ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO
Phần III
Chương 4
Việc diễn tả Thực Tại Tự Hữu
hay Thực Tại Tối Hậu trong các tôn giáo
Thực Tại Tối Hậu
a) Cốt tủy chung của mọi tôn giáo
Ta tạm gọi là «Thực Tại Tối Hậu», để phân biệt với những thực tại sinh diệt, biến đổi khác. Sở dĩ phải nói là «tạm gọi», vì không biết phải gọi thực tại ấy bằng tên gì cho đúng, và cho trọn vẹn, đồng thời cho tất cả mọi người, mọi tôn giáo đều chấp nhận được. Những tên mà người ta đã từng dùng thường chỉ nói lên được một mặt hay một tính chất nào đó của thực tại ấy, và chỉ được dùng trong một hay một số tôn giáo mà thôi.
Ngay như từ ngữ «Thực Tại Tối Hậu» cũng không thích hợp, vì thực tại ấy không phải chỉ là «tối hậu» (=sau cùng), mà còn là «tối tiên» (=trước hết) nữa. Nhưng ta tạm gọi thực tại ấy là «Tối Hậu» vì đó là thực tại cuối cùng nằm khuất đằng sau tất cả những thực tại hữu hình, đa tạp và biến đổi khác để làm nền tảng cho tất cả. Tuy thực tại nền tảng ấy có trước tất cả, sinh ra hoặc thể hiện thành tất cả, nhưng cũng tồn tại sau hết tất cả: tất cả những thực tại khác đều sinh ra rồi mất đi, chỉ thực tại duy nhất ấy tồn tại.
b) Được quan niệm cách khác nhau
● Là một hay là hai với vũ trụ
Thực Tại Tối Hậu ấy được các tôn giáo gọi bằng những tên khác nhau, và cũng được quan niệm một cách rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau tùy theo quan điểm triết lý nền tảng mà trên đó mỗi tôn giáo xây dựng giáo thuyết của mình.
Chẳng hạn, nơi các tôn giáo lấy triết lý «nhất nguyên phân cực» làm nền tảng, thì Thực Tại Tối Hậu ấy được quan niệm là một với vũ trụ, là bản thể của vũ trụ. Nhưng nơi các tôn giáo lấy triết lý «nhị nguyên» làm nền tảng, thì Thực Tại Tối Hậu ấy lại được quan niệm là hai với vũ trụ, đã tạo dựng vũ trụ từ hư vô.
Riêng Kitô giáo, quan niệm về Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Hậu không chỉ dựa trên triết lý nền tảng dùng để khai triển, mà còn dựa trên mạc khải trong Thánh Kinh. Thánh Kinh có những bài tường thuật về sáng tạo (như trong St 1–2), và dùng rất nhiều từ ngữ nói lên sự sáng tạo (chẳng hạn trong Cv 17,24; Dt 11,3, v. v…). Điều này rất phù hợp với quan điểm của triết lý nhị nguyên.
Tuy nhiên, người theo triết lý nhất nguyên có thể chú giải những đoạn Thánh Kinh thuật lại việc sáng tạo vũ trụ như những cách diễn tả bình dân với đầy hình ảnh cụ thể để thích hợp với trình độ văn hóa còn đơn sơ mộc mạc của dân Do Thái xưa. Chẳng hạn việc sáng tạo trong 7 ngày, việc lấy bùn đất nặn nên con người, lấy xương sườn người đàn ông để dựng nên người đàn bà, v.v… chỉ là cách diễn tả bằng hình ảnh cụ thể cho dễ hiểu sự hình thành của vũ trụ. Sự việc không thể xảy ra một cách cụ thể và hữu hình như vậy.
Mục đích của bài trình thuật là cho thấy Thiên Chúa là nền tảng phát sinh ra vũ trụ, hay vũ trụ này có nền tảng là Thiên Chúa. Chứ không nhất thiết xác định là Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ từ hư không mà không thể là tự mình biến hiện thành vũ trụ. Chúng ta cũng thấy những cách diễn tả sống động và cụ thể tương tự như thế nơi những huyền thoại trong kinh điển của các tôn giáo theo triết lý nhất nguyên. Và các nhà chú giải trong các tôn giáo nhất nguyên đã không hiểu theo nghĩa đen những cách diễn tả như vậy.
● Là hữu ngã hay vô ngã
Một số tôn giáo cho rằng Thực Tại Tối Hậu là vô ngã, tức không có ngôi vị, chẳng hạn Phật giáo và một số giáo phái của Ấn Độ giáo. Một số tôn giáo lại cho rằng Thực Tại Tối Hậu là hữu ngã, tức có ngôi vị, chẳng hạn Kitô giáo và một số giáo phái khác của Ấn Độ giáo.
Có hai lập trường ấy xuất phát từ hai quan niệm khác nhau về ngôi vị hay ngã vị.
– Quan niệm thứ nhất cho rằng ngôi vị hay ngã vị phát sinh từ một hữu thể có khả năng tự ý thức về chính mình. Nghĩa là nơi hữu thể ấy, khả năng tự ý thức có trước, và ngôi vị hay ngã vị là cái gì có sau phát sinh khi hữu thể ý thức ấy tự ý thức về chính mình. Vì thế, ngã vị không phải là cái gì thường hằng và quan trọng. Có thể nói ngã vị là sản phẩm của ý thức, một cách nào đó là ảo tưởng, không có thật (*1). Đây là quan niệm triết lý của Phật giáo và một số tôn giáo Đông phương. Từ đó, Phật giáo và những tôn giáo này quan niệm Thực Tại Tối Hậu là vô ngã.
– Quan niệm thứ hai cho rằng ngôi vị là chủ thể của một hữu thể cao cấp mà đặc tính là ý thức, tự ý thức, có tự do, tình cảm, làm chủ các hoạt động của mình. Theo quan niệm này, ngôi vị là bản chất hay là cái cốt tủy nhất của hữu thể ấy, còn ý thức và tự ý thức chỉ là một khả năng quan trọng của ngôi vị ấy thôi. Do đó ngôi vị là cái gì thường hằng, chủ chốt, bẩm sinh, không thể phân chia, có ngay từ đầu cùng một lượt với hữu thể; còn ý thức và tự ý thức là hoạt động có sau phát sinh từ ngôi vị. Đây là quan niệm của triết lý truyền thống Tây phương và của một vài tôn giáo Đông phương.
Với quan niệm này, Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo cho rằng Thực Tại Tối Hậu có ngôi vị (*2). Và ngôi vị là một đặc tính tối quan trọng của Thực Tại này.
Như vậy, một đằng cho rằng khả năng ý thức có trước và phát sinh ngôi vị, nên khả năng ý thức là có thực và thường hằng, còn ngôi vị là ảo tưởng. Một đằng cho rằng ngôi vị có trước và phát sinh ý thức, nên ngôi vị là có thực và thường hằng, còn ý thức là hoạt động chính yếu của ngôi vị.
Đối với các tôn giáo Đông phương, từ «vô ngã» áp dụng cho Thực Tại Tối Hậu chỉ là gượng dùng và tạm dùng, không nên hiểu là hoàn toàn không có «cái tôi» (*3). Về vấn đề này, Đức Phật nói: «Trong vô ngã có hữu ngã, và trong hữu ngã có vô ngã», hay «Thấy tất cả là vô ngã mà không thấy cái hữu ngã trong đó, không phải là Trung Đạo. Thấy tất cả là hữu ngã mà không thấy cái vô ngã trong đó, không phải là Trung Đạo. Mà đạo Phật là Trung Đạo». Thật vậy, theo quan niệm của các tôn giáo Đông phương, Thực Tại Tối Hậu là một thực tại siêu việt, bất khả tư nghị, thuộc bình diện bản thể, không thể dùng một từ ngữ chỉ bất kỳ một thuộc tính nào trong bình diện hiện tượng để gán cho Thực Tại Tối Hậu cả. Nói cách khác, không thể nói Thực Tại Tối Hậu là «hữu ngã» hay «vô ngã», vì cả hai đặc tính đó đều thuộc bình diện hiện tượng, không thể phù hợp được với bình diện bản thể.
Vì thế, nói Thực Tại Tối Hậu là «hữu ngã» hay «vô ngã» thì chỉ là nói một cách gượng ép, nên không thể hiểu hai từ đó hoàn toàn theo nghĩa vẫn thường dùng cho những sự vật trên bình diện hiện tượng được. Nghĩa là tính «hữu ngã» hay «có ngôi vị» của Thực Tại Tối Hậu không giống như tính «hữu ngã» hay «có ngôi vị» mà con người có kinh nghiệm ở nơi bản thân mình. Hoặc tính «vô ngã» của Thực Tại Tối Hậu không giống như tính «vô ngã» của loài thú, máy móc hay loài vô tri vô giác mà con người vẫn quan niệm. Nếu các tôn giáo chủ trương Thực Tại Tối Hậu là «hữu ngã» hay «có ngôi vị» mà cũng hiểu những từ ngữ đó chỉ là dùng một cách gượng ép, thì rất có thể hai loại tôn giáo ấy cũng nghĩ như nhau, nhưng lại dùng hai cách diễn tả trái nghịch nhau.
Theo các tôn giáo Đông phương, «cái tôi» ý thức được, hay «cái tôi» hiện tượng, đều là «giả ngã», vọng tưởng, do ý thức tạo nên. Minh họa sau giúp ta dễ hiểu điều ấy.
Ta có thể tưởng tượng khả năng biết, ý thức – là thuộc tính căn bản của Bản Thể Tuyệt Đối, được chia sẻ cho vạn vật – giống như nước trong một cái ly lớn. Giả sử đây là một thứ nước đặc biệt, có khả năng biết, suy tư, và tự ý thức về chính mình. Vì thế, khi chỉ ở trong một cái ly, nước đó sẽ ý thức chính mình, thấy mình hiện hữu, và cảm nghiệm mình là một «cái tôi». Lúc đó, mới chỉ có một ly nước, nên nước đó thấy chỉ có «cái tôi» của mình là duy nhất, không có một «cái tôi» nào khác. Đó là một «cái tôi» cô đơn. Khi được sẻ ra thành hai ly, lập tức, nước trong hai ly phân cách nhau và nước trong mỗi ly đều ý thức được «cái tôi» của mình. Khi hai cái ly gần nhau và có thể liên lạc được với nhau, lúc đó, chúng sẽ «nói chuyện» với nhau, sẽ xưng hô với nhau là «anh», «tôi». Lúc đó, bắt đầu có «nhĩ, ngã», có «anh» có «tôi», bắt đầu có ý thức về tha thể. Từ đó có sự phân biệt giữa ngã thể và tha thể, giữa mình và cái không phải là mình. Tương tự như vậy, khi nước được sẻ ra thành hàng trăm ngàn ly nhỏ khác nhau, chất nước trong mỗi ly nhỏ cũng sẽ tự ý thức về chính mình, và khi đó sẽ có hàng trăm ngàn «cái tôi» khác nhau.
Bây giờ, ta tưởng tượng theo chiều ngược lại, là tất cả các ly nước đã có lại được dồn trở lại thành một ly lớn, lúc đó, chỉ còn một «cái tôi» duy nhất mà thôi. Như thế, những «cái tôi» nhỏ kia biến đi đâu? Có sự mất mát chăng? Hoàn toàn không, không một giọt nước nào bị mất cả. Toàn bộ nước trong các ly nhỏ đều tồn tại trong ly lớn. Như thế, rõ ràng là tất cả mọi «cái tôi» phát sinh ra trước đây – mà bây giờ chỉ còn là một – đều là ảo tưởng. Không có «cái tôi» nào là thực có cả, mà chỉ có chất nước trong mỗi ly tự ý thức về chính mình làm nên những «cái tôi» ấy là thực có mà thôi. Vì mọi «cái tôi» đều không có thực, nên gọi là «vô ngã».
●
Những điểm khác biệt giữa các tôn giáo trong quan niệm về Thực Tại Tối Hậu dẫu sao cũng chỉ là những đặc tính phụ thuộc so với những đặc tính khác quan trọng hơn mà các tôn giáo đều đồng ý với nhau như đã kể trên. Tuy nhiên, sự khác biệt ở những đặc tính phụ thuộc này đã được đánh giá là hết sức quan trọng – sự quan trọng đặc biệt trong nội bộ mỗi tôn giáo – để có thể phân biệt lập trường giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Trong Kitô giáo, đặc tính tạo dựng vũ trụ và «hữu vị» (personnel) của Thiên Chúa được coi là hết sức quan trọng, nếu không nhìn nhận những đặc tính này thì còn là Kitô hữu nữa.
c) Kết hợp với Thực Tại Tối Hậu
Các tôn giáo trên căn bản đều có một cốt tủy chung là lấy Thực Tại Tối Hậu – dù được gọi tên hay được quan niệm khác nhau nơi mỗi tôn giáo – làm nền tảng cho đời sống tâm linh của mình. Nơi các tôn giáo nhất nguyên thì điều quan trọng là giác ngộ được mình và Thực Tại Tối Hậu ấy là một, và sống với ý thức giác ngộ ấy. Còn nơi các tôn giáo nhị nguyên thì điều quan trọng là kết hợp với Thực Tại Tối Hậu ấy, trở nên một với Thực Tại Tối Hậu ấy bằng tình yêu, đồng thời sống phù hợp với sự đòi hỏi của tình yêu ấy.
Nếu Thực Tại Tối Hậu và vũ trụ vạn vật là một như quan niệm nhất nguyên, thì việc kết hợp làm một với Thực Tại Tối Hậu sẽ là thực hiện chân lý mình giác ngộ được, hay trở về với chân lý; và đương nhiên đó là điều thực hiện được vì bản chất sự việc đã là như vậy. Nhưng nếu Thực Tại Tối Hậu và vũ trụ vạn vật là hai như theo quan niệm nhị nguyên, thì việc kết hợp nên một với Thực Tại Tối Hậu chỉ là thực hiện một ảo tưởng tâm lý, là một hành động đi ngược với chân lý. Vì Thực Tại Tối Hậu và ta vốn là hai hữu thể tách biệt, nên sự kết hợp chỉ có thể «có vẻ là một» chứ không thể là một được.
Nếu Thực Tại Tối Hậu và vũ trụ vạn vật là một, thì việc Thiên Chúa yêu tha thiết vũ trụ vạn vật là điều rất dễ hiểu, vì như thế là Ngài yêu chính bản thân mình. Nhưng nếu Ngài và vũ trụ vạn vật là hai, thì tình yêu tha thiết đó đúng là một mầu nhiệm không thể hiểu nổi, nó ngược hẳn lại với kinh nghiệm của con người. Không ai lại yêu thương một vật mình tạo ra một cách quá đáng đến nỗi phải quá mệt nhọc vì nó.
Trong các tôn giáo, đối tượng quan trọng phải giác ngộ là Thực Tại Tối Hậu. Vì thế, Thực Tại Tối Hậu là thực tại quan trọng nhất trong các tôn giáo. Do đó, người ta phải nói, phải diễn tả về Thực Tại Tối Hậu đó. Nhưng về việc diễn tả Thực Tại này, có hai khuynh hướng triết lý khác nhau:
– Khuynh hướng thứ nhất coi Thực Tại Tối Hậu là một thực tại siêu việt, siêu nghiệm, không thể nào diễn tả được bằng ngôn ngữ con người, nên coi tất cả mọi hình thức diễn tả đều là tương đối, gượng ép, tạm thời. Nếu có nói, thì vì nhu cầu phải nói nên mới tạm diễn tả ra mà thôi.
– Khuynh hướng thứ hai thì diễn tả Thực Tại Tối Hậu bằng thứ ngôn ngữ chính xác, rõ ràng, làm như Thực Tại Tối Hậu có thể diễn tả một cách dứt khoát như thế.
● Thực tại siêu nghiệm
Đây là khuynh hướng của người Đông phương. Thực Tại Tối Hậu là bản thể của vũ trụ, không nằm trên cùng một bình diện hiện hữu với những hiện tượng mà người ta có thể kinh nghiệm được. Vì thế, hiểu biết hay diễn tả về Thực Tại Tối Hậu là điều vượt khỏi khả năng của con người. Tuy nhiên, vì con người có nhu cầu tìm hiểu và diễn tả về Thực Tại ấy, nên con người đã từng tìm mọi cách để tìm hiểu và tạm diễn tả theo khả năng rất hạn chế của mình.
● Khả năng giới hạn của ngôn ngữ
Để tìm hiểu và diễn tả về Thực Tại Tối Hậu ấy, con người phải dùng ngôn ngữ, với những ý niệm hữu hạn phát xuất từ những kinh nghiệm hết sức nghèo nàn mà con người có được trong đời sống. Do đó, dẫu những ý niệm đó có rõ ràng đến đâu, phong phú đến đâu, thì nó không thể tương ứng với Thực Tại Tối Hậu được, vì thực tại ấy vượt xa tầm quan niệm và tư tưởng của con người.
Thật vậy, quan niệm và tư tưởng của con người phát sinh từ kinh nghiệm chỉ tương ứng với bình diện hiện tượng của vũ trụ. Mà những gì liên quan tới Thực Tại Tối Hậu thì đều nằm ngoài những kinh nghiệm của con người, vì Thực Tại này thuộc bình diện bản thể của vũ trụ. Nên ngôn ngữ con người không có những quan niệm hay ý tưởng tương ứng để diễn tả Thực Tại Tối Hậu ấy.
● Vài minh họa
Dùng ngôn ngữ con người để diễn tả về Thực Tại Tối Hậu thì cũng tương tự như dùng ngôn ngữ của một người ít học để mô tả những ý niệm triết học, toán học, khoa học kỹ thuật… là những ý niệm cao cấp mà chỉ có những bậc thông thái mới hiểu được. Ngôn ngữ của người bình dân không có đủ danh từ, ý niệm để diễn tả những thực tại ấy. Thật vậy, làm sao một vị tiến sĩ về toán học có thể diễn tả cho các học sinh tiểu học hiểu được những ý niệm toán học như tích phân, vi phân, số ảo, phương trình Pascal… ? Nếu có cố diễn tả thì cũng chỉ đưa ra được một ý niệm hết sức sơ sài dựa trên những ý niệm đơn sơ có sẵn vốn rất ít trong đầu óc chúng, nên có nguy cơ bị sai lệch ít nhiều.
Minh họa về những người mù bẩm sinh muốn hiểu về ánh sáng và màu sắc ở phần I, chương 2, §2, là một minh họa đặc sắc về khả năng vô cùng hạn chế để hiểu biết và diễn tả Thực Tại Tối Hậu.
● «Đạo khả đạo phi Thường Đạo»
Vì thế, Lão tử nói: «Đạo khả đạo phi Thường Đạo, Danh khả danh phi Thường Danh», nghĩa là Đạo mà ta có thể gọi được, không còn phải là Đạo «thường»; Danh mà ta có thể gọi được, không còn phải là Danh «thường» (LÃO TỬ, Đạo Đức Kinh, chương 1, câu 1). Nói cách khác, thực tại mà ta diễn tả được bằng ngôn ngữ ắt phải tương ứng với bình diện của ngôn ngữ, là bình diện hiện tượng, vốn thay đổi, hay «vô thường», do đó, không thể là thực tại nằm trên bình diện bản thể bất biến hay «thường» được. Vì thế, càng cố đóng khung Thực Tại Tối Hậu ấy vào trong những định thức diễn tả của ngôn ngữ, càng cố xác định rõ rệt về Thực Tại Tối Hậu ấy thì càng làm cho Thực Tại ấy bớt tính chất Tối Thượng, Siêu Việt đi. Nghĩa là một cách nào đó, đã hạ Thực Tại đó xuống bình diện hiện tượng của những thực tại hữu hạn, những thực tại có thể xác định bằng ngôn ngữ thấp kém của con người. Cũng như một thứ toán học mà một học sinh lớp 6 có thể hiểu được, ắt không phải là thứ toán học cao cấp được dạy ở đại học.
Minh họa về những người mù bẩm sinh muốn hiểu về ánh sáng và màu sắc ở phần I, chương 2, §2, là một minh họa đặc sắc về khả năng vô cùng hạn chế để hiểu biết và diễn tả Thực Tại Tối Hậu.
● «Đạo khả đạo phi Thường Đạo»
Vì thế, Lão tử nói: «Đạo khả đạo phi Thường Đạo, Danh khả danh phi Thường Danh», nghĩa là Đạo mà ta có thể gọi được, không còn phải là Đạo «thường»; Danh mà ta có thể gọi được, không còn phải là Danh «thường» (LÃO TỬ, Đạo Đức Kinh, chương 1, câu 1). Nói cách khác, thực tại mà ta diễn tả được bằng ngôn ngữ ắt phải tương ứng với bình diện của ngôn ngữ, là bình diện hiện tượng, vốn thay đổi, hay «vô thường», do đó, không thể là thực tại nằm trên bình diện bản thể bất biến hay «thường» được. Vì thế, càng cố đóng khung Thực Tại Tối Hậu ấy vào trong những định thức diễn tả của ngôn ngữ, càng cố xác định rõ rệt về Thực Tại Tối Hậu ấy thì càng làm cho Thực Tại ấy bớt tính chất Tối Thượng, Siêu Việt đi. Nghĩa là một cách nào đó, đã hạ Thực Tại đó xuống bình diện hiện tượng của những thực tại hữu hạn, những thực tại có thể xác định bằng ngôn ngữ thấp kém của con người. Cũng như một thứ toán học mà một học sinh lớp 6 có thể hiểu được, ắt không phải là thứ toán học cao cấp được dạy ở đại học.
Vì thế, theo Hồi giáo, Thực Tại Tối Hậu là Allah, là Thiên Chúa tuyệt đối duy nhất, không thể diễn tả được, nên Hồi giáo không có thần học. Do đó, mọi nỗ lực trình bày Allah bằng ý niệm hay hình ảnh cụ thể đều là vô đạo. Theo tôn giáo này, mọi hình thức tạc tượng, vẽ hình Thiên Chúa đều là vô đạo, dù là vẽ bằng vật chất hay bằng tư tưởng, ý niệm. Quan điểm này rất trùng hợp với quan điểm của các tôn giáo Đông phương, quan niệm Thực Tại Tối Hậu là hoàn toàn vô hình vô tướng, theo cả hai nghĩa vật chất cũng như tinh thần.
Tuy nhiên, nếu Thực Tại Tối Hậu ấy không được diễn tả thì con người không nắm bắt được gì về Thực Tại ấy. Do đó, vì nhu cầu phải hiểu biết về Thực Tại Tối Hậu, con người đành phải dùng ngôn ngữ rất bất lực của mình để diễn tả điều vốn không thể diễn tả được. Vì thế, tất cả mọi cách diễn tả Thực Tại Tối Hậu đều phải được coi là bất toàn, tạm thời, gượng ép, không có cách nào tương ứng với Thực Tại Tối Hậu cả.
Ngôn ngữ chỉ giống như ngón tay chỉ mặt trăng, nhờ theo hướng của ngón tay, người ta có thể thấy được mặt trăng. Chứ ngón tay không phải là mặt trăng. Muốn thấy được mặt trăng, người ta phải nhìn vào ngón tay, nhưng sau đó phải rời khỏi ngón tay và đưa ánh mắt đi theo phía ngón tay đã chỉ. Chỉ theo cách ấy mới thấy được mặt trăng. Rất nhiều người lầm ngón tay với mặt trăng, lầm ngôn ngữ hay cách diễn tả chân lý với chính chân lý.
Chân lý chỉ có một, nhưng cách diễn tả thì rất nhiều, tùy theo trình độ của người diễn tả và người nghe diễn tả. Chẳng hạn, quan niệm, sự hiểu biết và cách diễn tả về thế giới này của người thời nay khác với của con người cách đây 100 năm, và của người 100 năm về sau sẽ khác với người thời nay. Nó thay đổi tùy theo trình độ hiểu biết của con người. Quan niệm về Thực Tại Tối Hậu cũng sẽ thay đổi theo trình độ hiểu biết của con người. Cách diễn tả cũng còn tùy theo vị thế, góc độ nhìn của người diễn tả hay người nghe diễn tả đối với chân lý. Cùng một vấn đề duy nhất, nhưng người có học thấy và diễn tả khác với người vô học, bác sĩ khác với kỹ sư, nhà toán học khác với triết gia hay thần học gia. Tuy nhiên, không thể nói chỉ có một cái thấy là đúng, còn những cái khác là sai.
b) Khuynh hướng thứ hai
Đây là khuynh hướng của triết lý Tây phương. Khuynh hướng này thích mọi sự đều được quan niệm và diễn tả rõ ràng, mạch lạc, không chấp nhận sự mù mờ, khó hiểu. Vì thế, quan niệm về Thực Tại Tối Hậu hay Thiên Chúa cũng cần phải rõ ràng, tách bạch, để mọi người hiểu cho đúng và chính xác. Vẫn biết rằng Thiên Chúa thì siêu việt và siêu nghiệm, nên những từ ngữ của con người dùng để diễn tả những thực tại siêu việt và siêu nghiệm ấy cần phải được hiểu một cách suy loại (analogique), nghĩa là một phần nào theo nghĩa thường, nhưng một phần nào theo nghĩa khác. Chẳng hạn như cũng là từ ăn, nhưng chữ «ăn» trong ăn cơm và ăn tiền không hoàn toàn giống nhau. Từ «ăn» trong ăn cơm có nghĩa là cho vào miệng và nuốt vào bụng. Nhưng từ «ăn» trong ăn tiền, ăn hối lộ, có nghĩa là lấy của người khác cho vào túi mình để trở thành của mình. Cũng vậy, khi nói Thiên Chúa «tốt lành», thì sự tốt lành của Thiên Chúa có phần nào giống sự tốt lành của con người, nhưng phần khác không phải như sự tốt lành của con người.
Vả lại, chính Thiên Chúa đã tự mạc khải về mình cho con người qua Thánh Kinh. Người ta có thể dựa vào những mạc khải đó và dựa vào truyền thống của Giáo Hội để xác định một số điều, hay về những thực tại siêu việt hay siêu nghiệm khác được tỏ lộ trong Thánh Kinh. Dựa vào mạc khải và truyền thống, Giáo Hội xác định một cách chi tiết và rõ ràng về Thiên Chúa, chẳng hạn:
Vả lại, chính Thiên Chúa đã tự mạc khải về mình cho con người qua Thánh Kinh. Người ta có thể dựa vào những mạc khải đó và dựa vào truyền thống của Giáo Hội để xác định một số điều, hay về những thực tại siêu việt hay siêu nghiệm khác được tỏ lộ trong Thánh Kinh. Dựa vào mạc khải và truyền thống, Giáo Hội xác định một cách chi tiết và rõ ràng về Thiên Chúa, chẳng hạn:
• Xác định Thiên Chúa có ba ngôi vị, và Ba Vị bằng nhau, nhưng Ba Vị chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Ngôi vị (personne) – một ý niệm triết học của triết lý Tây phương – là một hữu thể tự hữu (nơi Thiên Chúa) hay được tạo dựng (nơi con người), bất khả phân chia, có thuộc tính căn bản là khả năng ý thức và tự ý thức. Thánh Kinh có nói đến ba ý niệm: Cha, Con, Thánh Thần. Ba ý niệm này đã trở thành ý niệm «Ba Ngôi» trong thần học truyền thống.
Có sự khác biệt về quan điểm giữa triết lý Đông và Tây trong vấn đề ngôi vị hay ngã vị. Theo quan điểm của các tôn giáo Đông phương, khả năng ý thức và tự ý thức của hữu thể phát sinh ra «cái tôi» hay ngã vị khi hữu thể đó tự ý thức về chính mình. Do đó, «cái tôi» là sản phẩm của khả năng tự ý thức: khả năng tự ý thức còn thì còn «cái tôi», khả năng ý thức mất thì «cái tôi» cũng mất, nên «cái tôi» ấy mang tính giả tạm (xem lại minh họa ở trang 196). Còn theo quan điểm của triết lý Tây phương thì «cái tôi» có trước do Thiên Chúa tạo dựng, và một trong những đặc tính căn bản của «cái tôi» là ý thức và tự ý thức về chính mình.
• Hay Giáo Hội Công Giáo xác định rằng Chúa Thánh Thần là do Chúa Cha và Chúa Con sinh ra, chứ không phải do Chúa Cha sinh ra qua Chúa Con như chủ trương của Chính Thống giáo.
Những gì Giáo Hội đã xác định về Thiên Chúa một cách chính thức qua các tín điều, ai tuyên bố (professer) khác đi hoặc ngược lại sẽ bị kết án (anathema sit), có thể bị vạ tuyệt thông hay bị trục xuất khỏi Giáo Hội.
Nguyễn Chính Kết
_____________________
Chú thích:
(*1) Để dễ hiểu, xin đọc minh họa về vấn đề này ở trang 196, §2.
(*2) Thực ra, Đức Giêsu chưa bao giờ xác định Thiên Chúa có «Ba Ngôi», mà chỉ rất nhiều lần nói về «Cha, Con và Thánh Thần». Cụm từ này đã được các nhà thần học Tây phương dựa trên triết lý Tây phương để «ngôi vị hóa» thành «Ba Ngôi». Và Giáo Hội đã dựa trên nền tảng mặc khải của Chúa Kitô và quan niệm về ngôi vị của triết lý Hy Lạp để tuyên bố tín điều Chúa Ba Ngôi như là một tín điều nền tảng nhất của Giáo Hội. Trong vấn đề này, ta nhận thấy: Câu nói của Đức Giêsu về «Cha, Con và Thánh Thần» là một cách diễn tả của Ngài về Thiên Chúa. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi là cách cắt nghĩa cách diễn tả ấy của Đức Giêsu theo quan điểm triết lý về ngôi vị của Hy Lạp. Điều này khiến cho những ai không chấp nhận ý nghĩa ngôi vị của triết lý Tây phương thì cũng khó chấp nhận được tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội, cho dù họ sẵn sàng tin vào mặc khải của Đức Giêsu về «Cha, Con và Thánh Thần».
(*3) Chủ trương «vô ngã» trong Phật giáo không phải là chủ trương không có «cái tôi», mà chỉ cho rằng «cái tôi» ấy là ảo tưởng, một ảo tưởng rất thường hằng trong một thời gian. Người giác ngộ nhận ra khả năng ý thức – hay «tánh biết», «phật tính» – có trong cái thân xác này đang tạo nên một «cái tôi» (là chính mình đây), nên họ rất ý thức tính ảo tưởng của «cái tôi». Nhờ đó, họ thấy được tính «vô ngã» ở nơi chính mình. Xin xem thêm minh họa về tính ảo tưởng của «cái tôi» ở trang 196, §2.
(*2) Thực ra, Đức Giêsu chưa bao giờ xác định Thiên Chúa có «Ba Ngôi», mà chỉ rất nhiều lần nói về «Cha, Con và Thánh Thần». Cụm từ này đã được các nhà thần học Tây phương dựa trên triết lý Tây phương để «ngôi vị hóa» thành «Ba Ngôi». Và Giáo Hội đã dựa trên nền tảng mặc khải của Chúa Kitô và quan niệm về ngôi vị của triết lý Hy Lạp để tuyên bố tín điều Chúa Ba Ngôi như là một tín điều nền tảng nhất của Giáo Hội. Trong vấn đề này, ta nhận thấy: Câu nói của Đức Giêsu về «Cha, Con và Thánh Thần» là một cách diễn tả của Ngài về Thiên Chúa. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi là cách cắt nghĩa cách diễn tả ấy của Đức Giêsu theo quan điểm triết lý về ngôi vị của Hy Lạp. Điều này khiến cho những ai không chấp nhận ý nghĩa ngôi vị của triết lý Tây phương thì cũng khó chấp nhận được tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội, cho dù họ sẵn sàng tin vào mặc khải của Đức Giêsu về «Cha, Con và Thánh Thần».
(*3) Chủ trương «vô ngã» trong Phật giáo không phải là chủ trương không có «cái tôi», mà chỉ cho rằng «cái tôi» ấy là ảo tưởng, một ảo tưởng rất thường hằng trong một thời gian. Người giác ngộ nhận ra khả năng ý thức – hay «tánh biết», «phật tính» – có trong cái thân xác này đang tạo nên một «cái tôi» (là chính mình đây), nên họ rất ý thức tính ảo tưởng của «cái tôi». Nhờ đó, họ thấy được tính «vô ngã» ở nơi chính mình. Xin xem thêm minh họa về tính ảo tưởng của «cái tôi» ở trang 196, §2.
Đọc tiếp:
No comments:
Post a Comment