Tuesday, May 23, 2017

DTTGIV-Chuong2-Bon-giai-doan-chuyen-bien



ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần IV

Chương 2

Bốn giai đoạn chuyển biến
của thần học Công giáo
trong cách nhìn về các tôn giáo


Giai đoạn 1: Đức Kitô chống lại các tôn giáo

a/ Ngoài Kitô giáo, mọi tôn giáo khác đều là tà đạo

Đó là thái độ nổi bật trong lịch sử Giáo Hội suốt 19 thế kỷ qua. Thái độ này căn cứ trên Kinh Thánh. Theo cách hiểu Kinh Thánh của Giáo Hội thời đó, bản tính của con người đã hoàn toàn bị hư hoại vì tội lỗi, hư hoại một cách vô phương cứu chữa. Số phận con người trở nên hoàn toàn tăm tối, bị kết án đau khổ muôn đời. Tuy nhiên, vì lòng nhân từ vô bờ bến và quyền năng vô biên của Thiên Chúa, loài người đã được Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, cứu chuộc bằng giá máu của Ngài. Do đó, loài người chỉ có thể được cứu chuộc nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô và sống phù hợp với niềm tin ấy.

Giáo Hội căn cứ vào những lời Kinh Thánh rất rõ ràng và dứt khoát như:
– «Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án» (Mc 16,16) (*1);
– «Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí» (Ga 3,5) (*2);
– «Tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án» (2Tx 2,12);
– «Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa» (Ga 3,18);
– «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin?» (Rm 10,13-14);
– «Vì họ không tin mà đã bị chặt đi, còn bạn vì tin mà còn đó» (Rm 11,20);
– «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính ; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ» (Rm 10,910);
– «Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ» (Cv 16,31).
– «Chính nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ» (Ep 2,8);
– «Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô» (1Pr 1,19);
– «Ơn cứu độ là thành quả của đức tin» (1Pr 1,9);
Vì thế, các tôn giáo ngoài Kitô giáo không có một giá trị cứu rỗi nào cả, cho dẫu xét về mặt nhân bản, chúng có khả năng giáo hóa con người rất lớn. Chỉ có một vị Cứu tinh duy nhất, một mặc khải duy nhất «viên mãn», trọn vẹn, một tôn giáo duy nhất chân thật mới có khả năng đem lại ơn cứu độ. Mọi tôn giáo khác dù có tốt tới đâu, có dạy người ta ăn ngay ở lành tới đâu, cũng là tà giáo. Vì các tôn giáo này không nhận biết Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã xuống trần cứu nhân loại. Mọi nỗ lực đi tìm chân lý của các tôn giáo này là vô ích, vì bản tính con người đã bị hoàn toàn hư hoại bị tội nguyên tổ nên vô phương đạt tới chân lý. Không ai có thể biết được Thiên Chúa nếu không được chính Ngài mặc khải cho (x. 1Cr 2,11). Nỗ lực tự mình tìm chân lý không cần tới mặc khải của Thiên Chúa chỉ nói lên sự kiêu ngạo của con người. Vì thế, nỗ lực đó dù có ngay lành tới đâu cũng vô ích, thậm chí là tội lỗi nữa.


b/ Chỉ một mình Đức Kitô mới cứu được nhân loại

Vả lại, trong Kinh Thánh – cuốn sách được mọi người Kitô hữu thời đó coi là mặc khải duy nhất chân thật và không thể sai lầm được của Thiên Chúa cho con người – có nhiều câu xác nhận rõ ràng lập trường trên như:

- «Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy» (Ga 14,6);
- «Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để họ có thể nhờ đó mà được cứu rỗi» (Cv 4,12);
- «Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô» (1Tm 2,5);
- «Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp» (Ga 10,7-8); v. v…
Cứ theo tinh thần của những câu Kinh Thánh này thì không thể có ơn cứu độ ngoài Đức Kitô; nói khác đi, không thể có ơn cứu độ ngoài Kitô giáo.


Do đó, tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác tương tự như tương quan giữa chân lý và sai lầm, giữa thiện và ác, giữa cứu rỗi và hư mất, giữa Thiên Chúa và Satan. Nói chung, người Kitô hữu thời trước tin rằng mọi tôn giáo khác đều là tội lỗi, đều là sản phẩm của ma quỉ, bất chấp thực tế trước mắt là thế giới này đã được giáo hóa tốt đẹp phần lớn nhờ các tôn giáo ấy. Chẳng hạn tại Việt Nam, mãi tới thế kỷ 16, Kitô giáo mới được truyền sang, nhưng trước đó mấy chục thế kỷ, dân Việt Nam đã được giáo hóa bởi Đạo Khổng, Đạo Phật, chứ nào có phải bởi Kitô giáo? Và sau thế kỷ 16, Kitô giáo cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong dân chúng. Người không có thiên kiến buộc phải nhìn nhận rằng ảnh hưởng giáo hóa của Kitô giáo tại Việt Nam không lớn bằng của Khổng giáo và Phật giáo. Ngay cả người Kitô hữu Việt Nam cũng một phần nào chịu sự giáo hóa tốt đẹp của các tôn giáo ấy xét như di sản được để lại từ thời cha ông. Nơi các dân tộc Á châu khác cũng vậy…



c/ Những ngôn sứ giả đội lốt chiên

Các tôn giáo ấy càng tốt đẹp hoàn hảo bao nhiêu, thì càng quyến dụ người ta bấy nhiêu, do đó, càng khiến nhân loại có nhiều người không đón nhận tôn giáo duy nhất chân thật là Kitô giáo bấy nhiêu. Vì thế, các tôn giáo khác càng có khả năng giáo hóa bao nhiêu thì càng cản trở cho Kitô giáo bấy nhiêu. Nếu không có các tôn giáo ấy thì nhân loại dễ nhận biết Kitô giáo hơn biết bao! Vì thế, tôn giáo nào càng cản trở chính đạo thì càng là tà đạo. Do đó, các tôn giáo ấy bị hiểu là «những ngôn sứ giả đội lốt chiên mà đến, nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi» (Mt 7,15), hay đó là «những kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta là Đấng Kitô” và lừa gạt được nhiều người» (Mt 24,4).





d/ Sẵn sàng truyền đạo bằng bạo lực

Khi hiểu được những suy tư của Giáo Hội thời đó, ta sẽ dễ dàng thông cảm với thái độ coi thường các tôn giáo khác của các Kitô hữu ngày xưa, và thái độ đôi khi mang tính cưỡng bách theo đạo của các giáo sĩ thời Trung Cổ. Họ nghĩ thà cưỡng bách người khác vào Kitô giáo mà cứu được linh hồn của họ và của con cháu họ còn hơn là để họ được tự do mà mất linh hồn. Việc cưỡng bách đó mà nhìn bằng con mắt người thời nay thì thật là phi nhân bản, bất công, mang tính cuồng tín, nhưng đối với các vị giáo sĩ thời đó lại là một việc bác ái, là hành vi yêu thương cao cả. Chúng ta nên hiểu hành vi của họ như hành vi của một người cha cưỡng bức đứa con của mình phải uống thuốc, thậm chí bằng bạo lực, để cứu nó khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo. Cũng vậy, việc các thừa sai xưa dựa vào chế độ thực dân để truyền đạo tại Á châu – vốn bị nhiều người ngoài Kitô giáo kết án – sẽ trở nên dễ thông cảm hơn khi hiểu được lập trường của Giáo Hội thời đó về ơn cứu rỗi.


e/ Không theo Kitô giáo thì sẽ sa hỏa ngục

Ý thức sự cần thiết của ơn cứu rỗi và khả năng cứu độ duy nhất của Kitô giáo, nếu ở vào địa vị các giáo sĩ thời đó, chắc chắn chúng ta sẽ không chấp nhất chuyện nhỏ đó trước sự cần thiết lớn lao này: là Thiên Chúa phải được vinh danh và các dân tộc Á châu phải được cứu rỗi. Chúng ta sẽ hiểu được ngay quan niệm của các Kitô hữu thời đó qua câu nói của Thánh Phanxicô Xavier. Khi người bản xứ mới theo đạo hỏi ngài về số phận ông bà tổ tiên họ, ngài trả lời không nghĩ ngợi: «Họ sa hỏa ngục tất cả!». Chính vì quan niệm như thế mà các vị giáo sĩ đó đã sẵn sàng hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả kể cả cái chết, thậm chí chết thảm thiết, chỉ vì họ muốn cứu những dân tộc Á châu khỏi sa hỏa ngục. Một cách chủ quan, đó là một sự hy sinh rất cao cả phát xuất từ tình yêu. Thiết tưởng chúng ta không nên xét đoán một cách quá hẹp hòi và thiển cận đến nỗi lên án họ.

Trong Giáo Hội, suốt 19 thế kỷ trước Công Đồng Vatican II, thái độ quá khích và có vẻ bất công này đã được biểu hiện qua câu nói nổi tiếng: «Ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ». Qua thế kỷ 20, quan niệm này đã bị nhiều Kitô hữu ở Châu Á phản đối. Một số nhà thần học trong Giáo Hội, đặc biệt Karl Rahner, đã thúc đẩy Giáo Hội tiến tới một thái độ nhân nhượng hơn.



Giai đoạn 2: Đức Kitô ở trong các tôn giáo

Chủ trương cho rằng chỉ những người gia nhập Kitô giáo mới được cứu rỗi, tuy căn cứ trên Kinh Thánh, nhưng lại dẫn đến những điều thật khó hiểu, khó giải thích khi đối chiếu với thực tế của thế giới hiện tại. Thêm vào đó, cũng có những câu Kinh Thánh khác chứng tỏ ngược lại: ngoài Kitô giáo vẫn có thể có ơn cứu độ.


a/ Tại sao Thiên Chúa lại chậm trễ cứu độ như thế?



Thật vậy, nếu «ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ», thì chắc chắn tỷ lệ người được cứu độ trên thế giới, tính từ khi con người xuất hiện đến nay, sẽ rất thấp. Kitô giáo mới chỉ xuất hiện được 20 thế kỷ nay, đang khi con người – theo các nhà cổ sinh vật học hiện đại – đã xuất hiện hàng trăm thế kỷ rồi. Nếu phải tin vào Đức Kitô mới được cứu rỗi, thì tại sao Thiên Chúa lại phải chờ đợi lâu như thế mới cho Đức Kitô xuống thế cứu chuộc, thậm chí sau hầu hết các giáo chủ của các tôn giáo Đông phương? Nếu các tôn giáo khác đều là tà giáo, thì sao Ngài không đến trước để tôn giáo của Ngài được kịp thời rao giảng trước khi những «tà giáo» kia xuất hiện? Nếu Ngài thực sự muốn mọi người được cứu độ, và nếu các tôn giáo khác là tà giáo, thì sự khôn ngoan bình thường buộc Ngài phải biết tranh thủ kịp thời để tránh cho nhiều người khỏi bị các «tà giáo» kia «quyến dụ» mới đúng!


Chẳng hạn, tại Trung hoa, một nước hết sức rộng lớn đáng được truyền giáo ưu tiên, Kitô giáo đã được các giáo phái Nestoriô và Manikêô truyền sang từ thế kỷ từ cuối thế kỷ thứ 6 (đang khi Phật giáo được truyền sang từ thế kỷ thứ 1, năm 67), và Kitô giáo cũng đã có lúc phát triển mạnh. Nhưng không hiểu tại sao Thiên Chúa lại để cho đạo của Ngài chết yểu tại đây vì sự tàn sát của Hồi Giáo Mông Cổ vào thế kỷ 13 (do Tamerlan và A-Phú-Hãn lãnh đạo). Và mãi tới thế kỷ 16 mới có những nỗ lực truyền giáo của Công giáo và Tin Lành tương đối mang tính qui mô vào Trung Hoa. Lúc đó, Khổng giáo và Phật giáo đã trở nên rất mạnh tại Trung Hoa, dân chúng vì đã theo những tôn giáo có nền tảng giáo thuyết vững chắc như thế, nên họ không theo Kitô giáo dễ dàng như khi các Tông Đồ truyền đạo sang Âu châu. Lúc đó tại Âu châu chưa có một tôn giáo nào lớn có nền tảng vững chắc như các tôn giáo Á châu cả. Như vậy, chẳng lẽ Thiên Chúa, là chủ tể của lịch sử, lại không biết tính trước, thấy trước điều ấy?


b/ Kitô giáo vẫn còn là một thiểu số

Và suốt 20 thế kỷ truyền giáo, các giáo phái Kitô giáo mới chỉ đạt được 2,2 tỷ, tức 31% dân số thế giới (hiện nay là 6,9 tỷ), trong đó Công giáo chỉ được khoảng 1,29 tỷ, tức 17% dân số thế giới. Hiện nay, tỷ lệ Kitô giáo so với dân số thế giới càng ngày càng giảm, nhất là tại Âu châu. Trong số ít ỏi những người theo Kitô giáo ấy, có được bao nhiêu người là Kitô hữu đích thực, nghĩa là thực sự tin theo Chúa Kitô và sống đúng tinh thần của Ngài để có thể được cứu rỗi? Trong khi đó, các tôn giáo Đông phương như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo đang có cơ phát triển mạnh lên, cả tại Âu châu, nơi trước đây hầu như toàn tòng là Kitô giáo. Nếu chỉ những ai gia nhập Giáo Hội Công giáo mới được cứu rỗi, thì tỷ lệ số người được cứu quả rất ít.


c/ Việc cứu độ của Thiên Chúa phải chăng đã thất bại?

Sự kiện trên làm cho câu Kinh Thánh: «Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, (là) Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm 2,4) trở thành khó giải thích. Nếu thực sự Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ, thì với quyền năng của Ngài, Ngài dư sức tạo điều kiện để Kitô giáo phát triển mạnh mẽ, cho dẫu vẫn tôn trọng tự do của con người. Thế nhưng tại sao có tới gần 70% dân số thế giới không tin theo Ngài? Có thể có những người đã nghe về Đức Kitô nhưng cố tình không tin Ngài, nhưng chắc chắn số người không hề nghe nói về Ngài cũng như về Giáo Hội của Ngài, hoặc không được nghe nói một cách đầy đủ và trung thực để có thể tin Ngài thì đông hơn gấp bội. Ngay cả trong số những người đã nghe nói về Ngài, có nhiều người chưa cảm thấy có đủ lý do chính đáng để từ bỏ tôn giáo của họ mà theo Ngài, dù họ rất thiện chí và rất sẵn sàng đối với chân lý (*3). Họ không gia nhập Kitô giáo, trong rất nhiều trường hợp, không phải chủ yếu lỗi tại họ.



Nếu Thiên Chúa muốn cứu độ cả thế giới, mà chỉ những người vào Kitô giáo mới được cứu độ, thì sẽ có trên 70% không được cứu độ. Trước tình trạng đó, hoặc phải kết luận rằng Thiên Chúa chưa toàn năng, hoặc phải kết luận rằng ngoài Giáo Hội hay ngoài Kitô giáo vẫn có ơn cứu độ. Các nhà thần học hiện đại đã chấp nhận kết luận thứ hai. Nếu Ngài để cho Kitô giáo vẫn còn ít ỏi, và để cho các tôn giáo Á Đông phát triển mạnh tại Á châu như thế, chính vì Ngài muốn như thế, và như thế hẳn có lợi cho mục đích cứu rỗi của Ngài hơn. Những câu Kinh Thánh có vẻ xác định khả năng cứu độ duy nhất của Kitô giáo, cần phải hiểu theo chiều hướng khác.


d/ Kinh thánh cho biết ngoài Kitô giáo vẫn có ơn cứu độ

Vả lại, cũng có những câu Kinh Thánh nói lên rằng: những người ngoại giáo vẫn có thể được ơn cứu độ. Chẳng hạn như:
- «Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob trong Nước Trời. Còn chính con cái của Nước Trời lại bị quăng ra chốn tối tăm bên ngoài, ở đó chỉ có khóc lóc và nghiến răng» (Mt 8,11-12);
- «Các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính thì lại được nên công chính» (Rm 9,30);
- «Những kẻ không tìm Ta lại gặp được Ta, những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy» (Rm 10,20; Is 65,12);
- «Nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như đã được cắt bì sao? Người không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn Lề Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã được cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật» (Rm 2,26-27).
Trong những câu Kinh Thánh trên (Rm 2,26-27), những gì đúng cho Do Thái giáo thì cũng có thể đúng cho Kitô giáo, những gì đúng cho phép cắt bì cũng có thể đúng cho phép rửa tội, và những gì đúng cho Lề Luật Do Thái, thì lại càng đúng cho tinh thần yêu thương của Chúa Kitô.

Thời các tông đồ, nếu Thiên Chúa không bắt dân ngoại phải vào Do Thái giáo mới được vào Giáo Hội (x. Cv 15,7-11.28-29), thì cũng vậy, không nhất thiết Ngài sẽ bắt họ phải vào Kitô giáo mới được vào Nước Trời.



e/ Các tôn giáo khác cũng có chân lý

Nhiều nhà thần học nhận thấy nơi con người, có sự kiện tâm linh không thể phủ nhận là sự khát khao tìm kiếm Thiên Chúa như Thực Tại Tuyệt Đối và Tối Hậu. Những con người tìm kiếm đó một phần nào đã có cảm nhận về Thực Tại Tối Hậu ấy, nên một cách nào đó họ cũng nhận biết Thiên Chúa (*4), nhất là qua dấu vết của Ngài trong vũ trụ. Con người có thể «nhìn thấy» Thiên Chúa qua thiên nhiên, qua các công trình của Ngài. Nhiều đoạn văn trong Kinh Thánh nói đến sự mặc khải gián tiếp và tự nhiên ấy mà lý trí con người có thể đạt tới được (x. Rm 1,19-20; Cv 17,27-28; 1 Cr 1,21). Do đó, nhiều nhà thần học cho rằng các tôn giáo khác vẫn có thể được Thiên Chúa mặc khải theo một cách thức nào đó, và vẫn có thể có ơn cứu rỗi cho những người thiện chí quyết tâm tìm kiếm Thiên Chúa trong các truyền thống tôn giáo khác, nhất là khi họ trung thành sống theo những truyền thống ấy. Vì thế, Thiên Chúa có thể mặc khải cho con người qua kinh điển hay qua giáo huấn của các tôn giáo.

Đoạn Tin Mừng về các nhà chiêm tinh Đông phương tìm kiếm Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2,1-12) cho thấy: các nhà chiêm tinh không có Kinh Thánh trong tay như các kinh sư ở Giêrusalem để biết Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem. Nhưng họ đã đến gặp được Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ trong khi các kinh sư Do Thái, được mặc khải nơi sinh ra của Ngài, lại không đến và không gặp được Ngài. Các nhà chiêm tinh có được Thiên Chúa mặc khải không? và mặc khải như thế nào? – Kinh Thánh cho biết họ «thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông» (Mt 2,2). Đoạn Tin Mừng này cho thấy, ngoài Kinh Thánh ra, Thiên Chúa còn mặc khải cho con người bằng những cách khác, trong đó chắc hẳn có cách thông qua các tôn giáo đúng đắn của dân ngoại. Và con người có gặp được Thiên Chúa hay không, không tùy thuộc vào mặc khải ấy có chính thức hay không, có rõ ràng hay không, cho bằng vào thiện chí và sự quyết tâm của con người trong việc tìm gặp Ngài.

Công Đồng Vatican II đã làm việc rất nhiều để xây dựng một lập trường thần học mới đúng đắn, khách quan, ít thiên kiến hơn lập trường cũ. Công Đồng nói rằng:
- Các tôn giáo khác cũng «thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người» (Vatican II, NK 2,2);
- «Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người, và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm phục sinh ấy, cách nào đó thì chỉ có Chúa biết thôi» (Vatican II, MV 22,5).

Như vậy, Công Đồng xác nhận rằng Thiên Chúa có thể cứu rỗi con người bằng nhiều cách khác nhau ngoài Kitô giáo. Nhóm từ «cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi» đương nhiên bao gồm cả những cách thức ngoài Kitô giáo.



f/ Lập trường của các giám mục Ấn Độ

Ấn Độ là nơi phát sinh hai truyền thống tôn giáo lớn rất minh triết: Ấn giáo và Phật giáo. Người Kitô hữu Ấn Độ (vốn là thiểu số) có nhiều dịp để so sánh hai truyền thống tôn giáo đó với truyền thống Kitô giáo. Và năm 1969, các giám mục Ấn Độ đã nhận định: «Các tôn giáo khác không phải là những pháo đài mà chúng ta phải tấn công hay phá hủy. Đó chính là những nơi Thánh Linh hằng nương trú mà chúng ta chưa hề tới viếng thăm. Đó là những kho Lời Chúa mà chúng ta đã không hề biết tới» (*5). Vì thế, các tôn giáo đó đã là «Kitô giáo» theo một nghĩa nào đó.

Nhiều Kitô hữu có thói quen dựa vào đức tin của mình để tiên thiên đánh giá thấp hay phủ nhận giá trị của các tôn giáo khác. Họ không thèm tìm hiểu đến nơi đến chốn để biết các tôn giáo khác có giá trị tới đâu, có những điểm tích cực hay những mặt mạnh nào. Nếu các tín đồ tôn giáo khác cũng có một thái độ tương tự như vậy đối với Kitô giáo thì chẳng bao giờ các tín đồ trong các tôn giáo có thể hiểu nhau một cách chính xác, gặp gỡ nhau một cách đầy cảm thông và đối thoại với nhau đúng đắn được.


g/ Quan niệm của các thần học gia Á châu

Á châu là một cái nôi phát sinh ra tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, kể cả Kitô giáo. Vì thế, các Kitô hữu Á châu luôn luôn phải đối diện với hiện trạng đa tôn giáo nơi đồng bào dân tộc mình. Do đó, suy tư về các tôn giáo là nét suy tư chính của thần học Á châu. Có thể nói: thần học Á châu chủ yếu là thần học về các tôn giáo. Công Đồng Vatican II đã mở lối suy tư cho thần học Á châu về vấn đề các tôn giáo. Vì thế, năm 1971, các nhà thần học Á châu đã hội thảo tại Nagpur (Ấn Độ) với bản đúc kết như sau:

«Chúng ta đã thấy Đức Kitô và ân sủng của Ngài hoạt động trong các tôn giáo. Dưới nhiều hình thức khác nhau, mầu nhiệm khôn tả ấy đang hoạt động trong mọi dân tộc trên thế giới để đem lại cho kiếp sống và những khát vọng của con người một ý nghĩa tối hậu. Người ta gọi mầu nhiệm này bằng nhiều tên khác nhau, nhưng không tên nào có thể diễn tả chính xác được mầu nhiệm đó. Mầu nhiệm đó đã được mặc khải và ban truyền nơi Đức Giêsu Nazarét một cách dứt khoát.

«Vì có sự an bài phổ quát hướng dẫn mọi người đến cứu cánh của họ, và vì con người không thể đạt tới ơn cứu độ bằng sức riêng của mình nếu không được Thiên Chúa can thiệp giúp đỡ, nên Thiên Chúa thông ban bản thân mình không phải chỉ cho truyền thống Do Thái giáo, mà còn cho toàn thể nhân loại bằng nhiều cách khác nhau, với nhiều mức độ khác nhau, ngay trong nhiệm cục cứu độ duy nhất của Thiên Chúa. Vì những người được cứu độ sẽ nhận được ơn cứu độ (qua ân sủng mà Thiên Chúa ban cho) ngay trong truyền thống tôn giáo của mình, nên những kinh điển và nghi thức khác nhau của các truyền thống tôn giáo trên thế giới có thể là những cách diễn tả khác nhau, trong những mức độ khác nhau, của cùng một mặc khải thần linh, và đều dẫn đến ơn cứu độ. Điều này không hề làm tổn hại đến tính cách duy nhất của nhiệm cục Kitô giáo; trong nhiệm cục đó, Thiên Chúa đã nói lời cuối cùng với thế giới qua miệng Đức Kitô và đã trao ban những phương tiện cứu rỗi mà Đức Kitô cũng là người dẫn đạo khai tâm» (*6).

Lập trường của các nhà thần học Á châu thật rõ ràng. Các tôn giáo lớn đều là những môi trường cứu độ của Thiên Chúa, đều tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, mầu nhiệm này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau tùy theo văn hóa của từng dân tộc. Vì thế, mọi người, khi sống đúng và nhờ sống đúng tinh thần của truyền thống tôn giáo mình, đều có khả năng được Đức Giêsu Kitô cứu độ. Và ân sủng của Đức Kitô cũng như Thánh Thần của Ngài vẫn luôn luôn hoạt động trong các tôn giáo để thánh hóa và đem ơn cứu độ đến cho nhân loại.


Giai đoạn 3:
Đức Kitô ở trên các tôn giáo

a/ Các tôn giáo đều tốt, nhưng chỉ có Kitô giáo là chuẩn mực

Đây là giai đoạn ý thức lại một cách sâu sắc sự mới mẻ của Kitô giáo, nhưng lại không muốn rút lại những cảm nghĩ tốt về các tôn giáo khác. Đồng ý là các tôn giáo khác cũng có Thánh Linh hoạt động, cũng xuất phát từ Thiên Chúa, cũng có khả năng cứu độ nhân loại. Nhưng cần ý thức rằng nếu các tôn giáo ấy có những đặc tính và khả năng như thế, thì là nhờ Đức Kitô. Các tôn giáo khác chỉ là những viên đá lót đường, là những bậc thang dẫn đến đỉnh cao là Đức Kitô. Do đó, Kitô giáo, tôn giáo do Đức Kitô lập ra, phải là tôn giáo chính thống, đúng nhất, nhiều chân lý nhất, bảo đảm nhất. Các tôn giáo khác dù có hay, có tốt đến đâu cũng đều thua kém Kitô giáo, và phải hướng về Kitô giáo như là đỉnh cao của mình. Các tôn giáo khác đều tốt, đều đúng, nhưng chỉ có Kitô giáo mới là chuẩn mực của chân lý.


b/ Tính khách quan của Kitô giáo

Các tôn giáo khác là những nỗ lực của con người tìm kiếm chân lý, là những nỗ lực hướng về mầu nhiệm Thiên Chúa, cũng được Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn. Những tôn giáo đó có thể chỉ là những gì cảm nhận được một cách vô hình trong những kinh nghiệm tâm linh. Nhưng Kitô giáo không phải chỉ là những cảm nghiệm đó, nó còn có tính khách quan về mặt lịch sử và xã hội nữa.

Thật vậy, Đức Kitô đã đến thế gian và đã can thiệp mạnh mẽ vào lịch sử nhân loại. Nhiều sử gia Kitô giáo cũng như ngoài Kitô giáo đã công nhận «sự kiện Giêsu» là sự kiện lịch sử. Và hiện nay, Đức Kitô đã trở thành tâm điểm của lịch sử nhân loại. Đức Giêsu đã trở thành điểm mốc của thời gian, chia thời gian của nhân loại thành hai kỷ nguyên: trước và sau Đức Giêsu. Chính Ngài đã tự xưng mình là «Con Thiên Chúa» (Mt 26,63-64; 16,15-17) và đã chấp nhận chết cách thảm thương để làm chứng điều đó. Ngài bị dân Ngài giết chính vì Ngài tự xưng mình như thế, cho dẫu Ngài biết xưng mình như thế sẽ bị giết (x. Mt 26,65-66). Chính Ngài cũng đã tự xưng mình «là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống» (Ga 14,6). Không có vị giáo chủ nào khẳng định về mình như thế. Ngài tuyên bố rõ ràng: Không ai đến được với Thiên Chúa Cha mà không qua Ngài (x. Ga 14,6b); Ngài là Con Một của Thiên Chúa Cha (x. Ga 1,14).


c/ Đức Kitô khác với các vị giáo chủ khác
Như thế, Đức Giêsu Kitô là vị giáo chủ duy nhất tự xưng mình là Con Thiên Chúa, tự đồng hóa mình với chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Các vị giáo chủ khác có thể là những vị thánh, thậm chí có thể là đại thánh. Nhưng dù các ngài có vĩ đại đến đâu đi nữa, thì các ngài vẫn là con người, là loài thụ tạo. Còn Đức Giêsu Kitô, Ngài không thuộc trật tự ấy. Ngài là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là chính Đấng Tạo Hóa. Phẩm cách của Ngài cao vượt hẳn mọi thụ tạo khác. Nhìn nhận điều này là do đức tin.

Do đó, vấn đề phải đặt ra cho mỗi người khi biết về Ngài là: «Đức Kitô là ai và là gì đối với tôi?». Theo một số nhà thần học, người ta có phải là Kitô hữu hay không chỉ hệ tại câu trả lời cho câu hỏi đó. Người nào có đức tin, nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa, đồng trật tự với Thiên Chúa, thì người đó là Kitô hữu đúng nghĩa, cho dù người đó có tội lỗi hay thấp hèn tới đâu. Còn ai chỉ coi Ngài như một vĩ nhân, một vị đại thánh, nhưng vẫn chỉ là một thụ tạo như bao thụ tạo khác, người đó không phải là Kitô hữu, cho dù người đó có sống xứng đáng là người tới đâu chăng nữa. Tuy nhiên, cũng có những nhà thần học khác (*7) cho rằng những ai sống đúng tinh thần của Đức Kitô, dù không theo Kitô giáo, thì một cách nào đó cũng đã là Kitô hữu rồi. Ngược lại, những ai mang danh là Kitô hữu mà không sống tinh thần Chúa Kitô thì chỉ là thứ Kitô hữu «hữu danh vô thực» mà thôi (x. Rm 2,25-29).


d/ Tôn giáo nào cũng có giá trị, nhưng…

Theo lập trường này thì mỗi tôn giáo đều có một giá trị và vai trò riêng, giúp ích cho nhân loại một cách riêng biệt, nên không cần phải biến các tôn giáo khác thành Kitô giáo mới có thể công nhận chúng có giá trị và độc đáo. Mỗi tôn giáo đều có vai trò và nhiệm vụ của mình trong thế giới. Tuy nhiên, nếu không có Đức Kitô thì tất cả các tôn giáo đều chẳng cứu rỗi được ai, cho dù những tôn giáo ấy có khả năng giáo hóa con người rất cao.

Cứu rỗi là «đến được với Thiên Chúa Cha», mà Đức Kitô nói: «Không ai đến được với Cha mà không qua tôi» (Ga 14,6). Do đó, cần phải phân biệt giữa khả năng giáo hóa và khả năng cứu rỗi. Cũng như đối với một tù nhân, người có quyền ký lệnh tha khác với người «quản giáo» phụ trách giáo hóa tù nhân ấy. Người quản giáo có dạy dỗ tù nhân giỏi tới đâu cũng không có quyền trả tự do cho hắn. Người có quyền ký lệnh tha không hẳn đã làm công tác giáo dục nhiều như người quản giáo. Người quản giáo có vai trò riêng của mình, nhưng đối với tù nhân, điều quan trọng nhất là được trả tự do chứ không phải là được giáo dục. Tuy nhiên, được giáo dục tốt là một trong những điều kiện quan trọng để được trả tự do. Và công việc của người quản giáo chỉ có ý nghĩa đối với tù nhân khi người tù có khả năng được trả tự do. Nhưng rất nhiều tù nhân được tha cho dù chỉ biết có người quản giáo chứ không hề biết gì đến người có quyền trả tự do cho mình.

Cũng vậy, chính nhờ Đức Kitô mà các tôn giáo khác mới có khả năng cứu rỗi. Không có Đức Kitô thì không tôn giáo nào có thể tự mình cứu rỗi được ai. Nhưng người ta vẫn có thể được cứu rỗi mà không hề nhận biết Đức Kitô là Cứu Chúa của mình. Một thần học gia nổi tiếng chủ trương lập trường này là J. N. Farquhar.
Năm 1909. J. N. Farquhar đã trình bày lập trường này khá rõ ràng khi coi Ấn Độ giáo là một tôn giáo «phát sinh từ một bản năng tôn giáo đích thực với những giá trị riêng của nó», và đặt Đức Kitô «lên trên tất cả» như «điểm thành tựu của tôn giáo». «Như thế, lý thuyết này đề cao tối đa nhận thức tôn giáo của con người mà vẫn bảo vệ được thế tối thượng của Đức Kitô» (*8).

Theo quan điểm này, mặc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu – trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người – là bước hoàn thành của mọi tôn giáo ngoài Kitô giáo, là «mặc khải trọn vẹn, cuối cùng, vì thế là chuẩn mực về Thiên Chúa cho tất cả mọi dân tộc… Mỗi tôn giáo có thể có những giá trị riêng, nhưng tất cả những giá trị đó đều còn khiếm khuyết, chưa đầy đủ» (*9).


e/ Hiện trạng đa tôn giáo cũng là ý muốn của Thiên Chúa

Một số nhà thần học cho rằng, mặc dù Kitô giáo là sự hoàn thành của các tôn giáo, nhưng có lẽ ý muốn của Thiên Chúa trong hiện tại không phải là đưa tất cả mọi dân tộc vào trong đại gia đình Giáo Hội. Thật vậy, nếu toàn thế giới này đều là Kitô giáo, xét một cách khách quan, chưa hẳn thế giới đã tốt đẹp và phong phú như tình trạng đa tôn giáo hiện nay.

Chúng ta thử tưởng tượng tình trạng của Âu châu thời Trung Cổ (thế kỷ 7 đến 15), khi Kitô giáo thống trị toàn Âu châu. Giáo Hội bị cám dỗ trở thành một Giáo Hội chuyên chế và độc đoán. Biết bao người bị bách hại và sát hại chỉ vì có lập trường tâm linh hay tôn giáo khác với Giáo Hội. Nhân loại đã phải than phiền nhiều về Giáo Hội thời đại này. Thái độ đắc thắng của Giáo Hội vẫn còn ảnh hưởng kéo dài đến ngày nay trong não trạng giáo sĩ cũng như giáo dân. Nếu Giáo Hội thống trị toàn thế giới, tình trạng bi đát này có thể nhân lên gấp nhiều lần.

Lịch sử Giáo Hội cho thấy khi Giáo Hội phát triển thành công về số lượng tín hữu, thì phẩm chất của hàng giáo sĩ cũng như giáo dân bị suy giảm nhiều. Các tín hữu không còn cảm thấy việc làm chứng cho Thiên Chúa hay Đức Kitô là một nhu cầu cấp thiết nữa. Thật vậy, trong một đất nước có cùng một mức độ phát triển ở nhiều mặt, cứ so sánh tinh thần Kitô hữu của các tín hữu ở những nơi toàn tòng công giáo với những nơi tỷ lệ người Kitô hữu ít hơn, ta thấy có sự chênh lệnh về chất lượng. Người Kitô hữu khi chỉ là một thiểu số sống giữa các tín đồ tôn giáo khác thường ý thức việc làm chứng cho Thiên Chúa hơn. Nếu số lượng Kitô hữu gia tăng tối đa, nhưng lại không sống đúng tinh thần Kitô hữu, thì ích lợi gì? Đức Giêsu nói: «Không phải những ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt 7,21). Mang danh Kitô hữu mà không sống tinh thần Kitô hữu thì chỉ làm «danh Thiên Chúa bị phỉ báng» mà thôi (x. Rm 2,17-24).

Vì thế, có thể tình trạng đa nguyên tôn giáo như đã và đang có hiện nay là ý định của Thiên Chúa trong hiện tại, còn việc quy tụ mọi tôn giáo thành một là điều sẽ xảy ra trong ngày cánh chung. Thánh Phaolô đã tiên báo điều đó:


- «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là khi thời gian tới thời viên mãn, sẽ quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô» (Ep 1,9-10).
- «Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để cuối cùng thương xót tất cả» (Rm 11,32).
Do đó, người ta buộc phải nghĩ đến khoảng cách giữa Giáo Hội trong hiện tại và Nước Chúa trong tương lai.


f/ Giáo Hội không hẳn đã là Nước Chúa

Chính Đức Kitô chứ không phải Kitô giáo hay Giáo Hội cứu chuộc nhân loại. Giáo Hội chỉ là tình trạng bí tích của Nước Chúa chứ không phải chính là Nước Chúa: Giáo Hội cho chúng ta thấy một trong những bộ mặt của Nước Chúa, và Giáo Hội đã không khai thác hết cũng như không lột hết được sự hiện diện của Nước Chúa. Giáo Hội loan báo và biểu dương cho thế giới biết sự hiện diện phổ quát của Đức Kitô phục sinh và ảnh hưởng phổ quát của Thánh Linh Ngài. Nhưng Giáo Hội không nên có tham vọng xác định giới hạn sự hiện diện và ảnh hưởng đó, trái lại nên mong muốn cho giới hạn đó mở rộng chừng nào có thể vì lợi ích và sự cứu rỗi của nhân loại.

Nước Chúa là một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người sống vui tươi hạnh phúc trong một trật tự xã hội tốt đẹp, thấm nhuần và tràn đầy tinh thần công bằng và yêu thương nhau. Giáo Hội hiện nay chưa phải là một xã hội tốt đẹp như thế, nhưng là biểu tượng của xã hội ấy. Giáo Hội đang giới thiệu cho nhân loại xã hội lý tưởng ấy, đồng thời đang tiến tới hay trở thành xã hội ấy.


g/ Giáo Hội không nên mong muốn độc quyền ơn cứu độ


Qua các tín điều và qua cách giảng dạy, dường như Giáo Hội bị cám dỗ muốn được độc quyền làm phương tiện cứu độ của Thiên Chúa, và không muốn Thiên Chúa dùng những phương tiện khác. Nếu Thiên Chúa làm theo khuynh hướng đó, chắc chắn nhân loại sẽ bị thiệt thòi rất nhiều. Giáo Hội nên cương quyết chống lại cơn cám dỗ «mang tính hẹp hòi và bè phái» đó. Vì tình yêu thương nhân loại đích thực đòi hỏi Giáo Hội phải mong muốn Thiên Chúa dùng nhiều phương tiện khác nữa ngoài Giáo Hội để ơn cứu độ trở nên phổ quát hơn. 

Mong muốn được độc quyền về ơn cứu độ là vô tình mong muốn ơn cứu độ bị hạn chế lại, một điều bất lợi cho nhân loại. Nếu Giáo Hội chân thành yêu thương nhân loại và thực sự mong muốn nhân loại được cứu độ, thì Giáo Hội nên tha thiết mong cầu Thiên Chúa dùng cả những tôn giáo khác làm phương tiện cứu độ và mặc khải chân lý. Và nếu Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện đó thì thật là hợp lý. Chính khi Giáo Hội muốn giới hạn hoạt động của Thiên Chúa, chỉ muốn Thiên Chúa hoạt động qua mình mà thôi, Giáo Hội đã phản lại tình yêu, cả đối với Thiên Chúa lẫn nhân loại.


h/ Chắc chắn Thiên Chúa phải dùng nhiều phương tiện khác nhau

Nếu Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi, chắc chắn Thiên Chúa không thể chỉ muốn dùng một phương tiện rất giới hạn và có nhiều bất toàn như thế. Lòng yêu nhân loại của Ngài sẽ thúc đẩy Ngài phải sáng kiến ra vô số phương tiện khác. Ngài đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật và con người, đã sẵn sàng để hiện thân của Ngài là Đức Kitô chết hầu cứu tất cả mọi con người, lẽ nào Ngài lại để cho ơn cứu độ của Ngài bị hạn chế bớt đi vì chỉ muốn ban ơn đó qua Giáo Hội mà thôi? Nếu Ngài thực sự chỉ muốn ban ơn cứu độ qua Giáo Hội mà thôi, điều đó có nghĩa là Ngài muốn hạn chế ơn cứu độ, muốn rằng chỉ có một số người nào đó trong nhân loại được ơn đó mà thôi. Như thế quả thật là mâu thuẫn và phi lý.

Thật vậy, có lẽ nào khi nhà nước muốn thông báo một điều gì rất cần thiết cho dân chúng, cho tất cả mọi người trong nước, để tránh cho họ một nguy hiểm, hay để cho mọi người đều được hưởng một quyền lợi căn bản, lại chủ trương chỉ đăng thông báo đó trên một tờ báo duy nhất nào đó, tờ báo mà chỉ có 1/3 dân số trong nước đọc mà thôi? Nếu đã muốn phổ biến thông báo đó cho tất cả mọi người, sự khôn ngoan đòi buộc nhà nước phải dùng bất cứ phương tiện nào mình có được để thông báo đó có thể đến với từng người trong nước: sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình, các thứ tờ bướm… Cứ xem cách các nhà nước hiện nay phổ biến chính sách của mình cho quảng đại quần chúng (như kế hoạch hóa sinh sản, phòng chống bệnh AIDS, phòng chống ma túy, bảo vệ trẻ em, chống bại liệt…), ta sẽ hiểu được cách Thiên Chúa muốn phổ biến ơn cứu độ của Ngài như thế nào cho nhân loại. Ai muốn hạn chế ơn cứu độ bằng bất cứ cách nào, người đó đi ngược lại tình yêu thương.

Giáo Hội dẫu sao cũng chỉ là một phương tiện của Thiên Chúa, Giáo Hội không bao giờ nên mong muốn mình trở thành phương tiện duy nhất, độc quyền của Ngài. Việc mặc khải chân lý về Thiên Chúa cũng phải được thực hiện bằng nhiều cách. Chân lý chỉ có một, nhưng cách phổ biến và diễn tả chân lý thì vô số. Không nên lẫn lộn chân lý với cách thức diễn tả chân lý, cũng như không nên lẫn lộn giữa chất nước (H2O) và các loại nước uống (nước lã, nước lọc, nước ngọt, bia, sữa, nước trái cây… ). Người ta được giải khát là nhờ uống nước chứ không nhất thiết cứ phải uống một loại nước nào mới được. Giáo Hội không nên hạn chế chân lý vào trong cách thức diễn tả chân lý của mình.



i/ Thiên Chúa thì vô hạn, nhưng mọi mặc khải về Ngài đều hữu hạn

Chắc chắn nói về Thiên Chúa vô hạn thì có nhiều điều phải nói hơn là những điều đã nói ra trong giáo lý Kitô giáo. Cũng như nói về vũ trụ tuy bao la nhưng hữu hạn này, thì có nhiều điều phải nói hơn là những điều đã nói trong tất cả các sách vở chứa trong mọi thư viện trên thế giới. Tương tư như vậy, mặc khải của Đức Kitô về Thiên Chúa được thực hiện trong 33 năm ngắn ngủi không thể là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa. Cho rằng ngoài mặc khải của Đức Kitô không thể có chân lý nào khác về Thiên Chúa, hay cho rằng không một chân lý nào khác có thể có được ngoài mặc khải Kitô giáo, chẳng khác nào cho rằng có thể chứa được toàn thể không khí trong một cái túi, để rồi kết luận ngoài cái túi đó không còn chỗ nào khác có thể có không khí nữa.

Thiên Chúa là hữu thể phong phú vô hạn, nên những gì có thể nói về Thiên Chúa cũng vô hạn, còn mặc khải của Đức Kitô về Thiên Chúa thì rõ ràng là hữu hạn. Cái hữu hạn làm sao có thể lấp đầy cái vô hạn? Vì thế, vẫn phải có chỗ đứng cho các tôn giáo khác trong việc giãi bày chân lý về Thiên Chúa. Vả lại, cho dẫu chỉ có mình là chân lý đi nữa, Giáo Hội cũng không bao giờ nên mong muốn rằng chỉ có mình là chân lý mà thôi. Ước mong chỉ có mình là chân lý, và mong rằng ngoài mình ra không còn đâu có chân lý nữa, thử hỏi điều đó xuất phát từ tình yêu thương và lòng khiêm nhượng hay từ lòng ích kỷ và sự kiêu hãnh?



Giai đoạn 4: Đức Kitô cùng với các tôn giáo

Giai đoạn này đang được manh nha trong Giáo Hội với một số thần học gia đưa ra một số quan điểm mới đang còn được tranh luận, chưa được Giáo Hội chính thức nhìn nhận. Do đó, việc Giáo Hội nhìn nhận những luận điểm này có thể xảy ra trong tương lai mà cũng có thể không. Dẫu sao những quan điểm này – cũng như bất kỳ quan điểm thần học mới nào – cần phải được thử thách trong thời gian (như đã trình bày ở trang 234, §4). Sau khi được thử thách trong thời gian, nếu lập trường này đứng vững thì hy vọng sẽ được Giáo Hội chính thức chấp nhận.

Chúng ta thử tìm hiểu suy tư của các nhà thần học chủ trương quan điểm này trong chương 3 (xin dành riêng một chương cho quan điểm này).


Nguyễn Chính Kết


_____________________


Chú thích:

(*1) «Bị kết án» – có nghĩa trái ngược với «được cứu độ» ở vế trên – nghĩa là không được cứu độ, bị luận phạt.

(*2) «Sinh ra bởi nước và Thần Khí» được Giáo Hội hiểu là chịu phép rửa tội trong Giáo Hội. 

(*3) Điển hình là trường hợp của Mahatma Gandhi (xem lại cước chú ở trang 61, §1.

(*4) Chẳng hạn, trường hợp của Ramakrishna, một đạo sĩ Ấn giáo, là thầy của Vivekananda. Vivekananda kể về Ramakrishna: «Tôi lẻn đến gần người và hỏi người câu mà cả đời tôi thường hỏi kẻ khác: "Thưa ông, ông có tin Thượng Đế không" - "Có", người trả lời. - "Vậy ông có thể chứng minh việc ấy được không?" - "Được". - "Bằng cách nào?", - "Vì tôi thấy Thượng Đế như tôi thấy anh bây giờ, chỉ có điều là một cách mãnh liệt hơn nhiều". Câu trả lời này làm tôi cảm phục ngay. Đây là lần thứ nhất tôi gặp một người dám nói rằng mình đã thấy Thượng Đế, rằng tôn giáo là một sự thực mà ta có thể cảm biết và giác xúc một cách vô cùng cường liệt hơn là ta có thể cảm giác vạn vật» (JOHN YALE, Tôn giáo là gì? Bản dịch của Vương gia Hớn, An Tiêm xb, SàiGòn 1970, trang 21-22). Xem thêm ANTHONY DE MELLO (s. j. ), Contact with God, Loyola University Press, Chicago 1991, trang 37-38. 

(*5) D. S. AMALORPAVADASS, bài «Các truyền thống tôn giáo, phát triển và giải phóng» trong Théologies du Tiers Monde (Các Thần học của Thế giới Thứ Ba), Paris, L’Harmattan,1977, trang 213. 

(*6) D. S. AMALORPAVADASS, bài «Các truyền thống tôn giáo, phát triển và giải phóng» trong Théologies du Tiers Monde (Các Thần học của Thế giới Thứ Ba), Paris, L’Harmattan,1977, trang 213.

(*7) Chẳng hạn Karl Rahner (1904-1984) qua bài «Les chrétiens anonymes», Écrits Théologiques (Paris, Desclée de Brower,1963), vol. IV., pp.545-554. Xem thêm Bernard SESBO. «Karl Rahner et les “chrtiens anonymes”», 1984, pp.521-535. 

(*8) I. HIRUDAYAN, Christian Attitudes to World Religions. Chủng viện Delhi, tháng 9.1973, trang 2. (*9) P. KNITTER, bài của ông trong Consilium số 203,1986, trang 132.




Đọc tiếp:





No comments:

Post a Comment