Monday, May 22, 2017

DTTGII-Chuong5-Lẫn lộn giữa chân lý và định thức của chân lý




ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần II 

Chương 5

Lẫn lộn giữa chân lý
và định thức của chân lý



Một chân lý mà nhiều định thức

Một trở ngại lớn cho những cuộc đối thoại tôn giáo là sự lẫn lộn giữa chân lý và những định thức (formulations) của chân lý. Chân Lý Tối Hậu chỉ có một, bất biến, vĩnh cửu, nhưng lại rất sống động và đa diện. Vì thế, mỗi người hay mỗi tôn giáo có thể tiếp cận Chân Lý ấy một cách khác nhau, vì mỗi người hay mỗi tôn giáo có thể đứng từ những vị thế khác nhau để nhìn về Chân Lý duy nhất ấy.

Trong đời sống thường ngày, trước một hoàn cảnh, một biến cố, người ta có thể có cùng một ý tưởng, một tâm tình như nhau, nhưng khi diễn tả ý tưởng hay tâm tình ấy thành lời thì mỗi người diễn tả mỗi khác: thi sĩ diễn tả khác với nhạc sĩ hay họa sĩ, người trí thức khác với người bình dân, người Tây phương khác với người Đông phương. Cũng vậy, cho dẫu người ta có cùng một cách nhìn như nhau về Chân Lý, thì mỗi người, mỗi dân tộc hay mỗi tôn giáo có thể diễn tả về Chân Lý duy nhất đó cách khác nhau tùy theo văn hóa, môi sinh, vũ trụ quan, nhân sinh quan, nhận thức luận… khác nhau của họ.


Xin đưa ra một vài minh họa để vấn đề trở nên dễ hiểu:

a) Có ba người nọ cùng vào một căn nhà. Nhưng khi nói về căn nhà, thì ba người nói 3 kiểu khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau: Ông A nói: «Đó là căn nhà 1 tầng»; chị B nói: «Đó là căn nhà 2 tầng»; anh C nói: «Đó là căn nhà 3 tầng». Ai nghe 3 người này thì cũng thường kết luận: hoặc là 3 người đó đã vào 3 căn nhà khác nhau, hoặc là họ cùng vào một căn nhà, nhưng có ít nhất hai người đã không nói sự thật. 

Ít người nghĩ tới một khả thể thứ ba: cả ba đều vào cùng một căn nhà, và cả ba đều nói sự thật, không ai có ý gian trá cả. Sở dĩ 3 người nói khác nhau vì họ đã quan niệm cách khác nhau về căn nhà, nên mô tả khác nhau. Thực ra, căn nhà đó có một tầng trệt, một lầu, và một sân thượng.

– Ông A theo quan niệm của người Tây phương, không coi tầng trệt và sân thượng là một tầng, nên ông nói nhà một tầng là rất đúng.

– Chị B theo quan niệm cũ của người Việt, coi tầng trệt và lầu đều là tầng, nên chị nói nhà hai tầng cũng rất đúng.

– Anh C ở nhà quê lên, anh cứ đếm từ dưới lên trên thấy có 3 tầng chồng lên nhau với ba cái sàn khác nhau, nên anh nói nhà ba tầng cũng rất đúng.

Như thế, căn nhà duy nhất ấy đã được diễn tả hay định thức khác nhau do quan niệm khác nhau về căn nhà.

b) Hai người vào rừng gặp một cây ăn thịt người lần đầu tiên. Một người mô tả nó là một cái cây, vì anh thấy nó từ xa giống y hệt một cái cây: có gốc, có thân, có lá, không di chuyển đi đâu được. Người kia gọi nó là một con vật, vì khi vô ý đi gần cây ấy, anh bị các cành của nó quấn lấy anh và kéo về phía nó. Anh vội vàng dùng tất cả sức mạnh để thoát khỏi và chạy thật nhanh để thoát thân.

Như vậy, đối với cùng một vật như cái cây ăn thịt người kia, khi phân loại, người thì xếp nó vào loại này, người xếp vào loại kia, ai cũng có lý của mình. Từ đó, mỗi người lại xây dựng nhận thức về cái cây dựa trên cách xếp loại ấy. Thế là cùng một vật nhưng có thể được gọi tên, được xếp loại, được quan niệm và được diễn tả hay định thức cách khác nhau. Vật cụ thể trước mắt mà còn thế, lẽ nào một đối tượng siêu hình chẳng ai trông thấy như Thực Tại Tối Hậu lại không thể như thế? Quả thật tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy người ta cứ đòi hỏi những người quan niệm về sự vật hết sức khác biệt nhau lại phải có chung một định thức duy nhất về Thực Tại Tối Hậu, và cho rằng chỉ có một định thức là đúng mà thôi!

Vả lại, Lão Tử nói: «Đạo khả đạo phi thường đạo» (= Đạo mà có thể định thức rõ ràng được thì không phải là đạo thường hằng bất biến). Chân Lý phổ quát và bất biến vốn không lời, không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ của con người, vì ngôn ngữ của con người hết sức thô thiển và hạn hẹp đối với chân lý. Nhưng vì chân lý rất cần thiết cho con người, ai cũng có nhu cầu hiểu biết chân lý. Vì chân lý là sự sống của con người, nên con người có nhu cầu diễn tả chân lý bằng lời nói, để nắm bắt chân lý một phần nào đó hầu áp dụng vào cuộc sống.

Do đó, Chân Lý khi được diễn tả thành lời nói trong những điều kiện văn hóa và ý thức hệ khác nhau, thì các lời diễn tả ấy tất nhiên phải khác nhau, và không có cách diễn tả nào là chân lý thường hằng được. Cách diễn tả nào cũng chỉ là một định thức của chân lý thôi. Định thức đó phải biến đổi theo thời đại và theo văn hóa của từng dân tộc. Cố chấp cho rằng định thức của mình là chân lý bất biến thì không thể nào đối thoại tôn giáo cách cởi mở, đúng đắn và có kết quả được.


Định thức khác nhau, nhưng chỉ diễn tả một chân lý

Minh họa 1: Các mã chữ khác nhau trong máy vi tính

Vấn đề định thức của chân lý có thể được minh họa bằng một thực tế khi sử dụng máy vi tính. Khi dùng mã VNI (VNI code) để nhập một văn bản tiếng Việt, thì muốn đọc văn bản ấy, phải hiển thị nó bằng một font VNI. Nếu đọc bằng một font của mã VPS, VISCII, VietNet, ThinArt hay TCVN…, ta thấy văn bản đó bị biến dạng một cách kỳ cục theo nhiều cách khác nhau, thậm chí không thể nào đọc được. Muốn đọc được bản văn ấy trong một font VPS hay font thuộc những mã chữ khác, phải biết «convert» (chuyển đổi) bản văn đó sang mã chữ ấy.

Thì ra mỗi mã chữ có một cách thức riêng khi tiếp nhận và hiển thị những ký hiệu đánh từ bàn phím. Nghĩa là cùng một loạt ký hiệu nhận được từ bàn phím, chẳng hạn cùng một bản văn, nhưng mỗi chương trình của mỗi mã chữ đều tiếp thu và hiển thị lên màn hình theo cách thức riêng của nó. Muốn đọc bản văn đó một cách trung thực, thì:

– khi nhập bản văn đó theo mã chữ nào, khi đọc cũng phải đọc nó theo mã chữ ấy;

– nếu muốn đọc bản văn đó trong một mã khác, thì phải «convert» bản văn đó từ mã chữ cũ sang mã chữ mới, nếu không, ta sẽ thấy bản văn bị biến dạng hoặc không đọc được.


Minh họa 2: Các hệ ghi và phát hình video

Minh họa sau đây cho thấy rõ sự hình thành đa dạng của việc định thức sự vật qua hình ảnh chuyển động. Trước đây, khi sử dụng băng video, người ta phải quan tâm đến hệ của mỗi cuốn băng để dùng đầu máy cho thích hợp thì hình mới hiện ra trung thực. Có 3 hệ chính:

– NTSC (National Television Standards Committee): được dùng ở Bắc Mỹ và Nhật.

– PAL (Phase Alternating Line): được dùng ở đa số các nước trên thế giới.

– SECAM (Sequential Color Memory): được dùng ở Pháp, Hy Lạp, Đông Âu, Nga, Phi châu.

Cả ba hệ đều chung một mục đích là ghi lại hình ảnh chuyển động và âm thanh của một diễn biến nào đó đang xẩy ra. Nhưng vì các máy ghi (recorder) được sáng chế độc lập với nhau ở những nơi khác nhau, nên các nhà sáng chế đã dùng những nguyên tắc kỹ thuật khác nhau. Vì thế, cùng một cảnh nhưng máy hệ này ghi kiểu này, máy hệ kia ghi kiểu khác. Nhưng khi phát hình thì tất cả đều ra hình giống nhau. Tuy nhiên, nếu dùng băng (videotape) của hệ này cho máy của hệ kia thì hình ảnh phát ra bị méo mó, biến dạng. – Nếu ở ba nơi khác nhau và độc lập nhau, mà cả ba đều tự nhiên sáng chế giống y hệt nhau, thì quả là một sự ngẫu nhiên lạ thường khó có thể tin được, và có thể được coi là một phép lạ.

Cũng thế, khi nhìn và diễn tả cùng một đối tượng duy nhất là Thực Tại Tối Hậu một cách độc lập nhau trong những điều kiện văn hóa khác nhau, ắt nhiên các cách nhìn và diễn tả phải khác nhau, không thể khác được! Định thức được thành hình trong nền văn hóa A thì chỉ những người chịu ảnh hưởng của nền văn hóa A mới hiểu được cách trung thực và cảm thấy mọi sự đều hợp lý, tự nhiên. Nhưng nếu định thức ấy được đưa cho người chịu ảnh hưởng của nền văn hóa B, người này sẽ hiểu định thức ấy một cách méo mó và thấy có nhiều điều phi lý không sao hiểu nổi. Muốn hiểu được một cách trung thực, người này cần phải biết tự «chuyển hệ văn hóa» cho phù hợp.

Về sau, khi ba hệ video ấy được phổ biến đại trà khắp thế giới, người ta chế ra những đầu máy đa hệ để có thể dùng với các băng video thuộc bất kỳ hệ nào mà hình ảnh phát ra đều trung thực như nhau. Cũng vậy, những người thuộc loại «đa hệ văn hóa», quen thuộc và am hiểu các nền văn hóa, họ sẽ dễ dàng hiểu đúng những định thức khác nhau về cùng một đối tượng là Thực Tại Tối Hậu trong các nền văn hóa khác nhau, và thấy những cách định thức ấy rất hợp lý và tự nhiên. Kết quả tốt đẹp nhất của những cuộc đối thoại tôn giáo là làm cho các thành viên trở thành những con người «đa hệ» như thế.

Những minh họa trên giúp ta hiểu sự khác biệt giữa thực tế và định thức của thực tế (tức cách diễn tả thực tế ấy). Thực tế chỉ có một, nhưng định thức của nó thì có rất nhiều, mỗi định thức được thành hình theo một chương trình hay cách thức riêng biệt. Dùng cách định thức này để tìm hiểu những gì được định thức theo một cách khác thì không thể hiểu cách trung thực được.

Cũng vậy, cùng một chân lý duy nhất, nhưng khi nhập thể vào nền văn hóa này, chân lý đó sẽ được diễn tả thành tôn giáo này, và khi nhập thể vào một nền văn hóa khác, chân lý đó sẽ được diễn tả thành một tôn giáo khác để thích ứng với những điều kiện cá biệt của nền văn hóa ấy. Nếu ta dùng não trạng được định hình trong tôn giáo này để xét một tôn giáo khác, ta không thể nhận ra chân lý được định thức trong tôn giáo ấy. Đó chính là một ngăn trở rất lớn cho những người trong tôn giáo này muốn tìm hiểu các tôn giáo khác. Và điều này giải thích tình trạng người trong tôn giáo này không thể hiểu và chấp nhận nổi những điều được chủ trương trong một tôn giáo khác, thậm chí còn thấy những điều ấy là phi lý nữa.

Minh họa 3: «Ông nói gà, bà hiểu vịt»

Dùng não trạng hay hệ thống tư tưởng này để hiểu những ngôn từ thuộc não trạng hay hệ thống tư tưởng kia là điều thật nguy hiểm. Có thể dễ dàng xảy ra tình trạng «ông nói gà, bà hiểu vịt». Ta có thể nêu ra một vài thí dụ điển hình:

– Các tín đồ Phật giáo Sri Lanca (Tích Lan) đã từng cực lực phản đối Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vì đã tuyên bố «Phật giáo là một hệ thống “vô thần”» (*1). Vấn đề hoàn toàn do hiểu lầm. Từ «vô thần» mà Đức Gioan Phaolô II dùng có nghĩa là không tin có Thần (viết hoa) tức Thiên Chúa; với nghĩa này thì ngài hoàn toàn đúng. Nhưng người Tích Lan lại hiểu «vô thần» là không tin có thần (viết thường), tức không tin những thực tại thần linh, siêu việt; nếu hiểu theo nghĩa này thì rõ ràng là ngài sai.

– Đức Phật nói: «Đời là bể khổ» và khổ đến nỗi «nước mắt của chúng sinh bao nhiêu thế hệ cộng lại còn nhiều hơn nước sông Hằng». Những câu như vậy khiến Đức Gioan Phaolô II hiểu rằng «Phật giáo xác tín rằng thế gian này là xấu, là nguồn phát sinh bất hạnh và đau khổ cho con người» (*2), và cho rằng Phật có cái nhìn rất bi quan về thế giới. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Theo Phật, đời đầy khổ đau là do con người nhìn một cách sai lầm (vô minh) về thế giới này. Khi giác ngộ, không còn vô minh nữa, thì lại thấy chính thế giới này là Quốc Độ Phật, hay cõi Phật, đầy trang nghiêm thanh tịnh (*3).


Phải vượt lên trên các định thức để nhận ra Chân Lý

Chính vì thế, các thánh nhân ở Đông phương chủ trương «ý tại ngôn ngoại» (= ý muốn nói ra thì ở ngoài lời nói). Do đó, muốn hiểu được ý thì phải vượt khỏi lời nói, nghĩa là không chấp từ ngữ. Trang tử chủ trương: «Được cá hãy quên nơm, được thỏ quên dò, được ý quên lời». Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma (Ông tổ của Thiền Tông Trung Hoa) chủ trương: nói chân lý thì phải «Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm» (= Truyền đạo riêng ngoài giáo lý kinh kệ, nghĩa là không dùng văn tự để nói chân lý, mà chỉ thẳng chân lý ngay nơi tâm con người).

Phật nói: «Đừng lầm ngón tay chỉ mặt trăng với mặt trăng». Ngón tay là phương tiện để chỉ mặt trăng. Chỉ có một mặt trăng thôi, nhưng cách chỉ mỗi lúc mỗi khác và mỗi nơi mỗi khác. Khi mặt trăng còn ở chân trời thì ngón tay chỉ ngang, khi mặt trăng lên đến đỉnh đầu thì phải chỉ thẳng lên. Cùng một lúc mà ở Việt Nam thì ngón tay chỉ mặt trăng phải thẳng lên, nhưng ở một nước khác ngón tay lại phải chỉ ngang. Chỉ ngang hay chỉ thẳng là tùy lúc tùy nơi, không phải là do mặt trăng thay đổi mà do vị trí của ngón tay so với mặt trăng thay đổi. Muốn thấy được mặt trăng thì phải nhìn vào ngón tay, nhưng sau đó lại phải rời mắt khỏi ngón tay. Không nhìn vào ngón tay thì không biết mặt trăng ở hướng nào mà tìm. Nhưng không rời mắt khỏi ngón tay thì chỉ thấy ngón tay chứ không bao giờ thấy được mặt trăng.

Cũng vậy, những định thức của chân lý không phải là chân lý. Muốn thấy chân lý, phải nghe và suy nghĩ về những định thức ấy, nhưng đồng thời phải dùng trí tuệ để vượt khỏi những định thức ấy. Chấp định thức của chân lý là chân lý thì chẳng khác nào chấp ngón tay chỉ mặt trăng là mặt trăng vậy.

Chỉ những ai biết vượt lên trên những định thức mới nhận ra những định thức rất khác biệt nhau ấy chỉ nhằm diễn tả một chân lý duy nhất. Cũng như chỉ những ai không chấp vào những vị thế khác nhau của ngón tay, mới thấy tất cả những vị thế đó đều chỉ hướng về một mặt trăng duy nhất. Như vậy, các tôn giáo khác nhau có thể chỉ là những cách diễn tả khác nhau của cùng một chân lý duy nhất.

Một người đang ở trong nền văn hóa này, với não trạng này, mà lại nghe chân lý được diễn tả trong một nền văn hóa khác, với não trạng khác, thì người đó khó mà nhận ra chân lý đang được diễn tả và chân lý đã được diễn tả theo cách của mình, chỉ là một chân lý duy nhất! Cũng tương tự như thế, trên đài phát thanh, một bản tin sau khi được trình bày bằng tiếng bản xứ cũng được trình bày bằng nhiều thứ tiếng khác nữa, và được thay đổi sao cho thích hợp với đối tượng nghe. Nếu không hiểu được những ngôn ngữ khác, làm sao người bản xứ biết rằng những bản tin bằng những ngôn ngữ xa lạ kia cũng chỉ là một với bản tin phát ra bằng ngôn ngữ của mình?

Điều đó cũng tương đối dễ hiểu khi ta so sánh chân lý với dòng điện, và các nền văn hóa với những dụng cụ điện. Khi đi vào những dụng cụ điện khác nhau, dòng điện duy nhất sẽ được thể hiện ra thành viên nhiều hiện tượng khác nhau. Vào bóng đèn, dòng điện được thể hiện thành ánh sáng; vào bếp điện, dòng điện thành hơi nóng; vào tủ lạnh, dòng điện thành hơi lạnh; vào quạt điện, dòng điện thành gió mát; vào tivi, dòng điện thành hình ảnh; vào máy vi tính, dòng điện thành những tập tin đủ dạng đủ kiểu… Khi vào các loại bóng đèn khác nhau, dòng điện lại biến thành những loại ánh sáng khác nhau, cường độ sáng khác nhau. Cũng tương tự như vậy đối với những dụng cụ điện khác. Nhưng đang bị cúp điện mà ta thấy quạt quay, hoặc thấy đèn sáng lên, hay thấy bếp nóng lên…, ta biết ngay là lại có điện, bất chấp cách thể hiện của dòng điện khác nhau, thậm chí ngược hẳn nhau nữa. Như bếp điện và tủ lạnh, một cái nóng một cái lạnh, nhưng ai dám nói lạnh và nóng nhất thiết phải do hai dòng điện khác nhau? Lúc đó, ta đâu có chấp rằng chỉ có quạt quay mới là có điện, còn bếp nóng thì không! Chỉ những người chưa biết nhiều về các hình thức biểu hiện khác nhau của dòng điện mới chấp như thế mà thôi!

Một minh họa khác để làm sáng tỏ điều này. Cùng một ý tưởng, tâm tình – chẳng hạn lòng hiếu thảo đối với cha mẹ – nhưng người Việt biểu hiện thành những hành động này, trong ngôn ngữ này, người Mỹ biểu hiện thành những hành động khác, trong một ngôn ngữ khác; người bình dân biểu hiện cách này, người trí thức biểu hiện cách khác; nhà toán học biểu lộ khác với một thi sĩ hay nhạc sĩ; họa sĩ theo trường phái lập thể sẽ diễn tả khác với họa sĩ theo trường phái tả chân… Nhưng dù cách diễn tả có khác nhau tới đâu, người hiểu biết và không chấp hình thức vẫn nhận ra cốt tủy của chúng chỉ là một ý tưởng hay tâm tình duy nhất là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ mình (*4).

Cùng một loại xoài, mà đem trồng ở phong thổ này thì trái lớn và ngọt, cây cao lớn, lá xum xuê, nhưng trồng ở phong thổ khác thì trái nhỏ và chua, cây lùn, ít lá. Không thể thấy hai trái xoài khác hẳn nhau mà kết luận chúng chắc chắn phải thuộc hai giống xoài khác nhau. Mọi sinh vật đều thích ứng với hoàn cảnh mà biến đổi. Con kỳ nhông khi ở dưới đất thì mang màu đất, khi ở giữa đám lá cây thì mang màu lá cây… trông khác nhau nhưng có thể cùng là một con.

Sự vật, sinh vật có nhiều cách biểu hiện khác nhau, thay đổi tùy theo môi trường sinh sống. Chẳng lẽ chân lý lại chỉ có một cách diễn tả duy nhất, bất chấp sự khác biệt về văn hóa, nề nếp tư tưởng, vũ trụ quan và nhân sinh quan của các dân tộc? Nếu thế thì chân lý đó chẳng mang tính «nhập thể» chút nào!

Tóm lại, các tôn giáo khác nhau rất có thể là những biểu hiện khác nhau, những cách diễn tả, những định thức khác nhau của cùng một chân lý duy nhất, để thích ứng với những tình huống khác nhau của từng nền văn hóa hay của từng dân tộc. Do đó, khi đối thoại tôn giáo, ta không nên quá chấp cứng vào những hình thức khác nhau bên ngoài, mà không thấy được sự nhất quán ở bên trong. Để diễn tả cái lý ấy, người Đông phương vẫn thường dùng câu: «Nhất bản tán vạn thù, vạn thù qui nhất bản». Nghĩa là: chỉ có một cái căn bản mà biểu hiện thành vô số những đặc thù khác nhau, nhưng tất cả những đặc thù khác nhau ấy cuối cùng chỉ do cái căn bản duy nhất kia làm nên. Điều đó thật là phù hợp với lý lẽ tự nhiên, mà nếu không bị lệch lạc do những thành kiến có sẵn, chúng ta rất dễ nhận ra.


Không một định thức nào tương ứng trọn vẹn với chân lý

Trong tất cả những định thức khác nhau ấy, định thức nào cũng là sự cố gắng diễn đạt chân lý theo khả năng suy tư hay cảm nghiệm về chân lý của một số người nào đó, nên không định thức nào có thể tự hào là tương ứng hoàn toàn với chân lý cả. Định thức này có ưu điểm là nói lên được một số khía cạnh này của chân lý, thì lại thiếu mất vô số khía cạnh khác mà định thức kia lại nói lên được.

Cũng tương tự như mỗi loài hoa chỉ diễn tả được một nét đẹp nào đó của thiên nhiên mà thiếu mất bao nhiêu nét đẹp khác được diễn tả nơi những loài hoa khác. Nhưng cho dẫu tất cả các loài hoa có hợp lại, thì tuy khả năng diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên tăng lên gấp bội, nhưng vẫn không sao diễn tả cho hết mọi nét đẹp của thiên nhiên được. Vì vẻ đẹp của thiên nhiên thật vô cùng vô tận, mà khả năng diễn tả của hoa, cho dẫu là tất cả các loài hoa hợp lại, cũng rất giới hạn. Cũng vậy, mọi bức tranh đều mô tả vẻ đẹp, nhưng không một bức tranh nào mô tả hết được vẻ đẹp, cho dẫu là tất cả các bức tranh trên thế giới này hợp lại. Vẻ đẹp thì vô cùng mà khả năng diễn tả thì có hạn, cho dẫu hằng hà sa số những cái hữu hạn cộng lại cũng không thể tương ứng với vô hạn. Chân lý cũng vô hạn như vậy.

Cũng vậy, tất cả mọi tôn giáo đều là những nỗ lực diễn tả chân lý, nhưng tôn giáo nào cũng chỉ diễn tả được một khía cạnh trong vô vàn khía cạnh của chân lý mà thôi. Tôn giáo nào tự hào mình nắm được trọn vẹn chân lý, có lẽ cũng hợm hĩnh như một họa sĩ tự hào bức tranh của mình diễn tả được trọn vẹn vẻ đẹp có được trong vũ trụ thiên nhiên. Tôn giáo nào quan niệm như thế, thì nguyên nhân chính là đã quan niệm chân lý một cách quá giới hạn, tương tự như con ếch coi trời chỉ bằng cái vung trên đầu nó, chứ không thể tưởng tượng được trời lại bao la vô cùng vô tận như loài người chúng ta vẫn thấy.

Những điều phải nói về Mầu Nhiệm Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Hậu thật là vô cùng. Điều đó cũng được Đức Phật biểu lộ qua câu chuyện sau: Một hôm Phật tổ cầm một nắm lá trong tay và hỏi các đệ tử: «Nắm lá trong tay Thầy so với lá cây trong rừng, số lá nào nhiều hơn?». Các đệ tử trả lời: «Lá trong rừng nhiều hơn hằng hà sa số lần». Phật nói: «Cũng vậy, những điều ta dạy các con so với những điều ta biết cũng như nắm lá trong ta so với số lá trong rừng vậy»… Chính Đức Phật đã nói như vậy, thế mà rất nhiều Phật tử vẫn làm như trọn vẹn chân lý đều được gói gọn trong Phật giáo cả. Các tín đồ tôn giáo khác rất nhiều người cũng có những ý nghĩ tương tự đối với tôn giáo của mình.

Do đó, khi đối thoại tôn giáo, mọi thành viên đối thoại nên dẹp bỏ tất cả mọi ảo tưởng tự tôn về tôn giáo của mình để nhận ra giới hạn rất hạn hẹp của nó. Có thái độ khiêm nhượng như thế, các thành viên đối thoại mới thấy cần lẫn nhau để khám phá thêm những khía cạnh khác của chân lý, của mầu nhiệm Thiên Chúa còn thiếu xót trong tôn giáo mình.

Nguyễn Chính Kết


_____________________


Chú thích:

(*1) GIOAN PHAOLÔ II, Entrez dans l’Espérance (Bước vào Hy Vọng), Plon-Mame,1994, chương 14, đoạn 4. 

(*2) Như cước chú trên, chương 14, đoạn 6. 

(*3) Nên xem thêm bài «Đức Gioan-Phaolô II với quan niệm của ngài về Phật giáo» của NGUYỄN CHÍNH KẾT, trong Ngôn Sứ Thời Đại Mới, Sàigòn 2001. 

(*4) Tại Á Đông, khi cha mẹ đã lớn tuổi muốn lên một bậc thang hay một ngọn đồi, con cái tỏ lòng hiếu thảo bằng cách dìu các ngài đi cho đỡ mệt. Nhưng tại Âu Mỹ, con cái tỏ lòng hiếu thảo bằng cách để các ngài tự làm lấy việc ấy. Vì giúp đỡ các ngài như thế là tỏ ra xem thường các ngài, khiến người ngoài có ấn tượng rằng các ngài già nua, yếu đuối. 

Khi chụp hình 3 người, người Việt nhường vị trí ở giữa cho người lớn tuổi để tỏ lòng cung kính. Nhưng người Nhật cho rằng vị trí ở giữa là vị trí dành cho người thấp kém nhất, vì là vị thế bất lợi nhất do bị “kẹp chặt” bởi hai người đứng bên (xem TRẦN NHIÊN – TÔ THẦN, Đạo Làm Người, Nhà Xb Thanh Niên, TP. HCM 2001, trang 45-46).


Đọc tiếp:





No comments:

Post a Comment