những điều này theo như chúng tôi đã quan sát từ trước tới nay, là những định luật của thiên nhiên».



Đọc tiếp:




No comments:

Post a Comment